Thần học online:
Bài 5: Việc cử hành BTTT thời giáo hội sơ khai
Lúc Đức Giêsu truyền lặp lại những cử chỉ và lời nói của mình “cho tới khi Người lại đến,”[1] Người đòi hỏi không những phải nhớ đến Người và những gì Người đã làm, nhưng còn muốn các Tông đồ và những người kế nhiệm phải cử hành phụng vụ tưởng niệm cuộc sống, cái chết, việc phục sinh và lên trời về với Chúa Cha của Người; việc làm này không phải chỉ để nhớ đến Đức Giêsu, nhưng còn là ca tụng tình thương của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu và hiến tế thập giá của Người, Thiên Chúa đã ban cho con người ơn cứu độ.
Ngay từ đầu, Hội thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh của Chúa. Sách Công Vụ Tông Đồ tường trình về Hội thánh ở Giêrusalem như sau:
Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh, và cầu nguyện không ngừng… ngày ngày siêng năng tới đền thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.[2]
Đặc biệt các Kitô hữu họp nhau để “bẻ bánh”[3] vào “ngày thứ nhất trong tuần,” nghĩa là Chúa nhật, ngày Chúa phục sinh. Sách thánh không cho thấy cụ thể nghi lễ Bẻ Bánh diễn tiến thế nào, nhưng chúng ta có thể xem đây là những thánh lễ thuở ban đầu Giáo hội đã xác tín và long trọng cử hành. Đó chính là nguồn mạch và sức sống của Giáo hội thời sơ khai.
Quả vậy, sách Công Vụ Tông Đồ cũng cho chúng ta thấy Giáo hội tiên khởi chuyên cần hội họp bẻ bánh.[4] Chính việc Bẻ bánh và chuyên cần này đã xây dựng Hội thánh tiên khởi. Như vậy, ngay từ đầu, việc cử hành Thánh Thể đã đi vào trọng tâm việc phụng vụ của Giáo hội. Khi cử hành Bí tích này, biến cố Đức Giêsu chịu chết và phục sinh lại được hiện tại hóa, mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu đã là nền tảng cho sự hiện hữu của Giáo hội, Giáo hội trước hết là “Giáo hội phục sinh”, Giáo hội là cộng đoàn quy tụ, Giáo hội là cử hành Thánh Thể, Giáo hội là Agapê, là đức ái… trong những ý nghĩa này, chúng ta rút ra mối tương quan khắng khít giữa Thánh Thể và Giáo hội.
Cũng nên biết, thuở đầu không có luật buộc phải giữ chay Thánh Thể như ngày nay, trước khi cử hành lễ bẻ bánh, các tín hữu tụ họp nhau chia sẻ bữa cơm huynh đệ gọi là Agapê.(trích Từ cạnh sườn bị đâm thâu, tr 257-258)
[youtube]fSDKKlCfOEs[/youtube]