Sứ Điệp ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2003

Sứ Điệp ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2003
Đức Gioan Phaolô II

Chúng ta đã biết tình yêu Thiên Chúa nơi chúng ta,
và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,14.16).

 

Sứ Điệp ngày Thế Giới Bệnh Nhân 20031. “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ trần gian… Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,14.16).

Những lời này của Tông đồ Gioan tóm lược những gì cơ bản mà Giáo Hội kiếm tìm trong công tác mục vụ chăm sóc sức khoẻ. Một khi nhận ra được sự hiện diện của Chúa Kitô trong những người anh em đang đau khổ của mình, Giáo Hội chú tâm mang đến cho họ tin vui của Phúc Âm và cống hiến cho họ những dấu chỉ hữu hiệu của tình yêu.

Đó là nội dung của Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XI, sẽ được tổ chức vào ngày 11-2-2003, tại Washington D.C., Hoa Kỳ, trong Vương cung Thánh đường Vô Nhiễm, Đền thánh quốc gia. Việc chọn nơi này và ngày này như mời gọi tín hữu hướng tâm hồn và tinh thần về Mẹ Chúa Kitô. Khi phó thác mình cho Mẹ, Giáo Hội cảm thấy bị thúc đẩy phải đem lại những bằng chứng mới về tinh thần bác ái để trở thành một hình tượng sống động của Đức Kitô, người Samari nhân lành, trong muôn vàn cảnh khổ về thể xác và tinh thần của thế giới hôm nay.

Những câu hỏi dồn dập về sự đau khổ và sự chết, hiện diện cách thê thảm trong tâm trí của mỗi người vẫn đang chờ những câu trả lời thích đáng, bất chấp não trạng thế tục cố gắng không ngừng để che giấu hay không biết đến chúng. Người Kitô hữu, cách riêng khi họ hiện diện trong những kinh nghiệm đau thương của con người, được kêu gọi để làm chứng cho chân lý đầy an ủi của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng mang trên mình những đau thương và bệnh tật của nhân loại, kể cả sự chết, rồi biến chúng thành những dịp may mang lại ân sủng và sự sống. Việc loan báo và chứng từ này phải được truyền thông cho tất cả mọi người và mọi nơi trên trái đất.

2. Qua việc cử hành Ngày Thế giới Bệnh nhân sắp tới, ước mong Tin Mừng sự sống và tình yêu lại vang dội mãnh liệt, nhất là tại châu Mỹ, với hơn nửa số người Công giáo đang sinh sống!

“Tại châu Mỹ, cũng như trong những thành phần khác của thế giới, xem ra ngày nay hiện tình một kiểu xã hội, trong đó những kẻ quyền thế thống trị, bằng cách gạt ra bên ngoài và thậm chí loại trừ những kẻ yếu thế: ở đây tôi nghĩ tới những em bé chưa được sinh ra là những nạn nhân không thể tự vệ của nạn phá thai, tới những người cao tuổi và bệnh hoạn không thể chữa trị, đôi khi là mục tiêu của việc làm chết êm dịu, và tới bao nhiêu con người khác bị đặt ra bên lề xã hội vì ý thức hệ tiêu thụ và duy vật. Và tôi không thể không nhắc tới việc sử dụng không cần thiết án tử hình.

Một kiểu xã hội như vậy mang dấu vết của nền văn hoá sự chết, và vì thế đi ngược với “sứ điệp Tin Mừng” (Tông thư Hậu Thượng Hội đồng Giáo hội tại châu Mỹ, số 63). Đứng trước thực tại đáng quan tâm này, làm sao chúng ta lại không dành ưu tiên để bênh vực nền văn hoá sự sống trong các công tác mục vụ khác? Những người Công giáo đang làm việc trong lĩnh vực y khoa và sức khoẻ có nhiệm vụ khẩn cấp là làm hết sức mình để bênh vực sự sống khi sự sống bị lâm nguy trầm trọng, bằng cách hành động với một lương tâm được đào tạo đúng, theo giáo lý của Giáo Hội.

Nhiều trung tâm chăm sóc sức khoẻ, qua đó, Giáo Hội Công giáo cống hiến một chứng từ đích thực về đức tin, đức cậy và đức mến, vẫn còn đang tham gia thực hiện một cách đáng khích lệ mục đích cao đẹp này. Cho tới bây giờ, những trung tâm này có thể dựa vào một số đông các tu sĩ nam và nữ đang phục vụ tại đó, để đảm bảo một sự săn sóc có chất lượng cả về mặt chuyên môn lẫn mục vụ. Tôi mong rằng, một sự nở hoa mới các ơn gọi có thể cho phép các tổ chức tu trì theo đuổi công việc đáng ca ngợi của mình và cả việc tăng cường nó bằng sự trợ giúp của nhiều giáo dân tự nguyện, vì lợi ích nhân loại đang đau khổ trên lục địa Mỹ châu.

3. Lĩnh vực chuyên biệt tông đồ này liên hệ đến tất cả các Giáo hội địa phương. Vì thế, mỗi Hội đồng Giám mục phải ra sức, nhất là nhờ những cơ quan thích hợp, để cổ vũ, hướng dẫn và phối hợp việc mục vụ sức khoẻ cho bệnh nhân, hầu khơi lên trong toàn thể dân Chúa sự chú ý và sẵn lòng cảm thông đối với những nhu cầu rất khác biệt của sự đau khổ này.

Muốn cho chứng từ tình yêu này được luôn luôn đáng tin cậy, các tác nhân của mục vụ sức khoẻ phải làm việc trong sự hoàn toàn hiệp thông với nhau và với các mục tử của họ. Điều đó đặc biệt khẩn cấp trong các bệnh viện Công giáo, vì các bệnh viện này cần phải tổ chức thế nào để luôn luôn phản chiếu rõ ràng hơn những tiêu chuẩn của Tin Mừng, mà vẫn đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại, như những chỉ dẫn về xã hội và luân lý của Huấn quyền nhấn mạnh. Điều đó đòi hỏi, về phía các bệnh viện Công giáo, một hành động thống nhất liên quan đến tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực kinh tế và quản trị.

Ước gì các bệnh viện Công giáo trở nên những trung tâm của sự sống và hi vọng, nơi đó phát triển những uỷ ban đạo đức, việc đào tạo giáo dân trở thành nhân viên bệnh viện, việc biến những sự chăm sóc dành cho bệnh nhân và những kẻ bị vứt bên lề thành sự phục vụ đầy tính nhân bản, đồng thời các dịch vụ tuyên uý cũng được phát triển ở đây. Ước chi việc làm có tính cách chuyên môn này có thể trở thành một bằng chứng đích thực về đức ái, bằng cách lưu ý sự sống là một hồng ân của Chúa mà con người chỉ là kẻ quản lý và bảo vệ.

4. Chân lý này phải luôn luôn được nhắc nhở trước sự tiến triển của các khoa học và những tiến bộ của các kỹ thuật y khoa, có mục đích chăm sóc và thăng tiến chất lượng cho cuộc sống con người. Định luật cơ bản thật sự vẫn là sự sống phải được bảo vệ và bênh vực từ lúc thụ thai cho tới khi kết thúc tự nhiên của nó.

Như tôi đã nhắc tới trong Tông thư Novo Millennio Ineunte (Bước vào thiên niên kỷ mới), “việc phục vụ con người bắt chúng ta phải nhấn mạnh, lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện, là những ai lợi dụng những tiến bộ mới mẻ của khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực những kỹ thuật sinh học, không bao giờ có thể được phép coi thường những yêu sách cơ bản của đạo đức học, khi họ nại tới một sự liên đới đang bị nghi vấn, vì liên đới này rốt cuộc lại tạo ra việc kỳ thị giữa sự sống này với sự sống khác, và coi thường phẩm giá riêng của mỗi cá nhân con người” (số 51).

Cởi mở với sự tiến triển khoa học và kỹ thuật đích thực, Giáo Hội đánh giá cao cố gắng và hy sinh của những ai, với sự nhiệt tình và chuyên môn nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng việc phục vụ cống hiến cho bệnh nhân, trong sự tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. Mỗi tiến trình điều trị bệnh, tất cả thí nghiệm, mỗi cuộc cấy ghép, phải tôn trọng chân lý cơ bản này.

Như vậy, không bao giờ được phép giết một người để chữa trị một người khác. Và nếu, trong giai đoạn cuối cùng của sự sống, người ta có thể khuyến khích những săn sóc làm giảm cơn đau đớn đang khi tránh việc chữa trị bằng bất cứ giá nào, thì không một hành động hay một sự thiếu sót nào, mà tự bản chất của hành động hay trong những ý muốn của người hành động, nhằm dẫn đến sự chết, được phép làm bao giờ.

5. Tôi rất mong Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XI khơi lên trong các giáo phận và trong các cộng đồng giáo xứ một sự dấn thân đổi mới đối với mục vụ sức khoẻ. Cần phải chú ý cách riêng đến những người bệnh nằm tại nhà, vì người ta có khuynh hướng rút ngắn thời gian nằm bệnh viện, và thường giao phó bệnh nhân cho gia đình họ. Trong những nước thiếu những trung tâm chăm sóc sức khoẻ, cả những người bệnh trong giai đoạn cuối, cũng phải nằm tại nhà. Các linh mục quản xứ và tất cả những tác nhân mục vụ phải liệu sao đừng bao giờ để cho bệnh nhân thiếu sự hiện diện an ủi của Chúa, nhờ Lời Chúa và các bí tích.

Nên dành ra một vị trí thích đáng cho việc mục vụ sức khoẻ trong chương trình đào tạo các linh mục, tu sĩ nam nữ bởi vì chính trong những sự chăm sóc người bệnh, hơn bất cứ việc gì khác, mà người ta cảm nghiệm cụ thể được tình yêu và thấy rõ chứng từ hi vọng vào sự Phục Sinh.

6. Các vị tuyên uý, các tu sĩ nam nữ, các bác sĩ, các y tá, các dược sĩ, các nhân viên kỹ thuật và hành chính, các nhà hoạt động xã hội và các tình nguyện viên thân yêu, Ngày Thế giới Bệnh nhân hiến cho các anh chị em một dịp thuận lợi để anh chị em dấn thân làm môn đệ quảng đại hơn nữa của Chúa Kitô, người Samari tốt lành. Với ý thức về căn tính của mình, anh chị em hãy khám phá nơi những kẻ đau khổ gương mặt đau khổ và vinh hiển của Chúa Kitô! Anh chị em hãy sẵn sàng trợ giúp và mang lại niềm hy vọng, cách riêng cho những người mắc những bệnh mới, như AIDS, hay những bệnh cũ còn hoành hành như bệnh lao, sốt rét, bệnh phong!

Cùng với anh chị em, những người đang chịu đau khổ trong thân xác hay tinh thần, tôi chân thành cầu chúc anh chị em biết nhận ra và tiếp nhận Chúa, Đấng kêu gọi anh chị em làm chứng nhân cho Tin Mừng đau khổ, bằng cách nhìn xem, với lòng tin tưởng và tình yêu, gương mặt Chúa Kitô bị đóng đinh (x. Novo Millennio Ineunte, số 16), và kết hợp những đau khổ của anh chị em với những đau khổ của Người.

Tôi phó thác tất cả anh chị em cho Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, Đức Bà Guadalupe, vị Thánh Bảo trợ châu Mỹ và là sự chữa lành của bệnh nhân. Xin Mẹ nghe lời cầu xin cất lên từ thế giới khổ đau, lau khô nước mắt cho những ai đang gặp đau phiền, ở gần những bệnh nhân sống trong cảnh cô đơn, và nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, xin giúp những tín hữu đang làm việc trong lĩnh vực sức khoẻ trở nên những chứng nhân đáng tin về tình yêu Chúa Kitô.

Và tôi âu yếm chúc lành cho từng anh chị em.

Vatican, ngày 2 tháng 2 năm 2003

Gioan Phaolô II

Để lại một bình luận