Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất Kitô Hữu
Từ ngày 18 đến 25.01.2011
Tuần Cầu Nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất diễn ra từ ngày 18 đến 25.01.2011. Nội dung năm nay do các Kitô hữu ở Giêrusalem chuẩn bị và họ đã chọn câu 42 chương 2 sách Công vụ Tông đồ làm chủ đề cho Tuần cầu nguyện: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”.
Chủ đề này làm cho chúng ta nhớ lại thuở ban đầu của cộng đoàn Giáo hội tiên khởi ở Giêrusalem; nhắc nhở chúng ta phải suy tư và đổi mới, phải trở về với nền tảng của đức tin; và mời gọi chúng ta nhớ lại thời cộng đoàn Giáo hội để mọi sự làm của chung. Nội dung của chủ đề này đề cập đến bốn yếu tố, cũng là bốn nét đặc thù của cộng đoàn tín hữu sơ khai và là những yếu tố cần thiết cho sự sống còn của bất cứ cộng đoàn Kitô hữu nào.
Trước hết là Lời Chúa do các Tông đồ truyền lại.
Thứ đến là sự hiệp thông huynh đệ.
Thứ ba là việc cử hành Thánh Thể (lễ bẻ bánh).
Thứ bốn là cầu nguyện không ngừng.
Bốn yếu tố này là những yếu tố thiết yếu làm cho Giáo hội sống động và hiệp nhất. Cần lưu tâm đến các yếu tố nền tảng này và cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội trên khắp địa cầu được hiệp nhất, tràn đầy sức sống, và cầu nguyện cho các dân tộc trên địa cầu được sống trong công lý, hòa bình và thịnh vượng.
Chủ đề của tám ngày cầu nguyện
Xuyên qua các đề tài được trình bày trong tám ngày cầu nguyện, chúng ta có thể nhận ra một tiến trình đức tin. Ban đầu, nơi căn phòng cầu nguyện, cộng đoàn tín hữu sơ khai đã được lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần, Đấng làm cho họ được lớn mạnh trong đức tin và tình hiệp nhất, trong lời cầu nguyện và những việc bác ái, để họ thực sự trở nên một cộng đoàn phục sinh liên kết với Đức Kitô, hầu vượt lên tất cả những gì gây chia rẽ trong cộng đoàn và làm cho họ xa rời Đức Kitô.
Tiến trình này do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ngài đã soi sáng các Kitô hữu đầu tiên nhận ra chân lý Chúa Kitô, đã bao bọc Giáo hội sơ khai bằng những điềm thiêng dấu lạ và làm cho nhiều người ngỡ ngàng sửng sốt. Tiếp nối con đường ấy, các Kitô hữu ngày nay cũng phải siêng năng tập họp để lắng nghe Lời Chúa được truyền lại qua những giáo huấn của các Tông đồ, để cử hành các bí tích và cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông huynh đệ. Được trao ban tràn đầy sức mạnh và niềm hy vọng phục sinh, họ phải chứng tỏ cho mọi người thấy họ đã thực sự chiến thắng tội lỗi và sự chết, họ có khả năng và có can đảm để trở thành khí cụ qui tụ mọi dân tộc và mời gọi các dân tộc vượt lên những chia rẽ và những bất công mà họ đang phải gánh chịu.
Ngày cầu nguyện thứ nhất đưa chúng ta trở về với cội nguồn cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi và giúp chúng ta hiểu rằng Giáo hội hiện diện trên khắp thế giới ngày nay chính là phần tiếp nối của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi xưa. Chúng ta cũng được gợi nhớ lại lòng can đảm của Giáo hội thời sơ khai đã hiên ngang làm chứng cho chân lý, y như chúng ta ngày nay đang hành động để bảo vệ công lý ở Giêrusalem cũng như ở khắp nơi trên thế giới.
Ngày thứ hai nhắc chúng ta nhớ lại rằng cộng đoàn đầu tiên được qui tụ trong ngày lễ Hiện Xuống là cộng đoàn gồm nhiều nguồn gốc khác nhau và trong cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem ngày nay chúng ta cũng thấy có nhiều truyền thống Giáo hội khác nhau. Như vậy chúng ta hiện đang đứng trước một thách đố là làm sao thực hiện được sự hiệp nhất cụ thể rộng lớn hơn mà vẫn giữ được những khác biệt và những truyền thống đa dạng.
Ngày thứ ba mời gọi chúng ta chú ý đến khía cạnh nền tảng của hiệp nhất: Lời Chúa được truyền lại qua lời giảng dạy của các Tông đồ. Cộng đoàn Giáo hội ở Giêrusalem nhắc nhớ chúng ta rằng dù nơi chúng ta vẫn còn những chia rẽ, nhưng lời giảng dạy của các Tông đồ luôn mời gọi chúng ta đón nhận nhau vì tình yêu thương và vì lòng trung thành với thân thể duy nhất là Giáo hội.
Ngày thứ tư nhấn mạnh đến tinh thần chia sẻ như là biểu hiện thứ hai của sự hiệp nhất. Như các Kitô hữu đầu tiên đã đặt mọi sự làm của chung, cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem hôm nay cũng mời gọi tất cả anh chị em trong Giáo hội hãy quan tâm, hãy vui lòng quảng đại chia sẻ của cải vật chất để không còn ai phải thiếu thốn.
Ngày thứ năm đề cập đến khía cạnh thứ ba của sự hiệp nhất: nghi lễ bẻ bánh qui tụ mọi người trong niềm hy vọng. Sự hiệp nhất của chúng ta còn vượt trên sự hiệp thông thánh thiện; sự hiệp thông của chúng ta bao gồm thái độ đúng đắn trong đời sống luân lý, trong đời sống nhân bản và trong toàn bộ cộng đoàn. Cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem mời gọi các Kitô hữu hiệp nhất với nhau trong “lễ bẻ bánh” bởi vì một Giáo hội chia rẽ sẽ chẳng có tư cách gì để nói về vấn đề công lý và hòa bình.
Ngày thứ sáu giới thiệu cho chúng ta đặc tính thứ tư của sự hiệp nhất; noi gương cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng. Đặc biệt nhất là cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Kinh này mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở Giêrusalem cũng như trên toàn thế giới, người nhỏ bé cũng như người quyền thế, cùng nhau sống công chính, hòa bình và hiệp nhất để nước Chúa trị đến.
Ngày thứ bảy đưa chúng ta trở lại với một yếu tố vượt trên cả bốn yếu tố hiệp nhất trên đây: sự phục sinh của Đức Kitô. Cộng đoàn Giêrusalem vui mừng công bố tin vui phục sinh dù đang phải mang lấy những đau khổ của thập giá. Đối với các Kitô hữu tại cộng đoàn Giêrusalem hiện nay, sự phục sinh của Đức Giêsu chính là nguồn hy vọng và sức mạnh, giúp họ kiên cường làm nhân chứng và bảo vệ sự tự do và hòa bình cho Thành đô của bình an.
Ngày thứ tám đúc kết tiến trình hiệp nhất bằng lời mời gọi các cộng đoàn ở Giêrusalem hướng đến một việc làm rộng lớn hơn, đó là sự hòa giải. Dù các Kitô hữu đã hiệp nhất với nhau, thì mọi việc cũng chưa phải chấm dứt vì họ còn phải hòa giải với những người khác. Cụ thể trong bối cảnh của Giêrusalem, đây là sự hòa giải giữa người Palestin và người Israen. Cùng với các cộng đoàn khác, người Kitô hữu được mời gọi tìm kiếm công lý và hòa giải ngay trong hoàn cảnh riêng của mình.
Như thế, chủ đề của mỗi ngày cầu nguyện không chỉ nhắc lại lịch sử Giáo hội sơ khai mà còn mời gọi chúng ta tìm ra cách thức giúp cho cộng đoàn địa phương của mình rút ra những bài học quý giá từ những kinh nghiệm ấy. Đó cũng là lời mời gọi chúng ta loan báo và làm chứng rằng sự hiệp nhất – qua việc trung thành với giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh và siêng năng cầu nguyện – sẽ giúp chúng ta có thể cùng nhau chiến thắng sự dữ, không chỉ nơi ta sống mà ở khắp nơi trên thế giới.
KINH CẦU CHO HIỆP NHẤT
(Đức Giáo Hoàng Phaolô VI biên soạn)
Lạy Chúa Giêsu,
trước ngày chịu chết vì chúng con,
Chúa đã nguyện cầu
cho các Tông đồ và tất cả mọi người
được liên kết với nhau nên một,
như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.
Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn
về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận,
và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm,
lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con.
Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa
hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con
luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.
Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo,
xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa
con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức Vâng Phục,
đến Yêu Thương và Sự Thật. Amen.