Trong xã hội thời ấy, nguyên mầu da đen đã là một ranh giới phân chia thế giới con người. Nhưng Martin đã sớm “lặn” sâu vào tầng lớp những người khổ đau, nơi chỉ có tiếng kêu thống thiết xuyên vào tận tâm lòng con người. Chính trong “tầng lớp” cuộc đời khổ đau này, Martin đã thể hiện vai trò người cha của những kẻ khổ đau, thể hiện một tình nghĩa gia đình đại đồng, một tình yêu thương vô điều kiện.
Trong phòng Martin, không có bàn, không có ghế, ngoài cái giường, chỉ có tượng Thánh Giá, ảnh Đức Mẹ và thánh Đa Minh treo trên tường. Hình tượng thánh giá là điều không thể thiếu đối với Martin. Nhiều lần người ta nhìn thấy Martin quì cầu nguyện ngây ngất trước thập giá Chúa.
Martin chẳng bao giờ nỗ lực để leo lên các bậc thang xã hội, để vênh mặt với cuộc đời. Cuộc đời ngài như ẩn khuất trong những chuyện quen thuộc của cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, tất cả những ý nghĩa lớn lao của cuộc đời bác ái đã tìm thấy nơi cuộc đời bình thường ấy mảnh đất mầu mỡ để trổ sinh hoa trái.
Sách kể lại rằng, Martin không hề từ chối một bệnh nhân nào hay gắt gỏng khi có ai đến nhờ vả. Lúc nào trên môi Martin cũng điểm một nụ cười thật tươi, nên các bệnh nhân trong nhà thương cũng như các tù nhân trong trại giam đều gọi Martin là “ân nhân khả ái”. Ta có thể thấy nét tương đồng trong lời chào của Mẹ Maria với nụ cười của Martin.
Thánh Martin cũng đã tìm ra cách sống phong phú trong thái độ cúi xuống như thế : sống trong một hoàn cảnh chẳng bằng ai… thế nhưng thay vì nhìn lên để phẩn uất vì hoàn cảnh “đen đủi” của mình, Martin lại biết nhìn xuống những người nghèo khó hơn mình, và luôn thể hiện một tấm lòng bác ái, quảng đại.
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của mọi người, giáo xứ thánh Đaminh Ba Chuông có tổ chức việc tôn kính thánh Martinô vào các ngày thứ Năm hàng tuần
Năm 2008, giáo xứ Đaminh đã tổ chức ba ngày tĩnh tâm cuối tháng 10, để nhắc nhớ nhau tiểu sử, nhân đức và các ơn lạ của thánh Martinô. Đúng ngày lễ 3-11, giáo xứ có bốn thánh lễ, lễ nào cũng thu hút đông đảo giáo dân đến với thánh Martinô.