HĐKT Chia sẻ Giáng Sinh: Những bước chân rộn rã

* hình ảnh không theo thứ tự bài viết

HĐKT Chia sẻ Giáng Sinh: Những bước chân rộn rãNgày 22/12/2015, tôi cùng một số anh chị em khuyết tật Kitô Vua đi thăm những người mù ở huyện Bình Chánh, với mục đích đem niềm vui Chúa Giáng Sinh đến cho họ, và đó cũng chính là một sự ra đi mang lại niềm vui cho mỗi người trong chúng tôi. Chúng tôi mong muốn tạo nên một cuộc giao lưu văn nghệ giữa những người khuyết tật, anh chị em Kitô Vua đã chuẩn bị để hát cho họ nghe những bài hát Thánh ca như: Đêm Thánh Vô Cùng, Cao Cung Lên và Đêm Noel.

Với những người mù ở Bình Chánh, dường như đây là lần đầu tiên họ mới được nghe những bài hát này. Chúng tôi tụ hội nhau tại một ngôi đình, nơi nhóm người mù huyện Bình Chánh đã mượn để làm trụ sở sinh hoạt. Lúc còn ở nhà, vì sợ ít người tham gia ca hát, nên bản thân tôi đã chuẩn bị cho mình sẵn 4 bài hát Giáng sinh, dẫu rằng tôi đang viêm họng rất nặng. Nào ngờ cả chủ lẫn khách đều có máu văn nghệ, danh sách các bài hát thì còn dài mà thời gian thì có hạn. Thế là cổ họng tôi không phải làm việc nhiều như tôi đã nghĩ. Chỉ hơi tiếc một điều là, phần đông họ không biết hát nhạc Giáng Sinh, ai có bài ruột nào họ thoải mái đem ra hát: từ vọng cổ cho tới tân nhạc, từ nhạc đạo cho tới nhạc trữ tình. Cốt sao các bạn tôi cảm thấy vui là được.

HĐKT Chia sẻ Giáng Sinh: Những bước chân rộn rãSau 2 tiếng đồng hồ ca hát, ông già Noel xuất hiện, tai đeo ống nghe loại đặc biệt dành cho người khiếm thính, ông đi đến từng người phát quà cho họ trong tiếng nhạc của bài hát Jingle Bell… Khi ông già Noel đã phát quà xong, Hội người mù Bình Chánh mời chúng tôi một bữa cơm trưa, tuy thanh đạm nhưng đậm đà nghĩa tình. Rồi mọi người chia tay nhau trong nỗi niềm quyến luyến. Một số anh chị em khuyết tật Kitô Vua quay về Sài Gòn trên chiếc Daihasu. Còn lại sáu người, chúng tôi sử dụng Honda để tiện cho việc đi lại gọn nhẹ, tiếp tục cuộc thăm viếng.

Đúng 12giờ 15phút, tôi cùng với người bạn độc nhãn, ông già Noel khiếm thính, hai bạn trẻ ủng hộ viên và một tình nguyện viên, chúng tôi theo sau chiếc Honda dẫn đường đi về phía xa hơn, để còn thăm viếng 10 ngôi nhà, nơi có những người mù già cả ốm yếu. Đường đi càng lúc càng xấu, có những ổ voi ổ gà, khiến xe của chúng tôi cứ lồng lên như ngựa, bụi bay mù mịt. Có ngôi nhà ở sâu trong rẫy, từ đường lộ rẽ vào nhà đến 2, 3 cây số. Có những ngôi nhà ở cách xa nhau tới 10 cây số. Người dẫn đường rất nhiệt tình, tuy nhiên, chị và người đứng đầu của Hội người mù Bình Chánh tỏ vẻ lo ngại cho chúng tôi, họ khuyên chúng tôi quay về; song, tất cả chúng tôi dù mệt mỏi vẫn quyết tâm đi đến cùng. Có lúc, tài xế riêng của tôi, người bạn độc nhãn với thị lực chỉ còn chưa đến 1/10, đã thốt lên: “Đây mới thực sự là đi thăm viếng!” Và anh ta nói với tôi rằng: “Tôi đi với chị từ bấy đến nay đã hơn mười năm, chưa có chuyến đi nào xa xôi hiểm hóc bằng chuyến đi này!” Phải, lúc đó tôi bắt đầu buồn nôn, vì cái cột sống đã bị thoái hóa của tôi gặp nhiều chấn động khiến tôi cảm thấy đau thấu óc, đường xóc làm cho tôi ê ẩm cả mình mẩy. Tôi nhớ đến chuyện Mẹ Maria trong chuyến viếng thăm bà chị họ Isave, vất vả của tôi nào có thấm gì so với Mẹ? Nghĩ thế, tôi phó dâng mọi sự cho Chúa lo liệu…

Chúng tôi cùng nhau đi đến tận nhà, để được thăm viếng những người mù có hoàn cảnh neo đơn già yếu, những người này đã không thể tới tụ họp tại ngôi đình ban sáng với chúng tôi. Hoàn cảnh nào cũng đầy nỗi thương tâm. Khoảng 3 giờ chiều, mọi người đã thấm mệt, chúng tôi đến nhà một người đàn bà mù. Một cuộc đời đau khổ dẫn đến hận thù day dứt vì bị chồng phụ, ngay từ khi con gái của bà còn rất nhỏ. Niềm đau khổ vì bị phản bội, nỗi cơ cực kiếm sống nuôi con trong cảnh mù lòa đã khiến người phụ nữ này hận thù đến độ bỏ cả nhà thờ. Tôi cùng một số anh chị em khuyết tật đến thăm và tặng quà cho bà, bà vui lắm. Đời bà hết khổ vì chồng, lại khổ vì con. Đứa con gái của bà bởi số phận chẳng ra gì, đã lớn lên trong cảnh thiếu ăn thiếu học. Khi đến tuổi lấy chồng, nó chẳng lấy chồng. Nay cặp người này có một đứa con, mốt cặp người nọ thêm hai đứa con, nó vất cho người mẹ mù lòa nuôi, rồi lại cặp kè với người khác. Cứ thế nó đem về cho bà đến 5 đứa con không cha. Người phụ nữ mù lòa kia lại phải còng lưng ra nuôi cháu…

HĐKT Chia sẻ Giáng Sinh: Những bước chân rộn rãBiết chuyện, tôi nhân cơ hội bà đang vui vẻ liền khuyên bà đi nhà thờ. Bà lặng im không nói gì. Sau một lát tôi nghe tiếng bà sụt sùi như đang khóc, tôi hỏi: “Sao dì khóc?” Bà nói: “Dì hận ông chồng dì bỏ dì. Dì đã thề là chừng nào mẹ của dì trăm tuổi, dì mới lại đi nhà thờ, chứ đâu phải dì không muốn đi!” Tôi nhẹ nhàng nói: “Thôi dì đừng nghĩ đến chuyện cũ nữa, cho lòng mình thanh thản hơn, dì ạ!” Bà nói trong nước mắt rằng bà không thể nào quên được những gì ông ấy đã đối xử với bà. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi tôi như mở ra, tôi không khuyên bà đi nhà thờ, tôi nói: “Bất cứ lúc nào dì cảm thấy buồn khổ, hay đau đớn trong mình, thì dì cứ kêu tên Giêsu, dì nhé! Chúa sẽ luôn ở bên dì mỗi khi dì kêu tên Giêsu đó!” ” Bà vui vẻ trở lại và nói: “Dì không đi nhà thờ, nhưng có lúc dì cũng nhớ đến Chúa, dì kêu tên Chúa…!”

Tôi ra khỏi đó, trong lòng thầm cầu xin với Chúa, xin Chúa giúp biến đổi tâm hồn người phụ nữ này, để bà quên hết hận thù mà vui sống quãng đời còn lại. Người phụ nữ này chưa phải là cảnh khổ nhất trong số những cảnh đời cơ cực mà chúng tôi đã ghé thăm. Có những cảnh đời cơ cực mà một người bạn đồng hành với tôi đã phát biểu thế này: “Anh ta nằm đó, hoàn cảnh của anh ta còn không bằng con chó ở nhà tôi nữa, cô ạ! Con chó tôi nuôi nó, tôi tắm xà bông thơm cho sạch sẽ, nó ngồi uống cafe với tôi, nó còn sướng hơn anh ta”. Vâng, đó là hoàn cảnh của một người bị chấn thương sọ não, phải nằm liệt trên giường, nhưng không có người thân chăm sóc, ngoài một người hàng xóm mỗi bữa bưng cho chút ít thức ăn. Song, ai trong chúng tôi cũng có cảm giác người phụ nữ này có cái miệng nói nhiều hơn là có cái tâm, Bà mang thức ăn đến cho bệnh nhân, vì đã nhận được tiền của đứa cháu gái gọi anh ta bằng dượng, gởi gắm. Từ cửa ngõ vào nhà, chúng tôi đã ngửi thấy một mùi hôi thối nồng nặc xông ra. Quả thật, bệnh nhân nằm trong một cái phòng còn tệ hơn cái chuồng heo, phân và nước tiểu be bét trên giường, rác rưởi và những gì ở trên giường chảy xuống nền nhà… Thấy tôi cứ quyết tâm đến gần bệnh nhân, người ta kéo tôi lại không cho tôi vào phòng, bảo: “Chị đừng có vào trong đó, dơ lắm, anh ta còn biết gì nữa đâu mà thăm!”. Nhưng tôi nói với mọi người: Mình đã vượt bao nhiêu cây số đến đây, tại sao lại không vào thăm anh ta một chút! Thấy tôi quyết tâm như vậy, một bạn trẻ dắt tôi tới cửa phòng, hướng cho tôi nhìn về phía ánh mắt của bệnh nhân, bảo: Chị nói chuyện với anh ấy đi, anh ấy đang nhìn chị đó.

HĐKT Chia sẻ Giáng Sinh: Những bước chân rộn rãTôi nói với anh ta: Hôm nay anh chị em khuyết tật Kitô Vua đến thăm anh, mang sự bình an của Chúa đến với anh. Ông già Noel sẽ phát quà cho anh… Rồi họ lại kéo tôi ra ngoài, cô gái trẻ hiểu lòng tôi, cô tiến đến tận giường, đặt bao thơ tiền vào tay bệnh nhân. Khi trở ra, cô kể cho tôi nghe rằng: anh ấy cười với em chị ạ! Lòng tôi chùng xuống nặng trĩu buồn như chưa bao giờ buồn như thế, vì thương cho hoàn cảnh của anh. Người ta cứ nghĩ là anh chẳng biết gì, thế nhưng anh vẫn còn biết cười khi có chúng tôi đến thăm, có nghĩa là anh đang rất khao khát tình yêu đồng loại…

Thực ra, người chúng tôi định đến thăm là một ông già mù, liệt hai chân. Ông già mù đó là bố vợ của người bại liệt này, khi chúng tôi đến nơi, mới biết tin ông già mù đã nằm bệnh viện từ trước đó 3 tuần rồi. Tình huống này khiến chúng tôi bối rối, nhưng rồi chúng tôi đã quyết định tăng thêm phần quà cho ngôi nhà ấy. Bảo nhau cử người ngày mai sẽ đến bệnh viện trao quà cho ông cụ, đồng thời chúng tôi còn đưa tiền cho người hàng xóm, để bà này vui vẻ giúp đỡ bệnh nhân. Ngay lúc ấy, chị Loan, người dẫn đường cho chúng tôi đã nhanh nhẹn xách 2 thùng nước vào chà rửa sàn nhà cho bớt hôi thối. Chị cứ xuýt xoa tiếc rằng nhà chị ở quá xa, nếu không thì chị có thể sẽ hằng ngày đến đây chăm sóc cho con người khốn khổ này…

Chúng tôi trở về nhà, ai nấy đều mệt mỏi sau một ngày ra đi với những đoạn đường đầy ổ voi, vào tận những ngôi nhà ở sâu trong đồng ruộng, nhưng lòng thì ấm áp một niềm vui sâu xa. Vừa về tới nhà, tôi đã nhận được điện thoại của những người ở vùng đất chúng tôi đến viếng thăm, họ nói họ rất vui khi được cùng tôi đi thăm các gia đình neo đơn bệnh hoạn, họ có cảm giác như trong ngày Tết, đó là lời của người đi “sưu tầm người mù”. Tôi bật cười khi lần đầu tiên nghe được cụm từ “sưu tầm người mù”, đây có lẽ là ngôn từ riêng của chị Thuận. Chị Thuận, một tân tòng tôi quen biết ở hội người mù quận Tân Bình, sau bao năm tháng sưu tầm người mù, chị đã quy tụ được khoảng 40 người mù ở khu vực huyện Bình Chánh.

HĐKT Chia sẻ Giáng Sinh: Những bước chân rộn rãTôi thầm cảm phục sự kiên trì nhẫn nại của người phụ nữ này, chị là một người mù đảm đang chịu thương chịu khó. Rong ruổi trên con đường mưu sinh, người phụ nữ mù này đã lân la khắp ngõ ngách để sưu tầm người mù, tôi tin chị đã thấm nhuần Lời Chúa mới có đủ sức kiên trì như vậy. Thế mà, chị lại cứ ngưỡng mộ sự can đảm của tôi. tôi nói cho chị biết, tôi đã ra đi như một người ngôn sứ của Chúa, và mọi sự tôi đã phó thác cho Chúa, tất cả những gì chuẩn bị cho cuộc thăm viếng những người mù và bệnh nhân neo đơn ở Bình Chánh này là do sự sắp đặt của Chúa. Và Lòng thương xót của Chúa đã được thể hiện qua những tấm lòng hy sinh phục vụ của các bạn đồng hành. Tình yêu thương chia sẻ của mọi người khiến chúng tôi cảm thấy bừng ấm một niềm vui.

Niềm vui của tôi sau chuyến đi hôm qua tràn ngập trong lòng, không những bản thân tôi mà tất cả những ai có mặt trong chuyến đi này đều có những cảm xúc mạnh mẽ, bởi những gì họ đã mắt thấy tai nghe.

HĐKT Chia sẻ Giáng Sinh: Những bước chân rộn rãĐọc đoạn Tin Mừng hôm nay, tôi cảm thấy như Chúa đang chỉ ra cho tôi thấy những điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện nơi tôi. Tất cả những gì đã xảy ra trong những ngày gần đây, đối với tôi là sự sắp đặt kỳ diệu của Chúa, Người làm như thế là để chuẩn bị cho người ngôn sứ đức mọn tài hèn này của Chúa có thể ra đi thi hành sứ vụ của mình một cách tốt đẹp như ý Người muốn!

Lạy Chúa! Chuyến đi vừa rồi của con ai nghe qua cũng phải để tâm suy nghĩ, và con đã khẳng định với họ rằng con đã được Chúa dẫn đi một cách an toàn. Quả vậy, con không hề cảm thấy lo lắng gì cho bản thân khi mà biết bao chướng ngại đã được báo trước, bởi con tin mọi sự luôn có bàn tay Chúa quan phòng. Sự thăm viếng và những tặng phẩm các vị ân nhân nhờ con chuyển đến những người nghèo khổ bất hạnh, đã trở nên những thông điệp tình yêu của Chúa trong mùa Giáng sinh này. Giờ đây, con xin dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, vì Chúa đã gìn giữ và bảo vệ con cùng những người đồng hành với con trên suốt chặng đường. Xin Chúa hãy ở lại với những người mà con đã được Chúa dẫn đến viếng thăm ngày hôm qua, Chúa nhé!

23/12/2015

Vũ Thủy

 

Để lại một bình luận