Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Chúa Giêsu Sống Để Thực Hiện Ý Chúa Cha
Chúa Giêsu nói, “Tôi và Cha tôi là một” (Ga 10:30). Những lời này bị coi là phạm thượng và gây nên một phản ứng mạnh mẽ trong các thính giả. “Họ nhặt đá ném Người” (x. Ga 10:31). Thực vậy, luật Môsê truyền phạt tử hình kẻ lộng ngôn (x. Đnl 13:10-11). Bây giờ điều quan trọng là nhận ra mối liên hệ hữu cơ giữa sự thật về sự hiệp nhất sâu xa giữa Chúa Con với Chúa Cha và sự kiện Chúa Giêsu – Người con hoàn toàn sống “cho Cha”. Thực thì chúng ta biết rằng toàn bộ cuộc đời dương thế của Đức Giêsu luôn hướng về Chúa Cha: Người dành cho Chúa Cha mà không giữ lại gì. Khi mới 12 tuổi, Giêsu, con của bà Maria, đã ý thức sâu sắc mối tương quan của mình với Chúa Cha, và Người chấp nhận một thái độ phù hợp với sự chắc chắn nội tâm của Người. Do đó, đáp lại lời phàn nàn của thân mẫu khi cùng với thánh Giuse thấy Người trong đền thờ sau khi đã tìm kiếm suốt ba ngày, Người nói, “Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lc 2:49). Tiếp kiến chung, 15-07-1987
Hai mầu nhiệm cuối cùng của mùa Vui, trong khi duy trì bầu khí vui mừng, đã hướng về bi kịch sắp tới. Dâng con trong Đền thờ không chỉ diễn tả niềm vui của sự thánh hiến con trẻ và nỗi ngất ngây của cụ già Simeon, mà còn ghi lại lời tiên tri rằng Chúa Kitô sẽ là “dấu cho sự mâu thuẫn” đối với Israel, và là một lưỡi gươm sẽ đâm thấu trái tim Mẹ Người (x. Lc 2:34-35). Niềm vui pha trộn với bi kịch đánh dấu mầu nhiệm thứ năm: tìm thấy trẻ Giêsu 12 tuổi trong Đền Thờ. Ở đây Người xuất hiện trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi nghe và đặt các câu hỏi, đã tỏ ra là một “thày dạy”. Việc mặc khải mầu nhiệm của Người như là người Con hoàn toàn hiến mình cho Chúa Cha nói lên bản chất triệt để của Tin mừng, trong đó dù mối liên hệ nhân loại gần gũi nhất cũng bị thách đố bởi những đòi hỏi tuyệt đối của Nước Trời. Maria và Giuse sợ hãi và lo lắng, “không hiểu” lời Người nói (Lc 2:50)…
[youtube]NpeFzWf4zfQ[/youtube]
Kinh Lạy Cha (đọc trong kinh Mân Côi) – Sau khi nghe lời và chú tâm đến mầu nhiệm (Mân Côi), tự nhiên tâm trí phải nâng lên cao hướng về Chúa Cha. Trong mỗi mầu nhiệm của Người, Chúa Giêsu luôn luôn đưa chúng ta đến với Chúa Cha, bởi vì khi ở trong cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1:18), Người luôn luôn hướng về Chúa Cha. Người muốn chúng ta chia sẽ sự thân mật của Người với Chúa Cha, nhờ dó chúng ta có thể cùng với Người thân thưa: “Abba, Cha ơi” (Rm 8:15; Gl 4:6). Nhờ mối tương quan với Chúa Cha, Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên anh chị em của chính Người và anh chị em của nhau, thông ban cho chúng ta Thánh thần vừa là của Người vừa là của Chúa Cha. Là một thứ nền tảng suy niệm mang tính Kitô học và Thánh mẫu học bộc lộ ra khi lặp đi lặp lại kinh Kính mừng Maria, kinh Lạy Cha làm cho việc suy niệm về mầu nhiệm, dù là thực hiện trong nơi hoang vắng, cũng mang một kinh nghiệm giáo hội. Rosarium Virginis Mariae, 29, 32
Kinh Mân Côi là kinh nguyện yêu thích của tôi. Một kinh nguyện tuyệt diệu! Tuyệt diệu vì đơn giản và sâu xa…giữa những lời Kính mừng Maria, những biến cố chính trong cuộc đời của Chúa Giêsu trải qua trước con mắt tâm hồn. Những biến cố ấy thành chuỗi trọn vẹn những mầu nhiệm vui, thương, mừng, và đặt chúng ta vào trong sự hiệp thông sống động với Chúa Giêsu – có thể nói – nhờ trái tim của thân mẫu Người.