Phác Họa Chân Dung Thánh Phanxicô Xavie 3-3

 

THÁNH PHANXICÔ XAVIE (1506-1552)

Phác Họa Chân Dung Một Vị Thánh 3-3
Thánh Phanxicô Xavie

Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
Viết cho báo Hiệp Thông, tháng 12.2006

Phác Họa Chân Dung Thánh Phanxicô Xavie 3-3 

II. Chân Dung Một Vị Thánh (tiếp theo)

2.2. Chân Dung Vị Thừa Sai Nhiệt Thành

Đọc lại cuộc đời của thánh Phanxicô Xavie, ta bắt gặp chân dung của một tông đồ nhiệt thành.

a. Tinh thần phục vụ :

Trên tàu từ Bồ Đào Nha đi Ấn Độ, người ta khuyên ngài nên nhận một người giúp việc, nhưng ngài từ chối. Ngài tự giặt lấy quần áo. Phần ăn, ngài nhận từ bàn vị Tổng Trấn, dùng vừa đủ, những gì còn lại chia cho người nghèo. Phòng dành riêng, ngài cho người bệnh ở, còn chính mình ra nằm ngủ ở đống thừng chão, bên cạnh những thanh niên nghèo đi tha phương cầu thực.

Suốt đời thánh Phanxicô luôn sống vị tha. Ngài luôn nghĩ đến người khác, không màng đến lợi lộc, danh vọng, địa vị, và cả đến mạng sống mình nữa. Ngài quan tâm đến những gì nhỏ bé của cõi nhân sinh. Trong thư gửi thánh Ignatio, ngài hỏi thăm một phụ nữ tên Faustina về lời hứa sẽ xưng tội chịu lễ, và nhờ nhắn rằng ngài sẽ không quên bà, cả khi đã đến Ấn Độ.[17] Có khi ngài trở thành ông tơ bà nguyệt, giới thiệu một người đạo đức ở Malacca cho một cô gái mồ côi ở Goa cần lấy chồng, dù ngài chỉ nhớ được tên cha của cô [18].

Chính trái tim tình yêu ấy là động lực khiến ngài trở thành nhà du thuyết. Hầu như Phanxicô luôn trên đường đi, đi mãi không ngừng, đi để cứu rỗi các linh hồn. Theo tính toán của cha X. Léon-Dufour SJ., trong mười hai năm hoạt động truyền giáo, ngài đã vượt gần một trăm ngàn cây số, ở trên biển ba năm bảy tháng, tức là cứ ba ngày thì có một ngày trên biển, và mỗi ngày di chuyển trung bình 60 cây số [19]. Ngài làm việc từ sáng đến khuya : “Tôi bù đầu với những công tác tông đồ : giảng lễ, giải tội, hòa giải những người thù nghịch, và thăm người bệnh… giả như cùng một lúc tôi ở được bảy chỗ, thì ở đâu tôi cũng bù đầu với những hoạt động giúp đỡ tha nhân về đời sống thiêng liêng” [20].

Tận dụng thì giờ và sức lực, với những phương tiện yếu kém thời ấy, Phanxicô thường khởi sự bằng các hoạt động nhân đạo : thăm viếng bệnh nhân và các tù nhân. Ngài lắc chuông trên các nẻo đường để tập họp trẻ em lại mà dạy giáo lý. Ngài xuống miền Nam Ấn Độ để giảng cho dân thuyền chài đã được rửa tội nhưng giáo lý còn sơ sài. Để bài trừ nạn say rượu, ngài hướng dẫn họ uống thứ rượu dừa nhẹ hơn. Tại Nam Dương, nghe đồn về quần đảo có thổ dân hung dữ, thích ăn thịt người, ngài tìm đến đó mong cứu linh hồn họ.

Dù là một thủ lãnh đoàn truyền giáo, Phanxicô không từ chối những công tác nhỏ bé : “Nhiều người mời tôi đến nhà họ đọc kinh cầu nguyện cho người bệnh, cũng có những người đau yếu khác đến tìm tôi. Họ không để tôi được nghỉ ngơi hay rảnh rỗi chi hết, ngoài giờ đọc Tin Mừng, dạy kinh và rửa tội cho trẻ em, còn phải dịch kinh, ấy là chưa kể an táng người qua đời. Cứ vậy, muốn đáp ứng nhu cầu của những người mời tôi hoặc đến với tôi, tôi bù đầu với công việc. Để họ đừng mất chút nào lòng tin tưởng nơi đạo và luật Chúa Kitô, tôi không được từ chối bất cứ lời yêu cầu đạo đức nào.” [21]

Và cũng trong lá thư ấy, ngài hô hào cổ võ việc truyền giáo, như một người điên : “Vì thiếu người lo những việc đạo đức và thánh thiện, nên nhiều người ngoại đáng lẽ có thể theo đạo mà không theo được. Rất nhiều khi tôi có ý định về bên nhà, đến các nơi người ta học hành, để gào thét như một người mất trí, đăc biệt là ở đại học Paris. Tôi muốn đến học viện Sorbonne nói với những người hiểu biết nhiều nhưng ít muốn làm cho kiến thức của mình sinh hoa kết quả: “Vì quý vị lơ là, biết bao linh hồn thay vì được hưởng phúc vinh quang, lại phải sa địa ngục.” Ước chi khi trau dồi kiến thức, họ cũng được học biết Chúa sẽ đòi họ phải tính sổ thế nào về kiến thức và tài năng Chúa ban cho họ, hẳn là nhiều người sẽ được đánh động, tìm đến những phương tiện và những bài tập thiêng liêng giúp họ nhận ra và cảm thấy trong linh hồn mình những điều Chúa muốn. Họ có thể sẽ bỏ sở thích riêng mà theo ý Chúa hơn, và thưa với Chúa : “Lạy Chúa, này con đây. Chúa muốn con làm gì ? Xin gửi con đến nơi nào Chúa muốn, và nếu Chúa thấy là thích hợp thì gửi con đến Ấn Độ cũng được.”

b. Hoạt động với anh em và trong lòng giáo hội

Tình cảm của anh em trong Dòng là chỗ dựa vững chắc của Phanxicô. Ngài thường xuyên viết thư về nhà và xin anh em viết thư thật dài “sao cho chúng tôi đọc tám ngày mới hết ; và chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”, bởi vì : “Thưa anh em, để giải trí tôi thường nhớ đến anh em và nhớ đến thời gian tôi được biết và sống với anh em” [22]. Hiện Công Hàm Lịch Sử của dòng Tên còn lưu trữ 138 tài liệu của thánh nhân, trong đó 34 tài liệu giữ được bản chính do chính tay ngài viết hoặc đọc cho người khác viết, số còn lại là bản sao.

Khi Phanxicô lên đường, Hiến Luật của dòng Tên chưa được châu phê, nên thánh nhân sẽ phải tuyên đọc lời khấn trước mặt vị giám mục sở tại. Nhưng ngài luôn có lòng kính trọng đặc biệt với bề trên của mình, như trong thư gửi cha Ignatio ngày 1.2.1549 ngài viết : “Con quì gối dưới đất suốt thời gian viết thư này như thể đang ở trước mặt cha”.

Tại nơi làm việc, ngài liên kết với mọi thành phần giáo hội : Giám Mục và các vị Đại Diện trong tinh thần vâng phục, với các linh mục triều, các thừa sai Phanxicô và Đaminh như những người thợ trên cùng cánh đồng truyền giáo. Ngài nhắc nhở anh em trong dòng phải hợp tác, thăm viếng, giúp đỡ, và tránh làm gương xấu cho giáo dân.

Với vai trò lãnh đạo, khi sắp xếp công việc cho anh em, thánh Phanxicô hướng dẫn họ cách sống và hoạt động, an ủi khi họ gặp khó khăn, khích lệ khi thành công, sửa bảo khi cần thiết. Những lời khuyên ấy thường rất cụ thể và chân tình, như trong thư gửi cha Gaspar Berze : “Khi nói chuyện với bất kỳ ai, hãy giữ nét mặt tươi vui, đừng đăm chiêu hay buồn phiền, vì nếu người ta thấy cha đăm chiêu hay buồn phiền, nhiều người sẽ ngại gặp cha, và cha sẽ không giúp được họ. Hãy niềm nở và dịu dàng, và nhất là khi phải quở trách, hãy nói với vẻ trìu mến, giọng ngọt ngào” [23].

Bàn về tiêu chuẩn cho các thừa sai tại Ấn Độ, ngài xin bề trên cử đến những người có sức khỏe và đức hạnh, để có khả năng đối diện với hoàn cảnh khó khăn, vượt qua những thử thách, và nêu gương sáng cho mọi người. Ngay từ đầu, ngài đã nghĩ đến việc gầy dựng hàng giáo sĩ bản xứ, khi mở học viện thánh Phaolô ở Goa. Dù sau này gặp không ít khó khăn, nhưng ngài vẫn quyết tâm theo đuổi công trình này đến cùng.

c. Phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa

Trong thư 27.1.1545, ta thấy quan điểm của ngài có một bước tiến dài : “Xin Chúa ban cho chúng ta được biết và nhận ra ý muốn rất thánh thiện của Chúa, và khi đã nhận ra, xin Chúa ban dồi dào sức lực và ân sủng, để với đức mến, chúng ta chu toàn thánh ý ngay ở đời này.” Cũng thế, ba tháng sau trong thư gửi Mansilhas, ngài viết : “Chúa muốn chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn thánh ý mỗi khi Người bày tỏ và cho chúng ta cảm nhận được từ trong lòng. Muốn sống tốt ở đời này, chúng ta phải làm khách hành hương để đi bất cứ đâu, đến nơi chúng ta có thể phục vụ Chúa.”

Kinh nghiệm đó càng rõ nét hơn khi ngài đến Nhật Bản “Chúa đã cho chúng tôi nhận biết và cảm thấy rõ ràng ân sủng Người ban tràn lan khi đưa chúng tôi đến Nhật Bản để giải thoát chúng tôi khỏi lòng quyến luyến nhiều thụ tạo có thể ngăn cản chúng tôi gia tăng niềm tin tưởng, trông cậy và phó thác nơi Người… Ở những khu vực khác, của cải vật chất dồi dào thường trở nên nguyên nhân và cơ hội làm cho những ham muốn lệch lạc nổi lên… Chúng tôi sống với niềm hi vọng lớn là Thiên Chúa sẽ ban cho chúng tôi ơn ấy, vì tôi không đặt một chút tin tưởng nào nơi sức riêng mình, nhưng đặt trọn niềm trông cậy nơi Chúa Kitô, nơi Mẹ Maria, nơi chín phẩm các thiên thần” [24].

Theo thánh Phanxicô, có ba nguy cơ lớn của người tông đồ, đó là : 1/ Sợ hãi trước nguy hiểm khi đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. 2/ Tự phụ về những thành quả đã đạt được. 3/ Đứng núi nọ trông núi kia cao, không hết mình với công việc hiện tại, đưa đến ảo tưởng về hoạt động ở nơi khác.

Cảm nghiệm sâu sắc thánh Phanxicô chia sẻ cho chúng ta vào cuối đời của ngài : Duy Thiên Chúa là tất cả, người tông đồ chẳng là gì hết. Ngài viết : “Nhiều nhà giảng thuyết có những bài giảng làm trổ sinh nhiều hoa trái… lại sa địa ngục, vì họ tự gán cho mình những điều vốn thuộc về Thiên Chúa. Tại sao ? Họ bám vào thế gian, vui mừng khi được người ta ca ngợi, càng ngày càng tự cao tự đại, rồi trở nên kiêu căng, thế là hư mất  [25].

Cha Léon-Dufour SJ, sau khi giới thiệu chân dung thánh Phanxicô là một người “đi vào thế giới như một nhà chiêm niệm trong hoạt động”, đã tổng kết sứ điệp rút ra từ hoạt động tông đồ của thánh nhân như sau :

Linh đạo của người tông đồ không hệ tại việc làm một số việc nào, mà trước tiên cần có một nỗ lực uốn nắn bản thân theo chính đời sống của Thiên Chúa. Chúa đào luyện các tông đồ của Ngài theo dòng lịch sử : Tất cả những gì Chúa thực hiện, đều biểu lộ qua lịch sử và cuộc sống. Vị tông đồ phải chú ý để bước đi cùng nhịp với Ngài. Người ấy đón nhận các thử thách như những bài tập, được tình yêu từ phụ của Thiên Chúa gửi đến… bằng mọi giá, người ấy dám giã từ thứ hoạt động mà mình cảm thấy tự căn bản là khác ý Chúa… Khi đó Thiên Chúa ở với người ấy hiển nhiên đến nỗi người ấy không còn nhận ra mình nữa, hoạt động của người ấy dường như là một cuộc hiển linh của Thiên Chúa [26].

III. ĐỂ KẾT

Xin được kết thúc bài viết bằng những vần thơ của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, đã phản ảnh cuộc đời, nhiệt tâm cũng như tinh thần của thánh Phanxicô Xavie.

Vì vui riêng, người đã làm tôi bất tận.
Thân này thuyền nhỏ mong manh đã bao lần người tát cạn
rồi lại đổ đầy cuộc sống mát tươi mãi mãi.

Xác này cây sậy khẳng khiu,
người đã mang qua núi, qua đồi, qua bao thung lũng,
và phả vào trong giai điệu mới mẻ đời đời.
Khi tay người bất tử âu yếm vuốt ve,
tim tôi ngập tràn vui sướng, thốt nên lời không sao tả xiết.

Tặng vật người ban vô biên vô tận,
nhưng để đón xin, tôi chỉ có hai tay bé nhỏ vô cùng.
Thời gian lớp lớp đi qua, người vẫn chưa ngừng đổ rót,
song lòng tôi thì hãy còn vơi.

R. Tagore (Lời Dâng số 1) [27]


——

[17] Thư ngày 31-3-1540

[18] Thư từ Malacca 23.6.1549

[19] Xavie Léon-Dufour, SJ, Sđd.

[20] Thư Cochin 20.1.1548, gửi anh em trong Dòng tại Roma.

[21] Thư viết ngày 15-1-1544.

[22] Thư 18-3-1541

[23] Khi ngài chuẩn bị đi Hormuz Goa, đầu tháng 4.1549

[24] Thư trên đất Nhật, ngày 5.11.1549

[25] Thư gửi cha Gaspar Berze, tháng 4.1552

[26] Theo Xavie Léon-Dufour, SJ, Sđd.

[27] R. Tagore, Tập thơ Lời Dâng – Gitanjali, bản dịch Đỗ Khánh Hoan


Trả lời