Lối về Tên Trộm (Phần 1)

 

Lối về Tên Trộm

– Một Yến Bạc

Lối về Tên Trộm (Phần 1)Nhớ về Người, lòng hắn cứ miên man. Lời Người xoáy sâu vào tâm thức. Người kể rằng: một ông chủ sắp đi xa nên giao của cải cho các đầy tớ[1], tùy vào khả năng riêng của mỗi người mà ông giao ít nhiều khác nhau để mỗi người dùng số tiền ấy làm ăn kiếm lời. Một thời gian sau, ông trở về tình toán sổ sách với họ. Người lãnh năm yến và hai yến làm ăn có lời, được thưởng. Còn người lãnh một yến chôn giấu bạc dưới đất thì bị chủ quở trách và trừng phạt.  “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác, anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi thì đáng lý anh phải gởi số bạc vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ.  Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa, còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.[2]

Dân chúng nói: lời Người thật khủng khiếp. Còn hắn, nhìn lại cuộc đời mình, làm thân trộm cướp vay nợ ân nghĩa nhân gian, đời này kiếp này làm sao trả hết. Đường lối Đức Chúa hắn đã xa rời từ lâu. Những hình phạt Người nói đến thật kinh hãi nhưng xứng đáng cho con người như hắn. Lời Người nói không làm hắn hoảng sợ, ngược lại, lòng thấm đượm bình an. Sự ngọt ngào êm dịu tỏa lan khắp tâm hồn. Cũng vì thế mà hắn lặng lẽ theo Người. Lời Người rất mạnh nhưng tràn yêu thương. Hình phạt là xứng lẽ công bằng.

Tuy nhiên, trong lời ấy có một điều rất lạ thu hút tâm trí hắn: “Tại sao ông chủ không đòi kẻ lãnh một yến cũng làm lụng vất vả để kiếm lời như những người đã lãnh nhiều hơn?”. Năm thành mười, hai thành bốn. Tất cả họ đều cố gắng với hết khả năng và đáng được chúc phúc.

Còn người lãnh một yến cũng phải làm được thế mới phải lẽ chứ, tại sao ông trách nó không gởi ngân hàng? Ông không đòi nó như những người kia. Người kể dụ ngôn để giảng dạy nhiều người, mà có vẻ Người chỉ nói cho riêng mỗi hắn. Dù chưa một lần hàn huyên tâm tình nhưng dường như Người đọc ra từng suy nghĩ và ưu tư của hắn. Trông Người thật gần gủi. Nhưng “ngân hàng” là gì? Thế nào là “gởi vào ngân hàng” rồi chờ lấy lời? Hắn mong được biết Người ám chỉ điều gì. Thật khó hiểu!

Cơn lốc cuộc đời đã cuốn xoáy hắn rồi dìm vào vũng lầy tội lỗi. Giờ này, hắn không biết làm sao để cứu mình. Cũng từng muốn rửa tay gác kiếm làm lại cuộc đời nhưng sự đời đâu dễ dàng như thế.

Quan quân tróc nả, hắn phải chui lủi khắp nơi để trốn tránh. Cái chết rình rập không biết đến bất chợt lúc nào. Giang hồ có luật, dù là đồng hội cùng thuyền nhưng bọn kia chẳng tốt lành gì, chúng đâu dễ buông tha. Trước mắt, cuộc đời chỉ còn sống hay chết!

 Thế nhưng, từ khi gặp Người, hắn cảm thấy tâm hồn mình có nhiều điều mới lạ. Lời Người nói, việc Người làm có sức ảnh hưởng sâu xa đến cuộc sống hắn. Hắn tha thiết muốn dứt bỏ quãng đời tội lỗi, mơ ước đặt chân lên ngưỡng cửa Nước của Người. Dù biết mình vạn lần bất xứng, nhưng được nghe một lời Người thôi, hắn thấy lòng tràn trào hạnh phúc và hy vọng.

Tội lỗi xích xiếng lương tâm và niềm tin từ lâu. Mỗi khi lẩn trong đám đông, lặng lẽ theo Người, hắn có cảm tưởng không phải hắn theo nhưng chính Người đã đến, đến âm thầm trong tâm tưởng. Hắn cảm nhận được hơi thở của tự do Người mang lại cho linh hồn.

– Bữa Ăn Kỷ Niệm

Vẫn còn in trong ký ức một ngày gần lễ Vượt Qua, ở Bét-sai-đa, một đoàn người đông đảo vây quanh, Người ân cần tiếp rước, hỏi han, dạy bảo[3]. Người nói về Nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ ốm đau. Trẻ con thì vây quanh nô đùa thỏa thích. Tình Người thương chan hòa đằm thắm trái hẳn với cung cách của các kinh sư, luật sĩ và biệt phái. Mọi người nghe say sưa quên cả thời gian, một phần cũng vì quyến luyến bịn rịn không muốn rời. Chiều buông xuống thật mau.

Lối về Tên Trộm (Phần 1)Trước khi giải tán đám đông, Người ban tặng một bữa ăn – kỷ niệm của lòng nhân lành. Người “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những mẫu vụn còn thừa người ta thu được mười hai thúng[4].

Lòng yêu thương hòa lẫn trong phép lạ lớn lao. Người quan tâm đến mọi người không loại trừ ai kể cả thứ bần cùng mạt hạng và tội lỗi như hắn. Gương mặt hiền hậu, lời nói ôn tồn, ánh mắt trìu mến đầy thương cảm của Người cứ hiện về trong tâm thức, thôi thúc tưởng nghĩ về Người. Dù cõi lòng chồng chéo không biết bao nhiêu vết theo đời đau đớn, mỗi lần nhớ đến Người, nghĩ suy lời Người, lòng thấy bình an.

Mà “ngân hàng” là gì nhỉ? Kẻ nhận một yến gởi tiền vào ngân hàng nhưng ông chủ không đòi tiền lãi phải là một yến tương xứng với số lời của những người nhận vốn nhiều hơn. Ngân hàng sẽ làm lời, nhưng bao nhiêu ông không đề cập đến hay ông không cần đặt ra. Có lẽ ở đây ông không so tính công bằng nhưng là biểu dương sự khoan hồng. Điều ông cần ở tên đầy tớ tội nghiệp là tin tưởng và cố gắng. Không phải thấy vốn được cấp ít ỏi nên mặc cảm tự ti mà chôn giấu, hay ngược lại, xem thường, chê ít, bất mãn mà không hoài đến. Ông chủ cần anh dồn tâm lực vào công việc và hạnh phúc với phần việc của mình. Quan trọng không phải nhiều hay ít nhưng là được phục vụ. Cũng vậy, phần thưởng quý giá dành cho đầy tớ trung thành là được tiếp tục làm việc cho chủ nhiều hơn tùy theo khả năng mình có. Thái độ Người đối xử với tên đầy tớ tội nghiệp không phải nguyền rủa, giáng phạt cay nghiệt như người khác tưởng. Với hắn, Người đang cảnh tỉnh và dẫn dắt tâm hồn hắn qua miền đất niềm tin mới lạ. Có lẽ nào đó là lối riêng dành cho những kẻ yếu đuối và rốt hèn như hắn?

– Khoan Dung

Lối về Tên Trộm (Phần 1)Người dành tình thương đặc biệt cho những kẻ tội lỗi. Người yêu mến, thứ tha, khuyên dạy, củng cố và chúc phúc cho họ. Một trong những kỷ niệm về Người khắc sâu trong lòng hắn là vụ một phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang. Hôm ấy, lúc vừa tảng sáng, trên núi Ô-liu[5], bọn người Pha-ri-sêu và kinh sư kéo một phụ nữ đến gặp Người và bảo: họ bắt quả tang chị ta phạm tội ngoại tình. Rồi trưng dẫn sách luật Mô-sê: phải ném đá đến chết. Nhìn chị thật tội nghiệp. Họ hành hạ chẳng nương tay. Họ căm tức vì chị dám làm điều ô uế kinh tởm mà họ dù rất muốn nhưng không dám làm. Nhân danh thứ công chính giả hình, họ đẩy chị vào chỗ chết. Còn nữa, họ căm ghét Người, nhiều lần tìm cách mưu hại nhưng thất bại. Chưa thể ra tay với Người, họ trút hận lên tấm thân tội nghiệp. Chị bị tóm trong lúc phạm tội, áo quần đâu đủ che thân. Bọn họ thi nhau lôi kéo, xô đẩy còn để thỏa mãn thú tính trâng tráo của họ và đám đông hiếu kỳ.

Tội này phải có hai người mà họ chỉ bắt mỗi chị ta, còn gã kia đâu, sao không ai nhắc đến? Nhiều khả năng đây là cái bẫy. Đích nhắm là Người, chị chỉ là quân cờ thí cho dã tâm đê hèn. Tập trung trước mặt Người, họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Mô-sê đã truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”[6]. Họ coi chị là phương tiện để thực hiện dã tâm chứ không phải là con người nên không cần tên tuổi, quê quán. Họ cần câu trả lời: ném đá hay không. Người biết rõ tất cả.

Nhiều người Do Thái yêu mến và tin theo vì nhận ra nơi Người tình thương dành cho những kẻ khó nghèo, bệnh tật… đặc biệt là các tội nhân. Tình thương ấy vượt xa thứ lề luật cứng nhắc mà các kinh sư và biệt phái đặt ra. Giờ đây, nếu kết tội, Người sẽ đứng về phía bọn người kia, phía lề luật – còn ai dám theo Người.

Mặt khác, như thế còn chống lại luật La-mã vì theo luật ấy, người Do Thái không được phép lên án xử tử ai – người    Rô-ma sẽ quy tội chống đối vương triều. Ngược lại, tha chị, Người sẽ chống lại luật Đức Chúa đã truyền cho ông Mô-sê là gạt bỏ niềm tin bao đời của dân tộc vào Đức Chúa. Bẫy giăng ra quả thâm độc. Thế thắng ve vuốt lòng cao ngạo, họ giục Người trả lời. Không nói, điềm nhiên ngồi xuống, Người lấy ngón tay viết trên đất.

Còn chị, người đàn bà tội nghiệp đang đối diện với cái chết của thân xác – bản án thật cay nghiệt; cái chết của danh dự – tội này quá nhơ uế và ô nhục, nỗi tủi hổ này không riêng chị mang theo mà cả gia đình, dòng họ phải chịu nhuốc nhơ chẳng biết đến bao giờ; cái chết của linh hồn – hình phạt trầm luân dành cho kẻ mang trọng tội đang chờ. Nỗi ô nhục giằng xé cả thể xác lẫn tâm hồn. Tấm thân run lên vì đau đớn và sợ hãi. Chị nhìn lên Người. Chị biết Người. Mà có ai trong thành này không biết Người.

Cả thành rung động xôn xao về những nghĩa cử yêu thương và phép lạ của Người. Đã bao lần Người bênh đỡ và thứ tha cho những kẻ tội lỗi. Biết mình phạm tội, chị không thanh minh, chống chế hay bào chữa. Chị không dám gào xin sự khoan dung, không dám mở lời xin Người cứu giúp. Im lặng, đón nhận hình phạt, sám hối và cậy trông. Chị thật giống hắn, tội đời bày ra trước mặt xâu xé lương tâm…

Lăm le hòn đá trên tay, bọn họ lại thúc giục Người. Sao những người tự xưng là công chính lại thèm được kết tội và tử hình người khác đến thế. Sự đời quả trớ trêu. “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”[7].

 Ôi, thật sung sướng. Làm sao dã tâm con người hơn được tình thương Thiên Chúa. Mưu độc thế gian không thể thắng sự khôn ngoan bởi trời. Họ rơi vào bẫy tự tay gài lấy. Thâm độc bao nhiêu, lãnh đủ bấy nhiêu. Đúng, đây là người đàn bà tội lỗi – Người không phủ nhận, và sách luật Mô-sê cho phép ném đá hạng người này.

Nhưng Người tuyên bố để họ biết: chỉ có người vô tội mới được quyền kết án lỗi lầm kẻ khác. Họ ném đá là lừa đối chính mình và mọi người – đám đông sẽ nghĩ gì? Còn không ném đá là tự nhận mình cũng có tội như bao người thế mà hôm nay vênh váo xử tử tội nhân, lại còn diễn thật đạt vở kịch phơi bày ác tâm độc địa xấu xa của chính mình – cái mà lâu nay tô điểm thành sự công chính đạo mạo để cao ngạo tự hào. Cả bọn câm lặng, không đối lại được lời nào. Không thể làm gì khác hơn, buông đá, ngậm nhục và rút lui. Lần lượt từ già đến trẻ, kẻ trước người sau lặng lẽ bỏ đi hết. Thật thỏa lòng khi chứng kiến cảnh tượng ấy. Lòng thương xót của Người chế ngự hoàn toàn trái tim hắn. Hắn cảm phục và yêu mến Người.

Đâu chỉ có thế, lời Người nhắn nhủ với chị còn thấm thía hơn bội phần. Cuộn mình trong tấm áo, chị lặng yên. Một lúc sau, “Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao?” Chị đáp: “Thưa ông, không có ai cả’. Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”[8].

Tình thương xót của Người bao la quá, vượt xa sức tưởng tượng hắn có thể. Người yêu thương và cưu mang cả lầm lỗi của tội nhân. Không dễ dãi xề xòa nói rằng: không sao đâu, không có gì đâu. Sự công chính luôn nghiêm minh. Tội đã phạm vẫn còn đó và cần được sửa đổi nhưng Người không nhắc lại. Nhìn vào mắt chị, thấu tận tâm can, Người biết lòng chị cay đắng đến mức nào. Không phải va vấp lỡ lầm là chấm hết một kiếp người. Người tôn trọng, tin tưởng đặt vào tay chị tương lai phía trước và hy vọng chị làm lại cuộc đời tốt hơn.

“Tôi không lên án chị đâu” – chị được tha thứ, chị hãy đi bình an. Nhìn thôi cũng đủ biết chị ngỡ ngàng và hạnh phúc đến chừng nào. Hạnh phúc của linh hồn từ cõi chết hồi sinh. Hạnh phúc của con tim đau khổ được chữa lành. Hạnh phúc của một tội nhân đáng chết muôn đời được ơn tha thứ. Hạnh phúc của tinh thần bị dày vò bởi tội lỗi giờ được bình an. Niềm hạnh phúc tràn qua tâm hồn hắn – niềm vui lớn lao này đáng được sẻ chia. Lòng hắn cũng vươn cao chúc tụng Đấng Nhân Lành.

Một sự đảo lộn lạ thường: kẻ tội lỗi rốt cùng được nâng lên trong ân thiêng hồng phúc, còn người tự hào công chính thì phải chịu nhục nhã bẽ bàng. Còn nữa, nhiều lắm, những kỷ niệm đẹp hắn thường xuyên nhớ đến. Thật thỏa lòng. Những điều đó cứ cuốn hút lòng trí hắn tưởng nghĩ về Người. Còn bọn người kia lòng thêm chất chồng căm phẫn. Rắp tâm hại Người ra mặt, họ muốn giết Người. 

Trăng Mục Tử



[1] x. Lc 19,12-27

[2] Lc 19,26-30

[3] x. Lc 9,10-17

[4] Lc 9,16-17

[5] x. Ga 8,1-11

[6] Ga 8,4-5

[7] Ga 8,7

[8] Ga 8,10-11

Trả lời