[Sách nói] Thánh Rô-sa Li-ma – Chương VI: Một vị Thánh đến Lima

 

Thời gian trôi qua. Vào chiều ngày 23 tháng 6 năm 1601, vọng lễ Thánh Bartolomeo, thì cô Marianna, người giúp việc của gia đình Rose ngân nga một giọng điệu tươi vui khi cô rẽ vào con đường Thánh Đaminh. Sáng sớm hôm nay, cô đã rời nhà ông Gaspar với hai chiếc giỏ lớn đầy hoa. Bây giờ chỉ là hai cái giỏ rỗng tuếch, với tiếng kêu lẻng xẻng của những đồng bạc để trong ví của cô. Đúng là ngày lạ thường ở chợ, vì mọi bông hoa đã bán được hết với giá cao. Cô nghĩ : “Không ai giống như cô chủ Rose khi bắt đầu trồng hoa. Mẹ cô ấy rất hài lòng khi mọi việc cứ tiếp tục tới ngày hôm nay”.

Khi Marianna định mở cửa sau vào nhà, cô ngạc nhiên vì không có dấu gì là có người ở nhà, cả bà Maria hay đứa con nào để cô có thể báo tin vui. Cô chợt nhớ : “À, cả gia đình đã đi nhà thờ Thánh Phanxico vì có vị linh mục mới đến, cha Francis Solano giảng thuyết ngày hôm nay. Người ta gọi người đàn ông tốt lành này là thánh “Thánh Phanxicô” vì nhiều việc kỳ diệu cha đã thực hiện”. Marianna bỏ chiếc mũ rơm ra và bước vào nhà. Cô chuẩn bị cơm tối. Anh nắng đã bắt đầu lịm tắt. Những buổi chiều nắng vàng đẹp như thế này vào tháng Tám ở Lima thật hiếm có. Thành phố này không giống như các thành phố khác như Arequi và Andes. Nói chung, vào tháng Tám, vùng bờ biển đều ẩm ướt và có sương                                                               mù, trong khi ở các miền núi thì mặt trời chiếu sáng cả ngày. Marianna tự bảo mình : “Mình sẽ đốt lò sưởi trong vài phút để đánh tan băng giá vào buổi tối. Còn số tiền này sẽ cất vào chỗ bảo đảm. Đó là tiền bán bông của Rose”.

Khi Marianna đi cất tiền, cô nghe thấy một âm điệu du dương. Ai đó đang ca hát ở cuối vườn, và hòa lẫn vào giọng hát nhịp nhàng và ngọt ngào là tiếng đập nhịp nhàng của con chim gõ kiến. Marianna cất tiền và rón rén đi tới cửa. Lời hát thật rõ ràng từng chữ :

Tôi ca hát cho Đấng dựng nên tôi Cho người yêu của tôi C hai chúng ta cùng sung sướng Ca ngợi Đấng Tối Cao.

Marianna thầm nghĩ : “Đúng là cô Rose đã ở đó cả ngày rồi. Cô ấy đã dùng hết mọi thời giờ rảnh rỗi để sống trong cái nhà thờ tí tẹo mà cô đã làm ra”.

Chỉ vài phút sau là Marianna đốt lửa xong lò sưởi lớn. Rồi cô vội vã đi tới cái giếng ở cửa sau, lấy nồi đun nước nóng. Rose vẫn còn ca hát, hòa nhịp với cô là con chim gõ kiến, Marianna đi vào con đường trải đá sau vườn. Bầu trời đã tối, cơn gió lạnh luồn qua các nhánh cây cao trong vườn. Marianna rùng mình : “Cô Rose ơi, tới giờ cơm tối rồi”. Không một tiếng trả lời. Người đàn bà Ấn Độ thở dài, đi vào con đường dưới bóng tối đang xuống nhanh chóng. Vườn của gia đình Flores có nhiều bụi cây và bụi hoa. Đó là nơi dễ chịu ban ngày, nhưng ban đêm mọi sự lại khác hẳn. Những cành cây rủ xuống và các bụi chuối xem như gây số mệnh và đe dọa. Những cây oliva và cây vả lờ mờ trong bóng tối nhìn kinh dị. Thường thường bà Maria bảo rằng khu vườn không có gì là an toàn vào ban đêm cả.

Nhưng Rose không sợ bóng tối. Ba năm trước, khi cô mới 12 tuổi, chính cô đã xây một căn nhà cầu nguyện nhỏ ở một góc vườn xa nhà ở nhất. Cái nhà là một chiếc lều làm bằng các cành cây và bằng lá. Bên trong có làm một bàn thờ nhỏ, có cây Thánh Giá và đèn cầy. Nhà nhỏ này là nơi tốt nhất, cô nói với mọi người trong gia đình như vậy, để ở có cô có thể làm việc và cầu nguyện. Marianna nghĩ : “Đa số các cô gái 15 thường xôn xao lo lắng để có thời giờ vui chơi, nhưng Rose thì không thế. Mối quan tâm nhất của cô là các linh hồn. Làm sao có thể cứu họ khỏi hỏa ngục, làm sao để sống đẹp lòng Chúa, đó là những vấn đề cô suy nghĩ.

Marianna ngừng lại một chỗ ẩm ướt và tối tăm ẩn dưới những bụi chuối, chỗ này cô có thể nhận ra ngôi nhà nguyện nhỏ của Rose. Trên đầu cô, con chim gõ kiến thỉnh thoảng hãy còn mổ. Marianna đẩy các cành cây sang một bên, lên tiếng : “Cô Rose ơi ! Cô biết rằng cô sẽ chết vì lạnh ở nơi ẩm ướt này không ? Tại sao cô không cầu nguyện ở một chỗ khác ?” Từ trong bóng tối của chốn cô tịch của vị ẩn sĩ, Rose cười. Giọng cười ấm áp và ngọt ngào. Lập tức, Marianna thấy hối hận vì đã nói những lời cứng cỏi. Rose đáp : “Marianna ơi, ở đây tốt lắm, chẳng sao cả. Con chim nhỏ và cháu..”. – “Tôi đã nghe thấy tiếng cô rồi. Nhưng đã đến giờ cơm tối, cô ạ. Tốt hơn cô nên dành việc ca hát lại ngày mai”. Rose ra khỏi nơi cư trú chật chội này : “Cháu chắc là trời đang trở    lạnh, Marianna nhỉ. Cháu không để ý điều đó lúc này vì cháu bận bịu cả buổi chiều. Trước là cháu khâu vá rồi khi trời tối, con chim lại bay đến …”.

Marianna ghé nhìn vào trong ngôi nhà nguyện nhỏ. Một cây Thánh Giá bằng gỗ đối diện với bức tường. Thánh Giá cũng cao bằng Rose. Một cái rùng mình khe khẽ chạy qua thân thể người đàn bà này khi bà nhận ra Rose đã làm cái gì khác hơn ngoài việc khâu vá, hát Thánh Vịnh và cầu nguyện. Thỉnh thoảng sau buổi chiều, cô bé vác một cây Thánh Giá rất nặng đi xung quanh vườn để tưởng nhớ cuộc hành trình đau đớn của Chúa trên đường tới Calvary. Đó là việc hãm mình mà cô đã thực hành vài năm nay, một phương thức đặc biệt đi đàng Thánh Giá khi cô ở một mình.

Người đàn bà không kiên nhẫn : “Thôi mà, Rose. Tôi cần cô giúp làm bữa cơm chiều”. Cô gật đầu, rồi nhặt một miếng vải lớn. Đó là tấm khăn bàn thờ mà bà Maria đã nhờ cô bé làm chiều nay. Cô đã xong công tác này rồi. Khi 2 người rảo bước về nhà, Rose thấy ai đó đang đi vào bếp, gần cửa sổ. Cô nói : “Chắc mẹ đi nhà thờ về rồi nhỉ”.- “Tôi không ngạc nhiên cô Rose ạ. Bà đã đi lâu lắm rồi. Có lẽ cha Francis đã giảng thêm một bài giảng rất hay nữa !” – “Chắc là ngài tuyệt vời lắm phải không ?” -“Rồi chúng ta sẽ biết. Nhưng đừng chạy như thế – có thể bị vấp vào đá đấy”.

Rose mỉm cười. Bóng đêm đã hoàn toàn bao phủ khu vườn, nhưng không có nghĩa lý gì mấy đối với cô, vì cô đã thuộc lòng lối đi lại. Tuy thế, cô đi chậm bước. Không tử tế chút nào nếu để Marianna tìm đường về trong bóng tối một mình. Cô nói : “Marianna ơi, cháu rất thích đi nhà thờ chiều nay. Mọi người ở Lima nói rằng cha Francis rất thánh thiện. Ngài là một nhà truyền giáo đã 11 năm rồi, và họ nói ngài đã cải hóa hằng ngàn ngàn người Ấn Độ”. – “Vậy tại sao cô không đi nhà thờ nghe ngài giảng”. – “Cháu viền khăn bàn thờ cho mẹ”. – “Cô biết rằng việc đó có thể hoãn lại sau cũng được. Mẹ cô có lẽ chỉ được vui mừng.”. -“Cháu muốn làm việc hi sinh nhỏ”. – “Hi sinh hả, cô Rose ? Nếu tôi nghe chữ đó lại lần nữa..”. – “Làm ơn đừng nóng mà, Marianna. Cháu thích làm các việc hi sinh, đó là cách cháu có thể làm để trở nên hữu dụng cho người khác. Đôi khi cháu nghĩ chính vì lý do này mà cháu được sinh ra – vì thế cháu cầu nguyện và chịu đau khổ cho người khác”. – “Nếu cô làm quá nhiều hi sinh, cô không thể sống lâu trên trần gian này !” Rose mỉm cười : “Cháu không quan tâm đến điều đó. Cháu biết cháu sẽ sống dài như Chúa muốn. Lúc này, Marianna ơi, cháu nuốn nói một điều bí mật”. – “Cô Rose ! Cô không được nói những lời này”. – “Nhưng tại sao ? Có người mong được thấy những ngày sinh nhật của họ, nhưng cháu lại cảm động nhìn tới ngay cái chết của mình. Thật là một ngày vĩ đại – Ngày mà cuộc sống thực sự bắt đầu”. Người đàn bà vội làm dấu Thánh Giá nói : “Đừng để cho mẹ cô nghe những lời vô lý về cái chết trong ngày lễ Thánh Bartolomeo. Bà không thích nghe tí nào hết cô Rose ạ. Ngoài ra thật là sai lầm nếu để người ta nghĩ rằng cô biết về viêc tương lai. Đó là việc của Chúa”. Rose gật đầu : “Chính Chúa đã cho cháu biết”.

Thực vậy, tận đáy tâm hồn, Rose thường được nghe những điều kỳ diệu. Đôi khi Chúa nói với cô. Lần khác Đức Trinh Nữ dậy bảo, hoặc là Thánh Catarina. Các Ngài luôn làm cô hiểu rằng mọi người đều phải làm việc đền tội mình. Vì một linh hồn, dù chỉ dính một vết nhơ nhỏ cũng không thể vào thiên đàng. Hoặc là chính tội nhân phải đền tội mình trong luyện ngục hay trên thế giới này, hoặc cần một ai đó đền thay cho họ. Và đó là điều mà Rose có ý nói tới khi cô dùng từ ngữ : trở nên hữu dụng cho người khác. Cô đã thường cầu nguyện : “Con muốn đền tội thay cho người khác. Lạy Chúa ! Xin hãy bảo con điều Chúa muốn con làm”.

Khi Marianna và người bạn đồng hành trẻ tới cửa sau, họ ngừng lại ngay.Vì ở bức tường cao vây kín khu vườn của gia đình Flores và con đường đi xuống phố, bên ngoài vang tiếng kêu thê thảm của một người đàn bà đang đau đớn. Rose hướng mặt vào bóng đêm : “Có ai bị thương tích Marianna ạ. Tiếng kêu chắc vọng từ ngoài cổng”. – “Lạy Đức Mẹ ! Cháu ơi, đừng đi xem điều chẳng lành. Cái đó báo động nhiều phiền toái lắm”.-“Nhưng chúng ta không thể ở đây mà không giúp đỡ bà ấy”.

Vừa khi Rose chạy xuống con đường, một tiếng kêu la khác như xé rách màn đêm. Nghe thấy sự lộn xộn, bà Maria mở cửa sổ nhà bếp hỏi : “Cái gì xảy ra vậy Marianna ? Tại sao cô không chuẩn bị cơm tối ?” Người đàn bà Ấn Độ đặt chéo đôi tay trước ngực một cách lo sợ : “Thưa bà, cô Rose đã chạy ra ngoài đường. Cô ấy nghĩ có ai đang gặp nạn”. – “Đi ra ngoài đường vào giờ này hả ?” Ngay lúc đó, cái cổng gỗ được kéo mở ra, và những bước chân chầm chậm đang lê trên đường trải đá vào trong vườn. “Không sao mẹ ạ, người đàn bà đáng thương này ngã và bị bị thương tích trên đầu gối khi bà đang đi”. Bà Maria nghiêng mình ra ngoài cửa sổ. Cảnh tượng bà thấy làm bà ngộp thở. Rose đang đi chầm chậm vào nhà, một người đàn bà đang dựa vào cô. “Bà vừa đói vừa đau mẹ ạ, và bị lạnh nữa kìa”.

Bà Maria nhìn chăm chăm vào khu vườn tối. Hầu hết các người Ấn Độ ở Lima rất dơ bẩn và lại có bệnh truyền nhiễm. Rose không những sờ tới họ, cô lại hiển nhiên đem họ vào nhà. Người đàn bà Ấn Độ bị thương tích ư ? Hãy để họ tới bệnh viện St. Anna ở bên kia phố. ĐTGM Jerome de Loaysa đã cho họ những phương tiện để mọi người Ấn Độ đau ốm được chữa trị trong thành phố Lima này. Nhưng rồi bà Maria như cảm thấy vượt qua được nỗi lo lắng và tức giận. Có cái gì đó làm bà cảm động, bà không nói được lời nào. Một giờ trước đây, cha Francis Solano, một nhà truyền giáo nữa mới sang làm việc ở Paraguay và Argentina đã không nhân nhượng các thính giả. Ngài nói thẳng thắn với thính giả : “Anh chị em thân mến, một là yêu người, hay là không yêu họ. Hoặc anh chị em nhìn thấy Chúa nơi tha nhân hay là nhìn thấy sự kiêu căng của mình. Và anh chị em cũng nhìn thấy chính quyết định của anh chị em là vào thiên đàng hay xuống hỏa ngục. Anh chị em thân mến, đừng bao giờ quay mặt đi khỏi một người hoặc vì họ nghèo, hay vì họ ngu dốt, hoặc bởi mầu da họ khác với chúng ta. Hãy nhớ chúng ta sẽ bị Chúa quay mặt khỏi chúng ta”. Rồi bà Maria đóng cửa sổ lại và đi vào trong mở cửa bếp, bà khe khẽ ngượng ngọng : “Hãy đem người đàn bà vào. Ít nhất chúng ta có thể cho bà một bữa cơm ngon”.