Luật cũ với luật mới (Bài 03)

 

Bài Giảng Trên Núi III : Luật cũ với luật mới

Luật cũ với luật mới (Bài 03)Kính thưa quý vị và các bạn,

Sau 8 mối phúc thật, phần còn lại của chương thứ 5 của Tin mừng theo thánh Matthêu gồm chứa những phản đề giữa luật cũ với luật mới. Kiểu nói đối nghịch được lăp đi lặp lại 6 lần: “Anh em đã nghe dạy rằng … Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết“.

Thế nhưng phải hiểu thế nào về tầm mức của những phản đề ấy ? Vấn đề thần học chính yếu được đặt lên từ những câu 17-18 ở đầu đơn vị này: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Maisen hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật cũng không thể qua đi được cho đến khi mọi sự được hoàn thành”.

Chúng ta thấy có vài điều xem ra mâu thuẫn. Một đàng, khi nêu bật những nghịch đề, ra như đức Giêsu muốn sửa lại Luật cũ (từ ngữ “Luật của Maisen và lời các ngôn sứ” bao gồm toàn thể Cựu ước). Đàng khác, Ngài lại quả quyết rằng phải giữ cho trọn Luật cũ, không được đụng tới cả cái chấm cái phết. Chúng ta hãy xem các ý kiến của các tác giả nhằm giải quyết sự mâu thuẫn vừa nói.

I. Tương quan giữa luật mới với luật cũ.

1) Khuynh hướng thứ nhất chủ trương rằng Chúa Giêsu đã bãi bỏ luật của Maisen. Ý kiến này đã ra đời từ thế kỷ thứ hai. Giám mục Papias thành Hiêrapoli (k.60-130) đã gọi Tin mừng theo thánh Matthêu là “Ngũ thư mới” (gồm có 5 bài giảng). Đức Giêsu là Maisen mới, đã lên núi và nhận lãnh luật mới thay thế cho luật cũ. Luật mới thay thế luật cũ, cũng như Hội thánh thay thế cho Israel trong ơn gọi làm dân của Thiên Chúa.

2) Phần nào Lutêrô cũng chấp nhận rằng Chúa Giêsu đã bãi bỏ luật cũ của Maisen, nhưng ông còn đi xa hơn nữa. Theo Lutêrô, sau khi đã bãi bỏ luật cũ đi rồi, Chúa Giêsu không có thay thế bằng một bộ luật khác. Không thể nào quan niệm Chúa Giêsu như một nhà làm luật được. Tân ước không phải là bộ luật, nhưng là quyển sách của ân sủng. Nói đúng hơn, Chúa Giêsu cho ta thấy những yêu sách triệt để của Nước Trời. Đứng trước những yêu sách đó, không ai thực hiện nổi bằng sức riêng của mình. Con người chỉ có thể thú nhận sự bất lực của mình, và mở cửa đón nhận ơn tha thứ, có khả năng biến đồi con người nên công chính.

3) Gần đây, dựa theo những khảo cứu về sự soạn thảo các sách Phúc âm, các nhà chú giải cho rằng Chúa Giêsu không có tự mâu thuẫn khi bàn về tương quan giữa luật cũ và luật mới. Những vấn nạn đã nêu trên đây chỉ là phản ánh những tương phản ở trong cộng đoàn nơi mà tác phẩm của thánh Matthêu ra đời. Cộng đoàn ấy gồm có nhiều Kitô hữu gốc Do thái trở lại. Từ đó, giữa lòng cộng đoàn đã nảy ra những tranh luận về giá trị của luật Maisen: có người yêu sách phải triệt để cắt đứt với những tập tục cồ truyền, vì vậy mà cần phải nhấn mạnh tới cái gì tiêu biểu mới mẻ của Chúa Giêsu (đây là lý do của những phản đề); nhưng có phe khác thì quan niệm rằng giữa luật cũ và luật mới có sự liên tục chứ không phải là gián đoạn (đây là lý do của câu nói 5,17: “Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”). Sự kiện toàn đó đặt ra những yêu sách nặng nề hơn cả luật cũ nữa (“nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”: 5,20).

Thực ra, ta đừng nên quên rằng ngay cả các tín đồ Do thái cũng đã tranh luận với nhau về giá trị của luật Maisen rồi: có buộc phải giữ luật của ông Maisen cứ như chữ đã viết, hay là cần phải thích nghi cho hợp với hoàn cảnh ? Có những trường phái đã chấp nhận sự giải thích uyển chuyển luật của Maisen. Chẳng hạn trong quyển 1 sách Macabê (2,39-41), ta thấy rằng khi tình thế đòi hỏi, có thể chước chuẩn luật buộc phải nghỉ việc ngày Sabat; cũng vậy dần dần tục ly dị đã được du nhập tuy dù Maisen không cho phép (Đnl 21,1). Nói khác đi, các tín đồ Do thái vào thời đó đã hiểu luật của Maisen theo hai nghĩa:

a/ theo nghĩa đen, luật của Maisen bao gồm những gì đã được viết trong sách;

b/ theo nghĩa tinh thần, luật của Maisen ám chỉ ý muốn của Thiên Chúa trong hoàn cảnh cụ thể.

Trong bối cảnh như vậy, chúng ta sẽ hiểu được thái độ của đức Giêsu trong Bài Giảng trên núi. Nếu hiểu Luật Maisen như là mặc khải của Thiên Chúa, thì chắc chắn không bao giờ đức Giêsu lại tới phá hủy được (nghĩa b); tuy nhiên nếu hiểu Luật Maisen như những bản văn cứng nhắc (nghĩa a), thì đức Giêsu có sửa đồi, với mục tiêu nhằm làm sáng tỏ hơn ý định của Thiên Chúa. Những phản đề mà chúng ta sẽ thấy dưới đây có thể được coi như là những lời của đức Giêsu giải thích ý định của Thiên Chúa.

4) Sau cùng, một ý kiến nữa cho rằng trong những câu 15-17 của chương 5, đức Giêsu không có ý đối chiếu luật cũ với luật mới. Những câu này chẳng có ăn nhập gì với luật pháp cả. Ở đây, thành ngữ “luật Maisen và các ngôn sứ” không có nghĩa là những bản văn luật lệ, song là một giai đoạn của lịch sử cứu rổi: Đức Giêsu đã đến để hoàn tất những gì đã được loan báo. Chính vì vai trò vô song của đức Giêsu trong kế hoạch mặc khải đã tạo cho Người một thẩm quyền để giảng dạy (như Mt ghi lại ở cuối bài giảng: 7,29).

II. Những phản đề.

Từ những điều vừa nói trên đây, ta không nên hiểu những phản đề như là sự đối lập giữa luật cũ với luật mới như kiểu đen đối chọi với trắng. Đây không phải là những phản đề theo nghĩa chặt, nhưng là sự trưng bày cái cốt tủy của Luật Chúa, nhờ đó các môn đệ của đức Kitô có thể nhận biết đâu là sự công chính đích thực: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Phariseu thì chẳng được vào Nước Trời”.

Ta có thể nhận thấy những phản đề qua lối hành văn: “Anh em đã nghe dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em”, xoay quanh 6 điểm sau đây: 1/ giết người và giận ghét (câu 21-26); 2/ ngoại tình và thèm muốn (c.27-30); 3/ ly dị (31-32); 4/ bội thề và cấm thề (câu 33-37); 5/ Trả thù và không chống cự (38-42); 6/ Ghét kẻ thù và yêu kẻ thù (câu 43-48).

1/ Giết người và giận ghét.

Trong Cựu ước, giới răn “chớ giết người” (Xh 20,13; Đnl 5,17) không có tính cách tuyệt đối. Án tử hình được chấp nhận đối với vài trọng tội (Ds 35,16-21) cũng như sự chém giết được chấp nhận khi có chiến tranh (Đnl 20,13.16). Nhưng đối với Đức Giêsu, chúng ta có thể xúc phạm tới tính mạng của người anh chị em bằng nhiều cách khác nữa: sự giận dữ, chửi rủa, mạt sát họ. Không những Ngài ngăm đe những hình phạt dành cho những xúc phạm ấy, nhưng Ngài còn muốn cho các môn đệ luôn sống trong tâm tình hòa giải với tha nhân, vì điều đó đánh giá sự thờ phượng đích thực.

2/ Ngoại tình và thèm muốn.

Trong Cựu ước, ngoài giới luật cấm ngoại tình (Xh 20,14; Đnl 5,18), đã có điều cấm ước ao lấy vợ của người hàng xóm (Xh 20,17b) cũng như cấm để mắt nhìn thiếu nữ (Hc 9,5-9). Xem ra điều mà đức Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là cái “lòng” (con tim). Trong phản đề trước, sự lổi phạm đến tha nhân được bộc lộ ra bên ngoài (nét mặt giận dữ, lời nguyền rủa), nhưng trong phản đề này, tội xảy ra trong thâm cung, không ai thấy được ngoại trừ mình với Chúa. Giáo huấn về con tim sẽ còn được tiếp tục trong suốt Bài giảng trên núi ; nó là chân phúc dành cho kẻ có tâm hồn trong sạch.

3/ Ly dị.

Xét về thể văn thì đây là phản đề thứ ba; nhưng nếu xét về nội dung thì ra như nó chỉ bồ túc cho phản đề thứ hai bàn về hôn nhân và ly dị. Đức Giêsu xét lại những lý do mà tục lệ Do thái đã cho phép rẫy vợ. Thánh Matthêu chỉ chấp nhận một trường hợp, đó là “porneia” (xc 19,9). Các nhà chú giải đã đưa ra nhiều ý kiến để giải thích ý nghĩa của nó: gian dâm ngoại tình ? Hôn nhân bất hợp pháp ?

4/ Bội thề và cấm thề.

Cựu ước đã cấm làm chứng gian (Xh 20,16) và nhất là cấm kêu danh Chúa để mà thề điều gian dối (Lv 19,12). Đức Giêsu đã tuyệt đối cấm thề. Xem ra có hai lý do của điều cấm: a/ phải kính trọng Thiên Chúa; b/ tôn trọng giá trị của lời nói, làm sao có sự thuần nhất giữa nội tâm và sự phát biểu ra ngoài: “có nói có, không nói không” (xc. 2Cr 1,17; Gc 5,12).

5/ Trả thù và không chống cự.

Câu nói “mắt đền mắt, răng đền răng” không nằm trong bản 10 điều răn nhưng là một tiêu chuẩn được đặt ra trong sách “Giao ước” (Xh 21,23; Lv 24,19; Đnl 19,21). Mục tiêu của nó không phải là dạy phải báo thù, nhưng là để giới hạn mức độ tối đa của sự bồi thường: tòa án không được đòi hỏi sự đền phạt quá mức đó! Nhưng đức Giêsu thì bảo hãy khước từ cả việc nại tới công lý. Hơn thế nữa, thay vì cắn răng nhịn nhục kẻ vũ phu, đức Giêsu còn khuyên hãy vui vẻ chiều lòng hắn! Ở đây Ngài không cho biết lý do tại sao phải cư xử như vậy; lý do đó sẽ được nói trong phản đề tiếp sau đây.

6/ Ghét và thương kẻ thù.

Trong Cựu ước, ta thấy có lệnh truyền “hãy yêu người thân cận” (Lv 19,18), nhưng không đâu có chỗ nói “hãy ghét kẻ thù”. Có lẽ đây là một lưu truyền vào thời đó, như gặp thấy nơi cộng đoàn Qumran (“hãy ghét những kẻ Chúa ghét”). Đức Giêsu thì bảo hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi. Lý do là vì các môn đệ của Nước Trời phải cư xử họa theo mẫu gương hoàn thiện của Cha trên trời.

Đây là tột đỉnh của các phản đề. Đức Giêsu không quan niệm luật Chúa như những bản văn cứng nhắc cần phải tuân giữ theo đúng chữ đen từ đời này qua đời khác. Đức Giêsu quan niệm luật Chúa cách linh động, cần phải thích ứng tùy theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, khi thích ứng như vậy, hãy coi chừng kẻo chỉ đi tìm sự dễ dãi (tỉ như trường hợp ly dị). Trái lại, đức Giêsu đặt tiêu chuẩn của luật Chúa nơi chính ý định của Thiên Chúa. Ai muốn nên công chính thì cần phải làm theo ý Chúa, cư xử như chính Chúa.

*

Trước khi kết thúc, tưởng nên lưu ý một điểm. Trong quá khứ, ra như các sách luân lý chỉ để ý đến ba phản đề đầu tiên, nhấn mạnh tới những tội trong tâm trí tư tưởng (thù hằn, tà dâm). Những phong trào cách mạng xã hội thì lưu tâm cách riêng tới phản đề thứ 5: theo họ, bộ mặt xã hội sẽ thay đồi rất nhiều qua cuộc cách mạng bất bạo động.

 

Trả lời