Hãy can đảm lên đường loan báo tin mừng phục sinh

Hãy can đảm lên đường loan báo tin mừng phục sinh

Cv 2,14.22-33; Tv 15; 1 Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Kính thưa quý vị,

Hãy can đảm lên đường loan báo tin mừng phục sinhTrình tự thời gian trong các bài đọc hôm nay đòi hỏi chúng ta phải gạt lối suy nghĩ thông thường của mình sang một bên, như người ta thường nói: “Để gió cuốn đi.” Vì đây là Chúa Nhật thứ ba mùa Phục Sinh, nên chúng ta cho rằng các bài đọc hôm nay sẽ nối kết trực tiếp đến biến cố phục sinh. Ngay cả bài Tin Mừng cũng vậy, chứ không chỉ riêng các bài đọc trong sách Công vụ Tông đồ.

Quý vị hiểu được đoạn mở đầu trong bài đọc thứ nhất chứ? “Khi ấy, ông Phêrô đứng lên…” Ôi, đó là một sự thay đổi lớn nơi tông đồ Phêrô nếu so với hành động của ông vào đêm Đức Giêsu bị bắt. Trong khi Đức Giêsu đang bị xét xử trước Thượng Hội đồng, thì ở ngoài sân, ông Phêrô lại chối Thầy đến ba lần (Mt 26,57-75). Song, hôm nay chúng ta được nghe kể lại rằng: “Ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một, lớn tiếng nói với dân chúng rằng…” Có phải cũng là ông Phêrô hôm đó chăng? Người môn đệ nhát đảm hôm nào đã trở thành một nhà giảng thuyết dũng cảm. Ông kể cho đám đông đang tụ họp rằng họ đã giết “Đức Giêsu Nadarét, Đấng đã được Thiên Chúa sai đến.” Điều gì đã thâm nhập vào ông Phêrô, một ngư dân mỏng giòn? Ông và các môn đệ khác, những kẻ đã quả quyết theo Đức Giêsu đến cùng, nhưng tất cả lại bỏ chạy khi thời điểm thử thách xảy đến?

Đó là lý do chúng ta phải linh động về trình tự thời gian cho các bài đọc hôm nay. Ông Phêrô chưa rao giảng ngay sau biến cố phục sinh, nhưng khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông lập tức thi hành điều đó. Không phải là cái gì đã thâm nhập ông Phêrô, mà là một Đấng nào đó. Chính trong ngày Chúa Nhật lễ Hiện Xuống, ông Phêrô và những môn đệ khác đã được đầy tràn Thánh Thần và điều đó đã làm nên mọi sự khác biệt.

Thánh Luca thuật lại: kết quả sau bài giảng của ông Phêrô (bài đọc hôm nay chỉ là một phần) là “Hôm ấy, đã có thêm khoảng 3000 người theo đạo” (Cv 2,41). Thử tưởng tượng xem 3000 người nhờ phép rửa, mà lãnh nhận Thánh Thần chắc hẳn là thuộc nhiều thành phần xã hội, cũng như khác nhau về tuổi tác. Một số có thể là đang thực sự tìm kiếm sự hiệp thông sâu xa hơn đời sống với Thiên Chúa, đang khi một số khác chỉ tình cờ vì những nhu cầu tôn giáo. Trong số họ, có cả những người tội lỗi. Những kẻ bệnh hoạn, tật nguyền chắc chắn cũng có mặt ở đó; cả đàn ông lẫn đàn bà; nô lệ cũng như tự do; hạng phú gia hay kẻ cơ bần; dân thành Giêrusalem và khách ngoại kiều, những người vào thành để ăn mừng đại lễ (2,8-12).

Đó là những gì “đã xảy ra lúc đó”, còn hôm nay là Chúa Nhật thứ ba mùa Phục Sinh, chứ chưa phải là Chúa Nhật lễ Hiện Xuống. Tuy nhiên, thông điệp của thánh Phêrô vẫn lay động lương tâm và khơi dậy niềm khao khát của chúng ta. Hôm nay, thánh Phêrô nhắc nhớ chúng ta rằng chính Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy. Chúng ta cũng được ban cho cuộc sống mới và cuộc sống này khơi dậy nơi chúng ta một nhận thức về biến cố Ngũ Tuần đang kéo dài. Chúng ta ao ước nhận được ân huệ nào của Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần này? Đây là lúc để suy nghĩ về điều đó.

Liệu có điều gì sai trái khi chúng ta khao khát ngọn lửa của Chúa Thánh Thần thanh tẩy? Một cuộc chữa trị tinh thần hay thể xác? Ơn được can đảm chăng, như một ông Phêrô đầy Thần Khí, đã can đảm bày tỏ đức tin của mình? Một nghị lực mới mẻ cho việc cầu nguyện chăng? Trở nên một chứng nhân dũng cảm hơn cho gia đình và bè bạn có được không? Một ngọn lửa công lý được nhóm lên chăng? Lễ Ngũ Tuần là một đại lễ xa xưa và cũng là một đại lễ mới mẻ hôm nay! Lời chứng của ông Phêrô hôm nay nhắc nhớ chúng ta về những gì có thể thực hiện, khi Thần Khí ngự xuống trên các môn đệ đang mong mỏi đợi chờ. Chúng ta mong ước Thánh Thần sẽ thực hiện điều mới mẻ nào cho tinh thần đầy mệt mỏi và đóng chặt bởi các thói quen? Chúng ta có một tháng cầu nguyện xin ơn khôn ngoan để nhận ra nhu cầu của mình, và cầu xin Chúa Thánh Thần đến mang theo các ân sủng để thỏa lòng mong ngóng của chúng ta.

Quý vị có để ý xem có bao nhiêu câu chuyện Tin Mừng diễn ra trên những chặng đường, trong khi người ta đang đến hay rời khỏi nơi nào đó không? Câu chuyện trên đường Emmau phù hợp với những trình thuật di chuyển như thế. Một người là Clêôpát và người kia rất có thể là vợ ông ta (Ga 19,25), đã rời khỏi Giêrusalem, nơi những hy vọng về Đức Giêsu và về chính họ đã chết trên thập giá. Tin Mừng kể lại cho chúng ta rằng, họ đang trên đường đến Emmau, có lẽ họ đang quay về với lối sống trước kia. Tuy nhiên, quý vị có cảm nhận rằng nơi họ đang đến không quan trọng. Sắp đến bước đường cùng, hai môn đệ này sẽ cố quên đi những giấc mơ mà họ đã từng có với Đức Giêsu và sống nốt phần đời còn lại.

Hai môn đệ này đang trên đường đi, nhưng họ không biết mình đi về đâu, cho đến khi có một người lạ cùng đi với họ, lắng nghe nỗi đau buồn và sau đó khích lệ họ thực hiện một cuộc hành trình đầy kinh ngạc, đó là trở về Giêrusalem. Ở đó, hai môn đệ này sẽ kể lại hành trình của mình, kể về cách thức họ đã được gặp Đấng Phục Sinh trên đường đi.

Thánh Luca và các tác giả sách Tin Mừng khác đã khai mở cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang đi về phía chúng ta. Qua Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi lên đường. Từ lúc khởi đầu Tin Mừng, lời kêu gọi các môn đệ được hiểu như việc bỏ lại mọi thứ sau lưng và tiến lên phía trước để theo Đức Kitô. Đức Giêsu đã dẫn đường đến thành Giêrusalem và những kẻ khác đã theo Người. Sau biến cố phục sinh và biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ sẽ lại trở thành những nhà lữ hành, đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng Cứu độ. Đấng Phục Sinh lôi cuốn từng người chúng ta và ban ân sủng để chúng ta tiến lên phía trước. Cũng như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta được mời gọi để chia sẻ với người khác về một Thiên Chúa mà chúng ta đã khám phá ra trên chuyến lữ hành của mình.

Các môn đệ rời Giêrusalem kia không thuộc thành phần những người nổi trội, không thuộc nhóm nòng cốt của Đức Giêsu. Họ cũng giống như rất nhiều người trong chúng ta, những Kitô hữu tiến bước mỗi ngày, bận tâm với những nỗi thất vọng. Họ kể cho người lạ mặt đã nhập cuộc với họ về cái chết của Đức Giêsu và về những niềm hy vọng đã vụt tắt nơi họ. “Nhưng chúng tôi vẫn đang hy vọng…” Dù là họ đã được nghe những người phụ nữ báo rằng Đức Giêsu đã sống lại, nhưng họ vẫn không cảm thấy vui sướng. Đức Giêsu cần hướng dẫn và nhắc nhớ họ rằng, các ngôn sứ đã tiên báo cuộc khổ nạn của Đấng Mêsia.

Họ đến làng Emmau và đã mời Đức Giêsu ở lại cùng. Đang khi Người bẻ bánh và trao cho họ, thì “mắt họ được mở ra.” Những sự kiện trong Bữa Ăn Cuối Cùng đang được tái hiện. Sau khi giáp mặt với Đấng Phục Sinh, ông Clêôpát và người bạn đồng hành lại lên đường lần nữa, với một thông điệp vốn đã làm con tim họ bừng cháy. Những gì họ đã thấy như một lời kết thì giờ đây chính là sự khởi đầu, một khởi đầu mà chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện, đó là mang lại sự sống từ trong cái chết.

Khi người lạ mặt nhập đoàn cùng hai môn đệ trên đường đi và hỏi xem họ đang thảo luận về điều gì, thánh Luca kể lại cho chúng ta rằng: “Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.” Hành trình của hai con người ấy đã dừng lại, họ không còn biết nơi nào để đi và phải làm gì nữa. Nhưng Thiên Chúa đã nhập cuộc vào hoàn cảnh ấy, và khoảnh khắc ấy đã được thay đổi với những triển vọng. Có lẽ ngày nay chúng ta đang đặt câu hỏi rằng: “Phải làm gì tiếp đây? Đi đâu bây giờ?” Chúng ta dừng lại trên chuyến hành trình của mình. Ngày Chúa Nhật hôm nay, chúng ta thực hiện những gì mà các môn đệ đầu tiên đã làm, đó là chúng ta “quy tụ với nhau.” Chúng ta là một giáo hội và Đức Kitô Phục Sinh cùng Thánh Thần của Người hằng ở cùng chúng ta. Chúng ta gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh khi các bài đọc Kinh Thánh được công bố và quảng diễn cho chúng ta. Chúng ta gặp gỡ Đức Kitô trong cộng đoàn của mình, trong lời cầu nguyện và trong việc bẻ bánh. Như khi Đức Giêsu chủ tọa bữa ăn với hai môn đệ trên đường Emmau thế nào, thì Người vẫn chủ tọa nơi bàn tiệc của chúng ta ngày nay như vậy.

Và rồi chúng ta sẽ rời nơi tụ họp này để lên đường nói cho người khác biết về Đức Kitô Phục Sinh. Chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được Người như hai môn đệ trên đường Emmau, nơi những người lạ mặt mà chúng ta gặp gỡ trên hành trình đời mình, nhất là trong số những người đang phải chịu đau khổ và vụt tắt niềm hy vọng. Với họ, chúng ta sẽ nên như những dấu chỉ của niềm hy vọng vì chúng ta đã được gặp gỡ Đức Giêsu khi chúng ta lên đường, và được nuôi dưỡng bởi chính Người qua lời và các Bí tích.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời