Toàn văn TĐ Lumen Fidei của ĐGH Phanxicô

 

Toàn văn Thông Điệp Lumen Fidei

của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

 

Toàn văn TĐ Lumen Fidei của ĐGH PhanxicôNhư tin đã đưa, vào ngày 05-07-2013, Đức Giáo Phanxicô đã công bố Thông Điệp ”Lumen Fidei” (Ánh sáng Đức Tin). Thông điệp này được gửi đến các GM, LM, Phó Tế, các tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân. Như chính ĐTC Phanxicô giải thích: thông điệp ”Lumen Fidei” hầu như đã được ĐGH Biển Đức 16 hoàn thành và ngài chỉ đóng góp thêm mà thôi. Mục đích của Thông Điệp là phục hồi đặc tính ánh sáng của chính đức tin, có thể soi sáng cho toàn thể cuộc sống con người.

Sau đây là toàn văn Thông Điệp ”Lumen Fidei” được Vietcatholic biên dịch.

1. Ánh sáng đức tin: đó là cách truyền thống Giáo Hội nói về hồng phúc do Chúa Giêsu mang tới. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Kitô tự nói về Người: “Ta đến như ánh sáng bước vào trần gian, để bất cứ ai tin vào Ta sẽ không còn ở trong bóng tối nữa” (Ga 12:46). Thánh Phaolô sử dụng cùng một hình ảnh: “Thiên Chúa, Đấng từng phán ‘ánh sáng hãy chiếu soi từ trong bóng tối’ đã chiếu soi tâm hồn chúng tôi” (2Cor 4:6). Thế giới ngoại giáo, một thế giới khao khát ánh sáng, đã nhìn thấy sự phát triển của việc tôn thờ thần mặt trời, Sol Invictus, mà họ kêu cầu mỗi ngày vào lúc bình minh. Ấy thế nhưng dù mặt trời mỗi sáng mỗi mới, rõ ràng nó vẫn không có khả năng chiếu sáng toàn bộ cuộc nhân sinh. Mặt trời không chiếu soi mọi thực tại; các tia sáng của nó không thể vào sâu trong bóng sự chết, nơi mà mắt con người không thấy ánh sáng của nó. Thánh Giustinô Tử Đạo viết rằng “Không ai sẵn sàng chết vì niềm tin của mình vào mặt trời” (1). Ý thức được chân trời mênh mông mà đức tin mở ra trước mắt họ, các Kitô hữu đã kêu cầu Chúa Giêsu như là mặt trời đích thực “với tia sáng ban sự sống” (2). Với Mácta, đang khóc thương cái chết của em trai mình là Ladarô, Chúa Giêsu bảo: “Tôi đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa đó sao?” (Ga 11:40). Ai tin, sẽ thấy; họ thấy bằng thứ ánh sáng đang soi sáng trọn cuộc hành trình của họ, vì ánh sáng này phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh, sao mai không bao giờ lặn. 

Một ánh sáng ảo? 

2. Ấy thế nhưng, khi nói tới ánh sáng đức tin, ta gần như nghe được phản bác của nhiều người cùng thời với ta. Thời hiện đại, ánh sáng này bị coi chỉ đủ cho các xã hội thời xưa, nhưng vô dụng đối với thời mới, đối với một nhân loại đang thành hình, một nhân loại tự hào về tính hữu lý của mình và luôn muốn khám phá tương lai một cách mới mẻ. Do đó, đối với một số người, đức tin mang dáng dấp của một ánh sáng ảo, ngăn không cho nhân loại mạnh dạn lên đường tìm kiếm nhận thức. Nietzsche lúc còn trẻ từng khuyến khích chị mình là Elisabeth mạo hiểm, dám dẵm chân lên “những nẻo đường mới… với tất cả những điều không chắc chắn của một người phải tìm ra con đường riêng cho mình”. Ông nói thêm: “đây là nơi con đường của nhân loại bắt đầu: nếu chị muốn có bình an cho linh hồn và hạnh phúc, thì chị tin đi, nhưng nếu chị muốn theo đuổi chân lý, chị phải tìm kiếm” (3). Hình như tín ngưỡng không đi đôi với việc tìm kiếm. Từ khởi điểm này, Nietzsche sẽ khai triển việc ông phê phán Kitô Giáo đã làm giảm ý nghĩa trọn vẹn của nhân sinh và tước bỏ khỏi đời người những mới lạ và mạo hiểm của nó. Hiểu như thế, đức tin là ảo tưởng của ánh sáng, một ảo tưởng chặn lối tiến lên tương lai của một nhân loại giải thoát. 

3. Trong diễn trình ấy, đức tin bị liên kết với bóng tối. Có những người cố gắng cứu vớt đức tin bằng cách dành chỗ cho nó song song với ánh sáng lý trí. Chỗ này sẽ được mở ra bất cứ nơi nào ánh sáng lý trí không chiếu thấu, bất cứ nơi nào sự chắc chắn không thể nào có được nữa. Như thế, đức tin được hiểu như một cú nhẩy vào trong bóng tối, cần tiếp nhận lúc không có ánh sáng, bị thúc đẩy bởi xúc cảm mù quáng, hay như một ánh sáng chủ quan, có lẽ có khả năng hâm nóng tâm hồn và đem lại nguồn an ủi cho bản thân, nhưng không phải là điều có thể đề xuất cho người khác làm ánh sáng khách quan chung với khả năng dẫn đường. Tuy nhiên, từ từ nhưng chắc chắn, người ta sẽ hiểu ra rằng ánh sáng của lý trí tự lập hiển nhiên không đủ để soi sáng tương lai; cuối cùng, tương lai vẫn mãi là chiếc bóng và đầy sợ sệt vô minh. Thành thử, nhân loại từ bỏ cuộc đi tìm thứ ánh sáng vĩ đại, là chính Chân Lý, ngõ hầu tự bằng lòng với những ánh sáng nhỏ hơn vốn chỉ soi sáng những khoảnh khắc mau qua chứ không chứng tỏ được khả năng chỉ đường. Ấy thế nhưng, vì thiếu ánh sáng, mọi sự trở nên mù mờ; người ta không thể phân biệt thiện ra khỏi ác, hay con đường dẫn tới đích điểm của ta khỏi những con đường khác vốn làm ta lẩn quẩn trong những đường vòng bất tận, không đi tới đâu. 

Một ánh sáng cần được tìm ra

4. Do đó, điều hết sức khẩn thiết là một lần nữa phải thấy rằng đức tin là ánh sáng, bởi vì một khi ngọn lửa đức tin tắt đi, mọi ánh sáng khác đều bắt đầu tàn lụi. Ánh sáng đức tin là ánh sáng độc đáo, vì nó có khả năng chiếu soi mọi khía cạnh của nhân sinh. Một ánh sáng mạnh như thế không thể phát xuất từ ta mà từ một nguồn nguyên thủy hơn: nói cho gọn, nó phải phát xuất từ Thiên Chúa. Đức tin phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi ta và mặc khải tình yêu của Người cho ta, một tình yêu đi trước ta và ta có thể dựa vào để được an toàn và xây dựng được đời ta. Khi đã được tình yêu này biến đổi, ta sẽ có được viễn kiến tươi mới, những con mắt mới để nhìn; ta sẽ hiểu ra rằng nó chứa đựng lời hứa thành tựu vĩ đại, và cả một tương lai mở ra trước mắt ta. Tiếp nhận từ Thiên Chúa như một hồng ân siêu nhiên, đức tin trở thành ánh sáng dẫn đường ta đi, hướng dẫn cuộc hành trình của ta qua thời gian. Một đàng, nó là ánh sáng phát xuất từ quá khứ, ánh sáng ký ức nền tảng về cuộc đời Chúa Giêsu, thứ ký ức mạc khải tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy của Người, một tình yêu có khả năng chiến thắng sự chết. Ấy thế nhưng, vì Chúa Kitô đã sống lại và kéo ta ra khỏi sự chết, đức tin cũng là ánh sáng phát sinh từ tương lai và mở ra trước mắt ta những chân trời bao la dẫn ta ra khỏi những bản ngã cô lập của ta mà hướng tới cái rộng dài của hiệp thông. Ta sẽ tiến tới chỗ thấy rằng đức tin không nằm trong bóng râm và ảm đạm; nó là ánh sáng cho tối tăm của ta. Trong Thần Kịch, sau khi bày tỏ niềm tin của mình vào Thánh Phêrô, Dante mô tả ánh sáng này như “một đốm sáng sau đó trở nên ngọn lửa bừng bừng và như sao trời rạng sáng trong tôi” (4). Đây là thứ ánh sáng mà giờ đây tôi muốn xem sét để nó lớn lên và soi sáng hiện tại, trở thành ngôi sao rạng chiếu chân trời hành trình của ta vào một thời điểm nhân loại rất cần ánh sáng. 

5. Trước ngày chịu khổ nạn, Chúa Kitô bảo đảm với Thánh Phêrô rằng: “Thầy đã cầu nguyện cho con để đức tin của con đứng vững” (Lc 22:32). Rồi Người bảo ngài phải củng cố anh chị em mình trong cùng một đức tin ấy. Ý thức được nhiệm vụ trao phó cho Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô, Đức Bênêđíctô XVI đã công bố Năm Đức Tin hiện nay, một thời gian ơn phúc giúp ta cảm nhận được niềm vui lớn của việc tin và để làm tươi mới sự bở ngỡ thán phục của ta trước các chân trời bao la được đức tin rộng mở, để rồi tuyên xưng đức tin này trong tính hợp nhất và toàn vẹn của nó, trung thành với ký ức của Chúa và được nâng đỡ nhờ sự hiện diện của Người và hành động của Chúa Thánh Thần. Niềm xác tín phát sinh từ một đức tin vốn đem theo nét cao cả và thành tựu cho đời, một đức tin đặt trọng tâm vào Chúa Kitô và vào quyền năng ơn thánh của Người, vốn gợi hứng cho sứ mệnh của các Kitô hữu đầu tiên. Trong hạnh các tử đạo, ta đọc được cuộc đối thoại sau đây giữa quan tòa Rôma Rusticus và một Kitô hữu có tên Hierax: “’cha mẹ em đâu?’, quan tòa hỏi vị tử đạo. Ngài trả lời: ‘cha thật của chúng tôi là Chúa Kitô, và mẹ của chúng tôi là đức tin vào Người’” (5). Đối với các Kitô hữu tiên khởi này, đức tin, hiểu như cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống nơi Chúa Kitô, quả là “một người mẹ”, vì nó đem họ ra ánh sáng và sinh hạ họ vào sự sống thần linh, một kinh nghiệm mới và một viễn kiến chói lòa về hiện sinh mà họ sẵn sàng làm chứng công khai cho tới cùng. 

6. Năm Đức Tin được khai mở vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày khai mạc Công Đồng Vatican II. Tự nó đây là dấu chỉ rõ ràng: Vatican II là Công Đồng về đức tin (6), vì nó yêu cầu ta tái lập quyền tối thượng của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô làm trung tâm đời ta, cả như một Giáo Hội lẫn như những cá nhân. Giáo Hội không bao giờ coi đức tin là chuyện đương nhiên, nhưng biết rằng hồng ân này của Thiên Chúa cần được nuôi dưỡng và tăng cường để nó có khả năng tiếp tục soi dẫn con đường lữ hành của ta. Công Đồng Vatican II giúp cho ánh sáng đức tin có khả năng chiếu soi kinh nghiệm nhân bản của ta từ bên trong, đồng hành với mọi người nam nữ của thời ta trong cuộc hành trình của họ. Công Đồng cho thấy rõ đức tin đã phong phú hóa đời sống ra sao trong mọi chiều kích của nó. 

7. Trong liên tục tính với mọi điều Huấn Quyền của Giáo Hội vốn tuyên bố xưa nay về nhân đức đối thần này, các xem sét về đức tin ở đây nhằm bổ túc những điều Đức Bênêđíctô XVI từng viết trong các thông điệp của ngài về đức ái và đức cậy. Chính ngài đã gần như hoàn tất dự thảo đầu tiên của thông điệp về đức tin. Vì thế, tôi hết sức biết ơn ngài, và trong tư cách anh em của ngài trong Chúa Kitô, tôi đã tiếp nối công trình tốt đẹp của ngài và thêm một ít đóng góp của riêng tôi. Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô, hôm qua, hôm nay và ngày mai, luôn được mời gọi củng cố anh chị em mình trong kho tàng vô giá đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho ta làm ánh sáng dẫn đường cho nhân loại.

Trong hồng ân đức tin của Thiên Chúa, một nhân đức đầy tràn siêu nhiên, ta hiểu ra rằng một tình yêu vĩ đại đã được hiến tặng cho ta, một lời tốt đẹp đã được ngỏ với ta và khi ta chào đón lời ấy, tức Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời thành xác phàm, Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi ta, rọi sáng con đường tương lai của ta và giúp ta hân hoan tiến bước trên đường ấy bằng đôi cánh hy vọng. Được đan kết một cách diệu kỳ như thế, đức tin, đức cậy và đức mến là lực đẩy của đời sống Kitô hữu khi nó tiến bước hướng về việc hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nhưng con đường mở rộng đức tin trước mắt ta này là con đường nào? Nguồn gốc ánh sáng mạnh mẽ vốn chiếu soi cuộc hành trình của một đời thành công và nhiều hiệu quả này là đâu?

 

Chương Một: Chúng ta đã tin vào tình yêu (xem 1Ga 4:16)

Ápraham, cha chúng ta trong đức tin

8. Đức tin mở đường trước mắt ta và đồng hành với ta qua thời gian. Bởi đó, muốn hiểu đức tin là gì, ta cần theo dõi đường đi của nó, con đường được các tín hữu bước đi, như đã được chứng minh đầu tiên trong Cựu Ước. Ở đây, địa vị độc đáo phải dành cho Ápraham, cha chúng ta trong đức tin. Trong đời ông, một điều gây bối rối từng đã diễn ra: Thiên Chúa lên tiếng với ông; Người tự mặc khải là Thiên Chúa, Đấng đang nói và gọi tên ông. Đức tin được nối kết với việc nghe. Ápraham không nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng nghe thấy tiếng Người. Như thế, đức tin tiếp nhận khía cạnh bản vị của nó. Thiên Chúa không phải là vị thần của một nơi chốn đặc thù, hay một vị thần nối kết với một thời thánh thiêng đặc biệt nào đó, nhưng là Thiên Chúa của một con người, Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp, có khả năng hành động qua lại với con người và thiết lập một giao ước với họ. Đức tin là lời đáp trả của ta đối với một lời đã đích thân nói với ta, lời đáp trả một “Ngài” (Thou) từng gọi ta đích danh.

9. Lời nói với Ápraham chứa đựng cả kêu gọi lẫn hứa hẹn. Trước nhất, đó là lời kêu gọi lìa bỏ quê hương, lời mời gọi đi tới một cuộc sống mới, khởi đầu cho một xuất hành sẽ hướng ông tới một tương lai không dự đoán được. Cái nhìn mà đức tin sẽ đem lại cho Ápraham luôn luôn được liên kết với nhu cầu phải bước cái bước đầu tiến tới này: đức tin “thấy” bao lâu nó tiến bước, bao lâu nó quyết định bước vào các chân trời do lời Thiên Chúa mở ra. Lời này cũng chứa một hứa hẹn: dòng dõi ngươi sẽ lớn lao về con số, ngươi sẽ là cha một dân tộc vĩ đại (xem St 13:16; 15:5; 22:17). Muốn đáp trả lời đã đi trước nó, đức tin của Ápraham phải luôn là một hành vi tưởng nhớ. Ấy thế nhưng việc tưởng nhớ này không cột chặt vào các biến cố quá khứ mà, vì là tưởng nhớ một lời hứa, nó phải có khả năng mở cửa tương lai, dõi ánh sáng lên con đường phải đi. Ta thấy đức tin, hiểu như việc tưởng nhớ tương lai, memoria futuri, do đó liên kết chặt chẽ với đức cậy. 

10. Ápraham được yêu cầu phó thác vào lời này. Đức tin hiểu rằng điều bề ngoài xem ra phù phiếm và thoáng qua là lời nói, nhưng khi được nói ra bởi vị Thiên Chúa vốn chính là tín trung, nó trở thành tuyệt đối chắc chắn và không thể lay chuyển được, đủ bảo đảm cho tính liên tục của cuộc hành trình qua thời gian của ta. Đức tin chấp nhận lời này như tảng đá vững chắc, trên đó, ta có thể xây dựng, một đại lộ thẳng tắp trên đó ta có thể du hành. Trong Thánh Kinh, đức tin được diễn tả bằng từ Hípri ’emûnāh, do động từ ’amān có nghĩa là “duy trì” (to uphold). Hạn từ ’emûnāh chỉ cả lòng tín trung của Thiên Chúa lẫn đức tin của con người. Người có đức tin nhận được sức mạnh nhờ đặt mình vào bàn tay Thiên Chúa, Đấng tín trung. Vui đùa với nghĩa kép của hạn từ này, một nghĩa kép cũng tìm thấy trong hạn từ Hy Lạp pistos và hạn từ La Tinh fidelis, Thánh Cyril Thành Giêrusalem ca ngợi phẩm giá Kitô hữu, người đã nhận tên của chính Thiên Chúa: vì cả hai đều được gọi là “tín hữu” (faithful) (8). Như Thánh Augustinô từng giải thích: “con người tín trung khi họ tin vào Thiên Chúa và các lời Người hứa; Thiên Chúa tín trung khi Người ban cho con người điều Người đã hứa” (9). 

11. Có một yếu tố cuối cùng trong câu truyện của Ápraham rất quan trọng để ta hiểu đức tin của ông. Dù đem lại sự mới mẻ và ngạc nhiên, lời Thiên Chúa không hề xa lạ đối với kinh nghiệm của Ápraham. Trong tiếng nói đang nói với ông, Ápraham nhận ra lời kêu gọi sâu sắc vốn luôn hiện diện tại cốt lõi hữu thể ông. Thiên Chúa cột chặt lời hứa của Người vào khía cạnh đời người luôn tỏ ra “đầy hứa hẹn” nhất, tức chức phận làm cha, sinh ra sự sống mới.: “Xara vợ ngươi sẽ mang thai cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là Ixaác” (St 17:19). Thiên Chúa, Đấng yêu cầu Ápraham hoàn toàn tín thác, tự mặc khải mình là nguồn mọi sự sống. Như thế, đức tin liên kết với tình phụ tử của Thiên Chúa, một tình phụ tử phát sinh ra muôn loài; Thiên Chúa, Đấng kêu gọi Ápraham là Tạo Hóa, Đấng “kêu gọi mọi sự chưa hiện hữu bước vào hiện hữu” (Rm 4:17), Đấng “chọn ta trước khi đặt nền cho thế giới… và định cho ta được nhận làm con cái Người” (Eph. 1:4-5). Đối với Ápraham, đức tin vào Thiên Chúa dõi sáng vào nội thẳm hữu thể ông, giúp ông nhìn nhận suối nguồn sự thiện ở ngay gốc rễ mọi sự và hiểu ra rằng đời ông không phải là sản phẩm của một hư thể (non-being) hay một rủi may, mà là kết quả một lời kêu gọi có tính bản vị và một tình yêu cũng có tính bản vị. Thiên Chúa nhiệm mầu, Đấng kêu gọi ông, không phải là vị thần xa lạ, mà là Thiên Chúa, nguồn gốc và điểm tựa chính của mọi sự hiện hữu. Thử thách vĩ đại đối với đức tin của Ápraham, tức việc sát tế con trai Ixaác, cho thấy phạm vi trong đó tình yêu nguyên thủy này có khả năng đảm bảo sự sống quá bên kia sự chết. Lời từng có khả năng dựng lên một con trai cho kẻ “tệ như đã chết”, trong cảnh “cằn cỗi” của lòng dạ Xara (xem Rm 4:19), cũng có thể giữ lời hứa tương lai bất chấp mọi thử thách và nguy hiểm (xem Dt 11:19; Rm 4:21).

Đức tin của Israel

12. Lịch sử dân Israel trong Sách Xuất Hành diễn tiến theo con đường đức tin của Ápraham. Một lần nữa, đức tin phát sinh từ một ơn phúc nguyên thủy: Israel tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng hứa sẽ giải phóng dân Người khỏi cảnh khốn cùng. Đức tin trở thành lời mời gọi thực hiện cuộc hành trình lâu dài dẫn tới việc thờ phượng Chúa trên Núi Sinai và thừa hưởng đất hứa. Tình yêu Thiên Chúa được coi như tình yêu của một người cha cõng con dọc đường (xem Đnl 1:31). Việc Isarel tuyên xưng đức tin mang dáng dấp một trình thuật về những kỳ công của Thiên Chúa trong việc giải phóng dân Người và hành động như người hướng dẫn họ (xem Đnl 26:5-11), một trình thuật được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ nọ. Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu rọi Israel qua việc tưởng nhớ các kỳ công đầy quyền năng của Chúa, được nhắc lại và cử hành trong thờ phượng, và được truyền tụng từ cha tới con. Ở đây, ta thấy ánh sáng đức tin đã được liên kết ra sao với những truyện sống cụ thể, với việc tưởng niệm đầy biết ơn các kỳ công đầy quyền năng của Thiên Chúa và việc từ từ nên trọn lời hứa của Người. Kiến trúc Gôtích đã nói lên điều này cách rõ ràng: tại các nhà thờ chính tòa, ánh sáng tuôn đổ từ trời xuống bằng cách xuyên qua các cửa sổ mô tả lịch sử cứu rỗi. Ánh sáng của Thiên Chúa đến với ta qua trình thuật tự tỏ mình ra của Người, và do đó trở nên có khả năng rọi sáng cho cuộc vượt qua thời gian của ta bằng việc nhắc nhớ các hồng ân của Người và việc chứng minh Người đã làm trọn các lời hứa ra sao.

13. Lịch sử Israel cũng cho ta thấy cơn cám dỗ vô tín mà dân tộc này hơn một lần sa vào. Ở đây, điều ngược với đức tin được mô tả là thờ ngẫu thần. Trong khi Môsê đang thưa chuyện cùng Thiên Chúa trên Núi Sinai, thì dân không chịu được mầu nhiệm dấu ẩn của Thiên Chúa, không chịu được thời gian chờ đợi để thấy nhan Người. Từ chính bản chất của nó, đức tin đòi người ta phải từ bỏ việc chiếm hữu tức khắc điều mà thị giác như muốn hiến dâng; nó là lời mời hướng về nguồn ánh sáng, trong khi tôn kính mầu nhiệm của một thánh nhan chỉ chịu đích thân tự tỏ lộ vào lúc thuận tiện. Martin Buber có lần đã trích dẫn câu định nghĩa do giáo sĩ Koch đề xuất về việc thờ ngẫu thần: thờ ngẫu thần là “khi một khuôn mặt ngỏ với một khuôn mặt vốn không phải là một khuôn mặt” (10). Thay vì tin vào Thiên Chúa, xem ra tốt hơn nên thờ một ngẫu thần, mà ta có thể nhìn thẳng vào mặt và biết rõ gốc gác, vì nó là sản phẩm của bàn tay ta. Đứng trước một ngẫu thần, ta không hề có nguy cơ bị kêu gọi phải từ bỏ sự an toàn của mình, vì ngẫu thần “có miệng nhưng không thể nói” (Tv 115:5). Ta bắt đầu nhận ra, ngẫu thần có đó như một cái cớ để ta tự đặt ta vào tâm điểm thực tại và thờ phượng sản phẩm của chính bàn tay ta. Một khi con người đánh mất xu hướng nền tảng vốn thống nhất hóa hiện sinh của họ, họ tự đập tan họ thành nhiều mảnh cho các thèm muốn của mình; khi từ khước không chịu chờ đợi giờ hứa hẹn, truyện đời họ đổ bể thành muôn vàn những khoảnh khắc rời rạc khác nhau. Như thế, thờ ngẫu thần luôn luôn là đa thần, vô định bước từ ông chúa này qua ông chúa nọ. Thờ ngẫu thần không đưa ra một hành trình nào mà là dư thừa những nẻo đường chẳng dẫn tới đâu và chỉ tạo nên một mê trận đồ. Những ai quyết định không đặt niềm tin nơi Thiên Chúa hẳn nghe thấy đinh tai đủ mọi thứ ngẫu thần hô hoán: “Hãy đặt tin tưởng nơi ta!”. Vốn liên kết với hồi tâm, đức tin quả đối nghịch với việc thờ ngẫu thần; nó xa lìa các ngẫu thần để hướng về Thiên Chúa hằng sống trong một gặp gỡ bản vị. Tin có nghĩa là phó thác cho một tình yêu nhân hậu luôn luôn chấp nhận và tha thứ, luôn nâng đỡ và hướng dẫn đời ta, và luôn tỏ quyền năng của mình qua khả năng làm thẳng băng mọi đường nét khúc khuỷu của lịch sử. Đức tin hệ ở việc quyết tâm để mình không ngừng được lời mời gọi của Thiên Chúa biến đổi và canh tân. Chính vì thế có sự nghịch lý này: nhờ không ngừng hướng về Thiên Chúa, ta khám phá ra con đường chắc chắn giải phóng ta khỏi cảnh tan rã mà các ngẫu thần vốn áp đặt trên ta.

14. Trong đức tin của Israel, ta cũng gặp khuôn mặt Môsê, người trung gian. Dân có thể không thấy mặt Thiên Chúa; nhưng Môsê là người nói chuyện với Giavê trên núi cao rồi nói lại cho dân biết thánh ý Chuá. Có sự hiện diện của một trung gian giữa mình, Israel học được cách cùng hành trình với nhau trong hợp nhất. Hành vi đức tin của cá nhân tìm được chỗ đứng trong cộng đoàn, trong cái “chúng tôi” chung của toàn dân, một dân mà trong đức tin giống như một con người duy nhất, “con trai đầu lòng của Ta” như Thiên Chúa từng mô tả về dân Israel (xem Xh 4:22). Ở đây, trung gian không hề là một trở ngại, nhưng là một mở đường: nhờ gặp gỡ với người khác, tầm nhìn của ta vươn tới một chân lý lớn hơn chính ta. Rousseau có lần than vãn rằng ông ta không nhìn thấy Thiên Chúa: vì “Có quá nhiều người đứng giữa Thiên Chúa và tôi” (11)… Há không đơn giản và tự nhiên hay sao nếu Thiên Chúa chịu kiếm Môsê đi nói chuyện với Jean Jacques Rousseau?”(12). Theo quan niệm cá nhân chủ nghĩa và chật hẹp về lương tâm, người ta không thể đánh giá được ý nghĩa của trung gian, đánh giá được khả năng tham dự vào viễn kiến của người khác này, cái nhận thức chung vốn là nhận thức riêng của tình yêu này. Đức tin là ơn phúc nhưng không của Thiên Chúa, một ơn đòi hỏi sự khiêm nhường và lòng can đảm để tín thác và phó thác; nó giúp ta khả năng nhìn ra con đường sáng láng dẫn tới cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và nhân loại: tức lịch sử cứu rỗi.

Sự viên mãn của Đức Tin Kitô Giáo 

15. “Ápraham hân hoan được thấy ngày của Ta; ông đã thấy và đã hân hoan” (Ga 8:56). Theo những lời này của Chúa Giêsu, đức tin của Ápraham hướng về Người; theo một nghĩa nào đó, nó tiên báo mầu nhiệm của Người. Thánh Augustinô hiểu như thế khi ngài quả quyết rằng các tổ phụ đã nhờ đức tin mà được cứu rỗi, không phải đức tin vào Chúa Kitô đã đến mà vào Chúa Kitô sắp đến, một đức tin thúc đẩy hướng tới tương lai Chúa Giêsu (13). Đức tin Kitô Giáo đặt trọng tâm nơi Chúa Kitô; nó là lời tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa và Thiên Chúa làm Người sống lại từ cõi chết (xem Rm 10:9). Mọi sợi chỉ của Cựu Ước đều giao thoa nơi Chúa Kitô; Người trở nên lời “có” (yes) dứt khoát đối với mọi lời hứa, là căn bản tối hậu cuả lời “Amen” ta thưa với Thiên Chúa (xem 2Cor 1:20). Lịch sử của Chúa Giêsu là biểu hiện trọn vẹn của tính đáng tin nơi Thiên Chúa. Nếu Israel tiếp tục nhắc ta nhớ các hành vi yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa, những hành vi vốn tạo nên cốt lõi cho việc tuyên xưng đức tin của họ và mở rộng cái nhìn bằng đức tin của họ, thì nay, cuộc đời Chúa Giêsu là căn cứ để Thiên Chúa can thiệp dứt khoát, là biểu hiện tối cao của tình yêu Người dành cho ta. Lời mà Thiên Chúa nói với ta trong Chúa Giêsu không phải là lời trong muôn một, mà là lời trường cửu của Người (xem Dt 1:1-2). Như Thánh Phaolô đã nhắc nhở ta, Thiên Chúa không thể nào ban cho ta một bảo đảm lớn hơn thế về tình yêu của Người (xem Rm 8:31-39). Như thế, đức tin Kitô Giáo là đức tin vào tình yêu hoàn hảo, vào sức mạnh có tính quyết định của tình yêu này, vào khả năng biến đổi thế giới của nó và khả năng diễn biến lịch sử của nó. “Chúng ta biết và tin tình yêu mà Thiên Chúa vốn dành cho chúng ta” (1Ga 4:16). Trong tình yêu của Thiên Chúa, như được mạc khải nơi Giêsu, đức tin nhận ra nền tảng của mọi thực tại và số phận sau cùng của chúng. 

16. Chứng cớ rõ ràng nhất cho thấy sự đáng tin của tình Chúa Kitô yêu ta tìm thấy trong việc Người chết cho ta. Nếu hy sinh mạng sống mình vì bằng hữu là chứng cớ cao cả nhất của tình yêu (xem Ga 15:13), thì Chúa Giêsu đã hiến chính mạng sống mình vì mọi người, thậm chí vì cả các kẻ thù của Người nữa, để biến đổi tâm hồn họ. Điều này giải thích tại sao các phúc âm gia coi giờ Chúa Giêsu chịu đóng đinh là đỉnh cao mà mọi con mắt đức tin đều hướng lên; trong giờ ấy, chiều sâu và chiều rộng của tình yêu Thiên Chúa đã sáng lên. Chính lúc đó, Thánh Gioan đã đưa ra lời chứng long trọng của ngài, khi cùng với Mẹ Chúa Giêsu, ngài ngước nhìn lên Đấng bị đâm thâu (xem Ga 19:37): “Người thấy điều này đã làm chứng, để cả anh em nữa cũng tin. Lời chứng của người ấy chân thực, và người ấy biết mình nói sự thật” (Ga 19:35). Trong Kẻ Ngu Ngốc của Dostoevsky, ông hoàng Myskin thấy bức tranh do Hans Holbein Trẻ vẽ, diễn tả Chúa Giêsu chết trong mồ bèn nói: “Nhìn bức tranh này có thể khiến người ta mất đức tin” (14). Bức tranh này mô tả một cách khủng khiếp các hiệu quả tàn phá của cái chết trên thân xác Chúa Giêsu. Ấy thế nhưng chính nhờ chiêm ngắm cái chết của Người mà đức tin trở nên vững mạnh hơn và nhận được ánh sáng rực rỡ; rồi nó được mạc khải như là đức tin vào tình yêu bền vững của Chúa Kitô dành cho ta, một tình yêu có khả năng chấp nhận sự chết để đem cứu rỗi đến cho ta. Tình yêu này, một tình yêu không lùi bước trước sự chết ngõ hầu chứng tỏ sự sâu sắc của nó, là một điều tôi có thể tin vào; việc hoàn toàn tự hiến của Chúa Kitô vượt thắng mọi nghi ngờ và giúp tôi phó thác vào Người một cách trọn vẹn.

17. Sở dĩ cái chết của Chúa Kitô cho ta thấy tính đáng tin cậy hoàn toàn của tình yêu Thiên Chúa, trước hết, là nhờ sự phục sinh của Người. Nhờ Sống Lại, Chúa Kitô là nhân chứng đáng tin cậy, đáng được tin (xem Kh 1:5; Dt 2:17), và là sự hỗ trợ vững chắc cho đức tin của ta. “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin của anh em là vô ích” Thánh Phaolô nói như thế (1Cor 15:17). Nếu tình yêu của Chúa Cha không làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, nếu nó không có khả năng phục sinh thân xác của Người, thì nó không phải là tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy, có khả năng chiếu soi cả sự u ám của cái chết. Khi Thánh Phaolô mô tả sự sống mới của ngài trong Chúa Kitô, ngài nói về “đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng yêu tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2:20). Rõ ràng, “Đức tin vào Con Thiên Chúa” này chỉ đức tin của Thánh Phaolô vào Chúa Giêsu, nhưng nó cũng giả thiết rằng chính Chúa Giêsu là Đấng đáng tin, dựa không những vào việc Người yêu ta cho đến chết mà còn vào tư cách Con Thiên Chúa của Người nữa. Chính vì Chúa Giêsu là Chúa Con, vì Người tuyệt đối đặt cơ sở trên Chúa Cha, nên Người có khả năng chiến thắng sự chết và làm cho tính viên mãn của sự sống sáng lên. Văn hóa của ta đã đánh mất cảm thức của nó về sự hiện diện và hoạt động có thể rờ mó được của Thiên Chúa trong thế gian. Ta nghĩ rằng phải tìm Thiên Chúa ở cõi bên kia, trên một bình diện khác của thực tại, xa rời khỏi các liên hệ hàng ngày của ta. Nhưng nếu đúng thế, nếu Thiên Chúa không hành động trong thế gian, thì tình yêu của Người không thực sự mạnh mẽ, không thực sự có thực và thậm chí không thực nữa, một tình yêu có khả năng đem lại phước hạnh như lời đã hứa. Nó sẽ không tạo được bất cứ khác biệt nào dù ta tin Người hay không. Trái lại, Kitô hữu tuyên xưng đức tin của họ vào tình yêu có thể rờ mó được và rất mạnh mẽ của Thiên Chúa, một tình yêu hành động thực sự trong lịch sử và xác định ra số phận sau cùng của lịch sử này: một tình yêu có thể được gặp gỡ, một tình yêu hoàn toàn được mặc khải trong cuộc khổ nạn, trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. 

18. Sự viên mãn mà Chúa Giêsu đem đến cho đức tin có một khía cạnh có tính quyết định nữa. Trong đức tin, Chúa Kitô không những chỉ là Đấng ta tin, là biểu hiện tối cao của tình yêu Thiên Chúa; Người còn là Đấng ta kết hợp với, chính là để tin. Đức tin không chỉ chăm chăm nhìn ngắm Chúa Giêsu, mà còn thấy sự việc như chính người thấy nữa, bằng con mắt của Người: nó là sự tham dự vào cách Người nhìn. Trong nhiều lãnh vực đời ta, ta vốn tin tưởng những người hiểu biết hơn ta. Ta tin tưởng kiến trúc sư, người xây nhà cho ta, tin tưởng dược sĩ, người cung cấp thuốc chữa bệnh cho ta, tin tưởng luật sư, người bênh vực ta trước tòa. Ta cũng cần một ai đó đáng tin cậy và nhiều hiểu biết khi liên quan tới Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đấng làm Thiên Chúa được ta biết đến (xem Ga 1:18). Đời sống Chúa Kitô, cách Người biết Chúa Cha và sống trong mối liên hệ hoàn toàn và thường hằng với Chúa Cha, mở ra những viễn cảnh mới và đầy mời gọi đối với kinh nghiệm nhân bản. 

Đối với đức tin của ta, Thánh Gioan làm nổi bật sự quan trọng của liên hệ bản thân với Chúa Giêsu khi sử dụng nhiều hình thức khác nhau của động từ “tin”. Ngoài việc “tin rằng” điều Chúa Giêsu nói với ta là thật, Thánh Gioan còn nói tới việc “tin” Chúa Giêsu và “tin vào” Chúa Giêsu. Ta “tin” Chúa Giêsu khi ta chấp nhận lời của Người, chứng từ của Người, vì Người chân thật. Ta “tin vào” Chúa Giêsu khi ta đích thân chào đón Người vào đời ta và lên đường hướng về Người, bám lấy Người trong yêu thương và bước theo gót chân Người suốt đường dài. 

Để ta có thể biết, chấp nhận và bước theo Người, Con Thiên Chúa đã mang lấy xác phàm của ta. Bằng cách này, Người cũng thấy Chúa Cha theo cách nhân bản, bên trong bối cảnh một cuộc hành trình diễn tiến trong thời gian. Đức tin Kitô Giáo là đức tin vào sự nhập thể của Ngôi Lời và vào sự phục sinh thân xác của Người; nó là đức tin vào một Thiên Chúa gần gũi ta đến nỗi đã bước hẳn vào lịch sử nhân loại. Không hề ly dị ta khỏi thực tại, đức tin của ta vào Con Thiên Chúa làm người trong Chúa Giêsu Nadarét giúp ta nắm được ý nghĩa sâu xa nhất của thực tại và thấy được Thiên Chúa đã yêu thương thế gian này và hằng không ngừng hướng dẫn nó về với Người xiết bao. Điều này dẫn ta, trong tư cách Kitô hữu, sống cuộc sống của ta trong thế gian này với một dấn thân và nồng nhiệt mỗi ngày một lớn hơn.

 

Vietcatholic

Trả lời