Giêsu Có Thật Không ?

 

Giêsu Có Thật Không ?

Bs. Jos.Trần Minh Trinh

Giêsu Có Thật Không ?Thuở bé, cha mẹ tôi tốt lành muốn cho con mình có đạo. Mới có mấy chục ngày tuổi, tôi đã được đưa tới nhà thờ để linh mục ‘rửa tội’ ! Thế là tôi được gọi là người có đạo. Tôi lớn lên trong khung cảnh nhà đạo, học theo kiểu nhà đạo, lúc nào cũng được dạy đọc kinh cầu nguyện, gặp cái gì ghê sợ hay bị đau là kêu lên ‘Giêsu Ma…’!

Chúa chắc là thiêng liêng lắm nên ‘thấy mà xem chẳng thấy’. Bởi thế tôi chưa thấy Chúa bao giờ cả, chỉ nghe mấy người lớn nói…tôi hỏi họ thấy Chúa làm sao, họ cũng chẳng biết luôn! Tuy nhiên, những giáo huấn nhà đạo cũng thấm vào tôi sâu lắm hay sao mà tôi cũng biết sợ làm điều quấy sẽ bị ‘Chúa phạt’, đi lễ mà ngủ gật hay nói chuyện với thằng bạn cũng phải xét mình đi xưng tội. Có ngày nào thèm ăn kẹo, thấy có mấy đồng mẹ để trong hộc tủ, len lén lấy trộm đi ra hàng thưởng thức tí hương vị ngọt ngào, nhưng tối về thấy mẹ lục lọi tìm kiếm rồi la toáng lên đứa nào ăn trộm tiền của mẹ…tự nhiên thấy trong miệng mình đăng đắng!

Dù sao thì cái bổn phận ‘ăn ngay ở lành’ cũng giúp mình đỡ bị ăn đòn vì cái tội quậy phá hàng xóm.

Ngôi trường xã hội đã cung cấp quá nhiều thông tin và những ‘tư duy’ làm chao đảo những điều nằm lòng của tôi về nhà đạo. Cái tên Giêsu thánh thiêng với chiều dài lịch sử ngàn năm bỗng loà đi với những điều mà tôi học được trong trường học trần thế. Những ý kiến, những triết thuyết, luận điệu nghe thật xuôi tai hợp thời, nên tự nhiên sự lung lạc đổ dồn vào cái điều mà tôi đã tin từ trước tới giờ!

Mà chẳng phải chỉ mình tôi, đa số các bạn trẻ thời nay cũng thành lốc cốc mù luôn khi nghe ông thầy nói con người bởi khỉ  tiến hoá mà thành, tôn giáo chỉ là trò mỵ dân của mấy tay đế quốc để thống trị dân nghèo, và rồi những tác phẩm văn học, phim ảnh không cùng quan điểm với Công giáo được tung ra khắp nơi trên mạng Internet, trong giảng đường hay la liệt nơi các nhà sách…Hình như Giêsu mà tôi suy tôn bấy lâu…cũng giống như chuyện thần tiên cổ tích chứ không có thật!

NHỮNG Ý KIẾN

Khi tiếp xúc với một người hay nhóm nào đó không thuần tuý Kitô giáo, tôi thường nghe họ nói về Giêsu như một tên bịp bợm. Sống giữa con người, Ngài như rơi vào một vòng xoáy khuấy trộn tứ phương. Sự thù hằn bôi nhọ Ngài, đức ‘cứng tin’ làm giảm uy thế Ngài, lạc giáo làm Ngài ra què quặt, tính tò mò xúc phạm tới Ngài, sự đồi bại làm Ngài ra hoen ố, dư luận làm Ngài ra tầm thường nhỏ nhoi, phương tiện truyền thông thương mại hoá Ngài, người ta cứ chiếm dụng những tài sản gọi là của Chúa, đánh đập con cái Chúa, có khi còn phá đổ những biểu tượng của niềm tin. Vậy mà có thấy Chúa ‘phản ứng’ gì đâu… Hay là Chúa không biết hoặc Giêsu mà người ta suy tôn không có thật! Có lẽ Đức Kitô phải biết những nguy cơ này khi dấn thân nhập thể, để có phương án chống lại hay ít là tự bảo vệ như con người thường làm đấy chứ?

Vấn đề làm bạn lung lạc niềm tin hôm nay không phải là thời sự nóng bỏng đâu. Vài trăm hay ít hơn là vài chục năm trước đây, những cuộc so gươm nảy lửa giữa Do Thái giáo và Kitô giáo đã xảy ra. Thiệt hại của cả đôi bên đều đáng kể mà ngòi nổ chỉ là ‘bất đồng chính kiến’. Một tác phẩm trào phúng của được sáng tác tại Đức vào khoảng thế kỷ IX tên là Toledot Jesu. Tác phẩm này diễn tả Giêsu được sinh ra do một cuộc ngoại tình của bà Maria… và Giêsu đã chết là đáng tội vì lạc giáo và hành nghề phù thuỷ. Câu chuyện đã một thời làm những người Do Thái giáo xấu hổ.

Tuy nhiên, dù có nói gì đi nữa, ai cũng biết rằng đó là một chiêu bài để tận diệt dân tộc Do thái của chế độ Đức quốc xã chủ trương. Trong lúc Shoah (Hipri = tai hoạ) như thế, Giáo hội Kitô giáo lại đứng ra bảo vệ các nạn nhân đang đối diện với phong trào bài Do Thái. Đức giáo hoàng Pio XI đã làm cho mối thân tình Do thái-Kitô giáo phát triển, và giới trí thức Do thái thái giáo mới có cái nhìn mới hơn về Đức Giêsu, không chỉ thán phục và còn ‘quy hướng’ thiện cảm về Kitô giáo, dù rằng họ mới coi Ngài là ‘người của họ’ trong lãnh vực tư tưởng, tài trí, văn hoá, hành động. Những thiện cảm này chỉ được tiến triển sâu rộng hơn khi cuộc viếng thăm rất cảm động của Đức Gioan Phaolo II ở hội đường Do thái tại Rome.

Thật lạ là những kẻ trước đây bài Do Thái Giáo, giờ lại nhảy sang bài Kitô giáo. Tại Pháp, trong tác phẩm Le choix de Dieu (sự lựa chọn của Thiên Chúa) của Hồng Y Lustiger ghi lại rằng : những tay duy lý ấy say mê tư tưởng thực dụng, đã trách Đức Jeschoua chỉ là một tay giang hồ, nói những lời bốc lửa nhưng thiếu mạch lạc, là một ngôn sứ tóc tai bờm xờm nói những lời cách mạng làm lung lay thế giới, là một tay gây rối không có khả năng hoàn tất một công trình nào vững vàng (theo Chúa gặp toàn đau khổ). Họ cũng trách Ngài đứng về phía người nghèo và rao giảng sự tha thứ cho kẻ thù, thiếu tinh thần tranh đấu và bần cùng hoá nhân loại. Luận điệu của Ngài chỉ trích các tay thủ lãnh hay chủ thầu, đồng thời cũng làm cho các cơ bắp yếu nhược đi khi cứ sống từ bi nhẫn nại. Cứ hiền hoà quá khiến lương tâm hoá ra mỏng dòn khuất phục…

Theo họ, Phaolo mới xứng là người sáng tạo Kitô giáo vì những thành tích của ông và hãy quên Giêsu Kitô đi. Với họ, Đức Giêsu đúng là tên gian phi (malfaiteur) hơn là tên bịp bợm (écornifleur).

Còn ý kiến của bạn thì sao ?

GƯƠNG MẶT ĐỨC KITÔ

Trở về với nguồn cội của Kitô Giáo để tìm lại một hình ảnh Đức Kitô trong sáng thánh thiện, bạn cần nhận định cho đúng và gỡ bỏ những truyền thuyết mà các tin mừng nguỵ thư đã tạo ra (những tin mừng không được giáo hội công nhận). Có nhiều chuyện bịa đặt và thêu dệt cho thêm phần lãng mạn, đậm đà tính thơ về thời thơ ấu hay cuộc khổ nạn của Giêsu. Nhằm bảo vệ hoặc tô son cho những luận điệu bài Kitô giáo, người ta có thể hiểu những lời kinh thánh theo nghĩa cá nhân vụ lợi, và cứ thế, khuôn mặt Đức Kitô cứ dần méo mó trong cái nhìn lạc giáo.

Vì không phải là các nhà hộ giáo, có lẽ không cần trở lại để tìm một Giêsu lịch sử để biết Giêsu có thật hay không. Điều đó thật thừa vì ngày nay chúng ta khám phá nét đẹp Giêsu trong ân sủng và niềm tin. Giêsu đó đang sống trong thế giới này với nhiệm mầu hậu phục sinh theo đúng lời hứa “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Dù đức tin của chúng ta chưa đủ để có thể dời non lấp bể, nhưng ít ra chúng ta cũng có đủ tri thức để nhận ra một Giêsu thần tượng để mến yêu qua những ngôn từ và hành động của Ngài được ghi lại trong thánh kinh,  được cảm nghiệm trong đời mình.

Trong hoang địa, Ngài mạnh mẽ khước từ những trò mà satan đề nghị (Lc 4,1-13). Bước đường rao giảng Tin Mừng của Ngài có hành trang là…tay không! Ngài không chê bai vật chất, nhưng luôn cảnh giác những ai chỉ cậy nhờ vật chất ‘ con cáo có hang…con người không có nơi gối đầu’. Lời nói của Ngài phát xuất từ suy nghĩ trong tâm hồn chứ không bắt tay hùa theo với những ngừơi có thế lực (Mt 23). Ngài có thể khám phá ra những cái vỏ chuối mà những kẻ giả hình quăng ra dưới chân Ngài và có thể trả lời khôn ngoan trước những cạm bẫy họ giăng, không để những lời tán tỉnh ngọt ngào mê hoặc (Mt 22,15-22). Ngài làm chủ được các hoàn cảnh khó khăn (Lc 13.31-33) và tinh tế hơn một con cáo mưu mô. Ngài thích giúp đỡ người khác nhưng không đi vào những tính toán lợi lộc của họ (Lc 12.13-15), Ngài dùng thời giờ để làm những việc phải làm chứ không cuống quít lên (Gio 11,6-10). Ngài nhẫn nhục gánh vác các môn đệ, những người  mà Ngài đã chọn nhưng cứ thường làm hỏng việc của mình. Ngài đón nhận sự cô độc cách đàng hoàng (Mc 10.32), và nếu có quyến rũ đám đông (Gio 7,12) thì chẳng cần dùng chiêu bài thương hại hay những lời nói phỉnh phờ, gãi đúng chỗ ngứa đám dân ‘bầy cừu’ mà là dùng chính bản thân mình.

Chính Ngài toả ra sự nhân từ nên lời rao giảng cũng mang sắc nhân từ : Ngài đảm nhận việc bào chữa cho người phụ nữ ngoại tình nhưng không phải vì thế mà Ngài khuyến khích người ta phạm tội (Lc 15, 11-32) Ngài không dập tắt tim đèn còn khói, Ngài điều chỉnh cử chỉ vụng về của người đàn bà đau ốm khi coi việc đụng vào áo Ngài như một loại bùa, cho bà hiểu sức mạnh của niềm tin (Lc 8,43 -48). Ngài rất thành thật trong thái độ nhân bản, không lợi dụng lòng quảng đại của anh thanh niên giàu có như một món hời, nhưng thử thách anh không nương tay để anh ta phải ra đi với những đồng vàng đầy ắp, dù Ngài yêu mến anh (Mc 10, 17-22). Ngài như chẳng có chút kiến thức gì về marketing khiến các môn đệ thất vọng muốn bỏ đi, vì biết theo Ngài chỉ gặp toàn khó khăn, vác thập giá mà thôi…(Gio.16,4)

Giêsu không phải là anh chàng lãng tử lạnh lùng mà hình như còn rất ‘tình cảm’ là khác. Đã có làn Chàng rung mình khóc trước nấm mồ anh bạn Lagiarô (Gio.11,32-38) trước cảnh hoang tàn của Gia Liêm – thành phố loạn tặc của Ngài (Lc 18, 41) và cũng cảm thấy… bị tổn thương khi quay lại nhìn Phêrô có chút trách cứ khiến ông này nhận ra sự hèn nhát của mình (Lc 22,61). Tuy rằng Ngài không suy sụp khi tra tay vác thập giá, nhưng Ngài không đi lên núi Sọ như một anh hùng bất khuất, chẳng hùng dũng cũng không ngang tàng. Ngài sợ chết (Mt, 26,37). Các tay anh chị muốn chứng tỏ sự bình tĩnh khinh đời thì vênh mặt diễu đời hoặc nghênh ngang bước đi, còn Ngài khi đang leo đồi đau đớn, vẫn tìm lời an ủi những phụ nữ đang thương cho số phận mình (Lc 23,26-32). Rồi cuối cùng trên đỉnh cao thập giá, những lời trăn trối vẫn chỉ là những thiện cảm dành cho người thân và …cả kẻ giết mình !

Đức Giêsu như thế đấy. Càng khám phá thì càng thấy Ngài… dễ thương. Và khuôn mặt ấy, tuy chưa một lần diện đối diện, nhưng cái nhìn ân sủng thì chan hoà gần gũi với tôi bấy lâu nay. Tôi học lấy tư tưởng của Ngài, suy nghĩ theo cách Ngài suy tư, đối xử theo lối Ngài cư xử, nói năng theo kiểu Ngài mở miệng, yêu thương theo nhịp của trái tim Ngài…và tôi thấy mình gíông giống một Giêsu khác. Đó là mục đích cuộc đời, là lý tưởng sống tôi theo đuổi.

Chắc hẳn lý tưởng này không thoải mái đạt thành và cũng không phải là điều không thể hiện thực. Vấn đề là tôi có muốn để Ngài đồng hành với tôi, có đồng ý để Ngài hướng dẫn đường đi nước bước, kể cả khi kéo lê cả thập giá nặng nề gai góc vào con đường Núi Sọ đời mình không.

Ánh sáng Phục sinh sẽ cho tôi một lần được chiêm ngưỡng khuôn mặt Đức Kitô rạng rỡ, khuôn mặt mà hôm nay tôi mới thấy trong niềm tin.

 

Để lại một bình luận