CẦU NGUYỆN TAIZÉ 25.03.2010
Thập Giá – Tình Yêu – Cứu Độ
Trong bầu khí những ngày cuối cùng của mùa chay, để chuẩn bị bước vào tuần tam nhật Vượt Qua và đón mừng Chúa Phục Sinh. Vào lúc 6 giờ 30 tối thứ 5 ngày 25/03/2010 tại nguyện đường nhỏ Giáo xứ Đaminh – Ba Chuông, giờ cầu nguyện Taizé được diễn tiến thật trang nghiêm và sốt sắng. Với số người đến tham dự khá đông bao gồm các bạn sinh viên cùng cộng đoàn trong và ngoài Giáo xứ, đã quy tụ về đây để cùng nhau chiêm ngắm Đức Kitô qua Mầu Nhiệm Thập Giá – Tử Nạn – Phục Sinh. Đó cũng chính là MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỨU ĐỘ mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại.
Với tấm lòng đơn sơ phó thác và những Giọt nước mắt ăn năn, sám hối, rất nhiều những nỗi niềm tâm sự cùng những lời cầu xin tha thiết được thổ lộ và dâng lên cho Chúa:
Nói đến Thập Giá là chúng ta liên tưởng ngay đến một tình yêu cao quý. Thật vậy, tình yêu cao quý nào cũng đòi hỏi sự hy sinh và rướm máu. Chính giá máu đó là biểu tượng của một tình yêu trung thành và chân thật. Vì thế Thiên Chúa đã không chọn con đường nào khác để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta ngoài con đường đau khổ và tử nạn trên Thập Giá. Có thể thế gian cho rằng thập giá là sự điên rồ, là điều đáng sỉ nhục và khinh thị, là điều bản tính nhân loại ghê tởm và lý trí con người không thể chấp nhận. Thế nhưng đối với niềm tin của người Kitô hữu chúng ta thì đó lại là phương thế duy nhất đem lại ân sủng và giải phóng chúng ta thoát khỏi xích xiềng tội lỗi. Thế nên muốn theo Đức Kitô chúng ta phải chấp nhận mang lấy sự khinh bỉ và điên dại trước mặt thế gian, tức là phải chịu lấy thập giá. Vì chính Ngài cũng không khác gì: từng bị coi là mất trí, quá khích, phiến loạn, chịu vu khống, mỉa mai…
“Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã nói anh em xin thì sẽ được, tìm thì sẽ thấy, gõ cửa thì sẽ mở cho. Trong công việc của con có nhiều khó khăn dù rất là nhỏ nhặt nhưng bấy lâu nay con chưa tìm đến Chúa, vì nếu có Chúa thì mọi việc sẽ được hoàn tất và sẽ đỡ vất vả hơn. Con xin Chúa hãy luôn bên con, ban sức để con có thể vượt qua được khó khăn trong cuộc sống cũng như tìm đến Chúa là nguồn an bình cho tâm hồn con. Amen”
“Lạy Chúa, Chúng con xin tạ ơn vì những gì Chúa đã ban cho nhóm sinh viên nhịp bước Đaminh chúng con. Xin Chúa gìn giữ chúng con luôn hợp nhất trong tình yêu Chúa. Xin ban cho Cha linh hướng và các vị ân nhân của nhóm chúng con luôn dư đầy ân huệ Chúa, và ban cho các bạn sinh viên luôn cảm thấy nhóm chính là gia đình của mình trong lúc xa nhà. Amen”
“Chúa Biết không? Con và bạn con đang trong thời gian chuẩn bị thực tập, tối qua bạn con đã khóc rất nhiều, Con cầu xin Chúa cho con và bạn con luôn được dũng cảm, sức mạnh, tự tin và ý trí kiên cường để tiến bước cho tương lai. Xin Chúa giúp chúng con. Con tạ ơn Chúa”
“Chúa ơi Chúa đã phán bây hảy xin thì bây sẽ đươc, vậy con có đều nầy xin chúa ban cho con nhe: “Con cầu xin Chúa ban ơn lành cho mẹ con khoi bệnh, mẹ con đã bệnh gần 3 năm rồi chúng con rất buồn và lo cho mẹ. Con xin dâng linh hồn và thân xác mẹ con cho Chúa xin Chúa gìn giữ mẹ con và ban bình an cho mẹ” con thật lòng cám ơn Chúa” (Thanh phượng gửi từ Kiên Giang)
Là những người tin theo Chúa, chúng ta cần xác tín rằng : sự điên dại đối với thế gian chính là sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Đúng vậy, thế gian tự cho mình là khôn khéo, thục ra thế gian đang điên dại và không hiểu được cái khôn của Chúa. Còn đối với chúng ta, một khi đã hiểu rõ điều đó chúng ta càng phải hãnh diện vì được theo chân một Đấng chịu đóng đinh.
Đúng thế, Đấng Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá đã mang lại cho chúng ta ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm đau khổ. Cũng từ đó, đau khổ không còn là một hình phạt rùng rợn cho chúng ta mà là một phương tiện để tôi luyện chúng ta và giúp chúng ta trưởng thành hơn trong cuộc sống, đồng thời để nhắc nhở chúng ta luôn biết hướng về quê hương đích thực của chúng ta là Nước Trời, nơi đó sẽ không còn khổ đau và nước mắt nữa.
Mặt khác Thiên Chúa cũng muốn chúng ta dùng chính con đường đau khổ để đáp lại tình yêu của Ngài cũng như để biểu lộ tình yêu giữa con người với nhau. Vì chỉ trong đau khổ, chúng ta mới có thể hiểu được thế nào là một tình yêu chân thực và cao cả. Cũng chỉ trong đau khổ, chúng ta mới nhận ra đâu là thân phận thực sự yếu hèn của mình và nhu cầu thiết yếu cần đến tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là lý do vì sao Chúa vẫn còn để chúng ta gặp phải những gian lao và thử thách.
“Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và vì chúng ta đã tự nộp mình làm hiến lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2). Đức Kitô chịu đóng đinh là cách thể hiện tình yêu tuyệt hảo của Ngôi Hai Thiên Chúa vì “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta : “Anh em đã được chuộc lại bằng một giá rất đắt là chính bửu huyết của Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,7).
Vâng, Đức Kitô đã đến trần gian và đã chết cho chúng ta, vậy qua những gì được chiêm ngắm và suy gẫm về cái chết của Chúa, bây giờ đến lượt chúng ta hãy học chết đi cho chính Ngài. Bằng cái chết mỗi ngày cho chính mình, chúng ta sẽ hiểu được sự cao đẹp của mầu nhiệm thập giá. Và chỉ khi nào chúng ta dám chết đi cho tình yêu, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được ý nghĩa cao sâu của THẬP GIÁ – MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CƯU ĐỘ.