Dòng Đa Minh nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai

(Năm Thánh là dịp để Anh em Đa Minh hướng tới tương lai bằng cách nhìn lại quá khứ)

Dòng Đa Minh nhìn lại quá khứ để hướng tới tương laiKỷ niệm 800 năm thành lập là dịp để Dòng “tìm lại nguồn cội của mình”, không để vênh vang nhưng để mừng lễ trong sự “khiêm tốn và trong sự thật”, linh mục Bruno Cadoré, tổng quyền Dòng Đa Minh đã nói như thế. Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho trang tin Register tại Rôma, vị tổng quyền thứ 87 của Dòng Anh Em Giảng Thuyết đã nói đến hiện trạng của Dòng, đến những thách đố hôm nay và các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh.

Nắm giữ cương vị tổng quyền kể từ tổng công hội của Dòng được tổ chức tại Rôma năm 2010, linh mục Cadoré sinh tại Le Creusot (Pháp) năm 1954, làm bác sỹ y khoa trước khi vào tập viện Dòng năm 1979. Do chức vụ, cha cũng đương nhiên được xem là hiệu trưởng của Đại học giáo hoàng thánh Tôma (Agelicum), ngài có bằng tiến sỹ về thần học luân lý, và là một chuyên viên luân lý sinh học.

Dịp kỷ niệm này có ý nghĩa như thế nào với Dòng Đa Minh?

Năm Thánh, trước nhất, đó là dịp để tri ân Thiên Chúa về quãng đường 800 năm vừa qua, về những gì mà Người đã tin tưởng trao cho chúng tôi, và vì đã có rất nhiều anh em chị em đã tận hiến đời mình trong những năm tháng vừa qua đó.

Năm Thánh luôn là dịp can hệ vì hai lý do: thứ nhất, để trở lại nguồn cội, gốc gác, lịch sử của chúng tôi và để nhận ra nơi đó, ân sủng của Thiên Chúa, và cũng để nhận ra bàn tay của Chúa đã can thiệp, nâng đỡ như thế nào để chúng tôi thực hiện được những thành tựu tốt đẹp nhất trong di sản của mình. Tốt nhất là cần thực tế và khiêm tốn, vì lẽ, trong 8 thế kỷ, chắc chắn anh có đủ thời gian để làm được một số điều rất tốt đẹp, và cả những điều dở dang, thất bại nữa. Cứ vậy mà xét, thì nhìn lại lịch sử, đó cũng là cơ hội tốt để kiện cường lại chính bản thân chúng tôi, để hướng tới tương lai, để nhìn vào trong thế giới này, và nhờ kinh nhiệm, biết được người ta có thể làm gì để phụng sự thế giới và Giáo Hội trong hiện tại.

Chúng tôi rất thích thú hình tượng con chim thần sankofa trong văn hóa Phi Châu, cái cổ, cái đầu nó đưa về phía sau, nhìn xem nơi nó sinh ra, và hướng nhìn về nơi nó sẽ đi đến trong tương lai. Cũng thế, với Dòng, đây là dịp thuận tiện để thực hiện những công việc như vậy, một thời gian thuận tiện để khiêm tốn, để nhìn thẳng vào, để chiêm ngưỡng sự thật – chúng tôi đã làm gì, và tại sao chúng tôi đã làm như vậy, và chúng tôi đã thực hiện điều đó với ai? Làm sao chúng tôi có thể hiểu được sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó cho chúng tôi?

Thưa cha, vậy có phải năm nay tập trung vào các truyền thống và gia sản nhằm hướng tới tương lai?

Đúng thế, làm thế nào để anh chị em của chúng tôi, các linh mục, tu sỹ, anh chị em giáo dân, có thể rao truyền Tin Mừng, có thể làm cho Phúc Âm trở nên Tin Mừng. Đó chính là, đó mới là sứ mệnh của chúng tôi: nếu có ra đi để rao truyền cho thế giới này, thì cũng là để tương tác, chuyện trò với thế giới, và trong cuộc tương tác, trò chuyện ấy, cố gắng để loan báo, để Phúc Âm được biết đến như là một tin mừng, tin vui.

Trước đây, cha có nói, Năm Thánh 800 năm này là năm thánh của Tân Phúc Âm Hóa.

Đúng như thế, bởi vì Phúc Âm Hóa thì luôn luôn mới mẻ, hiểu theo nghĩa, thế giới luôn luôn chuyển động, việc tìm kiếm chân lý luôn năng động, và thời gian thay đổi mối quan hệ, mối tương tác giữa con người ta với nhau, và giữa các nền văn hóa cũng như tôn giáo. Còn tôi, tôi luôn phải ngỡ ngàng vì luôn luôn thấy có nhiều điều mới mẻ trong thế giới này, và chính Chúa là Đấng luôn làm cho nó trở nên một thế giới mới mẻ hơn. Bởi vậy, rao truyền Tin Mừng luôn cần phải có một lối nhìn mới về thế giới – nhờ đó, để làm sao, chúng ta có thể biết ngạc nhiên bởi hồng ân tốt lành là chính sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này.

Hiện trạng của Dòng ra sao, chẳng hạn về mảng ơn gọi? Ơn gọi ở đâu nhiều nhất, thưa cha?

Chúng tôi có 6.000 anh em, bên cạnh đó là các chị đan sỹ – con số các chị trên dưới 3.000. Tính tới các thành viên khác trong gia đình Đa Minh, chúng tôi có các chị nữ tu, với con số gần 25.000. Anh chị em huynh đoàn Đa Minh, khoảng trên dưới 120.000, bao gồm giáo dân, các thành viên tu hội đời, các phòng trào trẻ. Cũng có huynh đoàn dành cho các linh mục, giáo sỹ nữa. Đấy là những con số, nhưng trong Kinh thánh có viết: không quan trọng lắm việc đông số.

Trong 6.000 anh em, 1.000 anh em đang trong giai đoạn đào tạo sơ khởi, đó là một tín hiệu khả quan. Các anh em mới còn khá trẻ, dưới 30 tuổi, họ gia nhập vào các tỉnh dòng thuộc Thế Giới Cũ (Á Phi và Châu Âu). Chúng tôi có ơn gọi mới tại Châu Á, Ấn Độ, Pakistan, Philiplin, Myanmar, Trung Hoa, nhưng chúng tôi cũng có anh em mới tại Mỹ, Châu Phi, Châu Âu. Do đó, tính tới hiện thời, chúng tôi may mắn vì vẫn đón nhận được nhiều anh em mới từ khắp mọi vùng miền trên khắp thế giới, vùng ít vùng nhiều, số lượng không giống nhau, nhưng, năng động lực, hướng phát triển thì thấy ở mọi nơi.

Dòng hiện diện tại chừng 100 quốc gia, và chúng tôi có 40-45 tỉnh dòng và thực thể tương đương. Bạn biết đấy, trong Dòng, yếu tố căn cốt của đời sống là tính cộng đoàn, một số cộng đoàn trong cùng một quốc gia, hay vùng lãnh thổ, sẽ hợp thành một tỉnh dòng, và các tỉnh dòng sẽ gắn kết lại để tạo thành Dòng.

Người ta nói nhiều đến cuộc khủng hoảng ơn gọi ở Tây Phương. Phải chăng anh em Đa Minh không bị ảnh hưởng nhiều?

Nếu chúng ta hiểu cụm từ “khủng hoảng” như là tiếng kêu gọi để nhận thức và dấn bước, thì việc đón nhận ơn gọi mới luôn là một khủng hoảng. Nó đồng nghĩa với việc được mời gọi để nhận ra, hiểu ra một cái gì đó. Chúng ta phải nhận ra điều gì vậy? Đụng tới vấn đề ơn gọi, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận sứ điệp từ Chúa.

Mối bận tâm của tôi luôn là làm sao để có thể hiểu được các người anh em của tôi: Anh ấy muốn nói với chúng tôi điều gì, khi anh ấy tỏ rõ sự tin tưởng của mình trong việc sai các anh em mới đi giảng ở này chỗ khác? Các người anh em đang mang đến cho Dòng điều gì? Các anh em ấy mang đến cho Dòng dạng, kiểu văn hóa nào? Đâu là những kỹ năng xã hội, những kỹ năng chuyên môn, hay kinh nghiệm nào họ có về Giáo Hội khi đến với Dòng, đem đến cho Dòng?

Cha có thể nói gì về đóng góp quan trọng nhất của Dòng Anh Em Giảng Thuyết trong 8 thế kỷ qua?

Ước chi tôi có thể giúp mọi người nhận ra rằng, Thiên Chúa muốn hạ mình trò chuyện thủ thỉ thân tình, và muốn làm bạn với họ, ước chi tôi có thể làm được điều đó bằng nhiều cách thế khác nhau – bằng tình huynh đệ, bằng sự hiện diện, thăm viếng mục vụ, bằng việc nghiên cứu thần học – cố gắng để cho thấy rằng, nhân loại có thể hiểu được một số điều trong cuộc trò chuyện với Thiên Chúa này, qua các nỗ lực, qua việc làm cho các quyền con người được ý thức, được ủng hộ và cổ võ.

Tôi mong là Dòng có thể mở rộng thứ giảng thuyết này ra, cho tất cả các anh em, chị em, các linh mục, các giáo dân cả nam lẫn nữ, để họ có thể tham dự vào, để cùng nỗ lực tạo ra một gia đình, để làm chứng cho tình bằng hữu, cho ước mong cháy bỏng muốn trở nên bằng hữu, và trở nên thân thiết với con người của Thiên Chúa. Đấy là điều tôi hy vọng là việc giảng thuyết Đa Minh sẽ mang lại.

Dĩ nhiên, giảng thuyết chính là căn cốt, là quan trọng với Dòng – thế nhưng đâu là đóng góp quan trọng nhất của Dòng, xét ở khía cạnh này, thưa cha?

Giảng thuyết quan trọng, hiểu theo nghĩa này: đón nhận lời Chúa; nỗ lực sống với những lời này; cố gắng hiểu, chia sẻ nó bằng nhiều cách thế khác nhau.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể nói về giảng thuyết trong khi cử hành thánh lễ, qua bài giảng, đó chính là một dạng giảng thuyết, một kiểu giảng thuyết, nhưng cũng có loại giảng thuyết được thực hành khi bạn giảng dạy, hoặc đơn giản khi bạn thinh lặng, hay khi bạn sống cùng người nghèo với những người bị lãng quên, bị bỏ rơi.

Dòng đã bước vào một thời đại, khi dân của Thiên Chúa không chỉ còn được kỳ vọng để ở lại đàng sau những bức tường tu viện, nhưng cần phải ra đi, phải có một tinh thần tông đồ rõ ràng hơn. Người ta có thể nói được rằng, điều ấy tương hợp với lời mời gọi mà đức Phanxicô đã đưa ra, lời mời gọi ra đi đến các vùng ngoại biên, đi đến với những ai cùng khổ nhất. Vậy, nếu xét đến các vấn đề muôn vẻ trong xã hội hiện nay, cha có cho rằng: thời đại này chính là một cơ hội để Dòng tái sinh?

Tôi rất thích thú về cách đức Phanxicô nói về giảng thuyết, về Phúc Âm hóa, và thực ra không khác mấy so với những gì mà chúng ta đang đề cập đến. Ngài nói đi nói lại về điều ấy và mời gọi tất cả các thành phần trong Giáo Hội cùng thi hành, và chính ngài cũng đang bắt tay vào làm. Khi chúng ta nhìn vào ngài, chúng ta thấy một con người nỗ lực thi hành điều mình nói, chúng ta nhận thấy một con người tin tưởng, một con người có xác tín. Do đó, hiểu theo nghĩa này, thì rõ là có điều gì đó mới mẻ, ít nhất nếu dựa vào những tin tức truyền thông xunh quan Giáo Hội.

Đồng thời, chúng ta có thể nói được rằng, đức Phanxicô đang nói với chúng ta những điều mà chính Đức Giêsu đã nói với chúng ta ngày từ lúc đầu: “Chúng ta hãy đi; vì Thầy còn phải đến với các thành và làng mạc khác nữa”. Tôi nói như thế là vì, mẫu thức cho Dòng rõ ràng là thế này: cộng đoàn đầu tiên của Dòng là cộng đoàn loan báo, giảng thuyết về Đức Giêsu. Đối với thánh Đa Minh, Đức Giêsu là Đấng được sai đi để giảng thuyết; và khi Ngài thi hành điều ấy, ngài mời gọi một số người cùng thi hành với Ngài; ngài đi qua nhiều làng mạc, nhiều thành cốt chỉ để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Thánh Đa Minh rốt cuộc cũng chỉ thi hành chính điều ấy: ngài quy tụ một cộng đoàn quanh ngài, rồi sai cộng đoàn này đi đây đó, có khi có ngài đích thân đi cùng họ, để loan báo cho mọi người được biết điều này: Nước Thiên Chúa đã đến qua Đấng là Tin Mừng.

Do đó, không nên nói “tái sinh”, nhưng đúng hơn, là một lời mời gọi để Dòng được là “chính mình” hơn.

Tức là lời mời gọi trở về nguồn, thưa cha?

Đúng thế, và Năm Thánh đúng là để làm việc ấy đấy. Và để làm được việc ấy, chúng tôi đặt ra cho chính mình, và cho cả các anh em khác câu hỏi này: Đâu là các “thành khác” mà chúng ta phải đi tới, đâu là “những con người khác” mà chúng ta phải bắt chuyện cùng họ?

Điều này thật quan trọng, vì việc tái sinh, việc kiện cường tùy thuộc vào điều ấy. Khi bạn nhìn vào các trào lưu, cách sống mới mẻ hiện nay, điều bạn có thể mường tượng là, để nói chuyện, tiếp cận được với người ta, chúng ta phải thay đổi cách nói, cách dạy, cách sống và hiện diện của chúng ta.

Lối sống công kỹ nghệ hiện đại đã thay đổi cách thức sống của tất cả chúng ta. Bạn vẫn hay giữ lại cho mình những cách suy nếp nghĩ không có gì là mới mẻ, có những cách tương tác cũ kỹ, tôi cũng thế. Vậy, chúng ta sẽ phải trình bày Tin Mừng cách nào đây? Chúng ta sẽ phải nói như thế nào về Đấng đã đến cùng, đã tiếp cận chúng ta cách vô điều kiện?

Đấng ấy muốn trở nên một bằng hữu với bạn mà chẳng cần điều kiện gì, ngay cả khi bạn có không đón nhận Người đi nữa. Đấng ấy chỉ xin bạn một điều là lòng hiếu khách. Do vậy, chúng ta phải tìm ra cách thế để có thể chia sẻ cho người khác thông điệp này, trong thời đại tục hóa hiện nay, việc ấy quả không dễ dàng chút nào. Nhưng một trật, chúng ta phải thi hành điều ấy, vào chính thời khắc lịch sử nhân loại chứng kiến sự nở rộ tôn giáo, nhiều người kiếm tìm tôn giáo, kiếm tìm tâm linh. Nhu cầu tâm linh là điều có thực, cấp bách, ngay cả khi những người cùng thời với chúng ta bảo rằng: “Tôi chẳng phải là người có đức tin, nhưng tôi đang tìm kiếm tâm linh”.

Bởi thế, chúng ta cần tự vấn: Chúng ta sẽ nỗ lực ra sao để góp phần mình vào cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn khởi sự với tất cả mọi người?

Đâu là những sự kiện dự trù cho dịp kỷ niệm này?

Không có nhiều sự kiện, vì hai lý do: Như đã nói, chúng tôi muốn Năm Thánh là dịp để chúng tôi sống cũng như kiểm thảo lại đời sống của chính chúng tôi theo hướng khiêm tốn và tôn trọng sự thật. Chúng tôi muốn điều này: không phải là để vênh vang Dòng. Tôi quý mến Dòng, và Dòng đúng là tuyệt vời, nhưng đó không phải là đích điểm. Và đấy là lý do trước tiên: khiêm tốn và sự thật.

Lý do thứ hai là, trong Dòng, chúng tôi ưa áp dụng nguyên tắc phụ trợ, do đó, mỗi tỉnh dòng, tùy theo văn hóa, lịch sử, nhân lực, vật lực mà có cách tổ chức khác nhau.

Trong toàn Dòng, chúng tôi đã khai mạc Năm Thánh hồi đầu Tháng Mười Một, vào ngày lễ kính các thánh Dòng, điều ấy thật can hệ, vì khi giáo hoàng châu phê Dòng, ngài trao phó cho Dòng sứ vụ giảng thuyết như là phương thế thánh hóa chính các anh em. Do vậy chúng tôi phải học cách giảng thuyết từ những đấng bậc đã làm thánh. Và chúng tôi khởi sự việc ấy bằng cách đưa lên trang web của chúng tôi mỗi ngày một đoạn suy niệm dạng lectio divina, để ít nhất tất cả cách thành viên trong Dòng cũng như các bằng hữu của họ, có thể tiếp cận được. Như thế mỗi ngày, thành viên của Dòng, hay tất cả mọi người, đều có thể dành ra một chút thời gian để trở lại cùng với Lời Chúa. Với tôi, sự kiện này quả thật hết sức ý nghĩa: Hãy cầm lấy cuốn Kinh Thánh, đọc, suy niệm, cầu nguyện. Như thế là đủ.

Chúng tôi cũng tổ chức ba cuộc hội thảo chính: Cuộc hội thảo đầu tiên được tổ chức vào Tháng Hai, về Lời Chúa và việc giảng thuyết nhân dịp kỷ niệm Hiến chế Dei Verbum. Một cuộc hội thảo khác vào Tháng Chín tại Salamanca (Tây Ban Nha) để tưởng nhớ tới “Tiến trình Salamanca”, khi các anh em đầu tiên và thánh Đa Minh bằng công khó của mình đã đặt nền, khai sinh ra cái gọi là các quyền con người. Do vậy chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện điều này: cố gắng cộng tác cùng các anh chị em để hiện thực hóa diễn trình tốt đẹp này trong chính thời đại hôm nay.

Và sau nữa, bế mạc Năm Thánh, chúng tôi hy vọng nếu có thể được, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ trọng thể cùng với chúng tôi. Cũng dịp bế mạc, chúng tôi sẽ có một cuộc hội thảo để xem xét về sứ vụ của Dòng trong tương lai. Hiện giờ, chúng tôi đang thực hiện việc chuẩn bị. Có một số vấn đề có liên quan đến việc giảng thuyết của chúng tôi, chẳng hạn một số nhóm đang nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến các giáo xứ, đến người bản xứ, các phương tiện truyền thông mới, và về cách thức để chúng tôi loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu hơn.

Đâu là những thách đố mà cha nhận thấy trong tương lai?

Xin đừng quên là chúng ta đang theo gương của Đức Giêsu, vị giảng thuyết đầu tiên. Điều ấy có nghĩa là, không lúc nào được quên là luôn có “những thành mới”, “những văn hóa mới” để chúng ta đi tới, để chúng ta dấn bước, dân thân. Cũng không được quên là, luôn có những người không có tiếng nói trong thế giới hiện tại; và cũng không được quên là, khi chúng ta chuyên tâm lo những việc thánh thiêng, chúng ta bị cám dỗ đóng mình lại, coi mình như thể là cái rốn của vũ trụ. Bạn biết đấy, trung tâm điểm của vũ hoàn này là Một Đấng Khác.

Edward Pentin (phóng viên thường trú tại Rôma, hãng tin Register)
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.ncregister.com

(theo daminhvn.net)

Trả lời