Phải yêu như Thầy Giê-su…

 

Phải yêu như Thầy Giê-su…Bạn có phải là một Ki-tô hữu? Nói theo cách nói dân gian, bạn theo “Đạo Chúa”? Vâng, cuộc đời theo (đạo) Chúa không phải là một cuộc đời được trải thảm đỏ, giống như tấm thảm đỏ người ta thường trải ra để tiếp đón các vị lãnh tụ. Nó có những khó khăn và thử thách.

Những khó khăn và thử thách đó, trước hết, giúp chúng ta nhận biết rõ đức tin của mình, nơi Chúa. Và, quan trọng hơn, đó là: giúp chúng ta “gần Chúa – giống Chúa” hơn.

Đức Giê-su rất muốn mọi người (sống) gần Ngài, và đó là lý do, “Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người” (x.Mc 3, 14). Đức Giê-su cũng rất muốn mọi người giống Ngài, và đó là lý do Ngài mời gọi các môn đệ xưa (và tất nhiên, nay là chúng ta), rằng: “Hãy học cùng Ta…”.

Vâng, trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã dạy cho Nhóm Mười Hai rất nhiều bài học. Một trong những bài học  căn bản, mà người môn đệ của Ngài phải thuộc lòng, đó là bài học “tình yêu thương”.

Thời đó, theo luật yêu thương của Do Thái giáo, Đức Giê-su thấy có một sự “ích kỷ” nào đó qua việc thực thi. Thế nên, trong một lần giảng dạy về tình yêu thương, Ngài đã có những lời dạy dỗ rất mạnh mẽ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.

Rất… rất mới lạ đối với luật xưa,  luật yêu thương hôm nay Đức Giê-su  đã gạt đi tính vị kỷ của con người. Tình yêu thương mà các môn đệ cần học, đã được Đức Giêsu dạy rằng:  “…Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như, Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người…” (Mt 20, 17-28).

Và Ngài đã thực thi lời dạy này, qua cử chỉ rửa chân cho các môn đệ, hôm mừng lễ Vượt Qua.

Cũng chính hôm mừng lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đã gọi tình yêu thương như là một “điều răn”, một điều răn mà kể từ nay nó phải được xem là mẫu mực cho đời sống của một người môn đệ mang danh Giê-su.

Hôm ấy, Ngài truyền dạy, rằng:  “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới…”,  vâng, luật yêu thương Đức Giê-su “ban cho” rất mới. Mới ở  “phẩm chất”, mới ở  tính tích cực, của điều luật.

Chúng ta hãy nghe lại nhé! Người xưa dạy rằng, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, nhưng luật Chúa Giêsu, thì “tất cả những gì chúng con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta.” (x.Mt 12,12).

Vâng, đó chỉ là một ví dụ điển hình, cái “mới” của điều luật, tuyệt vời nhất, chính là người làm ra điều luật, là người đã dám thực thi điều luật một cách tuyệt đối.

Hãy trở về đồi Golgotha năm xưa, nơi Đức Giêsu đã chịu khổ hình và chết trên thập giá, một cái chết mang ơn cứu độ, đã chứng minh cho điều Ngài đã giảng dạy: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu”. Và, đó chính là lý do Đức Giê-su truyền dạy: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Trở lại bữa Tiệc Vượt Qua năm xưa. Hôm đó, kết thúc cho lời truyền dạy, Đức Giêsu nhấn mạnh, rằng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Với các người môn đệ xưa cùng với những tín hữu tiên khởi, họ có thể hiện lời truyền dạy của Thầy Giê-su một cách tích cực không? Thưa, sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta câu trả lời, rằng: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau…Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung… Họ đồng tâm nhất trí… Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (x.Cv 2, 44-46).

Làm sao họ có thể “luôn luôn hiệp thông với nhau”. Làm sao họ có thể “hợp nhất với nhau”, làm sao họ có thể “đồng tâm nhất trí”, nếu cộng đoàn của họ không có “lòng yêu thương nhau”!

Vâng, nhìn lại cung cách sống của cộng đoàn tiên khởi, thật đáng xấu hổ khi hôm nay có không ít cá nhân trong một vài cộng đoàn Ki-tô hữu (không tiện nêu danh tính, cũng như sự việc, nơi đây), họ không hiệp thông với nhau, không đồng tâm nhất trí, không hợp nhất với nhau (bè phái), họ đã làm cho thiên hạ không còn nhận ra mình là môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô, mặc dù họ vẫn đi nhà thờ, họ vẫn “làm lễ bẻ bánh”, họ vẫn lớn giọng trên tòa giảng rằng thì-là-mà anh em hãy yêu thương nhau…

Thôi! chúng ta hãy cất đi sự xấu hổ đó và cùng nhau nghe thêm một lần nữa, lời truyền dạy của Thầy Giê-su: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu”.

Nghe rồi, mỗi chúng ta hãy tự hỏi lòng mình, tôi sẽ làm gì để “mọi người nhận biết (mình) là môn đệ của Chúa Giêsu”?

Phải chăng là hãy làm cho bản thân mình trở thành “nhân tố”, một nhân tố làm cho “láng giềng thân thiết… anh em hòa thuận… vợ chồng ý hợp tâm đầu”?

Vâng, ít nhất là nên làm như vậy. Không quá khó đâu. Chỉ cần chúng ta  dẹp bỏ được những thói xấu như: nóng giận, ganh tỵ, say sưa, chè chèn v.v… Chỉ cần chúng ta luôn có được một tâm hồn nhân hậu và bác ái, một đức tính hiền hòa (điều này Thầy Giê-su có mời gọi chúng ta hãy học cùng Ngài) và nhẫn nhục v..v.. Nói cách khác,  chúng ta cần có được “hoa trái của Thánh Linh. (x.Gl 5, 22-23)

Và giờ đây, thật cần thiết khi chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình, rằng, chúng ta đã hội đủ những đức tính (hoa trái) này chưa! Và chúng ta đã sẵn sàng “tiến lên hy sinh vì tình yêu”!

Hay chúng ta cho rằng: Ôi! sống trong một xã hội giá trị của con người được nhìn nhận qua sự giàu sang phú quý, qua quyền lực, qua chức tước, qua danh vọng v.v… giá trị quái gì ở việc biểu lộ tình yêu thương… thế nên, dại gì ta tiến lên!!!

Câu trả lời là do mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng: đã là người môn đệ của Đức Giê-su, dù ở không gian hay thời gian nào, dù có sống trong một thể chế nào, biểu lộ tình yêu thương bằng cách trở thành nhân tố làm cho “láng giềng thân thiết… anh em hòa thuận… vợ chồng ý hợp tâm đầu”, chính là điều, như lời Kinh Thánh nói: làm “đẹp lòng Chúa và người ta” (x. Hc 25, 1)

Mà… “Làm-đẹp-lòng-Chúa-và-người-ta”, hãy tin, thiên hạ sẽ nghĩ về chúng ta, rằng: “Ồ! Ông (bà) này  chắc hẳn là người Công Giáo!”.

Còn… còn nếu chúng ta làm mất lòng Chúa và người ta, đừng… đừng than thở khi thiên hạ ném vào mặt ta cả đống từ ngữ rác rưởi khó nghe, đại loại như: Vậy mà cũng đi nhà thờ! Vậy mà cũng lên rước lễ! Vậy mà… cũng làm… v.v… và v.v…

Thế nên, ngay hôm nay, hãy ghi khắc trong con tim mình, và đừng quên đem ra thực hành, lời truyền dạy của Thầy Giê-su, lời truyền dạy rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vâng, là một Ki-tô hữu, chúng ta  “phải yêu như Thầy Giê-su”.

Petrus.tran

 

Trả lời