Khi Rose lớn lên, cô được phép đi săn sóc nhiều người đàn bà nghèo khổ và đau ốm trong thành phố. Một căn phòng đặc biệt trong gia đình Rose được sửa sang lại cho những người kém may mắn cư ngụ. Nó được gọi là “Nhà cho kẻ yếu đau”và nó đã trở nên chỗ thực sự cho các người nghèo khó bệnh tật ở Lima. Trái tim Rose tràn đầy tình thương với những người đau khổ, vì nó đầy ắp tình yêu Chúa. Sống tốt lành với người bệnh là yêu Chúa. Không có vấn đề bệnh đó thế nào, hay có thể gây truyền nhiễm làm sao. Rose không từ chối giúp đỡ bất cứ một ai hết. Đôi khi, những vết thương đầy nguy hiểm và có thể lây truyền hoặc thối tha làm Rose không thể chịu nổi, thì cô thường ra ngoài phòng một vài phút, sau đó cô trở lại để tặng cho bệnh nhân một nụ cười khả ái và sự giúp đỡ.
Vài tháng trôi qua, có vài người Ấn Độ tuyên bố rằng họ đã được chữa khỏi những căn bệnh hiểm nghèo ngay tại “Nhà cho kẻ yếu đau “đặc biệt sau khi Rose cho họ giữ tượng Chúa Hài Đồng Giêsu. Bức tượng này, họ quả quyết rằng, thật mầu nhiệm. Chính Rose cũng đặt tên cho bức tượng là “Vị Bác Sĩ Nhỏ ”
Mặc dù con gái bà Maria đã nổi tiếng về việc giúp đỡ người nghèo và bệnh tật, đôi khi bà vẫn còn nổi giận với con. Một ngày kia, bà chất vấn ông chồng : “Các nhà thương ở Lima không đủ hay sao mà còn phải chạy tới nhà thương của chúng ta. Nào là nhà thương Thánh Anna, Thánh Anre, Thánh Larazo thì sao ? Không lý do nào Rose lại phải chăm sóc nhiều người khốn khó ở đây, ông Gaspar ơi. Nó làm tôi phát ốm lên được !”
Ông Gapar cười. Khó có một ngày qua đi mà bà vợ của ông không than phiền một cái gì đó. Ông nói : “Vì chúng ta có một ngôi nhà rộng rãi Maria ạ ! Rose có thể dùng một phòng để làm việc bác ái thì tốt chứ sao ?” – “Bác ái hả ? Ông Gaspar, ông không biết năm nay là năm 1606 rồi à ? Và Rose đã 20 tuổi mà chưa cưới hỏi gì hết. Tôi có quyền trách cứ vì nó dành nhiều thời giờ cho người Ấn Độ bệnh tật và người da đen. Tại sao nó không quan tâm đến việc gặp gỡ các thanh niên lịch thiệp, giầu có để thay đổi cuộc sống ?” Ông Gaspar vặn lại : “Điều đó có thật là tốt không ? Bà có nhớ điều nó đã nói với chúng ta chứ ?
Mặt bà Maria sa sầm lại vì ông Gaspar tin rằng con gái ông không thể cưới hỏi do việc cô đã khấn dâng mình cho Chúa vào lúc mới 5 tuổi. Thật là vô nghĩa. Không đứa bé nào lại hiểu điều mình đã hứa giữ. Bà Maria dõng dạc tuyên bố : “Nếu Rose không lập gia đình, tôi sẽ phải chết vì xấu hổ. Người ta đã bắt đầu đàm tiếu về nó. Họ nói trí khôn cô ta không được quân bình khỏe mạnh, và cô có cái gì khác thường …”. Ông Gaspar thở dài. Thực thì Rose luôn có cái gì khác lạ, không giống như mọi anh em. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã có những dấu khác thường làm ông khó hiểu. Thí dụ như : Câu chuyện cô bé nói là Chúa Hài Đồng đã dạy cô đọc và viết ! Rằng cô được xem thấy Thiên Thần Bản Mệnh của cô ! Rằng Đức Maria thường hiện ra với cô khi cô làm việc trong vườn ! Ông tự hỏi không biết cô thực có được những ơn lạ đó không ? Tuy nhiên, ông nói với vợ : “Có lẽ Chúa muốn Rose vào tu viện. Chúng ta mặc nó với Chúa, và ít nhất chúng ta phải dâng một trong số 11 đứa con cho nó đi tu Maria ạ. Con bé Rose rất xứng đáng, xem ra….”.
Bà Maria nghiêm nét mặt : “Con bé đi tu trên cái xác chết của tôi à ? Đã nhiều năm tôi đặt cả hi vọng trong việc hôn nhân của nó. Ông biết tôi sẽ thất vọng biết chừng nào không ?” Ông Gaspar nghĩ thầm : “Còn cái gì để mà cãi lộn nữa ? Đã trong 29 năm trời của đời sống hôn nhân, đến nay Maria vẫn sống theo lối sống riêng của bà ấy”. Dù sao, ở Lima có nhiều người đồng ý với ông Gaspar, họ nói rằng Rose có đủ đức tính cần thiết để theo ơn gọi tu trì. Sau cùng, ý kiến này cũng là của ông Thủ Quĩ thành phố Lima, ông Don Gonzalo Masa.
Là một người sinh quán ở Gurgos, Tây – Ban – Nha, Ông Don Gonzalo sang Lima vào năm 1601. Sau đó ít lâu, họ gặp gia đình Flores và trở nên thân thiết. Dù ở địa vị cao sang quyền thế, ông thực là người khiêm tốn. Nhiều người da đen và Ấn Độ công nhận là may mắn được trở nên người làm việc trong nhà ông. Ông Don Gonzalo đi dự thánh lễ hằng ngày ở nhà thờ của thành phố. Và chính ông đã ra lệnh không được để một người nào bị đói khát khi họ đến gõ cửa nhà ông xin thực phẩm. Và vợ ông, bà Don Maria de Usategui, cũng là một Kitô hữu tốt lành chưa từng thấy.
Một buổi sáng, khi ông Gaspar và bà Maria đang thảo luận về tương lai của Rose, thì ông Don Ganzalo trên đường tới nhà thờ Thánh Đaminh dự lễ. Đó là ngày sau đại lễ Phục Sinh, một buổi sáng đẹp trời cuối tháng Ba. Cỗ xe ngựa của ông lăn bánh nhanh chóng qua các đường phố nhỏ hẹp, ông Don Gonzalo bị lắc lư gật gù. Trẻ em đang chờ đợi ông như thường lệ : Những thằng nhãi rách rưới biết rằng ông thường đem theo một cái túi đựng các đồng tiền lẻ để phân phát cho chúng, nên chúng đã đứng đầy đường từ bao giờ đó. Chúng la lối um xùm lên khi ông tới gần, chúng cũng xô đẩy nhau tìm cách đi tới gần chiếc xe ngựa của ông. Ông nói : “Xin Chúa chúc lành cho các bạn trẻ”. Rồi ông tung những nắm tiền lẻ trên không, vừa tung ông vừa cẩn thận nhắc : “Tránh đừng để ngựa dẫm lên, cháu John”. Người Ấn Độ lái chiếc xe ngựa mỉm cười : “Vâng, thưa ông. Nhưng chẳng phải ông, và cũng chẳng phải con ngựa cần một sự nhắc nhở như vậy. Họ chỉ biết điều họ đang mong đợi khi ông đi dự lễ sáng nay mà thôi”.
Chiếc xe ngựa sắp tới nhà thờ Thánh Đaminh, thì bộ chuông lớn ở Đại Thánh Đường ngân vang. Những tiếng chuông nặng nề chậm rãi và sầu muộn báo tin cái chết của một nhân vật quan trọng. Lúc này, những chuông khác cũng đồng vang điệu nhạc sầu. Khắp mọi nơi trong thành phố vang ra những tiếng sầu thảm, khác hẳn âm điệu reo ca vui tươi trong ngày Phục Sinh hôm qua.
Ông Don Gonzalo ngồi nghiêm chỉnh trong chiếc xe ngựa lộng lẫy của mình, thầm nghĩ : “Đó là cái chết của người bạn cũ của mình, cha John de Lorenzana. Tại sao mình chẳng đi thăm Ngài hôm qua như đã dự định ? Mình đã có nhiều thời giờ mặc dù đó là chiều lễ Phục Sinh. Đúng là quá trễ không thể sửa chữa lại được. Khi chiếc xe ngựa của ông tiếp tục con đường vào trong khuôn viên Thánh Đường, Don Gonzalo thầm thì lời cầu cho Vị Linh Mục Đaminh, cũng là vị giải tội của ông. Đôi mắt ông bật sáng khi nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc đang đi xuống phố : Một người da đen thánh thiện, đó là Thầy Martin de Porres.
Martin ban đầu chỉ là một người Dòng Ba Đaminh giúp việc ở Tu Viện Thánh Đaminh. Nhưng đã ba năm trước đây, vì vâng lời chỉ thị của Bề Trên, Martin đã trở thành một thầy trợ sĩ. Đã 27 năm trong đời, Thầy đã trách nhiệm lo cho những người kém may mắn ở Lima. Không có vấn đề người đau khổ, là người giầu hay nghèo, Tây – ban – Nha hay Ấn Độ, hay người da đen, đức bác ái của Thầy Martin lan rộng vô biên giới. Không ngày nào mà không có một số người hay một số gia đình cảm nghiệm được những điều kỳ diệu do lời cầu nguyện của Thầy. Ông Don Gonzalo nói : “Tạ ơn Thiên Chúa. Đây chính là nhân vật mình muốn gặp. John ơi, cho tôi xuống xe ở đây và đem ngựa về nhé. Tôi muốn nói chuyện với Thầy Martin”. Người Ấn Độ mỉm cười : “Vâng, thưa Ngài”.
Thầy Martin đang bước đi chầm chậm, đầu cúi xuống và lâm râm cầu nguyện. Thầy mặc áo dòng trắng, phủ ngoài là chiếc áo choàng đen. Trên tay là một giỏ thực phẩm. Một con chó nâu, đôi tai dựng đứng đang ngẩng đầu vui mừng, và cái đuôi vẫy rộn lên ngay sau gót chân Thầy. Ông Don Gonzalo gọi : “Đợi tôi một phút Thầy Martin ơi”.
Don Gonzalo duỗi thẳng đôi bàn tay còn đang run run : “Thầy Martin ơi, có thể tiếng chuông này báo hiệu cái chết của cha John de Lorenzana không ? Có phải vị thánh tốt lành này đã đi trước chúng ta chứ ?” Thầy Martin mỉm cười : “Tôi mới thăm cha John sáng nay. Cha đã khỏi ốm rồi”.-“Cha đã khỏi ốm rồi hả ? Điều này làm sao có thể tin được ! Mới tuần qua, Ngài đang ở ngưỡng cửa sự chết mà ?” – “Ngài sẽ ra khỏi giường ngày mai đây”. Don Gopnzalo mở tròn đôi mắt : “Vậy tiếng chuông báo hiệu cái chết của người khác chứ ?” -”Vâng, thưa ngài. Một tin từ ngoài hành lang vừa đến từ sáng nay : ĐTGM Turribius đã qua đời ở đó 4 ngày trước”. – “Không, không thể …” Thầy Martin bình tĩnh nói : “Ngài đã qua đời vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh rồi. Mặc dù tới lúc này chưa có tin báo về đây chính thức, nhưng nhiều người đã tin đúng rồi. Các Đan sĩ ở Đan viện Nhập Thể đã nhìn thấy một Thánh Giá sáng chói trên bầu trời ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Lại có nguyệt thực đêm đó nữa. Các Nữ tu tin rằng đó là những dấu hiệu báo cho biết Chúa đã đem ĐTGM về trời rồi”.
Lúc này, hằng trăm trăm người đã đổ ra đường phố vì tiếng chuông báo tử. Khi biết ĐTGM đáng kính mến này là người cha nhân hậu của họ đã qua đời, nhiều người bật khóc lớn tiếng. Họ sẽ làm gì khi không còn Ngài, một vị mục tử tốt lành đã chăm sóc họ 25 năm qua. Ngài đã chia sẻ với họ, đặc biết với người nghèo tất cả những gì Ngài có. Don Gonzalo thở dài : “Tôi ở Calao tuần trước, Thầy Martin ạ. Có một chiếc tầu từ Tây – Ban – Nha vào hải cảng này và tôi có lệnh phải kiểm tra hàng hóa. Nhưng thật có lỗi khi không biết tin về ĐTGM. Sáng nay con gái tôi, Micaela, đã nói với tôi những dấu hiệu lạ trên trời. Xin Chúa tha lỗi cho con ! Tôi đã quá bận rộn chẳng để ý gì đến tin này”.
Thầy Martin mỉm cười : “Tôi nghĩ, tôi biết tại sao thưa Ngài. Ngài muốn dự lễ tại nhà thờ Thánh Đaminh, và nãy giờ tôi đã làm Ngài bị trễ ?” Don Gonzalo lắc đầu : “Không, thầy Martin. Vẫn còn một lát nữa mới có Thánh lễ. Nhưng Thầy, Thầy cần phải đi đâu nữa với chiếc giỏ thực phẩm này phải không ?” Thầy gật đầu : “Có một người đàn bà nghèo ở phố kế cận đang đau đớn vì bệnh phong cùi. Ngài sẽ cầu nguyện cho bà ấy chứ.?” Don Gonzalo mỉm cười. Thầy Martin có lập luận riêng về công việc thương xót của Thầy. Thầy luôn luôn xin các bạn hữu của mình cầu cho các người bệnh của Thầy. Rồi một khi họ được chữa lành, thầy đổ các việc lạ lùng đó xẩy ra là do sự tốt lành của người khác. Thỉnh thoảng thầy còn nói là do liều thuốc mới.
Don Gonzalo nói : “Được, tôi sẽ cầu cho họ. Nhưng Thầy thực sự không được chế nhạo tôi nhé. Thầy Martin. Chúng ta vừa mới ra khỏi Mùa Chay Thánh phải không ? Thời gian đó, chắc Thầy đã làm các việc tốt lành đủ để chữa cho cả một đạo quân người phong hủi rồi”. Martin lắc đầu : “Thưa ngài, tại sao ngài lại làm tôi xấu hổ ? Tôi chỉ là một người da đen nghèo hèn”. – “Vâng, một người da đen nghèo hèn đã ban chính mình cho tha nhân. Xin Chúa chúc lành cho Thầy, Martin ạ. Và cầu cho tôi một lời cầu nữa nhé !” Với cái bắt tay nóng ấm từ giã người bạn thánh thiện, ông Don Gonzalo vội vã tới nhà thờ. Khu vực này chật ních người đi dự lễ, vì họ cũng như ông, dự thánh lễ cầu nguyện cho ĐTGM Turribius. Một thầy trợ sĩ trẻ dẫn một người khách lạ tới một chỗ gần phía đọc sách Thánh ở nhà thờ, gần đền Đức Mẹ Mân Côi. Ở đây, cha Francis de Vega, Bề Trên Giám Tỉnh mới đắc cử đang dâng thánh lễ.
Don Gonzalo tìm một chỗ để cố gắng dự lễ sốt sắng. Nhưng bay giờ ông lại khốn khổ vì bị chia trí. Nguyên nhân là vì ông bất chợt nhận ra hai người ngồi cách xa ông vài thước. Người trước là một thanh niên 22 tuổi, cứ thay đổi thế đứng thế ngồi không ngừng, trong khi người bên cạnh là một thiếu nữ khoảng 20 tuổi, đầu trùm một chiếc khăn voan đen phủ cả hai bờ vai không thay đổi tư thế. Cả con người cô đang chăm chú theo dõi mọi cử chỉ của vị linh mục trên bàn thờ. Ông Don Gonzalo nhận ra được họ : “Đó là người nhà ông Flores. Không ngờ cô gái đã đi với Ferdinand dự lễ ngày hôm nay !” Don Gonzalo cố gắng hết sức, và ông nhận ra thực khó để đuổi được tư tưởng về người con gái ra khỏi trí óc mình. Cô gái quì nhìn cha Francis de Vega rất yên tĩnh và chăm chú, tuy dù cô gái rất yếu ớt, sức khỏe mong manh. Mới ngày hôm qua, vợ ông nói cho ông biết rằng họa hoằn lắm cô gái mới ăn uống chút ít trong Mùa Chay. Ông nghĩ : “Tốt hơn, cô gái nên vào tu viện. Phải chăng có một điều làm cô không đạt được ý nguyện là vì gia đình cô nghèo chăng ? Họ vẫn cần nhờ cô giúp đỡ với nghề trồng bông chăng ? Ngoài ra, có thể gia đình Flores không đủ tiền cung cấp cho cô số tiền làm của hồi môn chăng ?”
Thình lình một tư tưởng ập đến với ông : Tại sao mình lại không giúp đỡ cô gái này ? Là một người có địa vị cao trong hàng ngũ cầm quyền, ông có nhiều tiền bạc và thế lực. Do đó, tặng cho cô một số tiền làm của hồi môn chỉ là chuyện nhỏ đối với ông, và rồi gia đình cô nhận được sự giúp đỡ danh giá. Ông bảo mình : Tôi sẽ làm điều đó. Giúp đỡ cô bé là một niềm vui. Thực sự, khi ông nghĩ đến điều giúp đỡ cô, ông thấy niềm vui trào dâng trong tâm hồn. Nhưng rồi ông tự hỏi : “Khi ông giúp Rose cơ hội để vào tu viện, không biết cô sẽ chọn tu viện nào ở vùng này ? Có lẽ tu viện mới nhất, Đan viện Phanxico của Thánh Clara, do ĐTGM Turribius sáng lập mới hai tháng trước đây ?”
Càng chìm sâu vào tư tưởng này, ông càng cảm thấy tốt hơn. Cuộc sống của các đan sĩ Clara thực là khổ hạnh, nhưng chắc chắn Rose đã biết rõ, và đã chịu đựng đau khổ quen rồi. Theo như vợ ông nói, không ngày nào qua đi mà cô gái không làm việc hi sinh, chấp nhận chúng cách vui vẻ để dâng lên Chúa. Người đàn ông tiếp tục suy nghĩ : “Một khi cô đã vào tu viện, ít nhất cô cũng tránh được một thử thách, đó là cô không phải tiếp đón các thanh niên đến tỏ lòng khâm phục, ca ngợi cô, và mẹ cô không còn phải bận tâm đến việc tìm người chồng xứng đáng cho cô nữa. Thình lình tiếng chuông nhỏ rung lên, Don Gonzalo lo lắng nhìn lên bàn thờ với một cảm nghĩ tự luận tội. Ông tự mắng mình : Việc gì tới mình …. Mình đã chẳng để ý tới thánh lễ chút nào hết.