Thần Học Niềm Vui 03 : Chứng Nhân Niềm Vui

Những chứng nhân của niềm vui Kitô giáo

Lm Giuse Phan Tấn Thành op

Thần Học Niềm Vui 03 : Chứng Nhân Niềm VuiKính thưa quý vị và các bạn,

Như chúng ta đã thấy, Kitô giáo không những loan báo Tin mừng nhưng còn thực sự thông ban sự vui mừng cho những ai tin vào Tin mừng. Nói cách khác, những ai đã sống trọn vẹn Tin mừng, đặc biệt các thánh nhân, đều là những chứng nhân của niềm vui Kitô giáo: họ hưởng niềm vui phát xuất từ các chân phúc của Tin mừng. Ở đây, chúng tôi chỉ xin dừng lại nơi vài tác giả nổi bật vì đã để lại một giáo huấn về sự vui mừng, xếp theo ba giai đoạn : thời các giáo phụ, thời Trung cổ và thời cận đại.

I. Thời các giáo phụ.

Một tác giả đã để lại ảnh hưởng sâu đậm hơn cả cho thần học chắc hẳn là thánh Augustinô (354-430). Trong các bài giảng cũng như trong các tác phẩm tự thuật, thánh nhân trình bày bản chất của sự vui mừng cũng như thôi thúc các tín hữu đạt được niềm vui. Niềm vui là trạng thái chủ quan của hạnh phúc. Ai ai cũng mong được hạnh phúc; khi đã đạt được hạnh phúc rồi thì ta thấy vui. Nói thế có nghĩa là con người tự bản chất mong được hưởng vui mừng. Vai trò của một vị mục tử là chỉ giáo cho các tín hữu biết đâu là con đường đưa tới hạnh phúc và vui mừng đích thực.

Thực vậy, thánh Augustinô cảnh giác rằng có thứ hạnh phúc giả tạo, đưa tới niềm vui giả tạo (Confessiones I 10,32: ML 32,793). Người Kitô hữu cần phải đi tìm hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc thực sự là thứ dựa trên sự thực (tức là chân lý). Nhiều người không dám tới gần sự thực vì sợ sẽ bị tố giác những sai lầm giả dối của mình. Nhưng người Kitô hữu đừng sợ tới gần sự thực là đức Kitô. Cho dù khi đối diện với Ngài, chúng ta sẽ buồn rầu vì thấy những thiếu sót lầm lổi của mình, nhưng nếu ta khiêm nhường thống hối, thì Ngài sẽ sửa chữa sự yếu đuối của ta, soi sáng và an ủi ta.

Con đường dẫn tới sự vui mừng phải trải qua sự khiêm nhường thống hối; nhưng bù lại, ta sẽ được Chúa soi sáng cho ta thấy những thú vui hão huyền, và nhất là ban cho ta niềm vui đích thực là chính Chúa (Sermo 171,1: ML 38,993). Dù sao, ta nên biết rằng bao lâu còn ở trên đời này, niềm vui chưa được trọn vẹn. Niềm vui được ở bên Chúa thường bị pha lẫn nổi buồn vì những lần sa ngã phạm tội, cũng như pha lẫn với niềm khát mong được về hưởng hạnh phúc bất diệt (Sermo 21,1: ML 38,142). Ngoài hạnh phúc do việc kết hiệp với Chúa, thánh Augustinô cũng nói tới niềm vui của tình bác ái thương yêu huynh đệ.

II. Thời Trung cổ

Lịch sử của Giáo hội thời Trung cổ bên Âu châu ghi nhận sự xuất hiện của những phong trào hãm mình đền tội (nguồn gốc của các Dòng Ba) cũng như những phong trào du ca. Vì thế không lạ gì mà hai thánh lập dòng Đaminh và Phanxicô để lại bức chân dung vừa khắc khổ (đồng hóa với đức Kitô trên thập giá) vừa vui tươi, với những bài ca bộc phát từ tâm hồn đơn sơ khi chiêm ngắm vũ trụ. Các tín hữu ở Việt nam đều thuộc lòng bài “kinh cầu hòa bình” của thánh Phanxicô, nơi mà chúng ta học được bí quyết của niềm vui. Nếu muốn tìm một học thuyết có hệ thống về niềm vui, thì chúng ta có thể lục lọi các tác phẩm của thánh Tôma Aquinô.

Thánh Tôma bàn tới sự vui mừng dưới hai khía cạnh: khía cạnh tâm lý tự nhiên, và khía cạnh ơn sủng siêu nhiên. Dưới khía cạnh tâm lý, thánh Tôma phân tích niềm vui như là một trạng thái của tâm hồn. Còn dưới khía cạnh siêu nhiên, thánh Tôma bàn tới sự vui mừng trong tương quan với các nhân đức Kitô giáo; cách riêng sự vui mừng được phân tích như một hoa trái của Thánh Thần mà thánh Phaolô nói tới trong thư gửi Galata.

1) Sự vui mừng dưới khía cạnh tâm lý tự nhiên.

Thánh Tôma tìm hiểu bản chất của niềm vui khi đối chiếu nó với những tâm tình khác của con người. Hai tâm tình căn bản nhất là “yêu” (amor) và “ghét” (odium): ta yêu cái gì tốt lành, và ghét cái gì xấu. Khi mà ta chưa được cái tốt, thì ta ước ao thèm khát (desiderium). Còn khi đã được nó rồi thì ta vui thích (gaudium). Đối với sự xấu cũng vậy: một đàng ta lo sợ (timor) cái xấu khi nó chưa tới; và lỡ gặp nó rồi thì ta đâm ra buồn (tristitia). Như vậy, sự vui sướng là trạng thái an tĩnh của tâm hồn sau khi đã đạt được mục tiêu, tức là điều thiện (quies appetitus in fine: I-II, 34,2,2m).

Thánh Tôma lại còn phân biệt cái “vui” (gaudium) với cái “khoái” (delectatio). Cái khoái thuộc cấp độ giác quan, chung cho cả động vật và con người; còn cái vui thuộc cấp độ tinh thần, riêng của con người (I-II,31,3-4). Dĩ nhiên, trên thực tế, con người gồm cả phần giác quan lẫn phần tinh thần; do đó mà thường cái khoái đem lại cái vui và ngựơc lại. Cả hai đều giả thiết rằng các tiềm năng của ta hoạt động đắc lực: ta vui khi thấy mọi sự trôi chảy, thành công. Sự vui là dấu hiệu của sự thỏa mãn, hài lòng, ưng ý. Xét vì sự vui thuộc về lãnh vực tinh thần, cho nên nó chịu ảnh hưởng của lý trí, phân biệt thế nào là vui thực và thế nào là vui giả, cũng như vui tốt và vui xấu. Sự vui mừng xấu khi dựa trên những điều xấu (thí dụ như đắc chí khi thấy người khác gặp hoạn nạn, sự hả hê vì hạ nhục được đối phương). Sự vui mừng tốt khi dựa trên chân lý. Đó là chưa nói tới niềm vui phát sinh từ việc nghiên cứu, chiêm ngắm chân lý.

Tuy rằng niềm vui thuộc về lãnh vực tinh thần, nhưng thường hay bộc lộ ra thể xác, qua nụ cười, tiếng hát, sự nhảy múa. Niềm vui lại còn chiếu tỏa, lây sang người khác nữa.

2) Sự vui mừng trong đời sống Kitô hữu.

Người Kitô hữu đón nhận các niềm vui tự nhiên như món quà của Chúa. Cần phải loạt bỏ thành kiến sai lầm, theo đó muốn nên thánh thì phải nghiêm trang đạo mạo, không dám vui. Thánh Tôma khẳng định rằng: cần phải vui thì mới có thể tiến trên đường trọn lành được. Niềm vui làm cho hành vi thêm năng động, thúc đẩy sự nhiệt thành hăng say của ta (xc. In Ad Phil. cap.IV, lect.1; Sum. Theol, I-II, q.33,4). Ngoài niềm vui tìm thấy trong thế giới tự nhiên, người tín hữu khám phá thêm những động lực mới của niềm vui từ ánh sáng của đức tin. Chúa Giêsu đã mặc khải cho ta biết Thiên Chúa là cha nhân lành; Ngài hằng săn sóc ta. Đức tin mở cho ta thấy một mối tương quan mới với Thiên Chúa, đưa ta vào một thế giới mới của tình yêu.

Thực vậy, dựa trên giáo huấn của Tân ước, thánh Tôma nhấn mạnh rằng đức Kitô không những dạy ta hãy tin tưởng vào tình yêu của Chúa, nhưng chính tình yêu của Chúa đã được phú vào con tim ta. Tình yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Trên bình diện siêu nhiên, niềm vui là một hoa trái của Thánh Thần, của đức ái (II-II,q.28,4). Thánh Tôma coi đặc trưng của luật Tân ước ở chổ nó được Thánh Thần ghi khắc vào con tim của ta, nhờ đó ta có khả năng thi hành luật Chúa một cách vui vẻ nhiệt thành (I-II,q.106-108). Đây là bí quyết niềm vui của người Kitô hữu: họ cảm thấy được Thánh thần dẫn vào trong tình yêu của Chúa; không những họ cảm nhận được tình yêu mà Chúa dành cho họ, nhưng họ được chia sẻ vào chính tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Hạnh phúc tột đỉnh bởi vì Ngài là Sự Thiện hảo tuyệt đối. Vì vậy, nói tới việc mến Thiên Chúa hay việc được Thiên Chúa yêu thì cũng như nói rằng được chìm đắm trong hạnh phúc vô tận. Đành rằng niềm vui trọn vẹn chỉ có thể có trong tương lai mai hậu khi ta được hưởng nhan Chúa trên thiên quốc, nhưng từ đời này, ta có thể nói rằnh hạnh phúc ấy đã khởi đầu khi mà Thiên Chúa đến ngự trong lòng ta, dựa vào lời hứa của Chúa Giêsu: “Nếu ai mến Thầy, thì Cha sẽ yêu họ và chúng ta sẽ đến cư ngụ nơi họ” (Ga 14,23).

Thánh Tôma đã phân tích mẫu gương tuyệt vời nhất về niềm vui khi bàn đến đức Giêsu khi còn tại thế. Bất chấp bao nhiêu cay đắng khổ cực, đức Giêsu không bao giờ mất niềm vui, bởi vì Ngài luôn luôn kết hiệp với Chúa Cha: ngài với Cha là một (Ga 10,30). Ngài sống cho Cha, lấy ý Cha làm lương thực (Ga 6,58). Thản hoặc đức Giêsu cảm thấy buồn là vì Ngài nhận thấy sự dữ của cái đau khổ và chết xảy tới cho mình hay cho người khác, và nhất là sự dũ của tội lổi khiến cho bao tội nhân xa cách tình yêu của Chúa (III,q.15,6).

Đến đây ta gặp thấy sự mâu thuẫn của niềm vui Kitô hữu. Trên bình diện tự nhiên, thì vui buồn chống nhau như sáng với tối. Sự vui sẽ loại trừ sự buồn; còn khi cái buồn tới thì ta mất vui. Thế nhưng, người tín hữu có thể vừa vui lại vừa buồn. Vui vì đã được hưởng điều thiện, tức là tình yêu của Chúa; nhưng đồng thời họ buồn vì tình yêu ấy chưa trọn vẹn. Họ khám phá sự bất toàn ở nơi chính bản thân của mình: những ngăn trở bởi nết xấu và tội lổi khiến cho lòng mến Chúa không triển nở hết tiềm năng được! Tuy nhiên, nổi buồn này không làm hô tê liệt, nhưng thúc bách họ tìm cách hoạt động, sao cho tình yêu của Chúa càng ngày càng lan rộng trong tâm hồn mình cũng như trong thế giới. Niềm vui của người Kitô hữu mang theo chiều kích truyền giáo là vậy: họ không vui một mình, nhưng mong cho thật nhiều người vào chia sẻ niềm vui với Chúa.

Sau cùng, trong việc thực hành các nhân đức trong đời sống xã hội, thánh Tôma liệt kê nhân đức nhã nhặn (affabilitas: II-II,q.114), lịch thiệp trong tương giao với tha nhân. Nó đối nghịch với sự tâng bốc nịnh bợ cũng như sự cục cằn thô lổ. Thánh Tôma còn nói tới nhân đức vui tính bông đùa (iucunditas: II-II,q.168,a.2).

III. Thời cận đại.

Chúng ta nhận thấy có vài vị thánh không phải chỉ để lại vài nét về niềm vui, nhưng họ dùng sự vui tươi làm con đường nên thánh. Chúng ta có thể lấy một gương điển hình nơi thánh Thomas More, người Anh (1478-1575), đùa cợt cho tới khi chết. Ngài được kính như thánh tử đạo (lễ 22/6), vì bị kết án tử hình bởi đã phản đối việc ly khai của vua Henricô VIII khỏi Giáo hội công giáo. Khi bị dẫn lên đoạn đầu đài, ngài giỡn với lý hình: “Này ông ơi, làm ơi dắt tôi lên đi; còn việc đi xuống thì ông khỏi lo !” Sau khi đã dọn mình xong, ông ta ôm hôn lý hình và chúc: “Can đảm lên, đừng sợ ! Cổ tôi ngắn lắm; chặt sao cho khéo kẻo thiên hạ cười cho đấy !” Khi đã đặt cổ vào bục, ngài còn dặn dò lý hình lần chót: “Nhớ chặt đầu, chứ đừng chặt râu nhé, nó chẳng có tội tình gì đâu!”.

Dù sao, lời nguyện sau đây của ngài đã trở thành cổ điển để xin Chúa ban cho tính khôi hài:

“Lạy Chúa, xin cho con được ăn ngon, và đồng thời xin cho con kiếm được cái gì nhét vào bao tử. Xin cho con được sức khoẻ thể xác, và cho con sự vui tính để mà gìn giữ sức khoẻ. Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn lành thánh, biết thu lượm hết những gì tốt lành trong sạch, để lỡ khi gặp tội lổi thì không hoảng sợ nhưng mà biết cách sửa chữa. Xin cho con một tâm hồn không hề biết tới là chán nản, lẩm bẩm, rên rỉ, thở dài; xin cho con đừng quá bận tâm đến cái thằng chuyên phá rối phách, nó tên là thằng “tôi”. Lạy Chúa, xin cho con được chút ít khôi hài; xin cho con ơn biết tiếp nhận chuyện bông đùa diễu cợt, để con có thể thấy được tí chút vui vẻ trên đời, và giúp cho người khác cũng được thông dự vào. Amen.

Trong những vị thánh đã lấy niềm vui để đo lường mức độ đạo đức, ta phải kể tới thánh Phanxicô de Sales (1567-1622). Ngài viết rằng: “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn (đáng thương hại ?) (Un saint triste est un triste saint). Một vị thánh đương thời là Philipphê Nêri (1595-1622). Tính vui tươi độc đáo của ngài đã được ghi lại trong các lời nguyện phụng vụ và trong bài đọc giờ Kinh sách của ngày 26/5.

Vào thời đại gần chúng ta hơn, cần phải nhắc tới các tác phẩm của của thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu. Bí quyết niềm vui là sống phó thác cho tình yêu Chúa.

Sau cùng, chúng ta không thể nào bỏ qua một văn kiện của Tòa thánh nói về sự vui mừng. Đó là tông huấn Gaudete in Domino (Hãy vui lên trong Chúa) của đức Phaolô VI, ban hành vào lễ Hiện xuống, ngày 9/5/1975. Xét vì thời điểm chính trị của nước Việt Nam lúc đó, có thể quả quyết rằng hầu hết đồng bào ở nhà không hề nghe nói tới. Thực sự, thì cả bên Âu châu cũng ít tác giả lưu ý tới văn kiện đó. Xem ra niềm vui không phải là một đề tài nghiêm túc của thần học !

Tuy nhiên, khi đọc kỹ tông huấn này, chúng ta tìm thấy rất nhiều lời khuyên thực hành để có thể đáp lại lời kêu gọi của thấnh Phaolô : “Hãy vui lên trong Chúa !”. Văn kiện gồm có 6 chương:

1) Lòng khao khát niềm vui trong con tim của mỗi người.

2) Lời loan báo vui mừng trong Cựu ước.

3) Niềm vui theo Tân ước.

4) Niềm vui trong tâm hồn các thánh nhân.

5) Niềm vui cho toàn dân.

6) Niềm vui và hy vọng trong con tim các bạn trẻ.

7) Niềm vui của khác hành hương trong Năm thánh.

 

Để lại một bình luận