Tĩnh Tâm Thánh Đaminh 2013 – Ngày 01
Thánh Đaminh rao giảng Tin mừng
bằng việc dấn thân vào vấn đề của thời đại
Lm. Quốc Văn, OP.
Dẫn nhập
Có thể ví Hội thánh như hình ảnh con thuyền giữa phong ba bão tố. Quả vậy, Hội thánh phải trải qua hết khó khăn này tới khó khăn khác suốt dòng lịch sử hơn 2000 năm. Nếu chỉ tập trung khóe nhìn vào thời Trung cổ, ta thấy rằng sau những cuộc thánh chiến với người Hồi giáo kéo dài suốt hai thế kỷ 11 và 13 (1096-1291), Giáo hội lại phải đối diện với mối đe doạ mới : lạc giáo. Chính trong bối cảnh mới này, thánh Đaminh xuất hiện như sứ giả của Tin mừng, một chiến sĩ kiên vững bảo vệ đức tin của Hội thánh. Chúng ta trở về với thời đại của thánh Đaminh để học hỏi nơi đời sống cũng như gương sáng thuyết giảng của ngài.
1. Vấn đề nổi cộm trong thời đại của thánh Đaminh : lạc giáo Kathar
Lạc giáo quan trọng nhất thời Trung cổ, thời đại của thánh Đaminh sống, đó là phái Kathar (tiếng Hylạp Kathar có nghĩa là “tinh khiết”). Lạc thuyết này được thương nhân và dân hành hương Đất Thánh mang từ Đông phương về Âu châu. Lạc thuyết đã thu hút nhiều người và quy tụ thành một Giáo phái. Giáo phái này xuất hiện trước hết ở Koeln (nước Đức) năm 1143 rồi lan nhanh sang vùng bắc Ý, nam Pháp, Tây Ban Nha và Anh. Vì tín đồ của Giáo phái này có căn cứ ở thành phố Albi, miền nam Pháp, nên họ cũng được gọi là phái Albi. Nguồn gốc xa xưa nhất của thuyết Kathar là chủ trương của Manes người Ba Tư, một lạc thuyết cổ mà Thánh Augustinô một thời cũng đã theo.
Nhóm lạc giáo này theo thuyết Nhị Nguyên, rao giảng hai nguyên lý tạo dựng Thiện – Ác cùng quyền năng như nhau. Họ khinh rẻ vật chất vì cho rằng vật chất phát xuất từ nguyên lý sự dữ; họ khước từ cả hôn nhân, chối bỏ sự nhập thể của Chúa Kitô, coi thường các bí tích vì họ cho rằng qua các bí tích Thiên Chúa “đụng chạm” đến chúng ta qua vật chất. Cuối cùng, họ khước từ cả sự sống lại của thân xác nữa, vì thân xác vật chất là điều xấu xa, dơ bẩn. Các người theo bè phái Albi có cuộc sống nghèo nàn, khắc khổ, gương mẫu, và họ chỉ trích nếp sống giầu sang của hàng giáo sĩ thời đó.
Khi xuất hiện lần đầu ở Âu châu, người ta rất đỗi ngạc nhiên về lối sống nghèo và quá khắc kỷ của họ. Những ai vốn bực mình hay lên án sự giàu sang của Giáo hội đều có cảm tình với nhóm “tín đồ tốt lành” này. Tuy nhiên, đi sâu vào bản chất và nhất là vấn đề đạo lý, lạc giáo này rất tai hại và phá hủy nền tảng đức tin cũng như phong hóa của con người.
Một tài liệu đương thời viết về phái Kathar rằng: “Bọn lạc giáo phân cách vợ với chồng, cha với con trai, con dâu với mẹ chồng trong gia đình. Ngay cả các linh mục cũng chạy theo lối sống đó. Bỏ nhà thờ thành hoang phế, từ chối rửa tội, coi thường Thánh Thể, chế nhạo việc đền tội, người ta chẳng muốn tin gì nữa vào việc tạo dựng con người và sự sống lại phần xác…”.
Trong bối cảnh của lạc giáo như vậy, thánh Đaminh đã đốt sáng lên ngọn đuốc đức tin trong Giáo hội với lối sống giản dị của Tin mừng và với tâm hồn bừng cháy hiệt huyết loan truyền chân lý đến muôn dân, nhất là đến với những ai đang sống dưới bóng đêm lầm lạc.
2. Thánh Đaminh dấn thân vào vấn đề của thời đại
Đức Bênêdictô XVI, trong buổi tiếp kiến 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 3-2-2010 tại đại thính đường Phaolô VI, ngài đã dạy rằng: “Ngọn lửa truyền giáo phải nung nấu con tim của Giáo hội, thúc đẩy chúng ta loan báo Tin mừng cho tất cả mọi người và sống phù hợp với điều chúng ra rao giảng, mà không để cho mình bị cám dỗ kiếm tìm địa vị và quyền bính”.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha giới thiệu gương mặt của một vị thánh lớn sống đồng thời với thánh Phaxicô Assisi: đó là thánh Đaminh, vị sáng lập dòng các Anh Em Giảng Thuyết, hay cũng quen gọi là Dòng Đaminh.
Thánh Đaminh “bén duyên” với sứ mạng truyền giáo, nhờ Đức Cha Diego, Giám Mục giáo phận Osma, một chủ chăn nhiệt thành, ngài nhận ra đức tính nhiệt thành của cha Đaminh và muốn cha cộng tác với mình. Ngài đem cha theo trong các chuyến đi thi hành sứ mệnh ngoại giao do vua Castille giao phó tại các nước miền bắc Âu châu. Nhờ đi đó đây như thế, Cha Đaminh nhận ra hai thách đố rất lớn đối với Giáo hội thời đó: thứ nhất, là sự kiện nhiều dân tộc chưa được rao truyền Tin mừng, và thứ hai, là tình trạng rách nát tôn giáo làm suy yếu cuộc sống Kitô tại miền nam nước Pháp, nơi có vài nhóm lạc giáo gây xáo trộn và xa rời chân lý đức tin. Thế là thánh Đaminh nhất quyết chọn sứ mệnh truyền giáo cho những người chưa biết Chúa và tái truyền giảng Tin mừng cho các cộng đoàn Kitô. Chính Đức Giáo hoàng xin cha Đaminh đảm trách rao giảng Tin mừng cho bè phái lạc giáo Albi. Thánh Đaminh hăng hái nhận sứ mệnh này và thực hiện sứ mệnh với nếp sống thanh bần khắc khổ của một sứ giả rao giảng Tin mừng, nhiệt tâm trong các cuộc tranh luận giữa công chúng. Thánh nhân dành suốt cuộc đời cho việc rao giảng Tin mừng cho dân chúng sống trong các thành phố và nhất là, cho giới sinh viên trí thức đại học, nơi các khuynh hướng trí thức mới trở thành một thách đối với đức tin của giới có học.
Chính thánh Đaminh đã chỉ cho chúng ta thấy hai phương thế không thể thiếu, khiến cho công tác tông đồ sinh nhiều hoa trái. Trước hết, là lòng sùng kính Đức Trinh nữ Maria, mà ngài đã vun xới với lòng hiền dịu và để lại như gia tài quý báu cho con cái thiêng liêng của ngài. Trong lịch sử Giáo hội, các tu sĩ Đaminh đã có công lớn trong việc phổ biến Kinh Mân Côi, là lời kinh rất được Kitô hữu ưa thích và giầu giá trị Tin mừng và là một trường học đích thật của đức tin và lòng đạo hạnh. Thứ hai, thánh Đaminh đã thiết lập một số đan viện nữ tại Pháp và Roma, và tin chắc nơi giá trị của lời cầu nguyện cho công tác tông đồ.
Bị lôi cuốn bởi khát vọng loan báo Tin mừng, đã có nhiều người nhập đoàn với thánh Đaminh; và thế là nảy sinh ra dòng Anh Em Giảng Thuyết. Cộng đoàn Giảng thuyết đầu tiên được thành lập tại Toulouse bên Pháp. Theo các chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng Innocentê III và Honorio III, thánh Đaminh lấy Luật của thánh Agustino và thích ứng luật này với các nhu cầu của đời sống tông đồ, khiến cho các tu sĩ di chuyển đây đó để rao giảng, rồi lại trở về tu viện là nơi nghiên cứu học hỏi, cầu nguyện và sống đời cộng đoàn. Thánh Đaminh muốn đề cao hai giá trị cần thiết cho việc rao giảng Tin mừng được thành công: đó là cuộc sống cộng đoàn trong nghèo khó và việc học hỏi. Cuộc sống của thánh Đaminh thôi thúc chúng ta sốt sắng trong lời cầu nguyện, can đảm sống đức tin, và say mê Chúa Giêsu Kitô. Nhờ lời bầu cử của người, chúng ta hãy xin Thiên Chúa cho Giáo hội có nhiều vị rao gảng Tin mừng đích thực cho con người và thời đại hôm nay.
3. Vấn đề của thời đại chúng ta
Đâu là vấn đề của thời đại chúng ta ? Câu hỏi này không dễ dàng có câu trả lời được nhiều người đồng thuận. Thực ra, thời đại chúng ta hôm nay đang có quá nhiều vấn đề, chúng ta có thể liệt kê hàng loạt, nào là : tham nhũng – hối lộ; nào là giáo dục, y tế xuống cấp; nào là đạo đức xã hội băng hoại; nào là sống thờ ơ vô cảm; nào là người ta chạy theo lợi nhuận không còn để ý đến tiếng nói của lương tri; nào là nạn trộm cắp, cướp giật…, và tệ hại hơn nữa có những vấn nạn mang tính hệ thống và được pháp luật ủng hộ. Vì sự giới hạn của thời gian, chúng ta chỉ bàn ở đây một vấn nạn quan trọng liên hệ sinh tử tới vận mạng của các gia đình. Ai trong chúng ta cũng ý thức rằng gia đình là thành trì đầu tiên và cuối cùng cần phải được bảo vệ. Nếu thành trì gia đình bị bẻ gẫy, thì không thể nói đến một xã hội tốt đẹp và dĩ nhiên cũng khó tìm được cá thể tốt.
Mới đây, ngay trang nhất của tờ báo Thanh Niên, số ra Chủ nhật 28.7.2013, tác giả Thái Sơn và Hoàng Trang có đăng bài: “Ly hôn không cần ra tòa ?” Theo Bộ tư pháp, cơ quan chức năng sẽ xem xét sửa đổi, bổ xung luật hôn nhân gia đình một cách toàn diện và một trong những đề xuất sẽ được đưa vào dự thảo luật là quy định về ly hôn không cần ra tòa. Một khi hôn nhân không được coi như một giao ước mà chỉ là một hợp đồng sống chung, thì ly hôn chỉ là thủ tục đơn giản chấm dứt hợp đồng mà thôi.
Cũng trong số báo này, bài viết “Bồi thường tuổi xuân cho phụ nữ khi ly hôn” của tác giả Thu Hằng, ta thấy còn một đề xuất quái gở khác có thể đưa vào dự thảo luật, đó là hôn nhân được coi như một hợp đồng kinh tế. Tác giả viết một cách vô tội vạ rằng : “Ở các nước, đây là chuyện bình thường bởi vì người ta quan niệm hôn nhân như một hợp đồng kinh tế đặc biệt”.
Thưa cộng đoàn, nếu như những quan niệm như thế trở thành luật chính thức làm nền tảng cho đời sống gia đình, thì liệu những gia đình của chúng ta sẽ đi về đâu ? Đó là chưa kể hàng loạt những vấn nạn khác liên quan đến đời sống gia đình nữa như là việc phá thai hợp pháp, không cấm kết hôn giữa những đồng giới…
Nếu như vào thời đại của thánh Đaminh, phái Kathar chối bỏ đời sống gia đình, khinh miệt đời sống này, thì liệu những dự luật về hôn nhân gia đình của những người mang danh là tân tiến và văn minh này có làm thăng tiến đời sống gia đình, hay sẽ phá đổ sự bền vững của gia đình và làm cho gia đình tan rã?
Nếu như thánh Đaminh đã trở thành ngôn sứ cho thời đại của ngài, thì hôm nay ai sẽ là ngôn sứ ? Và chúng ta phải làm gì để bảo vệ các gia đình, bảo vệ chính gia đình của chúng ta ? Nếu chúng ta không bảo vệ chính gia đình mình, thì ai sẽ bảo vệ gia đình của chúng ta vượt qua những sóng gió của trào lưu thế tục và lạc thuyết hôm nay ?
Còn đâu một xác tín gia đình là hình ảnh sống động của tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Hội thánh ? Còn đâu gia đình là cung thánh bền vững bất khả phân ly, là Hội thánh thu nhỏ, là chiếc nôi của tình yêu, là cộng đồng của ngôi vị và sự sống ? Ngày hôm nay, những lạc thuyết “Tân Cathar, Tân Albi” đang phá hoại gia đình của chúng ta, chúng ta phải tỉnh thức nhận diện và can đảm chống trả.
Kết luận
Thánh Đaminh nhắc cho chúng ta biết rằng ngọn lửa truyền giáo phải luôn cháy sáng trong con tim của Giáo hội và không ngừng thúc đẩy công tác rao truyền Tin mừng và nếu cần tái rao giảng Tin mừng. Thật thế Chúa Kitô là thiện ích lớn lao nhất mà con người thuộc mọi thời đại và nơi chốn có quyền hiểu biết và yêu mến. Thật là an ủi khi thấy rằng ngày nay trong Giáo hội, cũng có biết bao nhiêu người gồm các chủ chăn và giáo dân, cũng như các tu sĩ nam nữ tươi vui xả thân loan báo và làm chứng cho Tin mừng. Chúng ta cũng phải trở thành những sứ giả loan báo Tin mừng cho chính con người thời đại của chúng ta.
Để kết thúc những lời chia sẻ này, tôi xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong dịp Đại hội Giới trẻ thế giới tại Brazil vừa qua, diễn từ đầu tiên tại cung điện Guanabara de Rio de Janeiro, dịp gặp gỡ Bà Tổng thống Dilma Rousseff, cùng với Thống đốc và Thị trưởng của Bang Rio, Đức Thánh cha nói : “Tôi không có vàng cũng không có bạc, nhưng tôi mang lại cho quý vị những gì cao quý nhất đã được ban cho tôi : Chúa Giêsu Kitô ! Nhân Danh Ngài tôi đến để nuôi dưỡng ngọn lửa tình yêu huynh đệ đang nung đốt trong mỗi tâm hồn ; và tôi mong ước lời chào của tôi đạt tới tất cả mọi người và mỗi người : xin bình an của Chúa Kitô ở với quý vị !” Amen.
————–
(1) Nguồn: Xc. Josef Holzer, Lịch sử Giáo Hội qua 100 trình thuật, bản dịch Việt ngữ của Đinh Phan Cư và Phạm Hồng Lam; nguồn: dunglac.org