SV Đaminh : GIÁ TRỊ SỐNG
Chủ đề 1 :
An bình, thịnh vượng, bằng cách nào đạt tới ?
Hãy dành cho riêng bạn một hình ảnh.
Hãy chăm sóc hình ảnh ấy qua thời gian.
Bạn soi bạn và đời nhìn bạn qua hình ảnh ấy.
Bạn hạnh phúc nhờ hình ảnh ấy,
nhưng nếu đau khổ thì cũng vì hình ảnh ấy.
Tối Chúa nhật ngày 13 tháng 3 năm 2011, câu lạc bộ Văn hóa và Hội nhập mỗi tháng một chuyên đề thuộc Giáo xứ Đaminh Ba chuông đã khai giảng chương trình chuyên đề lớn về GIÁ TRỊ SỐNG, do Giáo sư Lê Tôn Hiến trình bày, dự kiến trong tám buổi. Tham dự viên gồm thành phần chính là các bạn trẻ sinh viên đến từ nhiều nơi và một số vị phụ huynh trong và ngoài giáo xứ.
Mở đầu buổi chuyên đề, Cha Giuse Đỗ Trung Thành OP phụ trách chuyên đề giúp mọi người thánh hóa buổi gặp gỡ và giới thiệu giáo sư đến các học viên. Giáo Sư Lê Tôn Hiến là người đã có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, giảng dạy tâm lý – giá trị sống, đã giảng dạy tại Đại học Harvard Hoa Kỳ trong 20 năm. Hiện tại, Giáo sư là hiệu trưởng của trường ngoại ngữ tin học Kinh Luân. Hôm nay, Câu lạc bộ rất hân hạnh được Giáo sư đến để chia sẻ loạt bài về giá trị sống trong suốt 8 tháng vào mỗi Chúa nhật thứ 2.
Ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc sống khỏe mạnh, thoải mái, tự do, hạnh phúc và thành công. Nhưng làm thế nào có thể đạt được những mong ước đó ? Giáo sư hướng dẫn mọi người khởi đi từ việc nhìn vào chính bản thân mình. Con người của chúng ta gồm có ba phần chính: thể xác, tinh thần và tâm hồn. Trong đó tâm hồn là phần quan trọng nhất, hướng dẫn hoạt động của cả tinh thần lẫn thân xác. Khi ta làm việc, tâm hồn giúp thân xác và tinh thần phối hợp nhịp nhàng giúp ta suy nghĩ, học tập, làm việc … Khi ta mệt mỏi và chìm sâu vào giấc ngủ, tâm hồn ta vẫn hoạt động, giúp thân xác và tinh thần nghỉ ngơi thư giãn, giúp bộ não sắp xếp lại toàn bộ hệ thống hoạt động, để sớm mai cỗ máy cơ thể ta lại có thể tiếp tục vận hành. Hiện tượng mơ trong giấc ngủ chính là biểu hiện của hoạt động tâm hồn đang sắp xếp lại não bộ.
Mục đích chính của khóa chuyên đề này nhằm giúp mỗi người nhìn thấy rõ mình hơn, rèn tập những thói quen, phản ứng, cách suy nghĩ, lời nói và việc làm tích cực để xây dựng cho mình một hình ảnh đẹp: thân xác khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn và tâm hồn trong sáng. “Trở thành người có giá trị là mục đích cao nhất của đời người” (Einstein).
Văn minh Á Châu quan niệm con người là một tiểu vũ trụ. Bạn có hiểu tại sao không ? Trời có ngũ hành, đất có năm châu. Cơ thể mỗi người được tạo thành bởi nhiều bộ ngũ như cần ăng ten kết nối liên lạc với đại vũ trụ: ngũ quan, ngũ tạng, ngũ dịch. Đi sâu vào bên trong mỗi bộ phận ấy cũng vẫn là 5: mắt có thể nhìn được 5 màu chính, mũi có thể ngửi được 5 mùi, vị giác có thể nếm được 5 vị (ngũ vị hương). Vì thế, để sống khỏe, sống hạnh phúc trước hết con người phải hiểu chính mình và hòa mình vào với luật của tự nhiên. Từ đó xây dựng cho bản thân một hình ảnh đẹp, một hình ảnh độc đáo. Hình ảnh ấy sẽ dẫn bạn đến hạnh phúc và thành công. Hãy là chính bạn.
Hiện nay tại Hoa Kỳ, hình ảnh về một người đàn ông đứng tuổi trong lãnh đạo, không còn hấp dẫn bằng một người phụ nữ trẻ đầy đủ khả năng và tự tin – là người trong công việc có thể điều khiển một cơ quan, trong giải trí có thể chơi quần vợt, là người bén nhạy theo dõi chuyện thời sự, biết thưởng lãm nghệ thuật, và nhất là một mình đứng vững, đối với đời bằng đôi mắt bình thản, sắc bén và khoan dung.
“Hãy tạo thói quen trước, rồi thói quen sẽ tạo dựng đời ta” (Tục ngữ)
Hình ảnh về bản thân mình trước hết được xây dựng trên những thói quen. Bạn có một hình ảnh đẹp trong mắt người khác vì bạn là người tử tế có thói quen chào hỏi mọi người và luôn vui cười, người khác tạo hình ảnh mình bằng lời nói luôn dịu dàng lễ độ, người khác là thói quen thể hiện tình bác ái đối với những người nghèo khổ. Trái lại, hình ảnh của bạn sẽ bị xấu đi vì một thói quen xấu, như ăn nói cộc cằn thô lỗ, trễ hẹn, …
“Thói quen tạo dựng đời bạn, hoặc phá hoại đời bạn” (S.Cvey).
“Hình hảnh của bạn xác định giá trị của bạn và cộng đồng”
Gieo tư tưởng, gặt hành động;
Gieo hành động, gặt tập quán;
Gieo tập quán, gặt tư cách;
Gieo tư cách, gặt vận mệnh. (Samuel Smiles)
Hãy giữ cho bản thân bạn thật trong, thật sáng,
vì bạn chính là cửa sổ để nhìn ra cuộc đời. (George Bernard Shaw)
Lời cổ nhân: (Cung tác túc, tòng tác nghệ, minh tác triết, thông tác mưu, duệ tác thánh) – Kinh Dịch.
“Dung mạo có nghiêm chỉnh, mới tạo được trật tự.
Lời nói có lý lẽ, mới có khả năng thuyết phục.
Mắt có sáng, đầu óc mới khôn ngoan.
Tai nghe có sắc bén, mới có tài mưu lược.
Ý tưởng diễn đạt có sáng sủa, lòng mới thánh thiện.”
Vậy, bạn và tôi hãy thử xét xem những thói quen (tập quán) nào cần thay đổi ?
– Đó có thể là những thói quen suy nghĩ ? Những suy nghĩ tiêu cực, nghi ngờ …
– Đó có thể là những thói quen qua lời nói ? Những kiểu nói đối đầu thay vì đối thoại, cách nói dễ làm những người xung quanh buồn lòng…
– Thói quen trong việc làm ? Những việc làm gây tổn hại đến sức khỏe thể lý, tinh thần, tâm hồn … của bạn hay của người khác.
Thói quen nào ảnh hưởng tệ hại nhất ? Thói quen nào là vết dơ bôi nhọ chân dung của bạn ?
– Ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần hay tâm hồn ?
– Ảnh hưởng đến uy tín, tiền bạc hay thiện cảm trong giao dịch ?
– Ảnh hưởng đến thân nhân, bạn bè hay công việc ?
Bạn phải mất bao lâu mới vĩnh biệt được một khuyết điểm ?
– Vài ngày, vài tuần ? Không thể nào !
– Vài tháng hay một năm ? May ra…
Một đời người, bạn có thể xóa hết được những thói quen tai hại ?
Có thể được phải không bạn ! nếu bạn cương quyết bắt đầu từ hôm nay !
Trong tuần này, bạn và tôi cùng chọn ngay một thói quen cần thay đổi. Hãy bắt đầu từ thói quen dễ thay đồi nhất, nhưng ảnh hưởng đến người khác nhiều nhất.
Hãy đốt đi, đừng tái chế ! Đừng chuyển dịch sang một thói quen khác tương tự.
Nếu bạn gặp khó khăn, hãy hẹn gặp Giáo sư Lê Tôn Hiến. Thầy luôn sẵn sàng giúp bạn. Nếu tích cực cộng tác, bảo đảm bạn sẽ thành công !
Bạn có biết những thói quen sau đây là tai hại ?
1. Bạn hay người thân của bạn có thường đi tập thể dục buổi sáng ở công viên trước khi mặt trời lên ? Đó là một thói quen tai hại cho sức khỏe, vì đó là giờ cây xanh thải ra khối lượng khí co2 cực độc. Đã từng có người té xỉu sau khi đi tập thể dục buổi sáng tại công viên về.
2. Bạn có thích ăn cà chua sống ? Đó không phải là thói quen tốt, vì cà chua chỉ có nhiều chất bổ dưỡng khi được đun trên 100oC.
3. Bạn là người nấu ăn giỏi và thường phi tỏi chín khi nấu ăn ? Xin mách cho bạn cách ăn tỏi tốt nhất và chữa được nhiều loại bệnh là xắt lát tỏi tươi rồi để ngoài không khí sau 15 phút rồi ăn. Nếu bạn sợ để lại mùi hôi của tỏi, bạn hãy chuẩn bị sẵn ít lạc (đậu phụng rang). Lạc có tác dụng khử mùi tỏi.