Những giây phút tuyệt đẹp của tình người
Những ngày cuối năm bao giờ cũng mang lại một không khí chộn rộn háo hức cho mọi người. Trong cái không khí chộn rộn đó còn ẩn nấp biết bao nỗi lo ngày mai, nỗi lo về cơm áo gạo tiền của những người lao động thu nhập thấp.
Theo guồng quay đó, anh chị em khuyết tật Ki-tô Vua cũng có những nỗi lo của mỗi người, nỗi lo về bệnh tật thuốc men, nỗi lo về miếng cơm manh áo, nỗi lo tiền nhà trọ… họ mong chờ điều gì ở những ngày cuối năm? Tất nhiên, những người khuyết tật chúng tôi không phải là những kẻ chuyên ngồi khoanh tay bó gối, chúng tôi đã và đang cố gắng vươn lên để vui sống và sống dồi dào như những gì chúng tôi đã được lãnh nhận.
Các bạn sẽ có phản ứng nào khi nghe nói rằng: Người mù đi sở thú xem voi; hay người què đi dạo trong Thảo cầm viên? Thế mà có đấy! Buổi sinh hoạt thường kỳ hôm nay của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua (12/1/2014), thay vì những hoạt động tại chỗ ở một phòng họp nhỏ của tu viện Mai Khôi, là một buổi tham quan dã ngoại ở Thảo cầm viên. Đó là sáng kiến táo bạo và là tình thương lớn lao mà cha Giu-se Trần Văn Việt, OP. đã dành cho Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua chúng tôi nhân dịp tất niên này.
Vâng! Cha thì táo bạo, “con” thì “number one” các bạn ạ! Tôi muốn nói “con” đây là chỉ số nhiều, một tập thể, các bạn sinh viên (SV) Nhịp bước Đa-minh thật là “number one” đối với cảm nhận của chúng tôi, những người khuyết tật đã nhận được từ họ những nghĩa cử cao đẹp và sự chăm sóc hết sức tận tình.
Để có được cuộc tham quan dã ngoại này, thầy đồng hành của chúng tôi, thầy Giu-se Đinh Văn Hán, OP. đã phải tất bật lo lắng chuẩn bị trước cả tháng trời. Và, đằng sau đó là cả một sự lo toan chu đáo của cha Việt cùng với sự hy sinh đóng góp của các bạn SV Nhịp bước Đa-minh và một số vị ân nhân tốt bụng. Ngoài ra, họ cũng kêu gọi sự hỗ trợ góp sức từ phía nhóm SV Dốc Mơ và SV Lửa Mến, tiên liệu đáp ứng cho một hành trình cam go.
Tại sao tôi nói sáng kiến của cha Việt là táo bạo? Bởi vì, Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô là một tập thể đông người, và lại bao gồm nhiều dạng người khuyết tật, chính vì thế công tác tổ chức cho buổi dã ngoại này không hề đơn giản. Chưa kể đến phần đông trong số chúng tôi đa mang những chứng bệnh hiểm nghèo, nếu như ngài không có một lòng tin vững mạnh vào Thiên Chúa quan phòng, thì khó có thể bắt tay vào việc. Và tôi cho rằng việc ngài làm đã góp phần mang lại sự bình đẳng cho những người khuyết tật chúng tôi, cũng như ngài đã đọc được những khao khát của anh chị em khuyết tật chúng tôi vậy.
9giờ30, sau khi dâng thánh lễ tại tu viện Mai Khôi, chúng tôi khởi hành để đến Thảo cầm viên, nơi sẽ diễn ra toàn bộ sinh hoạt của buổi dã ngoại. Các bạn SV nhiệt tình bồng bế những anh chị em khuyết tật nặng và dắt dìu những người mù lên xe buýt, những anh chị em khuyết tật nhẹ tự di chuyển bằng xe ba bánh của họ, cả đoàn kéo nhau đi trông thật rôm rả!
Những mẩu đối thoại trên xe buýt cho thấy những cố gắng của cha Việt và các bạn SV quả là không uổng phí! Một phụ nữ mù ngoài sáu mươi nói với người bên cạnh: “Tôi đã hơn ba mươi năm, nay mới được quay lại Thảo cầm viên!”. Một anh chàng khuyết tật vận động thì nói: “Em được đi Sở thú lần đầu tiên vào năm 3 tuổi, đây là lần thứ hai em đi Sở thú, khi mình đã ở tuổi 40, em cảm thấy rất xúc động!”… còn một số anh chị em khác thì bày tỏ rằng từ bé đến lớn chưa đi Sở thú bao giờ… Đối với họ, đi chơi là phải có tiền, và khoản chi phí đó không hề có trong “ngân sách” của họ!
10giờ, chúng tôi quây quần bên nhau trong khuôn viên của một ngôi nhà chòi, nơi mà Ban giám đốc của Thảo cầm viên đã dành sẵn cho nhóm chúng tôi ở một góc biệt lập. Các bạn SV nhanh chóng triển khai công tác của họ, chuẩn bị mọi thứ để phục vụ chúng tôi theo từng tổ một cách rất khoa học.
Trước bữa cơm trưa, chúng tôi cùng nhau ca hát giao lưu, một chương trình văn nghệ dã chiến ngay tại nhà chòi. Người điều phối cho chương trình văn nghệ này là một cô gái dáng vóc nhỏ bé, nhưng ăn nói rất duyên dáng, đó là bạn Châu, “thủ lãnh” của nhóm SV Nhịp bước Đa-minh hiện nay. Với sự khích lệ của Châu, và hai tay đàn ghi-ta, anh chị em khuyết tật chúng tôi đã mạnh dạn lên “sân khấu”, cho dẫu tuổi đời đã nhuốm phong sương hay phải chống nạng tập tễnh. Sau đó, mọi người ăn cơm trưa thật ngon miệng, chúng tôi ngon miệng không chỉ vì thức ăn ngon, mà còn vì được phục vụ rất nhiệt tình nữa.
12giờ15, chúng tôi chia thành 8 nhóm, xuất phát cuộc tham quan hứa hẹn nhiều điều bổ ích. Các bạn SV chia nhau dẫn dắt người mù, mỗi đoàn đều có mang theo loa phóng thanh và bản đồ Thảo cầm viên. Chúng tôi vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Các bạn SV rất tận tình mô tả cảnh vật hai bên tả hữu cho bọn người mù chúng tôi nghe. Đến mỗi nơi, chúng tôi đều dừng chân lại, không phải để ngắm, mà để được lắng nghe và cảm nhận những gì đang diễn ra chung quanh. Nhóm khuyết tật vận động thì có người ngồi xe lăn, người thì chạy xe ba bánh, nhưng tất cả đều đi theo một trật tự rất gọn gàng. Họ chạy ngang qua nhóm tôi, tiếng gọi í ới, đó là cách các bạn khuyết tật xe lăn báo cho tôi biết là họ đang ở gần tôi. Tôi nghĩ đến cuộc đi ngắm cảnh bằng xe ba bánh của họ mà lòng cảm thấy đầy thú vị. Tôi đùa: “Chị phải trả tiền ô nhiễm môi trường đó!” Chị bạn cười vọng lại: “Chứ biết làm sao bây giờ, ở đây không còn xe lăn!”…
2giờ00, đúng theo lịch trình, chúng tôi đã quần tụ đầy đủ trở lại ngôi nhà chòi, ai nấy thấm mệt nhưng có vẻ hào hứng và thân thiện hơn. Trong thời gian tạm nghỉ sau một cuộc đi bộ dài, chúng tôi lại tiếp tục ca hát. Lúc này tôi mới biết cha Việt còn có biệt tài chơi đàn ghi-ta, tiếng đàn của ngài nghe thật sôi nổi. Các bạn SV thì rộng rãi khích lệ anh chị em khuyết tật ca hát bằng những tiếng huýt gió điệu nghệ và những tràng pháo tay giòn giã. Cha linh hướng của họ không những là một lãnh đạo làm việc có tổ chức, ngài còn là một người quản trò đầy kinh nghiệm, đã tạo cho chúng tôi những trận cười thoải mái.
Rồi cũng đến lúc phải chia tay, cho dù giữa những người khuyết tật Ki-tô Vua và các bạn SV đã có sự gắn kết đầy thân thiện, chúng tôi vẫn phải nói những lời tạm biệt. Ngoài sự chăm sóc tận tình, mỗi người chúng tôi còn nhận được một túi quà Tết, và một bao lì xì mừng xuân. Tất cả những gì chúng tôi nhận được trong ngày hôm nay đã đem lại cho tôi một cảm giác hạnh phúc ngập tràn, và tôi nghĩ các bạn tôi cũng có cùng cảm giác như mình vậy. Một ngày trôi qua thật đẹp!
Trong không khí rộn rã của một ngày cuối năm. Chúng tôi rời khỏi Thảo cầm viên vào lúc hơn 3giờ chiều, nắng vàng còn nhẹ rơi từng hạt trên má trên vai chúng tôi, và có cả những giọt nắng reo vui nhảy múa trong ánh mắt của các bạn SV trẻ khỏe. Chuyến đi chơi dã ngoại này sẽ mãi là một trong những kỷ niệm ấm áp đối với Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô, và tôi chắc rằng nó cũng sẽ đọng lại chút suy tư nào đó trong lòng các bạn trẻ, tôi thầm cầu chúc cho họ được thăng tiến và thành công trong cuộc sống, cũng như thầm tạ ơn Chúa đã ban cho tôi và các bạn tôi những giây phút tuyệt đẹp của tình người!
Các bạn thân mến!
Những gì tôi viết trên đây đều xuất phát từ tấm lòng tri ân của một người khuyết tật, mong được gởi đến cha Giuse Trần Văn Việt, OP. Và thầy đồng hành Giuse Đinh Văn Hán, OP. cùng các bạn sinh viên Nhịp bước Đa-minh, nhóm SV Dốc Mơ, nhóm Sinh viên Lửa Mến, cùng các vị ân nhân đã góp phần tạo nên chuyến đi chơi dã ngoại bổ ích này. Tôi cũng mong muốn gởi đến bạn đọc những thông điệp của một tình yêu thương vô vị lợi: Một sự trao ban sẽ giúp cho cả hai bên trao và nhận những suy nghĩ tốt đẹp về mối quan hệ giữa con người với con người. Chắc chắn một điều rằng: “Cho đi” là hạnh phúc, và “được cảm thông” cũng rất hạnh phúc, bạn ạ!
12/1/2013
Lucia Vũ Thủy