Lời “xin vâng” của Mẹ

 

Lời “xin vâng” của Mẹ

 

Khi nhận tiếng “Kính Mừng” vinh dự
Gaprien thần sứ tặng ban
Chữ “Eva” Mẹ đảo vần
Thành “Ave” gửi bình an cho đời.[1]

 

Lời “xin vâng” của MẹDo sự bất tuân của Nguyên tổ loài người, nhân loại đã bị nhấn chìm trong màn đêm tăm tối triền miên của khổ đau và chết chóc. Lời xin vâng của Đức Maria đã khai sáng một bầu trời hy vọng cho nhân gian, đã làm sáng lên ý định yêu thương và trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng khai mở cho nhân loại một khung trời mới đầy ánh sáng huy hoàng, khởi xướng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hồng ân cứu độ.

Cả đất trời mong chờ lời thưa của Mẹ

Trong khi cả vũ trụ đắm chìm trong tội lụy, nhân gian mong ngóng ơn cứu độ, chương trình cứu nhân độ thế của Thiên Chúa được thực hiện qua việc chờ đợi lời thưa của một thôn nữ miền Nagiareth. Khi sai sứ thần đến với thôn nữ Maria, cả nhân thế, vũ hoàn hồi hộp đợi chờ lời thưa của Nữ Trinh Maria. “Này đây, giá phải trả cho ơn cứu độ chúng con được vào tay Mẹ. Mẹ mà chấp thuận là chúng con được cứu thoát… Chỉ một câu trả lời ngắn gọn của Mẹ là chúng con được tái tạo, để lại được kêu gọi đón nhận sự sống.”[2] Thật thế, cả vũ trụ, đất trời đợi chờ câu trả lời của Đức Maria bởi vì “Toàn thể dòng giống Mẹ tùy thuộc vào câu trả lời từ miệng Mẹ thốt ra.”[3]

Người nữ tỳ khiêm hạ đã thưa lời “Xin vâng”

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”[4] Mặc dầu chưa hiểu hết ý định và chương trình của Thiên Chúa, nhưng vì tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Maria đã thưa lời “Xin vâng” và đón nhận tất cả, đón lấy ý Chúa làm ý mình để chương trình tình yêu của Thiên Chúa được hoàn tất.

Với lời “Xin vâng” của thôn nữ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, mở đầu công cuộc cứu rỗi trần gian. Thôn nữ Maria trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế qua thái độ khiêm nhường khi lời đáp xin vâng phát xuất từ lòng tin của mình. Lời “Xin vâng” của Mẹ là cửa ngõ dẫn vào ơn cứu độ. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật.”[5] Mẹ “Xin vâng” là Mẹ đón nhận công việc mở cửa cho ơn cứu độ tuôn tràn đến với nhân loại.

Nhờ lời “Xin vâng” của Mẹ Maria, Đức Giêsu đã đến trần gian, khai mở cho nhân loại một thời đại mới, thời đại của tình yêu cứu độ. Đức Giêsu đã đến phá tan bức màn đêm tăm tối, mở ra một bầu trời hy vọng cho nhân loại. Nhờ lời Mẹ xin vâng, lịch sử nhân loại bước sang trang mới, mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên hồng ân cứu độ.

“Xin vâng” theo thánh ý Chúa

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Bằng niềm tin và sự vâng phục, Mẹ đã tự do cộng tác vào công trình cứu độ. Từ lúc nhận lời Sứ thần truyền tin với lời “Xin vâng” đầu tiên, Mẹ đã sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong suốt cuộc đời. Qua từng biến cố, Mẹ đã liên tục thưa những tiếng “Xin vâng”, để cùng với Chúa Giêsu tiến bước trong hành trình đức tin với lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha, để cuối cùng là lời “Xin vâng” hiệp nhất với Chúa Giêsu trên thập giá hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Sau hai tiếng “Xin vâng” của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.”[6]

Với lời “Xin vâng”, Mẹ Maria quả thực đã trở thành người đầu tiên trong nhân loại nói lên sự vâng phục trọn vẹn đối với Thiên Chúa. Trong khi thế trần vui mừng vì hy vọng được tha thứ nhờ lời “Xin vâng” của Mẹ, thì Mẹ Maria lại nghĩ đến những đòi hỏi gắt gao của lời xin vâng đó. Mẹ biết lời xin vâng ấy sẽ dẫn đưa Mẹ trên con đường hy sinh, nhưng vì yêu nhân loại và khát khao làm vimh danh Thiên Chúa, Mẹ đã đón nhận tất cả để chương trình cứu độ được nên hoàn trọn.

Xin Mẹ dạy con hai tiếng “Xin vâng”

Hai tiếng xin vâng nói thì dễ dàng, nhưng để sống và thực hiện trọn vẹn lời ấy không đơn giản chút nào. Là những người Kitô hữu, chúng ta được gọi mời theo bước chân Mẹ, xin vâng theo thánh ý Chúa. Như Mẹ Maria, chúng ta được gọi mời thưa lời xin vâng, không những trong một ngày nhưng trong mọi ngày trong suốt cuộc lữ hành trình đức tin; Nói lời xin vâng không chỉ lúc thuận tiện nhưng cả những lúc gian nan thử thách, không chỉ lúc an vui thuận hòa, mà cả những lúc đau thương khốn khó… Khi chúng ta nói lên lời xin vâng như Mẹ, chúng ta sẽ cưu mang Chúa trong lòng để chia sẻ với những người chung quanh.

Là những đoàn viên Huynh đoàn Đa Minh, chúng ta cũng đã và đang thưa lên lời “xin vâng” ấy qua việc tuyên hứa sống theo luật sống và tinh thần Dòng Đa Minh. Bởi lẽ, “Qua lời tuyên hứa, mỗi chúng ta trở thành phần tử của Huynh đoàn và được tháp nhập vào Dòng.”[7] Qua lời tuyên hứa, chúng ta được tháp nhập cách sâu xa vào giao ước tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ dâng hiến bản thân để phụng sự Thiên Chúa, cứu độ các linh hồn, phục vụ cho sứ mạng của Dòng, làm chứng cho Chúa qua đời sống của mình giữa dòng đời. Như thế là chúng ta cùng với Mẹ Maria nói lời “Xin vâng”. Mẹ Maria chính là mẫu gương cho chúng ta trong việc đáp trả tiếng Chúa. Chiêm ngắm cuộc đời Mẹ, chúng ta xin Mẹ trợ giúp và dạy ta hai tiếng “Xin vâng” trong cuộc sống hôm nay giữa những thách đố cuộc đời

Tạm kết

Với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác, lời thưa “Xin vâng” của Mẹ Maria đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới, đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi. Lời “Xin vâng” của Mẹ đã trở thành mẫu mực tuân phục Thiên Chúa cho chúng ta noi theo. Lời “Xin vâng” ấy là một lời chất vấn, một thách đố hùng hồn trước thảm kịch bất tuân phục Thiên Chúa của con người trong thời đại của chúng ta hôm nay. Và như Mẹ Maria xưa, ngày hôm nay Thiên Chúa đang chờ đợi lời thưa “Xin vâng” của mỗi chúng ta. Xin Mẹ dạy chúng con hai tiếng “Xin vâng”, hôm qua hôm nay và ngày mai. Amen.

Pet. Võ Tá Đương, OP

(CSTMHĐGDĐM tháng 5.2012)

 



[1] Các giờ kinh Phụng vụ, Thánh thi kinh chiều II, Lễ Đức Mẹ.
[2] Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ, Bài đọc kinh sách tập I , trg 103, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2008.
[3] Sdd.
[4] Lc 1, 39.
[5] Gl 4,4.
[6] Pl 2,7.

[7] Luật sống Huynh đoàn GDĐM Việt Nam, số 16. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2011.

Để lại một bình luận