Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Ba tuần V

 

Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Hãy Tiếp Tục Học Hỏi Từ Thập Giá Qua Kinh Nguyện

Hễ ai nhìn lên con rắn đồng thì sống. (x.Ds 21: 4-9)
Ôi lạy Chúa, xin nghe lời con cầu nguyện, xin cho tiếng con kêu lên tới Chúa. (x.Tv 101)
“Các ông từ dưới, còn tôi từ trên… Tôi luôn luôn làm những gì đẹp lòng Người”. (x.Ga 8: 21-30)

Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Ba tuần VKhi các ông giương cao con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết tôi hằng hữu, và biết tôi tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8:28).

Chúa Kitô nói đến Chúa Cha như nguồn mạch sự thật tối hậu mà Người công bố: “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe nói” (Ga 8:26).

Và, cuối cùng, “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8:29).

Chúng ta phải học cách đo lường những vấn đề của thế giới, và trên tất cả là những vấn đề của con người, nhờ thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô.

Là Kitô hữu có nghĩa là sống trong ánh sáng mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô. Và có nghĩa là tìm thấy trong đó điểm qui chiếu nhất định cho những gì ở giữa con người, những gì làm thành lịch sử của con người và của thế giới.

[youtube]EpY_il7pCAo[/youtube]

Như Chúa Kitô đã nói trong cuộc đối thoại với người Pharisêu, nhìn vào chính mình, con người cũng khám phá ra những gì “từ dưới” và “từ trên”. Con người khám phá ra trong chính mình (đây là một kinh nghiệm bền vững) con người “từ dưới” và con người “từ trên”; không phải là hai con người, nhưng hầu như là hai chiều kích của cùng một con người, con người là mỗi người trong chúng ta; trong các bạn, anh ta, cô ấy…

Và nếu nhìn cẩn thận vào trong chính mình với đôi mắt phê bình, nếu cố gắng nhìn chính mình trong sự thật, mỗi người trong chúng ta có thể nói được những gì ở trong mình thuộc về con người “từ dưới” và những gì thuộc về con người “từ trên”. Người ta có thể gọi tên cái đó. Người ta có thể thú nhận cái đó.

Và cuối cùng, nơi mỗi con người chúng ta có khuynh hướng tự phát từ con người “từ dưới” hướng về con người “từ trên”. Đó là một khát vọng tự nhiên. Ít nhất chúng ta đừng dập tắt nó, đừng bẻ gẫy nó. Đó là một khát vọng. Nếu chúng ta cộng tác với nó, khát vọng này sẽ phát triển và trở thành một sức mạnh thúc đẩy của đời chúng ta.

Chúa Kitô dạy chúng ta làm thế nào cộng tác với nó, làm thế nào để phát triển và đào sâu cái ở trong con người là “từ trên”, và làm thế nào để làm suy yếu và khuất phục cái “từ dười”.

Chúa Kitô dạy chúng ta điều này với Tin mừng và gương sáng cá nhân của Người.

Ở đây thập giá trở thành một tiêu chuẩn sống động. Nó trở thành điểm qui chiếu qua đó đời sống của hàng triệu con người vượt qua từ cái ở trong con người là “từ dưới “ đến cái “từ trên”.

Phương pháp đầu tiên và căn bản của giai đoạn này là cầu nguyện. Khi cầu nguyện, theo một nghĩa nào đó, con người tự phát quay hướng về Đấng ban cho con người chiều kích “từ trên”. Nhờ đó, con người chuyển dịch từ cái ở trong chính mình là “từ dưới”. Cầu nguyện là một chuyển động nội tâm. Đó là một chuyển động quyết định sự phát triển của toàn thể nhân cách con người, của hướng sống…Anh chị em yêu quí, nhân danh Đấng chịu đóng đinh và sống lại, tôi xin anh chị em; hãy cầu nguyện! Hãy yêu mến cầu nguyện!

Bài giảng, 30-03-1982
+ Đức cố GH. Gioan Phaolo II
Giuse Nguyễn Văn Chữ, OP. chuyển ngữ

Để lại một bình luận