Cn V PS : Những viên đá sống động xây nên ngôi nhà Thiên Chúa

Chúa nhật V Phục Sinh A

Chúng ta là những viên đá sống động
xây nên ngôi nhà Thiên Chúa


Cn V PS : Những viên đá sống động xây nên ngôi nhà Thiên ChúaThưa quý vị,

Bài đọc trích sách Công vụ Tông đồ hôm nay diễn tả những ngày đầu của Giáo hội. Cộng đoàn ngày càng phát triển và khi số thành viên trong cộng đoàn tăng nhanh thì những căng thẳng cũng xảy ra. Hôm nay, chúng ta nghe lời kêu trách từ các tín hữu Do Thái theo văn hóa Hy Lạp (những Kitô hữu nói tiếng Hy Lạp) rằng các bà góa trong nhóm họ không được “những tín hữu Do Thái” (gốc) chăm sóc. Đôi khi, những bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa dường như có thể gây ra những căng thẳng, thậm chí là sự phân biệt đối xử ngay trong những cộng đoàn Giáo hội.

Tình hình căng thẳng giữa hai nhóm này có khả năng làm chia rẽ Giáo hội tiên khởi, vì thế những người lãnh đạo cộng đoàn mau mắn để tâm đến vấn đề này. Ông Têphanô và các bạn của ông được chọn để “lo việc ăn uống”, nghĩa là nuôi những người đói khát. Các Tông đồ sẽ chuyên lo việc “cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa”. Bởi vì đây là Công vụ Tông đồ, mà có người đề nghị gọi là “Công vụ của Thánh Thần”, nên tiêu chuẩn chọn lựa ông Têphanô chính là ông được “đầy Thần Khí và khôn ngoan”. Những môn đệ đầu tiên “được đầy Thần Khí” sẵn sàng hoạt động cùng nhau.

Ngày nay, liệu có những khác biệt như thế trong các giáo xứ của chúng và trong Giáo hội phổ quát ta hay không? Những nhóm nhỏ hơn có cảm thấy họ thấp cổ bé miệng hay không? Những người mới đến có được tiếp đón? Có những cuộc tranh giành quyền lực giữa “thế hệ cũ” và các giáo dân mới? Chúng ta bị chia rẽ không? Ở một vài nơi, chúng ta và những căng thẳng này đã chia rẽ cộng đoàn và thuyết phục người ta đi đến một chốn khác. Mỗi chúng ta, ban mục vụ giáo xứ và giáo dân, hãy tin tưởng vào những hành động mang tính cầu nguyện, ân cần, trắc ẩn và kiên quyết của các tín hữu tiền nhân như là mẫu gương để chúng ta làm thành Giáo hội của Đức Giêsu Kitô .

Có một điều ngạc nhiên đối với Giáo hội tiên khởi là họ đã cảm nghiệm được sự phát triển và lòng nhiệt thành mà họ đã thi hành. Bản văn Kinh Thánh hôm nay được lấy từ Những lời từ biệt của Đức Giêsu với các môn đệ vào đêm trước khi Người chịu chết. Lúc đó, các môn đệ nghe tin về việc sắp ra đi của Người. Họ biết làm gì …và làm như thế nào… nếu không có Người? Ngày hôm sau, những giấc mơ của họ bị rạn vỡ và rồi sụp đổ. Giáo hội được khai sinh từ sự đau khổ và mất mát của Đức Giêsu. Sự sống mới sẽ đến với các môn đệ đang tuyệt vọng và bị phân tán, không phải vì các ông có thể giành lại hay tự kéo mình đến với nhau, nhưng chính nhờ hơi thở của Thần Khí mà Đức Kitô Phục đã thổi vào các ông. Thế rồi các ông thực hiện “những điều vĩ đại” mà Đức Giêsu đã hứa tại bữa ăn sau cùng với các ông.

Tôi di chuyển rất nhiều. Với những sự thay đổi thất thường của ngành du lịch hiện đại, tôi dự định chuẩn thật bị kỹ cho chuyến đi: Tôi muốn luôn sẵn sàng cho những bất ngờ có thể xảy đến bất cứ lúc nào! Nếu đang đi máy bay, tôi kiểm tra tỉ mỉ cách thức để đến sân bay, số và địa điểm của ga đi. Tôi in vé của mình ra trước và lên trang web kiểm tra vị trí chỗ ngồi. Nếu đó là một chuyến đi dài thì tôi gói theo ít thức ăn và bánh kẹo. Tôi đảm bảo là phải có cái để đọc. Tôi từng là một thành viên trong nhóm hướng đạo sinh và vẫn còn ghi nhớ khẩu hiệu của nhóm là: “Hãy sẵn sàng”.

Vì thế, hôm nay tôi có thể thông cảm với thánh Tôma. Chúng ta cũng thế. Đức Giêsu chuẩn bị cho những môn đệ đang quy tụ quanh bàn ăn với Người vì Người sắp bước vào cuộc khổ nạn và cái chết. Người sẽ rời khỏi các ông, nhưng Người hứa sẽ trở lại và dẫn các ông về với Người. Người nói với các ông: “Thầy đi đâu, thì anh em  biết đường rồi”. Thánh Tôma là một du khách rất thực tế. Nếu ông đi đến một nơi nào đó thì ông muốn biết rõ nơi ông đi và làm thế nào để đến được đó. (Tôi cũng xin được hỏi rằng: “Ngày nào Thầy sẽ trở lại và khi nào thì tất cả chúng con đi cùng Thầy?”).

Câu trả lời của Đức Giêsu không đề cập đến bản đồ, địa điểm cố định và thời gian cụ thể (chẳng hạn “Tôi sẽ trở lại vào thứ Ba, lúc 3 giờ chiều). Thay vì vậy, khi chúng ta nghe toàn bộ Tin Mừng của thánh Gioan, Đức Giêsu dùng lối diễn tả khác về mình “Thầy là”: “Chính Thầy là con đường …”. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đến với Người và phó thác cuộc đời họ trong tay Người. Chúng ta thi hành điều đó qua việc sống trong mối tương quan với Người, lắng nghe lời Người dạy bảo và đi theo đường lối của Người. Đó là cách chúng ta sẽ tiến tới cuộc sống mà Người hứa ban cho những ai bước đi cùng Người “trên con đường” Người đã đi. Đức Giêsu nói rõ rằng Người là con đường dẫn đến Thiên Chúa và nếu chúng ta theo Người (con đường), thì chúng ta sẽ có “sự thật” – vì Người chính là mạc khải của Thiên Chúa cho chúng ta. Chúng ta sẽ có “sự sống” – vì Đức Giêsu đã kéo chúng ta ra khỏi cái chết của tội lỗi để bước vào đời sống mới.

Những độc giả Kinh Thánh cũng đã quen với hình ảnh Đức Giêsu sử dụng để diễn tả về mình – “con đường”. Trong Cựu Ước, “con đường” có nghĩa là hợp với lề luật, những điều mang lại sự thật và sự sống cho ai biết tuân theo. Thiên Chúa hứa trong sách Isaia (40,3): Hãy dọn một con đường băng qua sa mạc để đưa những người sống xa quê hương trở về. Thánh Vịnh đầu tiên đề cập đến “con đường” để khích lệ niềm hy vọng của chúng ta khi chúng ta phó dâng đời mình vào tay Thiên Chúa, “Chúa hằng che chở nẻo đường công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” (Tv 1,6).

Hai con đường được vạch ra trước mắt chúng ta: nẻo đường người công chính và đường lối ác nhân. Khi Đức Giêsu nói lời từ biệt các môn đệ thì Người khích lệ các ông đi theo Người, như nẻo đường công chính –đường dẫn tới Thiên Chúa. Người không chỉ nhận mình như một kiểu mẫu mà các ông phải theo để đạt được sự sống. Hơn thế nữa, Người hứa khi trở lại, Người sẽ ở với các ông. Đức tin là con đường dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu. Khi tin vào Người, chúng ta có được đời sống mới, một đời sống giúp ta bắt chước sống theo Người. “…Ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha”.

Tôi cho rằng Đức Giêsu chắc chắn đã chọn những môn đệ có nhiều năng lực và hiệu quả hơn để làm “những việc lớn hơn nữa” mà Người hứa chúng ta sẽ làm được. Hiện giờ, chúng ta, những Kitô hữu thời đại xem như còn nhiều giới hạn, sợ hãi, tội lỗi, cau có và thiển cận. Bài đọc 1 hôm nay cho thấy rằng ngay cả trong “Giáo hội sơ khai được cho là lý tưởng” thì cũng có những căng thẳng và tất cả mọi thành viên trong Giáo hội đều là những con người đầy khiếm khuyết. Nhưng khi cùng làm việc với nhau như một cộng đoàn, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, họ có thể giải quyết những vấn đề có thể nảy sinh –  điều xem như chẳng khi nào là dễ dàng hoặc không có đấu tranh và ngờ vực.

Trong bài đọc thứ 2 hôm nay, thánh Phêrô gọi Đức Kitô là “viên đá sống động”, rồi trải rộng hình ảnh này đến cả chúng ta nữa. Làm thế nào các tác giả Kinh Thánh tránh khỏi những lối nói vô cùng khác thường này? Tảng đá làm sao có được sự sống? Phải chăng đó là niêm luật văn chương? Còn nhớ câu chuyện thiếu nhi nói về ba con heo, trong đó có một con tự bảo vệ mình chống lại “con sói lớn độc ác” bằng cách xây nhà của mình bằng đá không? Những tảng đá bất động tạo nên nền móng vững chắc để bảo vệ những bức tường – nhưng có ai lại nghĩ chúng có sự sống?

Thánh Phêrô khích lệ chúng ta sử dụng trí tưởng tượng của mình: sẽ như thế nào nếu ngôi nhà, cộng đoàn Đức Giêsu thiết lập lại không gồm những viên đá sống động? Chẳng phải điều đó có nghĩa rằng chúng ta không chỉ là một nơi cư ngụ thánh thiện dành cho Thiên Chúa, mà còn là một nơi ở rộng rãi, bao gồm mọi chủng tộc, quốc gia, ngôn ngữ, bậc sống, giới tính…nữa sao? Thánh thiện nghĩa là lớn lên cùng với Đức Giêsu, “con đường”, thổi sức sống vào trong chúng ta, giúp chúng ta trở nên “những viên đá sống động” và thúc đẩy chúng ta đi tới.

Chẳng phải chúng ta biết rằng Giáo hội của Đức Kitô như một tòa nhà gồm “những viên đá sống động” đó sao? Đã bao nhiêu lần chúng ta tìm thấy sự giúp đỡ và chỉ dẫn nơi cộng đoàn tín hữu của mình? Chúng ta biết ơn những lần những ban mục vụ và các tâm hồn thánh thiện trong cộng đoàn đã trở nên sức mạnh và sự khôn ngoan cho chúng ta. Dẫu cho những ngày này chúng ta phải đối mặt với những phiền muộn trong Giáo hội, nhưng chúng ta vẫn còn gặp vô số những tín hữu luôn hiện diện ở nơi thờ phượng và tình nguyện tìm những dịp phục vụ những người thiếu thốn ở cả bên trong lẫn bên ngoài cộng đoàn. Họ và chúng ta là “những viên đá sống động” xây nên ngôi nhà thánh thiện của Thiên Chúa.

Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.


Trả lời