Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Hai tuần I

 

Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Hoán Cải Và Làm Phúc

Hãy đối xử công bình với người lân cận. (Lv 19:1-2, 11-18)

Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống. (Tv 18)

Vì xưa ta đói các ngươi đã cho Ta ăn (Mt 25,35)

“Hãy sám hối và làm phúc” (x. Mc 1:15 và Lc 12:33)

Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Hai tuần INgày nay chúng ta không sẵn lòng lắm để nghe nói đến “làm phúc”. Có cái gì đó nhục nhã. Từ ngữ này dường như giả thiết một hệ thống xã hội trong đó sự bất công, sự phân phối của cải không đồng đều, một hệ thống cần được thay đổi với những cải cách thích hợp. Và nếu không thực hiện những cải cách này, thì nhu cầu về những thay đổi triệt để, đặc biệt là trong những mối tương quan giữa con người, sẽ lu mờ đi ở chân trời của đời sống xã hội. Chúng ta thấy cùng một xác tín này trong những bản văn của các ngôn sứ Cựu ước mà phụng vụ đưa ra trong Mùa Chay.

Các ngôn sứ nhìn vấn đề theo khía cạnh tôn giáo: không có hoán cải trở về thật sự với Thiên Chúa, không có tôn giáo nào mà không đặt những xúc phạm và bất công vào trong những mối tương quan giữa con người trong đời sống xã hội. Chính trong bối cảnh này mà các ngôn sứ đã khuyến khích những việc làm phúc.

“Cách ăn chay mà ta ưa thích chẳng phải là thế này sao; mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước những anh em cốt nhục” (Is 58, 6-7)

Chắc chắn Chúa Kitô không bãi bỏ việc làm phúc theo quan điểm của chúng ta. Người cũng nghĩ đến tiền bạc, đến những của bố thí về vật chất, nhưng theo cách thức riêng của Người. Về vấn đề này, gương bà góa nghèo đã bỏ vài đồng xu nhỏ nhoi vào hòm tiền của đền thờ là một thí dụ mạnh mẽ hơn bất cứ thí dụ nào khác; về phương diện vật chất, sự dâng cúng này khó mà có thể so sánh được với sự dâng cúng của những người khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã nói: “Bà góa này đã dâng cúng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”(Lc 21:3-4).

Vì vậy, trên tất cả vẫn là giá trị quà tặng từ bên trong; sẵn sàng chia sẻ mọi thứ, sẵn sàng cho đi chính mình.

Chúng ta hãy nhớ lại lời thánh Phaolô: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp để bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13:3). Thánh Augustine cũng viết rất rõ về vấn đề này: “Nếu bạn đưa tay ra làm phúc nhưng trong lòng không có sự thương xót, thì bạn đã chẳng làm gì cả, nhưng nếu lòng bạn đầy sự cảm thông thì ngay khi bạn chẳng có gì trong tay để cho, thì Thiên Chúa cũng đón nhận “của làm phúc” cùa bạn.

Ở đây, chúng ta đụng chạm đến trọng tâm tận cùng bên trong của vấn đề. Trong Thánh kinh, và theo các phạm trù của Tin mừng, “của làm phúc” trước hết có nghĩa là quà tặng nội tâm. Đó chính là thái độ mở ra “đối với người khác”. Thái độ này đúng là một nhân tố không thể thiếu được của sự “hoán cải”, tức là quay trở về, như cầu nguyện và chay tịnh cũng là những điều không thể thiếu được. Thực vậy, Thánh Augustine đã diễn tả rỏ rệt: “Những ai làm việc lành phúc đức thì lời cầu nguyện của họ sớm được Chúa nhận lời biết chừng nào”. Và đây là sự công chính trong cuộc đời hiện tại của người ấy; chay tịnh, làm phúc và cầu nguyện. Cầu nguyện là mở ra với Thiên Chúa; chay tịnh là làm chủ chính mình trong việc từ bỏ một điều gì đó, là nói  “không” với chính mình; và cuối cùng việc làm phúc bác ái là mở ra “với người khác”. Tin mừng vẽ nên bức tranh thật rõ ràng khi nói với chúng ta về sự sám hối, về sự “hoán cải”. Chỉ khi nào có một thái độ toàn diện, trong tương quan với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân, con người mới đạt tới sự hoán cải và duy trì được tình trạng hoán cải ấy.

Tiếp kiến chung, 28-03-1979
+ Đức cố GH. Gioan Phaolô II
G. Nguyễn Văn Chữ, OP. chuyển ngữ

Để lại một bình luận