Một Trải Nghiệm : Chuyến Đi Nghĩa Tình
Minh Triệu
Trong chuyến đi Nghĩa Tình lên vùng Cao Nguyên của gia đình Truyền Tin, từ 24 đến 27.05.2010. Tôi có một cơ hội thực hiện một cuộc thăm viếng riêng cùng với dì Út, một nữ tu dòng thánh Phaolô.
Trưa hôm ấy 25.05, trời mưa rất lớn. Ở vùng đất đỏ Pleiku thì khi mưa lớn, đường trơn trượt sình lầy rất nguy hiểm. Sau khi thăm và phát quà một số địa chỉ buổi sáng, bác tài ngần ngại không dám chở đoàn với chiếc xe 30 chỗ đến điểm thứ năm như dự định.
Thế nhưng, Dì Út hướng dẫn đoàn hốm ấy, quyết tâm muốn đi thăm ngôi làng gần biên giới Campuchia, là nơi mà đã lâu vì tuổi tác và sức khỏe Dì không có dịp trở lại. Trong lúc hăng say, tôi tình nguyện tháp tùng Dì, mang theo quà của đoàn.
Điều mọi người lo ngại quả có cơ sở, đi được một quãng đường bùn lầy, bác tài không thể điều khiển xe theo ý mình nữa. “Rầm “, bánh trước bên phía bác tài lọt hẳn xuống con mương, đầu Dì Út đập vào kính chiếu hậu, bác tài đập vào vô lăng, cả hai cùng suýt xoa đau đớn, còn tôi chỉ bị giựt mình một tí thôi.
May thay ngay lúc đó, có chiếc xe công nông đi qua và giúp chúng tôi đi tiếp. Vượt qua những ngọn đồi và quãng đường khúc khuỷu, qua nhiều cánh rừng cao su bạt ngàn, tôi hỏi Dì còn bao xa, Dì trấn an : chỉ chừng 7 cây số thôi. Nếu ở quốc lộ thì 7km có là bao, nhưng ở đây thì khác hẳn.
Bỗng nhiên có hai chiếc xe gắn máy xuất hiện phía trước. Họ chạy không khác gì những vận động viên đua địa hình. Bác tài bóp còi, tưởng họ nhường cho mình qua mặt, ai ngờ một xe ép sang phải, xe kia ép sang trái. Và giống như lần trước, xe “tự lái” đưa chúng tôi ra khỏi con đường đất. Càng cố lên, xe càng nghiêng, cho đến lúc xe nghiêng hẳn 45 độ thì bác tài chịu thua.
Trong tình trạng xe nghiêng như vậy, cứ cố ngồi trong xe cũng không được. Chúng tôi phải xuống xe. Ơn Chúa, có chiếc xe máy chạy qua và người ta rất vui vẻ chở bác tài đi tìm xe kéo. Thời gian ấy, tôi cảm thấy sợ thực sự. Trên vai tôi còn có chiếc camera, là nồi cơm nuôi cả gia đình. Còn Dì Út, cả tuổi thanh xuân và với cả tuổi già đều gắn bó với núi rừng, nên có vẻ bình thản lắm.
Khoảng một giờ sau, bác tài trở lại với chiếc xe kéo. Chúng tôi đến được ngôi làng và phát quà cho họ. Lúc về Dì chỉ cho bác tài đi đường khác, gần hơn, nhưng vẫn phải vượt đồi băng rừng… Ra đến đường cái, tôi nhìn thấy có cột mốc cây số ghi : Pleiku 41km. Nếu thế thì ngôi làng này phải cách cộng đoàn của các Dì đến 60km. Nhiều lần tôi hỏi Dì tên ngôi làng. Dì nói, tôi đọc theo nhưng vẫn không thể nhớ nổi cái địa danh dân tộc phải uốn lưỡi mấy lần mới đọc nổi.
Đã mấy ngày trôi qua, cứ mỗi lần nghĩ lại lúc ấy thì tôi lại rùng mình. Nếu không tìm được xe kéo, nếu bác tài không trở lại thì tôi sẽ thế nào ? Chắc chắn là không thể đi bộ rồi, vì chỉ cần bước đi vài bước thì đôi chân mình sẽ nặng thêm cả chục ký, do đất đỏ rất dính. Hay gọi điện thoại cầu cứu ? Sự việc như thế này chưa từng xẩy ra trong đời của tôi.
Một trải nghiệm ngắn ngủi, khiến tôi thật sự khâm phục các nữ tu. Núi rừng Tây nguyên rộng lớn bao la mà đâu đâu cũng có bước chân của những trái tim tận hiến. Tuy đã lâu Dì Út mới trở lại nơi đây, nhưng Dì vẫn nhớ tên rất nhiều người, và những người con của núi rừng ấy đã tíu tít đón Dì như người nhà của họ …