Mẫu Gương Thánh Simon Phan Đắc Hoà
Tử Đạo Hôm Nay
Mai Tuyến OP
Mỗi khi nhắc đến các thánh tử đạo, chúng ta thường có cảm giác là đang nói về những người “siêu vời”, những người được Chúa ban ơn sức mạnh cách riêng để chiến thắng cái chết. Điều đó đúng, nhưng nó dễ cho chúng ta nghĩ rằng các ngài đã có “ơn gọi làm thánh” còn chúng ta là những “người phàm”, không thể học theo các ngài. Dù rằng, chúng ta cũng đang được mời gọi “tử đạo” giữa đời thường hôm nay.
Kitô giáo được gọi là đạo của tình bạn. Thiên Chúa trở nên bạn hữu đối với con người, nhờ đó con người có thể trở thành bạn của Thiên Chúa. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Để từ đó, kitô hữu được mời gọi trở nên bạn bè của nhau và bạn của mọi người. Người Việt có truyền thống tốt đẹp “bán anh em xa mua láng giềng gần” và “lá lành đùm lá rách”… các thánh Tử đạo Việt Nam cũng đã từng là những người sống rất gần gũi, yêu thương, gắn bó với xóm giềng, với quê hương đất nước.
Sẽ là rất dài dòng nếu ta lần lượt nêu ra các chứng tích về đời sống gần gũi, chân thành của các thánh Tử đạo Việt Nam đối với những người xung quanh. Nên ta chỉ nêu ra vài điểm nổi bật của một chứng nhân anh dũng để minh chứng. Đó là thánh Simon Phan Đắc Hoà, giáo dân tử đạo. “Là một lương dân, cậu Phan Đắc Hoà đã bị cuốn hút bởi đời sống bác ái yêu thương của một số kitô hữu mà cậu gặp gỡ. Cậu đã xin phép mẹ để được học đạo. Trở thành kitô hữu, lập gia đình, có 12 người con, ông Simon Phan Đắc Hoà luôn sống gương mẫu cho mọi gia đình trong làng. Làm nghề y, ông không bỏ qua một cơ hội giúp người nghèo khó bệnh tật”
“Ông luôn bênh vực, giúp đỡ người già nua tuổi tác, yếu đuối, cô nhi quả phụ.. Có lần ông đích thân cúi xuống vực một người liệt bên vệ đường, vác lên vai, đưa đến điếm canh, rồi đem cơm nước đến săn sóc…
Khoảng vài chục năm trở lại đây, quê hương Việt Nam chúng ta trở thành một trong những nơi nhận được nhiều sự giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần nhất thế giới. Các tổ chức từ thiện hữu và phi chính phủ, công khai, bán công khai và cả bí mật không ngừng tiếp sức cho những người kém may mắn, những nạn nhân thiên tai, những người rơi vào tệ nạn xã hội…
Anh chị em chúng ta cũng đã ít nhiều chia sẻ những khó khăn ấy cho người thân trong gia đình, dòng tộc, làng xóm và những người bất hạnh khắp đất nước. Đó là những nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta đã và đang làm theo gương cha ông chúng ta. Đó cũng là những hành động “tử đạo”, là những hy sinh, những mất mát để giúp cho bà con, xóm giềng, những người già yếu, cô đơn, những người gặp cảnh hoạn nạn… có thêm cơ hội để sống và sống đúng với nhân phẩm của mình.
Mặt khác, tử đạo không chỉ là bị chém đầu, thiêu sống, buông sông… Ngày nay chúng ta cũng đang được mời gọi tử đạo trong cuộc sống thường ngày, ngay trong gia đình của mình.
Trong xã hội hôm nay, các giá trị gia đình truyền thống bị vi phạm nghiêm trọng. Những vấn đề sống thử, phá thai, năm thê bảy thiếp, ngoại tình… đã trở thành khá phổ biến trong xã hội; thì sống ơn gọi kitô hữu trong đời sống gia đình quả là rất gay go. Khi mà trào lưu sống hưởng thụ lan tràn khắp nơi, kitô hữu lại được mời gọi sống vì gia đình, vì người khác quả là một thách thức lớn. Chúng ta thấy rõ trách nhiệm nặng nề của gia đình Công giáo phải là trường đào tạo, giáo dục con cái nên người và là người kitô hữu chân chính.
Thánh Simon Phan Đắc Hoà cũng đã có một cuộc đời yêu thương vợ con hết mực “cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con… các con ở với mẹ, thương yêu nhau và coi sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa…”
Nếu mỗi thành viên trong một gia đình đều cố gắng sống phẩm chất tốt đẹp của kitô giáo thì chắc chắn gia đình đó sẽ rất hạnh phúc, vững mạnh. Với ơn Chúa, họ cố gắng hiểu nhau để rồi tiến đến sự cảm thông hoàn toàn. Đức tin công giáo dạy “khi hai người kết bạn với nhau là nên một với nhau trong một gia đình mới, với hoa trái là con cái nối tiếp sinh ra”, và mọi người lấy tình thương làm nền tảng cho mọi ứng xử.
Sống trong trào lưu hưởng thụ, mọi người chỉ biết nghĩ về bản thân, cái tôi lớn hơn bao giờ hết, mỗi người chỉ mưu cầu tìm lợi ích cho riêng mình, người kitô hữu chúng ta sống Tin Mừng trong đời sống gia đình là một thách đố rất lớn. Vì vậy, lựa chọn sống theo giáo huấn của Chúa là một hình thức “chèo thuyền ngược nước” cho nên đòi hỏi sự hy sinh rất lớn. Sống như thế cũng là tử đạo, tức là hy sinh, từ bỏ vì niềm tin tôn giáo, vì hạnh phúc của vợ (chồng), con cái mình.
Và cuối cùng, lẽ đương nhiên đương nhiên, tử đạo là đặt Chúa lên trên hết cho mọi chọn lựa. Trong hoàn cảnh bị tra tấn dã man, ông Simon Phan Đắc Hoà không hề nản chí. Dù nhìn thấy viễn cảnh: đầu rơi, xa lìa những người thân yêu nhất trong gia đình, ông vẫn nhất quyết theo gương Thầy Chí Thánh, sống vì mọi người và một lòng theo thánh ý Thiên Chúa cho tới hơi thở cuối cùng:
“Suốt thời gian bị giam cầm, lương y Hoà không những đã giúp đỡ anh em bạn tù bằng việc bốc thuốc trị bệnh, ông còn khuyến khích họ sống dũng cảm, làm chứng cho Tin Mừng… Những trận đòn không làm ông nản chí, trái lại ông còn lấy thế làm hạnh phúc, vì được hiệp thông với Đức Kitô chịu đóng đinh”
Ngày nay, chúng ta phải sống trong môi trường xã hội đảo điên, tiền bạc chi phối mọi sinh hoạt đời sống xã hội. Chúng ta sẽ bị thách thức rất nhiều trước những trọn lựa. Nếu chọn Chúa và đặt Chúa lên trên hết mọi sự, chúng ta sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều. Vậy nên việc chọn lựa này sẽ không hề dễ dãi hơn so với việc chọn lựa tử vì đạo như các cha ông chúng ta nếu không muốn nói là khó khăn hơn. Bởi vì, những cám dỗ ngày nay êm ái hơn, tinh vi hơn. Vậy sẽ là không ngoa khi ta gọi những từ bỏ “thế gian” và “ác thần” là những chọn lựa tử đạo.
Như vậy, nếu tử đạo (martyr) theo nghĩa nguyên thuỷ là nhân chứng thì ngày nay chúng ta cũng đang được mời gọi làm nhân chứng giữa xã hội hôm nay. Chúa mời kêu mời mỗi người chúng ta trở thành “muối” ướp mặn trần gian, muối của đậm đà tình làng nghĩa xóm, muối của của tình người, tình dân tộc, muối của tình yêu thương nhau trong những môi trường mình sống như trong gia đình, nơi công sở, giáo xứ…; trở thành “ánh sáng” nơi ơn gọi của mình, thứ ánh sáng của Chúa, ánh sáng của yêu thương tha thứ, của bao dung rộng lượng của ngay thẳng thật thà, của hy sinh phục vụ…
“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,13-16). Và như thế chúng ta xứng danh là con cháu các thánh Tử Đạo Việt Nam.
——–
1. Tiểu sử thánh Simon Hòa dựa theo Lm Bùi Đức Sinh, OP., Các Thánh Tử đạo Việt Nam, San Jose California, 2002, trang 212-214