Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Mọi Người Đều Được Mời Gọi Sống Thánh Thiện
Giáo hội thánh thiện và tất cả mọi phần tử của Giáo hội được kêu mời sống thánh thiện. Người giáo dân tham dự vào sự thánh thiện của Giáo hội như là những phần tử đầy đủ tư cách của cộng đồng Kitô hữu; sự tham dự này, có thể gọi là theo cách bản thể, đối với người giáo dân, cũng có thể trở thành một sự dấn than luân lý cá nhân để đạt tới sự thánh thiện. Trong khả năng này và ơn gọi sống thánh thiện này, mọi phần tử trong Giáo hội đều bình đẳng (x.Gl 3:28). Mức độ thánh thiện cá nhân không tùy thuộc vào địa vị trong xã hội hay trong Giáo hội, nhưng chỉ tùy thuộc vào mức độ sống đức ái (x. 1Cr 13). Một người giáo dân quảng đại đón nhận đức ái của Thiên Chúa trong tâm hồn và trong đời sống cùa mình có khi còn thánh thiện hơn một linh mục hay giám mục chỉ đón nhận đức ái ấy một cách hời hợt…
Công đồng khẳng định: “Được Thiên Chúa kêu gọi không phải do công việc của họ nhưng do kế hoạch và ân sủng của Chúa, và khi đã được công chính hóa trong Chúa Giêsu, những người đi theo Chúa Kitô được trở thành con cái Thiên Chúa trong phép rửa của đức tin và trở thành những người tham dự vào bản tính Thiên Chúa, và như vậy thực sự được thánh hóa” (LG, 40) Thánh thiện có nghĩa là thuộc về Thiên Chúa; điều này được thực hiện trong phép rửa, khi Chúa Kitô chiếm hữu con người, làm cho con người “được chia sẻ thần tính” (x. 2Pr 1:4), là bản tính ở trong Chúa Kitô nhờ mầu nhiệm nhập thể (x. ST III, q. 7, a. 13; q.8, a.5). Như vậy, như đã nói, Chúa Kitô trở thành “sự sống của linh hồn”. Ấn tín bí tích in vào con người nhờ phép rửa là dấu chỉ và mối dây thánh hiến cho Thiên Chúa. Vì thế khi thánh Phaolô nói đến những người được rửa tội, ngài gọi họ là “các thánh” (x. Rm 1:7; 1Cr 1:2; 2Cr 1:1, v.v…)
Mọi người đều phải nỗ lực nên thánh, vì họ đã có hạt giống trong mình; họ phải nuôi dưỡng sự thánh thiện đã được ban cho họ. Mọi người phải sống “xứng đáng là người trong các thánh”(Ep 5:3), và, “như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương, hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3:12). Nơi người được rửa tội, sự thánh thiện của họ không bảo vệ họ khỏi bị cám dỗ hoặc mọi khiếm khuyết, vì sự yếu đuối của bản tính con người vẫn còn ở đời này…
Nỗ lực sống hoàn thiện không phải là một đặc ân của một vài người, nhưng là bổn phận của mọi phần tử trong Giáo hội. Dấn thân theo đuổi sự hoàn thiện Kitô giáo có nghĩa là kiên trì trên con đường thánh thiện. Công đồng khẳng định: “Chúa Giêsu, Thày dạy thần linh và khuôn mẫu sự hoàn thiện, rao giảng sự thánh thiện của đời sống (mà Người là tác giả và là Đấng tạo thành) cho từng người và mọi người trong các môn đệ của Người không phân biệt ai; ‘Vậy anh em hãy nên hoàn hảo như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn hảo’ (Mt 5:48; LG, 40). “ Bởi vậy, tất cả mọi Kitô hữu ở mọi địa vị hoặc hoàn cảnh nào đều được mời gọi sống trọn vẹn đời sống Kitô hữu và sự hoàn hảo của tình yêu”(ibid). Theo lời của tôi tớ Chúa Elizabeth Leseur, “Mọi linh hồn sống lại đều làm cho thế giới sống lại với mình”. Công đồng dạy rằng: “Từ sự thánh thiện này, một cung cách sống nhân bản hơn sẽ được cổ võ thậm chí trong xã hội trần gian” (ibid).