Chuyến cứu trợ từ 17 đến 20.10.2009
Kontum : Sau cơn mưa trời vẫn tối
Trần Bình OP
Hưởng ứng lời kêu gọi của các giám mục và cha sở, bà con giáo dân giáo xứ Đaminh đã quảng đại đóng góp trong các lễ Chúa Nhật ngày 11 tháng 10, để cứu trợ anh chị em gặp hoàn cảnh khó khăn do “cơn bão số 9” vừa qua.
Để tình thương của cộng đoàn đến tận tay những người bị nạn, Ban Bác Ái Xã Hội của Tỉnh Dòng và giáo xứ Đaminh đã tổ chức việc cứu trợ theo ba hướng. Ngày thứ hai 19 tháng 10, cha Giuse Hoàng Huy Cường lên đường đi Đà Nẵng.Thứ ba 20 tháng 10, cha Đỗ Trung Thành đáp tầu đi Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng sớm nhất là phái đoàn tiến lên Kontum, khởi hành tối thứ bảy 17 tháng 10, gồm cha Đaminh Trần Bình Tiên và ông Gioan Nguyễn Thành Vĩnh.
Kontum hoang tàn
Sau một đêm dài hành trình, chúng tôi có mặt tại Tòa giám mục Kontum lúc 8giờ30. Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới của cơn bão số 10, trời vẫn vần vũ ảm đạm âm u, lắc rắc mưa nhỏ liên tiếp nhiều ngày qua. Vì hôm nay là Chúa nhật, các cha trong Tòa giám mục phải chia nhau đi các buôn làng mục vụ cho bà con giáo dân, nên trong Tòa giám mục chỉ còn lại quý sơ và các cha hưu.
May cho chúng tôi, đang khi bơ vơ vì không biết sẽ xoay sở ra sao thì được cha Nhạc sỹ Oanh Sông Lam, người nổi tiếng với bài hát “tâm tình hiến dâng” tiếp đón khi vừa từ một buôn làng dâng lễ trở về. Với phong thái rất nghệ sỹ, ngài đưa chúng tôi tham quan khuôn viên Tòa giám mục, nơi nổi tiếng với kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ ghi dấu ấn của các cha thừa sai MEP.
Sau đó chúng tôi gặp cha Tổng Đại diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, người chịu trách nhiệm chính trong việc cứu trợ. Sau khi ít phút chào hỏi, cha nhạc sỹ Oanh Sông Lam quyết định đưa chúng tôi mục kích vài địa điểm, nơi hứng chịu sự cuồng nộ của cơn lũ quét vừa qua.
Khu vực hạ lưu sông Dak La và Pơ Kô vẫn hiền hòa lững lờ trôi. Nhìn cơn nước nhẹ nhàng, đục ngầu phù sa hiền hòa kia ai biết khi nổi cơn thịnh nộ lại hung hãn và tàn bạo đến thế. Trời vẫn lất phất mưa. Ai đó đã nói : trời mưa chính là trời khóc vì những khiếm khuyết nơi thọ tạo mình. Quả thật, nhìn cảnh hoang tàn sơ xác tiêu điều, người khó tính nhất chắc cũng mềm lòng. Gạch đá chồng chất, rách rưởi từng đống, những cây cầu kiên cố cũng trốc chân tan nhịp… Thiệt hại về của đã vậy, thiệt hại về người càng khủng khiếp. Có gia đình cả nhà không kịp trốn, lũ quét cuốn ngang, chính ngôi nhà của họ thành chiếc quan tài chôn họ trong đó. Có những em bé hụt chân, dòng nước nuốt em ngay trước sự bất lực của cha mẹ… Cha hướng dẫn chúng tôi bùi ngùi vừa chỉ đường vừa tả lại sự việc trong nỗi ai oán.
Những gì chúng tôi chứng kiến, chỉ là rìa của tâm lũ. Theo mô tả của người dẫn đường, nếu vào tâm lũ, quả đúng là “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”
Trên đường từ thành phố vào thị trấn Diên Bình, nhìn những súc cây thật lớn còn vương lại bên đường, ai ai dù người thiếu kiến thức cách mấy cũng có thể thấy ngay nguyên do cơn lũ. Chặt phát rừng vô tội vạ, là nguyên nhân không còn chối cãi của những người có trách nhiệm. Ngày xưa ngôn sứ Giêrêmia từng cám cảnh thốt lên : “cha ông ăn nho xanh, con cháu phải ghê răng”, có vẻ đang ứng nghiệm nơi vùng đất vốn yên bình với gần 30 sắc dân hiền hòa.
Cha nhạc sỹ đưa chúng tôi ghé thăm một buôn làng cũ, nơi trước đây cha từng coi sóc. Hôm nay, bà con giáo dân người dân tộc Châuro đang hân hoan mừng lễ bổn mạng cha xứ, cha Lý, một người dân tộc Bana. Mặc cho những thiệt hai nặng nề của cơn lũ để lại, bất chấp cơn mưa nặng hạt đang có nguy cơ trút nước xuống bất cứ giờ nào, bà con vẫn cứ vui hát theo tiếng cồng chiêng của bản làng mình. Chúng tôi thực bất ngờ vì các cha rất lưu loát khi tiếp xúc cùng bà con bằng chính ngôn ngữ của họ. Khi được hỏi lý do, các cha đều trả lời một câu như nhau, được trích từ thư Côrintô : “lòng mến đức Kitô thúc bách tôi”. Hầu hết các cha tại đây đều có thể giao tiếp, dâng lễ và giảng dạy bằng ít nhất hai thứ tiếng của dân tộc, bên cạnh tiếng Pháp.
Chúng tôi chia tay cha nhạc sỹ vào lúc 14giờ, người đã tận tình hướng dẫn để về lại An Khê, nơi có sự hiện diện của một anh em Đaminh, cha Giuse Nguyễn Hữu Phú.
An Khê heo hút
Tại An Khê, sau hơn 2 giờ đồng hồ ngồi xe vòng vo đón khách, chúng tôi được tiếp đón tại giáo xứ An Sơn. Gọi là giáo xứ, nhưng nơi đây không có cha quản xứ. Trước đây, cha Giuse Đặng Quang Thắng, người từng được bổ nhiệm đặc trách xứ đạo này, giờ vì nhiệm vụ mới cha chuyển về Daklak.
Một trong những thành quả mà chúng tôi nhận thấy trước mắt là các lớp giáo lý sinh hoạt rất sống động. Các em thiếu nhi được chia theo từng độ tuổi, do các anh chị giáo lý viên, trước đây được cha Giuse Thắng, nay có thêm cha Giuse Phú đào tạo, đang từng nhóm từng đội trao truyền đức tin cho các em.
Vì từ xa đến cha Tiên được mời dâng lễ cho các em. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên đó là, mặc dù là xứ đạo vùng xa, giáp với tỉnh Bình Định, cách thị trấn Gia Lai khoảng 180km, thế nhưng căn bản giáo lý và sự tự tin của các em không hề thua bất cứ nhà thờ nào dưới xuôi. Ông trùm Vĩnh đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi thấy các em hăng hái giơ tay trả lời, và trả lời đúng chính xác tất cả những câu hỏi do cha chủ tế đặt ra.
Được biết, ngoài giờ học, các em vẫn thường đến nhà thờ để cùng nhau đọc Kinh Thánh, cùng trao đổi với nhau về những vấn đề liên quan đến niềm tin. Thói quen này nhen nhúm từ thời cha Giuse Thắng, giờ bùng cháy với sự hiện diện khiêm tốn của cha Giuse Phú và quý sơ dòng Phaolô.
Sau cơm tối, khi chúng tôi cùng quý chức trao đổi thân tình, những phòng sinh hoạt bên cạnh, các hội nhóm như ca đoàn, các em tìm hiểu ơn gọi, học văn hóa … vẫn rôm rả sinh hoạt theo chủ đề của mình.
Chuyến đi khép lại, nhưng lời ngôn sứ Isai ngày trước vẫn âm ba nơi lòng chúng tôi. Đẹp thay bước chân người sứ giả tin mừng, đi khắp vùng đồi núi… Vẫn biết tiền, hàng của những đoàn cứu trợ là quý, vẫn trân trọng tình cảm của mọi người dành cho bà con chịu hậu qua do thiên tai; thế nhưng, chính tấm lòng của các sứ giả của Chúa, nói như cha Oanh Sông Lam: “chúng tôi ở đây có thể thua về kiến thức, thua về tài lực, thua về sức khỏe… nhưng chúng tôi không bao giờ chịu đầu hàng về lòng nhiệt thành, vì trong tim chúng ta luôn có Chúa Giêsu hối thúc đến với bà con…”
Cầu mong sau cơn mưa trời sẽ mau sáng trở lại với cao nguyên sơn cước vốn yên bình này.