Cn 20 a : Tình yêu không biên giới.

Cn 20 A : Tình yêu không biên giới

 

Cn 20 a : Tình yêu không biên giới.Tình yêu là một khái niệm đa nghĩa trong cách diễn đạt và cách hiểu của mọi người. Thông thường, tình yêu là sự biểu lộ tình cảm của chủ thể này đối với một chủ thể khác. Có nhiều loại tình yêu. Tình yêu thiên nhiên. Tình yêu đất nước. Tình yêu đồng loại. Tình yêu giữa con người với con người.

Tình yêu giữa con người với con người gồm có : Tình làng nghĩa xóm. Tình yêu nam nữ. Tình yêu vợ chồng. Tình yêu cha mẹ với con cái và ngược lại. Tình anh em v.v..

Trong những loại tình yêu nêu trên, có lẽ ai trong chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, tình mẹ con hay còn gọi là tình mẫu tử, là một thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Một thứ tình cảm đã làm hao tốn biết bao nhiêu giấy mực, đã trở thành một đề tài thu hút biết bao văn nhân, thi nhân, nhạc sĩ.

Nếu trong lãnh vực văn viết, có Khái Hưng với “Anh phải sống”. Một tác phẩm mô tả về một người mẹ, với tình mẫu tử, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để người cha được sống mà trở về với các con của mình. Thì trong lãnh vực âm nhạc, có Y vân, một nhạc sĩ tài hoa của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông ta đã cho ra đời một nhạc phẩm bất hủ nói về tình mẫu tử. Nhạc phẩm đó có tựa đề là “Lòng Mẹ”.  Chắc hẳn ai trong chúng ta, khi nghe đến nhạc phẩm này, cũng không thể không ngậm ngùi thổn thức.

Hình ảnh một người mẹ “thương con khuya sớm bao tháng ngày  Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn”(*). Vâng,  hỏi sao hình ảnh người mẹ đó, lại không làm cho ta phải rơi lệ thổn thức !!!

……..

Thật ra, không phải bây giờ, nhưng ngay từ xa xưa, cũng đã có nhiều tác phẩm nói về tình mẫu tử. Có một câu chuyện lừng danh không thể không nhắc đến, đó là câu chuyện Vua Salômôn xử kiện.

Chuyện được tóm tắt như sau : Có hai người phụ nữ tranh giành một đứa con. Ai cũng nói rằng mình là mẹ đứa bé. Đứng trước tình huống khó xử đó, Vua Salômôn quyết định lấy gươm “phân đứa trẻ còn sống làm hai và cho mỗi người một nửa”.

Nghe lời phán quyết của nhà vua. Người mẹ (thật) của đứa trẻ, trổi dậy tình mẫu tử, nên đã can ngăn nhà vua. Bà ta nói : “Ôi ! thưa chúa thượng tôi, xin ngài cho chị ấy đứa trẻ còn sống; còn giết nó, thì xin đừng”(1V 3,26). Còn người đàn bà kia vì không phải là mẹ thật nên nói một câu thật phũ phàng, rằng : “Chẳng phải con tôi, cũng chẳng phải con chị, cứ chia ra”. (Xem thêm 1V 3, 16-28).

Qua hai lời phát ngôn của hai người đàn bà, vua Salômôn đã nhận ra ai là người mẹ thật của đứa bé. Nhờ đó mà đứa trẻ sống sót và được trao cho chính người mẹ ruột của mình.

Trong thời Chúa Giêsu còn tại thế. Tông đồ Mat-thêu, một người trong nhóm mười hai, cũng đã kể lại một câu chuyện nói về tình mẫu tử, không kém phần xúc động.

Câu chuyện được kể rằng : Hôm đó “Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đôn…”(Mt 15, 21). Theo nhiều nhà chú giải thì “Tia và Xi-đôn” ngày nay thuộc miền nam Liban, và được biết đến như là miền giáp ranh với đất của dân ngoại.

Đây không phải là lần đầu tiên Thầy và trò đi qua vùng đất dân ngoại. Đã có lần Đức Giêsu đã cùng với các môn đệ băng qua Samari, cũng là vùng đất của dân ngoại. Tại nơi đây, có một người phụ nữ Samari đi lấy nước và đã gặp Ngài.

Hôm nay, Tia và Xi-đôn cũng tiếp đón Đức Giêsu bằng một người phụ nữ. Nếu ở Samari, cuộc chuyện trò giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari là một cuộc chuyện trò cởi mở và chân tình. Thì hôm nay, ở  Tia và Xi-đôn, quả thật, người phụ nữ, được gọi là “người đàn bà Canaan”, lại phải đối diện với một cuộc chuyện trò đầy cay đắng.

Làm sao không cay đắng cho được ! Đang khi người-đàn-bà-Canaan “thương con thao thức bao đêm trường” nhìn người con gái yêu quằn quại đau đớn vì “bị quỷ ám”. Đang khi người người-đàn-bà-Canaan “thương con khuya sớm bao tháng ngày” đi tìm thầy, tìm thuốc cho con.  Thế mà hôm nay, sau bao ngày tháng “lặn lội gieo neo” mới gặp được “Ông Thầy Giêsu”… Ôi ! mừng đâu không thấy, chỉ thấy đám đệ tử lớn tiếng yêu cầu Ông Thầy Giêsu “bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu nài mãi” (Mt 15,…23). Chuyện là như thế đó.

Y Vân đã nói “Tình mẹ dẫn tới trăng ngàn đứng lặng để nghe”.

Vâng, tình mẩu tử đã khiến người đàn bà Canaan vẫn kiên nhẫn “đứng lặng để nghe” những lời cay đắng được tuôn ra “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Tình mẫu tử đã thôi thúc người đàn bà Canaan vẫn kiên nhẫn khẩn khoản nài xin rằng, dù sao đi nữa “lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” nữa chứ , Thưa Thầy !!!

Ôi ! Trời ạ…   Lời khẩn khoản của người mẹ nghe sao rung động như “lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ”, thế mà sao Trời lại lặng im kia chứ !

Không ! Con Trời  đã không im lặng trước  “tình mẹ tha thiết” của người đàn bà Canaan. Con Trời đã phải xao xuyến trước khuôn mặt nhăn nhúm của người đàn bà Canaan sau “bao năm nước mắt như suối nguồn” trước cảnh con thơ khổ sở vì bị quỷ ám…

Vâng, Con-Trời-Giêsu đã phải rung động cõi lòng, đã phải chạnh lòng thương xót mà thốt lên rằng “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Nhân chứng Mat-thêu khép lại câu chuyện bằng tám chữ ngắn ngủi “Từ giờ đó, con gái bà được khỏi” (Mt 15,…28).

Môt chút tâm tình…

Vâng, tám chữ ngắn ngủi nhưng nó đủ để minh chứng rằng, Tình Yêu của Con-Trời-Giêsu, không phân biệt giai cấp, không phân biệt chủng tộc.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện ngôn sứ Êlia cứu sống con trai của một bà góa ở Xa-rep-ta. Cũng là một người ngoại giáo, nghĩa là không thuộc “dân thánh, dân riêng” của Đức Chúa Trời. Nhưng bà ta đã tin tưởng vào Thiên Chúa, qua lời nói của  Ê-li-a, khi ngôn sứ đến xin bà ta “một chiếc bánh nhỏ”. Dù khi đó, bà ta chỉ còn đủ bột và dầu cho một xuất ăn dành riêng hai mẹ con.

Quả thật,  phép lạ không chỉ xảy ra qua sự kiện “hũ bột đã không vơi và vò dầu đã không cạn” để cung cấp lương thực cho Êlia và hai mẹ con,  nhưng còn lạ lùng hơn nữa, khi sau này,  cậu con trai của bà góa  “bịnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở” (1V 17, 17), nhưng nhờ lời cầu khẩn của ngôn sứ Êlia với Thiên Chúa, cậu con bà góa đã sống lại. (Xem thêm 1V 17, …-24).

Sự kiện “Đức Giêsu chữa con gái người đàn bà Canaan”, một lần nữa minh chứng rằng,  “Người ngoại bang nào gắn bó cùng ĐỨC CHÚA, để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh… đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của  Ta” (Is 56, 6-7).

Vâng. Tình yêu của Thiên Chúa không dành riêng cho ai. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho “tất cả những ai cầu khẩn Chúa” và cho “mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người”. Những ai “kính sợ Người, Người cho toại nguyện”. Và khi “nghe tiếng họ kêu van” Thiên Chúa sẽ “ban ơn giải cứu” (Tv 145, 18-19).

Nói tắt một lời Tình yêu của Thiên Chúa, Tình yêu của Con trời Giêsu là một thứ “tình yêu không biên giới”.

Một phút suy tư…

Quỷ ám có thật không ? Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1972 có nói rằng: “ma quỷ, những tạo vật vô hình, mưu mô, có thật và vẫn còn hoạt động rất mạnh. Nó hành động cách trực tiếp hoặc qua những sự cám dỗ con người”.

Sợ không ? Sợ quá đi chứ ! Điều đáng sợ nhất chính là “nó hành động qua những sự cám dỗ con người”.

“Satan never sleeps – Quỷ địa ngục không bao giờ ngủ”.  Vâng, nó không bao giờ ngủ. Nó luôn rình rập nơi cửa sổ tâm hồn mỗi chúng ta. Chờ đợi thời cơ “ám” chúng ta. Cám dỗ chúng ta sống “dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa chè chén và những điều khác giống như vậy”.

À quên ! Còn một điều đáng sợ nữa. Nó đội lốt người. Quỷ đội lốt người ư ! Có đấy…

Đúng vậy, không thiếu những “con quỷ dâm dục”, chúng đội lốt giáo sư, đứng trên bục giảng, thay vì dạy dỗ các em  lòng tự trọng, thì lại dạy dỗ sự dối trá, lừa thầy phản bạn, tệ hơn nữa, gợi ý các em, làm thế nào để “bán tình lấy điểm” !

Hãy để cho tâm hồn trở về trong thinh lặng và hãy tự hỏi rằng, có con quỷ nào đang “ám” chúng ta hoặc con em chúng ta !? Nếu có. Vâng, nếu có, hãy như người đàn bà Canaan, chạy đến Đức Giêsu, mà kêu lên rằng : “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi. Cứu con em chúng tôi”.

Hãy nhớ, phải kiên nhẫn khẩn cầu và phải có một niềm tin mãnh liệt. Và cũng đừng quên điều Đức Giêsu đã căn dặn rằng, có những giống quỷ, nhất là loại “quỷ đội lốt người”, sẽ khó để mà trừ khử chúng, nếu chúng ta “không ăn chay cầu nguyện”.

Petrus.tran

………….

(*) trích “Lòng Mẹ” – tác giả Y Vân.

 

Trả lời