Giấc Ngủ Của Đức mẹ Chúa Trời

Những bài Giáo huấn về Đức Maria
của Đ. Gioan Phaolô II

Giấc Ngủ Của Đức mẹ Chúa Trời

G. Phan Tấn Thành op

Kinh thánh không nói gì về sự kết liễu cuộc đời dương thế của Đức Maria. Truyền thống Hội thánh tin rằng Mẹ đã được Chúa đưa cả hồn xác về vinh quang thiên quốc. Đây là chủ đề của ba bài huấn giáo. Mời độc giả cùng với Đức Gioan Phaolo II tìm hiểu ý nghĩa cái chết của Mẹ Maria, một điểm đã được nhiều giáo phụ bàn đến.


Giấc Ngủ Của Đức mẹ Chúa Trời1.- Về việc kết liễu cuộc đời dương thế của Đức Maria, Công đồng Vaticanô II lấy lại những lời lẽ của sắc chiếu định nghĩa tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời như sau : “Đức Trinh Nữ Vô nhiễm được gìn giữ cho khỏi tội nguyên tổ, sau khi đã mãn cuộc đời dương thế, đã được đưa cả hồn lẫn xác về vinh quang thiên quốc”(HT  59).

Qua những lời đó, Hiến chế về Hội thánh, theo gót Đức Giáo Hoàng Piô XII, đã không muốn lên tiếng về vấn đề cái chết của Đức Maria. Thực ra Đức Piô XII không chủ ý phủ nhận cái chết, nhưng Người nghĩ rằng không nên tuyên bố cái chết của Đức Mẹ Chúa Trời như là một chân lý buộc hết mọi tín hữu phải chấp nhận.

Thực vậy, một vài nhà thần học đã chủ trương rằng Đức Maria được miễn khỏi phải chết và Người đã được đưa thẳng từ cuộc sống đời này về vinh quang trên trời. Tuy nhiên, ý kiến này chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ XVII,  trong khi mà đã có một lưu truyền lâu đời coi cái chết của Đức Maria như là sự dẫn đưa vào vinh quang trên trời.

2.- Có thể nào Đức Maria Nazaret lại phải trải qua thảm cảnh chết chóc nơi thân xác mình  hay không?

Khi suy nghĩ tới số phận của Đức Maria và mối tương quan với Chúa Con, xem ra có thể đưa ra câu trả lời khẳng định như sau: chính vì Đức Kitô đã chết, vì thế khó lòng chủ trương một điều trái ngược đối với Thân mẫu của Chúa.

Các giáo phụ đã lập luận theo đường hướng đó, và họ không mảy may nghi ngờ gì về điểm này. Chỉ cần trích dẫn thánh Giacôbê Sarug (+ năm 521), theo đó “ca đoàn mười hai Tông đồ”, khi Đức Maria đã đến “thời  đi vào con đường của hết mọi thế hệ”, nghĩa là con đường của sự chết, thì  đã tụ họp để an táng “thân xác trinh khiết của Đấng đáng chúc tụng” (Diễn từ về sự an táng Đức Thánh mẫu, 87-99).

Thánh Modestô Giêrusalem (+ năm 634) , sau khi đã dài dòng bàn về “giấc ngủ hạnh phúc của Đức Mẹ Chúa Trời”, đã kết luận “lời từ giã” qua việc tán dương sự can thiệp diệu kỳ của Chúa Kitô, Đấng đã cho Đức Maria “chỗi dậy từ ngôi mộ” để đưa Người về với mình trong vinh quang.

Thánh Gioan Đamascêno (+ năm 704) đã tự hỏi: “Tại làm sao  mà Đấng vào lúc sinh hạ đã vượt qua hết mọi giới hạn của thiên nhiên, giờ đây lại phải chịu khuất phục những luật lệ của thiên nhiên, và làm sao thân thể vô nhiễm của Người lại có thể khuất phục cái chết?”. Và ông đã trả lời : “Chắc hẳn là  cái phần hay chết cần phải được chôn táng để có thể mọc lên sự bất tử,  xét vì chính Chủ tể thiên nhiên cũng đã không muốn khước từ cảm nghiệm cái chết. Thực vậy,  Người đã chết theo xác thể và bằng cái chết Người đã hủy diệt cái chết, Người đã mang lại sự bất diệt cho sự hủy hoại, và Ngài đã biến cái chết thành nguồn của sự sống lại” (Diễn từ về Lễ an giấc của Đức Mẹ Chúa Trời, 10).

3.- Đành rằng, dựa theo mặc khải, cái chết được trình bày như là án phạt của tội lỗi. Tuy vậy, sự kiện Hội thánh tuyên bố Đức Maria được giải thoát khỏi tội nguyên tổ do một đặc ân của Chúa, không đưa đến một kết luận rằng Đức Maria cũng đã lãnh nhận đặc ân bất tử về thân xác. Bà Mẹ không thể hơn Con mình được, Đấng đã lãnh nhận cái chết, để ban cho nó một ý nghĩa mới và  biến đổi nó thành một dụng cụ của sự cứu rỗi.

Được lôi cuốn vào công trình cứu chuộc và được kết hợp với hy lễ cứu độ của Đức Kitô, Mẹ Maria đã được chia sẻ sự đau khổ và cái chết ngõ hầu cho nhân loại được cứu rỗi. Đối với Mẹ, có thể áp dụng những gì mà ông Sêvêrô Antiôkia khẳng định về Đức Kitô: “Nếu không có một cái chết đi trước thì làm sao có sự sống lại được?” (Antijulianistica, Beirut 1931, 194). Để có thể thông dự vào sự sống lại của Đức Kitô,  tiên vàn Đức Maria cũng phải chia sẻ cái chết của Chúa nữa.

4.- Tân ước không cung cấp cho chúng ta một tin tức nào về những hoàn cảnh của cái chết của Đức Maria.  Sự thinh lặng này đưa đến giả thiết rằng sự chết đã diễn ra một cách thường tình, không có gì đáng nói. Nếu không, thì thử hỏi làm sao nó có thể giấu kín đối với người đương thời và không được truyền lại cách nào đó cho chúng ta?

Bàn về những nguyên nhân đưa tới cái chết của Đức Maria, những ý kiến muốn loại trừ những nguyên nhân tự nhiên thì xem ra không có cơ sở. Điều quan trọng hơn là đi tìm hiểu thái độ thiêng liêng của Đức Trinh nữ lúc Người sắp ra đi khỏi đời này. Về điểm này, thánh Phanxicô de Sales cho rằng cái chết của Đức Maria đã xảy đến như là hậu quả của một cuộc thăng tiến về tình yêu. Ông ta nói đến một cái chết “trong tình yêu, do tình yêu gây ra và vì tình yêu”. Vì thế ông đã kết luận rằng Đức Mẹ Chúa Trời đã chết vì yêu mến quý tử Giêsu của mình (Traité  de l’Amour de Dieu, lib. 7, c. XIII-XIV).

Cho dù cuộc đời của Đức Maria đã chấm dứt  do một sự kiện hữu cơ hay sinh lý nào  đi nữa, chúng ta vẫn có thể nói rằng việc chuyển bước từ cuộc đời này đến cuộc đời bên kia đối với Đức Maria là một sự trưởng thành của ơn thánh tiến tới vinh quang; vì thế cái chết của Người có thể được quan niệm  như là một “giấc ngủ”. (1)

5.- Nơi một vài giáo phụ, chúng ta thấy mô tả cảnh Chúa Giêsu  đến để đem mẹ mình về vinh quang thiên quốc vào chính lúc chết.

Như vậy, họ đã trình bày cái chết của Đức Maria như là một biến cố tình yêu dẫn Người tới gặp gỡ Con yêu dấu  của mình để chia sẻ cuộc sống bất tử. Vào cuối cuộc đời dương thế, Đức Maria đã nếm thử, cũng như  thánh Phaolô và còn hơn thánh Phaolô, ước ao được rời bỏ thân xác này để có thể ở với Chúa Kitô luôn mãi (Pl 1,23).

Cảm nghiệm về sự chết đã làm cho bản thân Đức Maria được thêm phong phú: bởi vì đã nếm số phận chung của hết mọi người, Đức Maria có khả năng thực hiện một cách hữu hiệu hơn chức vụ làm mẹ tinh thần của mình  đối với những người đi tới giây phút chót của cuộc đời.

——–

(1) “Dormitio”: giấc ngủ, an nghỉ. Đây cũng là tên đặt cho lễ phụng vụ kính ngày tạ thế của Mẹ Maria bên các Hội thánh Đông phương.


Trả lời