Thánh Martin de Porres và Thời Đại Hôm Nay



Thánh Martin de Porres và Thời Đại Hôm Nay

Martin Nguyễn Thanh Tuyền, O.P

Thánh Martin de Porres và Thời Đại Hôm NayTrong giới Công Giáo, có lẽ không ai cảm thấy xa lạ với tên Martin de Porres vào thế kỷ XVI. Từ khi chào đời, ngài đã không được nhìn nhận bởi người cha đẻ của mình vì ngài có nước da đen như mẹ, vốn xuất thân từ vùng quê hẻo lánh nghèo nàn tại Panama. Mẹ ngài là người nô lệ mới được phóng thích, còn người cha thuộc dòng dõi quý tộc da trắng, vậy thì làm sao giới quý tộc ấy có thể chấp nhận được trong dòng tộc lại có một thành viên da đen xuất hiện. Thật là một điều sỉ nhục! Sau khi biết chồng tìm cách xa lánh và tẩy chay mình và đứa con vô tội, mẹ của Martin đành phải đưa con đi tìm nhà mướn sống qua ngày. Hai mẹ con trong căn lều lụp xụp đã nương tựa nhau mà tồn tại. Cuộc sống bây giờ thật khó khăn đối với hai mẹ con nghèo nàn và khổ nhục, và đây cũng là cuộc đời tiêu biểu của biết bao người dân da đen thời bấy giờ tại thủ đô Lima, nước Pêru, vốn đang trong cảnh đô hộ và đàn áp tàn nhẫn.

Thiên Chúa vẫn làm nên những điều kỳ diệu từ những gì là tầm thường nhất, nếu không muốn nói là từ hư không nữa ! Mặc dù gặp bao thử thách và sỉ nhục vì là đứa con hoang da đen, Martin đã trở nên một vị thánh vô cùng tuyệt vời cho nước Pêru nói riêng và cho Hội Thánh Công giáo nói chung. Và, có thể nói được rằng, Martin de Porres cũng chính là vị thánh của thời đại hôm nay, một thời đại phát triển tột bực về mọi mặt của đời sống vật chất nhưng cũng lại xuống dốc trầm trọng về khía cạnh luân lý và tinh thần. Xét về mặt nào đó, xã hội tân tiến ngày nay cũng không khá hơn gì so với xã hội của thánh Martin xưa kia. Thời Martin là thời của nô lệ, áp bức, phân biệt khinh khi, nghèo đói, cô độc buồn tủi… thì ngày nay, xã hội máy móc và tin học đã tưởng chừng đưa con người lại gần nhau hơn, thế nhưng… thực tế không như vậy!

Người nghèo đâu cả rồi ?

Nói về cuộc đời Đức Phật Tất-đạt-đa, chuyện kể lại rằng, hoàng tử sống trong đại điện rất lộng lẫy cao sang. Đời sống ngài thật êm đềm hạnh phúc, nhất là với công chúa Da-du. Vua Tịnh-Phạn yêu thương hoàng tử Tất-đạt-đa đến độ tôn thờ. Vua chăm sóc hoàng tử chu đáo đến nỗi không hề muốn con mình có bất cứ điều chi phiền lòng. Vua xây cho hoàng tử ba cung điện nguy nga, một cho mùa đông, một cho mùa hè và một cho mùa mưa. Tất-đạt-đa đã tận hưởng tất cả mọi hương vị lạc thú trần gian, và vẫn hồn nhiên tận hưởng khoái lạc trong đại điện cho đến khi chàng chứng kiến những cảnh tượng ông cụ lụ khụ chống gậy, người đau bệnh, và người chết. Tất-đạt-đa suy nghĩ rất nhiều… Và, chàng nghiệm ra chân lý của cuộc đời là bể khổ.

Vô tri bất mộ. Vâng ! Chỉ khi con người chứng kiến và trải nghiệm thì mới biết. Tất-đạt-đa sẽ không thể biết được chân lý của của cuộc đời nếu như chàng không can đảm bước chân ra khỏi cung điện cao sang. Thế giới bên ngoài chúng sanh không như thế giới bên trong cung điện mà chàng đã từng hưởng nếm. Vui thì sẽ có buồn. Khoẻ mạnh thì ắt phải có đau bệnh. Có sáng vì rằng có bóng đêm hiện hữu. Có mặt trăng ắt phải có mặt trời. Cuộc đời không đơn diện như chàng nghĩ. Thời đại hôm nay cũng thế. Người nghèo khổ sẽ biến đâu mất nếu chúng ta cũng sống trong “cung điện.” Thường xuyên tiếp cận với giới trí thức và giàu sang cũng sẽ làm cho chúng ta quên bẵng đi tầng lớp mù chữ và không có miếng ăn đầy đủ mỗi ngày. Riêng tại nước Mỹ, một trong những nước giàu có nhất trên thế giới, theo nhà nghiên cứu xã hội học là Robert E. Rector, ông cho biết riêng năm 2005 đã có hơn 37 triệu người dân Mỹ không có tiền mua thức ăn, áo mặc, nơi cư ngụ… Vậy, cứ trong 8 người Mỹ thì có 1 người nghèo đói. Ứng cử viên tổng thống là ông John Edwards gọi cái nghèo tại Mỹ này là một “nạn dịch” kinh hoàng. Cung điện mà chúng ta “có thể” đã và đang sống sẽ che khuất hoặc làm ngơ trước những thực tế của con người. Người nghèo thì mặc cảm, rụt rè và lẩn tránh.

“Người vững thì đứng lại được, còn người yếu thì sẽ bị cuốn trôi đi.” Người yếu bị cuốn trôi đi, nhưng họ không biến mất. Có chăng là khả năng nhận biết sự hiện diện của họ nơi chúng ta biến mất mà thôi. Người khon khổ vẫn có đó, họ ở ngay bên cạnh Tất-đạt-đa nhưng chàng lại không nhận biết. Không nhận biết là do chưa can đảm bước ra khỏi chính mình, mà cũng có thể do sự ích kỷ hay sợ bản ngã mình bị đe doạ đã che lấp một cách khôn khéo.

Thánh Martin rất nhiệt thành với người nghèo khổ, đến nỗi ngài có biệt danh là “bạn của người nghèo.” Thầy làm việc không ngơi nghỉ với những người da đen nghèo khốn và bệnh tật, rồi phải chu toàn bổn phận trong tu viện Santo Rosario hàng ngày, thậm chí chăm lo cho cả những súc vật nữa, từ con chuột đến con chó, nhất là những con ghẻ lở hay những con có “vấn đề”. Thầy còn có thêm biệt danh nữa là “ông bang trưởng loài chuột” … Những bệnh nhân nào nghèo quá không người thân, thì chính thầy sẽ tự lo liệm xác và chôn cất. Cuộc đời thầy luôn luôn bên cạnh người nghèo và với người nghèo, vì chính thầy vốn xuất thân từ cuộc sống tủi nhục nghèo hèn vậy. Thầy không cảm thấy mình thieu thốn, nên cuộc sống thầy rất giản dị và tin yêu. Dù thầy sống trong bậc trợ sĩ, nhưng sự biết của thầy trổi vượt lên rất cao. Biết ở đây không phải biết thuộc về trí não duy lý, nhưng là thuộc về tri giác. Biết này không nhất thiết được thủ đắc qua việc học hành nghiên cứu, trường lớp, nhưng cái biết này xuất phát từ tận đáy sâu tâm khảm thầy, tâm khảm của yêu thương vô điều kiện vô phân biệt, vốn bắt nguồn từ sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Thật thế, thầy Martin sống một đời sống thật siêu thường trong cái bình thường và thực tế nhất của kiếp hạn giới.

Trong con mắt Martin, bạn nghèo của thầy hiẹn diện khắp nơi. Có lần thầy Martin mang về người hành khất rách rưới và hôi hám, mình đầy ghẻ chốc vào trong phòng của mình tại tu viện để chăm sóc, một tu sĩ thấy thế rất bất mãn vì không thể chấp nhận khi Martin cho người dơ bẩn ấy nằm trên giường của thầy. Thấy vậy, Martin ôn tồn đáp: “Mền chiếu của tôi có dơ bẩn thì chỉ dùng một chút xà phòng là có thể sạch ngay, thế nhưng cả một suối nước mắt nhân loại cũng không tài nào rửa sạch được vết thương do xã hội bất công và ích kỷ gây ra.” Chúng ta có thể có vô số lý do rất hợp lý để chối từ không chạm đến người nghèo, cũng như các môn đệ xưa kia nói với Chúa Giêsu rằng: “Có bao giờ chúng con thấy Ngài đói rách, mình trần….. đâu!” Phải chăng người nghèo thường chỉ làm phiền hà đến chúng ta? Phải chăng người nghèo không có gì để trả ơn? Phải chăng người nghèo làm cho chúng ta thấy mình bị mất mát cái gì đó…? Hầu hết những người nghèo đều có một cảm nhận như thế. Họ thấy mình như là một gánh nặng đối với những người xung quanh. Càng mặc cảm, họ càng phản kháng mãnh liệt đối với xã hội: ngạo mạn, nổi loạn, chè chén say xỉn, trộm cắp, … Một cách tự nhiên, họ sẽ thu vào trong thế giới riêng của chính mình, và thế là, chúng ta có thể tưởng chừng như họ đã… biến đâu mất rồi!

Cuộc đời Martin đã bị chối từ ngay khi thầy lọt lòng mẹ. Sau đó, vì mang màu da đen và mang vào đời mình tầng lớp nô lệ hèn hạ, thầy đã hiểu và thấm đượm sự khinh miệt và tủi hổ. Hẳn như bao người khốn khổ khác, người ta sẽ “trả thù đời,” bất mãn, và sống lê lết quậy phá cho vui hết đoạn đường đời bất công và khốn khiếp này. Nhưng Martin không làm thế. Tiêu biểu là khi được tám tuổi, cậu đã gặp lại cha đẻ của mình, nhưng người cha vẫn hất hủi và không đón nhận cậu. Ông khinh miệt và làm ngơ như ông chẳng biết gì. Tuy vậy, cậu vẫn không khóc, tuy buồn lắm, nhưng cứ mỗi lần đau đớn như thế, Martin lại chạy đến với Chúa tình thương và trao tat cả cuộc đời mình cho Ngài. Hơn nữa, Martin mỗi lúc càng để tâm đến người khổ đau nhiều hơn, và chăm lo cho họ như người cha nhân hiền vất vả vì đàn con nheo nhóc trong đói khát và bệnh tật. Martin luôn luôn đi bước trước đến với họ và giang rộng vòng tay ôm ấp với hết sức mà thầy có thể.

Phục vụ là hạnh phúc, như mẹ Têrêsa Calcutta đã từng nói. Martin làm việc không ngơi nghỉ, nhưng nét mặt vẫn vui tươi và trong sáng. Nơi những người khốn khổ bệnh tật, Martin đã thấy Chúa Giêsu khó nghèo ở đó. Và, Martin đã sống giữa lòng người nghèo, với người nghèo và trong người nghèo, qua mọi sinh hoạt hằng ngày, từ lúc đi nguyện kinh, khi đi ngủ và khi đi chữa bệnh.

Ý nghĩa hiện sinh

Ý nghĩa cuộc đời là gì ? Trong guồng máy xã hội tân tiến ngày nay không lúc nào dừng nghỉ, con người cứ mãi tần tảo ngược xuôi như đang giăng một màng nhện thật lớn vô hình. Họ đang làm gì? Đi đâu và về đâu? Tìm kiếm rồi đạt được, rồi lại kiếm tìm? Tìm cái gì và đạt được điều chi? Ai điên và ai tỉnh giữa sự ồn ào của guồng máy đang rầm rầm hoạt động? Tìm không được rồi lại bất mãn và buồn đau. Đạt được thì lại khao khát muốn đạt nữa…? Đạt đến khi nào mới ngưng nghỉ? Hay là đến vô cùng…?

Ắt hẳn những câu hỏi trên xem ra ngớ ngẩn trong thời đại hôm nay. Một câu hỏi không thực tế và trên trời !!! Với thế giới công nghệ thông tin, không ai không công nhận sự phát triển liên tục của nó. Những vi mạch trong mọi máy móc từ công nghiệp cho đến đồ gia dụng trong nhà mỗi lúc một phong phú, đa dạng và vô cùng tiện lợi đến không ngờ. Hầu như những nhu cầu vật chất của con người đều được đáp ứng và thế là… những câu hỏi ở trên dĩ nhiên không còn hợp thời và thiết yếu nữa. Thiên Chúa không còn chỗ đứng nào trong họ.

Ý nghĩa cuộc đời là chi… Tại sao và tại sao… được thay thế cho sự suy tính và ra chiến lược cho công việc của mình ngày mai. Thế nhưng, không may thay con người không thể sống như vậy mãi được. Cuối cùng, đến một thời điểm nào đó, con người cũng sẽ chạm đến sự vô thường của cuộc đời trong cái sự thật tam vô : vô duyên, vô vị và vô nghĩa. Chạy ngược chạy xuôi sáng tối để rồi cuối cùng thấy tóc mình bỗng dưng chuyển màu muối tiêu, da mặt không còn mịn màng và trơn láng như thời xuân trẻ nữa. Sáng thức dạy bỗng dưng thấy xương cốt nạng nề nhức mỏi, thậm chí có nhiều đêm trằn trọc mất ngủ mà không rõ nguyên nhân. Đôi mắt bỗng dưng phải đưa xa xa tờ báo mới đọc được, đọc một chút rồi lại bỏ xuống vì nhức mỏi… Tiến trình lão hoá tự nhiên của con người đang dần dần hiện rõ nét. Để ngăn cản tiến trình này, con người chạy theo biết bao mỹ phẩm để phủ một lớp trẻ trung như ngày nào. Đau đớn thay, tóc muối tiêu cứ thế xuất hiện, muối nhiều hơn tiêu, hàng tháng vẫn nhuộm đen mà sao chân tóc cứ bướng bỉnh nhú ra trắng toát đến thế! Thế rồi da mặt cũng hiện lên những ngõ hẻm đan chéo nhau mỗi lúc một nhiều hơn… Đôi khi, tự ngẫm lại mình, thấy sao mình mà vô duyên thế! Và lấy làm thương thay cho phận trớ trêu của mình ! Rồi lặng lẽ thở dài ngao ngán… Chưa hết, đến ngày hôm sau, bỗng dưng phải cẩn thận với những đồ ăn thức uống, vì bị tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ hay cholesterol… gì đó. Thời gian dần dần trôi qua, lòng bỗng tự hỏi : “Cuộc đời là chi và ta sống để làm gì ?” Nhà cao cửa rộng với garage cứ lặng im một cách vô hồn đến thế sao ? Bắt đầu lòng dần dần trở nên trầm lặng… đăm chiêu và dõi mắt nhìn vào cõi không… Cuộc đời sao mà vô duyên, vô vị, và giờ đây… trở nên vô nghĩa quá ! Hơn lúc nào hết, ngày nay càng nhiều người làm bạn với Internet nhiều hơn. Đồng loại không còn tin vào nhau nữa. Đụng đến tương quan là chạm đến tiền bạc, địa vị… Mệt mỏi quá ! Thế giới ảo của chát chít đang bùng nổ khủng khiếp cho thấy con người ngày nay đang đi vào cô độc và trống vắng nhiều hơn.

Đó là những người nghèo trong xã hội hiện đại hôm nay: Nghèo về tình bạn, về tình người, và tình nhân loại. Cuộc sống vật chất càng đầy dư thì con người càng khó cảm thông và xích lại gần nhau hơn. Chương trình truyền hình trên kênh Discovery, người ta cho biết rằng diễn viên nổi tiếng Hoa Kỳ thập niên Marylyn Monroe chết không phải vì bị ám sát, nhưng mà cô đã tự tử vì cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa, cho dù cô có cả sắc đẹp lẫn tiền của. Cô cần tình người đích thực, nhưng người đời đến với cô không vì nhan sắc thì cũng vì tiền của. Lạc lõng. Chán chường. Tự tử.

Cuộc đời tưởng chừng như đơn giản làm sao, nhưng cũng vô cùng sâu thẳm lắm thay. Sâu thẳm đến nỗi con người không thể hiểu thấu được. Một em bé vô tội vừa sinh ra đã phải tắt thở, một bà mẹ goá phụ nghèo khổ tần tảo sáng tối với ruộng rẫy bỗng dưng lăn đùng ra chết để lại đàn con nhỏ ngây ngô cho cuộc đời đầy cạm bẫy… Có một anh trí thức nọ hỏi một vị đạo sĩ Ấn Độ: “Xin chỉ cho tôi biết đâu là bí mật của cuộc đời ?” Vị đạo sĩ ôn tồn đáp : “Có bí mật gì đâu mà ông phải khốn khổ đi tìm đến thế !” Vâng ! Có gì bí mật đâu, có gì khó hiểu đâu trên cõi đời này. Bí mật hả ? Đó, đàn chim đang bay tìm mồi nuôi con kìa, hoa huệ đang toả ngát hương thơm đó, đàn cá đang vui đùa dưới dòng suối trong kìa, bà mẹ đang cho con bú mớm… Anh có thấy không ? Và, có một anh chàng da đen tên là Martin đang chăm sóc những người cùi hủi và bệnh hoạn đó !

Bí mật cuộc đời chính là những gì tầm thường nhất trong cuộc sống hàng ngày, là những cử chỉ hành động của một anh chàng Martin hèn hạ đang dâng hiến cả cuộc đời mình cho người xấu số bất hạnh. Bí mật trong những tiếng chổi xào xạc lặng lẽ trong sân tu viện Santo Rosario mỗi ngày. Bí mật trong những bước chân lang thang thăm hỏi những người da đen nghèo khổ, và trong những lần thay băng và lau chùi vết thương lở loét hôi hám của vùng đất Lima…

Rao Giảng sự trần trụi của Đức Kitô

Càng nghịch lý hơn nữa, càng bí nhiệm hơn nữa, đó là Vua vũ trụ, là vị cứu tinh nhân loại đã và đang đớn đau và trần trụi trên cây thập giá: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì hãy…”, “hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi…” Con đường của Chúa Giêsu là vậy. Thực thế, trong thời đại ngày nay, thế giới vẫn không thể thoát khỏi hấp lực về chủ nghĩa vật chất và hiệu quả. Nền kinh tế cạnh tranh dần dần mỗi lúc một lớn mạnh thì đồng thời làm cho người nghèo cảm thấy mình không còn chỗ đứng nữa. Thầy Martin vẫn phải gặp nhiều thử thách và chiến đấu với lòng mình rất nhiều khi đến với người nghèo và đưa họ vào ngay trong tu vien để chăm sóc. Có một đêm tối nọ, đang trên đường trở về tu viện, thầy gặp một người da đen đang nằm quằn quại trên vũng máu vì bị cướp đánh đập tàn nhẫn. Vội vàng, thầy băng bó vết thương và cõng anh ta về tu viện của mình. Thầy nghĩ rằng, anh ta cần được chăm sóc cho thoát khỏi cơn nguy kịch rồi mới chuyển đến nhà chị để nghỉ ngơi. Không may cha bề trên biết được và trách mắng vì tội không vâng phục. Sống đời sống tu trì, Martin và các tu sĩ dòng Đa Minh đã chọn con đường khiêm nhu và khó nghèo là một lẽ, nhưng Martin còn thực hiện trọn vẹn hơn nữa. Martin luôn luôn dùng đôi chân của mình làm phương tiện để đi đến với người nghèo, áo mặc chỉ có hai bộ rách rưới chắp vá. Mỗi lần tu viện phát đôi giày cho Martin, Martin đều cho người khác mượn cho đến khi cũ mòn thì Martin mới lấy về mà đi. Trong phòng chỉ có một cái chõng để nằm nghỉ và mấy ảnh tượng cho những khi Martin cầu nguyện. Đi đâu, Martin cũng mang theo một số đồ đạc, không phải cho bản thân mình, nhưng là những thứ đưa đến cho người nghèo, như cơm áo, thuốc men, và vài đồ cần thiết mà Martin có được, Martin đều chia sẻ hết cho họ.

Trong khoa truyền nhiễm HIV/AIDS tại một bệnh viện nọ ở Việt Nam, có cây thập giá được treo trong phòng bệnh nhân. Thập giá trông rất giản dị và không có gì đặc biệt cả, nhưng là một lời mời gọi trở về. Trở về sự trần trụi và tình yêu trong Đức Kitô, Người đã từng làm người, chịu khổ đau, xỉ nhục và chết. Người bệnh chính là người nghèo, nhất là bệnh thế kỷ nữa. Có một anh thanh niên nọ 34 tuổi ở khu vực chợ Bến Thành, quận 1, bị Aids. Ngày ngày hai chị thuộc tu hội nọ đạp xe đạp đến viếng thăm. Anh là con một, trong gia đình khá giả. Cha mẹ đều là giám đốc công ty lớn của thành phố. Lúc trước, một mình ôm chiếc tivi ngày đêm, anh lặng lẽ thấm thía nỗi đau bản thân, và từ khi có sự hiện diện của hai chị nữ tu, bầu khí gia đình nhẹ nhàng hơn và mỗi lúc một gần nhau hơn. Giữa một thành phố xem ra sang trọng nhất, và một gia đình tương đối khá giả, có hai chị trong bộ áo giản dị của nữ tu đạp xe lọc cà lọc cạch…!

Một dấu chỉ cho Thiên Chúa nghèo khó và yêu thương vô điều kiện ngay trong thực tại trần gian này. Chính qua sự nghèo hèn mà mọi người có thể liên kết lại cùng nhau trong duy nhất tính của Đức Kitô, Người đã chọn sống nghèo và chết nghèo. Chỉ khi Hội Thánh đồng hành trong niềm tin Kitô giáo với kẻ nghèo khổ thì mới có sự hiệp nhất ấy. Sự hiện diện của hai chị nữ tu là sự hiện diện cho sự hiệp nhất, giữa một xã hội tiêu thụ và công nghệ vốn dần dần đưa đồng loại xa cách nhau. Chị nữ tu ấy sống nghèo qua thái độ và cách sống giản dị của mình. Cha Albert Nolan, O.P, trong cuốn Jesus Before Christianity, cho biết : “Thiên Chúa không muốn được chúng ta phục dịch, mà chính Thiên Chúa lại muốn phục dịch chúng ta; Thiên Chúa chẳng muốn chỗ đứng hay địa vị cao nhất trong xã hội, mà trái lại, Ngài muốn ở chỗ thấp nhất và hèn hạ nhất. Ngài không muốn có vị thế nào, chỗ đứng nào cả. Thiên Chúa không muốn được sợ hãi và tùng phục, nhưng Thiên Chúa muốn chính mình được nhận diện trong chính những nỗi đớn đau kẻ nghèo hèn. Thiên Chúa không phải là kẻ sống thờ ơ lãnh đạm và hoàn toàn xa cách chúng ta, nhưng Ngài đã tham dự một cách bất khả thay thế trong công cuộc giải phóng nhân loại, vì Thiên Chúa đã chọn bị đồng hoá với mọi người trong tinh thần liên đới và lòng thương xót. ”

Giữa một xã hội phân biệt màu da và giai cấp, Martin đã hiện diện trọn vẹn tính nghèo khó, đây là dấu chỉ sự hiệp nhất trong Đức Kitô. Sự hiện diện của Martin cho thấy ngài đang đồng hành với người khốn cùng trong hy vọng và trong tình thương. Martin đã hiểu được rằng, Chúa Giêsu không chỉ chết một lần trên cây thập tự, nhưng Người đang chết dần chết mòn nơi những con người đang bị khinh khi và chối từ. Chúa Giêsu vẫn còn bị đóng đinh và điệu ra pháp trường cho đến ngày Chung Cuộc. Martin cảm nhận được rằng để trở thành môn đệ Đức Kitô, không gì khác hơn là đón nhận chính cuộc sống như Đức Kitô đã từng sống. Có nghĩa là, Martin vui vẻ đón nhận khổ đau, sự khinh miệt và nghèo hèn để Martin có thể chiến thắng đau khổ trên cuộc đời này, tiêu diệt khổ đau bằng chính sự đau khổ cùng với người nghèo và nhân danh người nghèo. Thực thế, chúng ta sẽ không thể nào hiểu được Đức Giêsu Kitô nếu chúng ta không biết đến đau khổ, của chính chúng ta và nhất là của đồng loại. Đây là con đường đầy thách đố, nhưng chỉ qua con đường đau khổ này, con người mới có thể hiểu được đỉnh cao của ơn huệ mà Thiên Chúa ban cho phận hữu sinh – đó là, con người Đức Giêsu Kitô chịu chết và Phục Sinh. Đây như là món quà diệu vợi, món quà này cần phải kiên nhẫn nguyện xin, và là cánh cửa cần phải gõ hoài gõ mãi. Món quà này thật đắt giá vì sự vô giá của nó. Đắt giá, vì nó phải trả bàng cả cuộc đời chúng ta!

Vì Đức Giêsu đã trọn vẹn làm người, nên cuộc đời của Người không được “miễn nhiễm” khỏi khổ đau của thân phận, Người đã nếm mùi vinh thắng của con người, sống với những thất bại, thua cuộc và sự chết của giới hữu sinh. Cuối cùng trong vũ trụ vạn thể này, Người đã tỏ hiện mầu nhiệm sâu thẳm nhat của tình yêu Thiên Chúa. Người được sinh ra chẳng phải nơi nhà thương hay nhà cửa nào đó đàng hoàng, nhưng mà là trong nơi súc vật thường lui đến trú ngụ. Thế là, suốt quãng đời làm lụng vất vả của nghề mộc thủ công và rồi lang thang rày đây mai đó… Môn đệ có theo đó, nhưng cũng chẳng hiểu gì Thầy của mình. Thậm chí còn chối từ và bán đứng Thầy mình cho kẻ khác. Chúa Giêsu đã chạm đến và sống trong hố sâu hút thẳm của thân phận hữu sinh. Vì thế, rao giảng Tin Mừng ngày hôm nay, hơn lúc nào hết, chính là rao giảng sự thua cuộc, thất bại, mong manh, dễ vỡ của tất cả phận người chúng ta; để qua đó, anh chị em nghiệm thấy được Tình Yêu Thiên Chúa và khao khát Phúc Lạc Nước Trời.

Từ thiên giới, Ngôi Lời đi đã xuống và trở thành kiếp nhân sinh của giới hạn thể. Vô Tận đã trở nên hữu hạn. Thiên Chúa đã trở thành con người trong thế giới vô tâm và hận thù, tranh dành và ngấu nghiến cắn xé. Vô Tận đi vào hữu hạn để mời gọi phận hữu sinh về cõi Vô Tận, là Nguồn Cội từ đó vạn vật vũ trụ được sinh ra. Còn Martin được sinh ra như là dấu chỉ tỏ bày cho con người khổ đau biết là họ rất đáng được trân trọng và yêu thương.

Tất cả những khổ đau nhân thế Đức Kitô đã và đang ôm trọn hầu dẫn đưa chúng ta vào trong cung lòng của Người. Người chính là sợi dây liên kết giữa đất và trời, giữa vạn thể hạn hữu với Cõi Phúc Lạc Tuyệt Đối. Vì thế, trong mỗi bước đi dù có khập khễnh trên cuộc đời này, cho dù “đời ta một vở kịch dài, một mình ta đóng cả hài lẫn bi” thì Đức Kitô vẫn muốn chúng ta đừng quên điều cốt lõi này: “hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4), để tất cả nên một trong Cha (Ga 17,21). Tất cả nên một, mà trong cái tất cả đó, có người anh chị em của tôi, trong căn nhà của tôi, trong làng của tôi, trong đất nước của tôi… và trên trái đất của tôi. Tôi đã đau với nỗi đau của người anh em người chị em tôi trong cơn bão tố vừa qua, nạn lụt lội ở miền Trung miền Bắc, trong cơn sóng thần tại Indonesia, trong cuộc chiến tại Palestine, trong cơn đói khát tại Phi Châu, trong nỗi cô đơn và cuồng loạn tại Mỹ, trong tiếng Scandal của anh chị em tôi, trong căn bệnh thế kỷ của đồng loại,… Vì, “…như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Lời Nguyện của Đức Giêsu với Cha : Ga17,2). Đó là lời gọi mời và tha thiết cho hết thảy chúng ta đi vào cung lòng yêu thương của Cha.

Martin từ lúc chào đời đến khi lìa thế, thầy đã vui vẻ đón nhận phận hữu sinh trong hy vọng và tín thác; Có nghĩa là, Martin khao khát muốn tất cả người khốn cùng đón nhận lời gọi mời của Đức Kitô, và chìm sâu vào trong mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Khi chúng ta sống kiên trung trọn vẹn cùng và với mầu nhiệm khổ đau và cũng là mầu nhiệm Tình Yêu trong suốt cuộc đời này, thì chúng ta cũng đang làm cho tất cả những hạn giới trở thành vô tận, và đang được kết hiệp vào trong sợi dây nối kết giữa đất và trời là Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian đã và đang làm cho vạn thể nên một.

Nguyện xin thánh Martin cầu thay nguyện giúp cho tất cả chúng ta can đảm và vui tươi hầu đón nhận anh chị em không phân biệt sang hèn mạnh yếu, đón nhận tất cả những gì đã, đang và sẽ xảy đến cho mỗi chúng ta trong niềm hy vọng và tin tưởng vào Tình Yêu Thiên Chúa. Đồng thời, bạn và tôi, không sợ hãi để lặn sâu vào mầu nhiệm đớn đau của Đức Kitô, nơi anh chị em bên cạnh chúng ta, vốn đang nghèo về vật chất, trí tuệ, tình bạn, tình yêu thương,… Lặn sâu vào trong Đức Kitô đang bị đóng đinh là ngụp lặn vào Đức Kitô phục sinh, Đấng vẫn không ngừng gọi mời chúng ta cách thầm lặng đi về Cõi Phúc trong tình thương vô tận.

Martin, vẫn còn đó, thầy đang cứu giúp những con người bệnh tật và bỏ rơi;

Martin, vẫn hiện diện đó, thầy đang lắng nghe những tiếng rên la và gào thét của những người cô độc và trống vắng;

Và, Martin, đang âm thầm nhắc nhở con cái thầy hãy tiếp nối công việc yêu thương của thầy… trong Đức Giêsu Kitô.

Vì thế, trên hành trình đức tin, cho dù biết bao cơn sóng ngầm và trớ trêu của cuộc đời hôm nay, bạn và tôi hãy cùng nắm tay nhau và khích lệ nhau đi về Nước Trời, trong niềm hy vọng và tình thương yêu đại đồng. Mong thay!

Tu Viện Martin, Hố Nai

 

Trả lời