Quo Vadis, Domine?

 

04 Tháng Mười Một

Quo Vadis, Domine?

 

Quo Vadis, Domine?Ðêm trước ngày vào cơ mật viện để bầu Giáo Hoàng, Hồng Y Karol Wojtyla đã chuẩn bị hành lý để trở về Krakow, tổng giáo phận của ngài. Thế nhưng, ngài đã không trở lại Krakow nữa? Ngày thứ hai, 16 tháng 10 năm 1978, vị Hồng Y 58 tuổi này đã được bầu làm Giáo Hoàng và lấy tên là Gioan Phaolô II. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Ba Lan, là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Italia kể từ 450 năm qua, và tính từ 150 năm trở lại, thì ngài là vị Giáo Hoàng trẻ nhất.

Trong khi chuẩn bị cho bài giảng Chúa Nhật đầu tiên kể từ lúc được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã nghĩ đến tác giả của quyển tiểu thuyết giả sử nổi tiếng “Quo vadis, Domine?” là ông Henryk Sienkiewicz, một văn sĩ và đồng thời cũng là một nhà ái quốc Ba Lan? Qua tác phẩm này, vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã so sánh tâm tình của mình với vị Giáo Hoàng đầu tiên là thánh Phêrô như được ghi lại trong tác phẩm “Quo vadis,Domine?”, “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?”. Theo tác giả quyển tiểu thuyết giả sử, thì có lẽ thánh Phêrô thích ở lại quanh quẩn bên bờ hồ Genezareth hơn là đến giữa trung tâm của đế quốc La Mã để gặp không biết bao nhiêu chống đối và bách hại. Giữa lúc vị Giáo Hoàng đầu tiên toan tình trốn khỏi La Mã để trở về quê hương mình, thì ngài gặp lại Chúa Giêsu hiện ra đang đi ngược chiều với ngài. Ngạc nhiên về sự xuất hiện của Chúa, thánh Phêrô đã hỏi: “Quo vadis, Domine?” nghĩa là “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?”. Và Chúa Giêsu đã trả lời như sau: “Ta đang đi đến La Mã để chịu đóng đinh một lần nữa”. Hiểu được ý Chúa, Phêrô đã quay trở lại La Mã và ngài ở lại đó cho đến khi chịu đóng đinh.

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Carolô Borremêô và mừng bổn mạng một cách đặc biệt của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Mãi mãi tên Carolô gắn liền với tên tuổi và vận mệnh của Ðức Thánh Cha. Hơn ai hết, ngài phải là người kính nhớ và ghi ơn vị thánh bổn mạng nhiều nhất.

Tên thánh được đặt cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa đánh dấu sự đổi đời quan trọng của chúng ta. Từ cái chết trong tội lỗi, chúng ta được tái sinh trong sự sống của Chúa. Hướng đi của chúng ta phải là hướng đi tới Chúa, không thể là bước thụt lùi.

Mang lấy tên thánh Carolô, Wojtyla đã quyết tâm hướng cuộc đời của mình tiến tới trong phục vụ và hy sinh như như chính thánh giám mục Carolô Borremêô. Và khi chọn lấy danh hiệu mới là Gioan Phaolô, vị Giáo Hoàng người Ba Lan cũng quyết tâm tiến tới trên con đường mà hai vị tiền nhiệm của mình đã vạch ra… Là người Kitô, chúng ta cũng luôn được mời gọi tiến tới không ngừng trên đường theo chân Chúa Giêsu. Tên thánh mà chúng ta mang lấy trong ngày Rửa Tội, danh hiệu Kitô mà chúng ta được đặt cho phải luôn luôn là một nhắc nhở chúng ta về con đường tiến lên ấy. Chắc chắn con đường ấy không là một con đường rộng thênh thang. Sự tiến lên ấy không là một đà tiến dễ dàng. Phêrô đã quay trở lại La Mã để chịu đóng đinh… Thập giá có lẽ đang chờ đợi chúng ta, chúng ta hãy hiên ngang tiến bước vì đó chính là hướng đi của tất cả những ai mang danh hiệu Kitô.

Trả lời