Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh Dòng Đa-minh, ngày 21.01.2017

 

Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
Trong Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh Dòng Đa-minh,
Vương Cung Thánh Đường Lateran, ngày 21.01.2017

Anh chị em thân mến!

Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh Dòng Đa-minh, ngày 21.01.2017Lời Chúa hôm nay giới thiệu trước mắt chúng ta hai cảnh tượng nơi con người, nhưng hai cảnh tượng này lại tương phản với nhau: một mặt thì đó là lễ hội hóa trang của sự tò mò mang tính thế tục, nhưng mặt khác thì đó là việc tôn vinh Thiên Chúa Cha thông qua những công việc tốt lành. Cuộc sống của chúng ta luôn luôn diễn ra giữa hai cảnh tượng trên. Những cảnh tượng ấy thuộc về từng thời kỳ, như những lời mà Thánh Phao-lô nói với Timôtê chứng tỏ (xc. 2Tm 4,1-5). Và cách nay đúng 800 năm, ngay cả Thánh Đa-minh cũng chuyển động giữa hai cảnh tượng vừa nêu.

Thánh Phao-lô đã nhắc nhớ Timôtê rằng, ông đang phải công bố Tin Mừng trong một môi trường mà ở đó người ta chỉ thích tìm kiếm “những vị thầy”, “những chuyện hoang đường”, những Giáo Lý và những ý thức hệ mới… (xc. 2Tm 4,3). Đó là “lễ hội hóa trang” của sự tò mò mang tính thế tục, của sự quyến rũ. Vì thế, Thánh Tông Đồ cũng đã chỉ thị cho người môn đệ của mình với những động từ hết sức mạnh mẽ, chẳng hạn như: “khẩn khoản”, “cảnh báo”, “quở trách”, “tỉnh thức”, và “chịu đựng nỗi khổ đau”.

Thật thú vị khi biết rằng, các vị Tông Đồ của Tin Mừng hồi đó, cách nay 2.000 năm, đã phải đối diện với cảnh này rồi, tức cảnh đã tiếp tục phát triển cũng như đã toàn cầu hóa trong thời đại chúng ta – nhờ vào sức lôi cuốn của chủ nghĩa tương đối. Khuynh hướng tìm kiếm những cái mới, mà nó là sở hữu riêng của mỗi người, sẽ tìm thấy môi trường lý tưởng của nó trong xã hội bề ngoài và hưởng thụ, mà trong đó cái cũ luôn luôn được tái chế, và điều chính yếu ở đây là bất cứ điều chi trông có vẻ mới, hấp dẫn và thu hút. Ngay cả chân lý cũng bị hóa trang. Chúng ta đang chuyển động trong cái gọi là “xã hội lỏng”: không có điểm cố định mà những hệ tọa độ bung ra từ đó, không có những điểm tham chiếu vững chắc và ổn định; trong một nền văn hóa chóng vánh và vất bỏ sau khi đã sử dụng.

Đối ngược lại một cách rõ rệt với “lễ hội hóa trang” mang tính thế tục này chính là cảnh tượng mà chúng ta thấy trong những Lời của Chúa Giê-su, tức những Lời mà chúng ta vừa nghe. “Tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (xc. Mt 5,16). Và làm thế nào để có thể thực hiện được cuộc vượt qua từ sự nông cạn có vẻ như rất hào nhoáng đó để đến với sự tôn vinh? Điều này sẽ diễn ra nhờ vào những công việc tốt lành của những người trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, và vì thế, cũng là “muối” và “ánh sáng”. “Ánh sáng của anh em phải rạng soi trước mặt thiên hạ” – Chúa Giê-su nói –, “để họ thấy được những công việc tốt lành của anh em và tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

Giữa “lễ hội hóa trang” của ngày hôm qua và của thời đại hôm nay chính là Lời của Chúa Giê-su và Lời của Giáo hội, những lời ấy chính là một sự hỗ trợ chắc chắn trong giữa môi trường “lỏng” này: những công việc tốt lành mà chúng ta có thể thực hiện nhờ vào Chúa Ki-tô và Thánh Thần của Ngài, và để cho lời tạ ơn từ trong lòng bay lên cùng Thiên Chúa Cha, lời ngợi ca – hay ít nhất là thán phục và thắc mắc: Tại sao? Tại sao con người này lại cư xử như thế? Và đó là sự bất an của thế gian khi tận mắt chứng kiến những chứng tá của Tin Mừng.

Nhưng để “cú hích” này có thể thành công thì muối sẽ không được phép đánh mất đi vị mặn của mình, và ánh sáng không được phép bị đặt dưới đáy thùng. Chúa Giê-su đã nói về điều đó một cách rất rõ ràng: nếu muối mà đánh mất đi vị mặn của nó thì nó sẽ chẳng còn có ích gì nữa. Khốn cho muối nào đánh mất đi vị mặn của mình! Khốn cho Giáo hội nào đánh mất đi hương vị của mình! Khốn cho Linh mục nào, Tu sĩ nào, cộng đoàn nào đánh mất đi hương vị của mình!

Hôm nay chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa Cha về công trình của Thánh Đa-minh mà cách nay 800 năm, Ngài đã hoàn toàn biến nó thành ánh sáng và muối của Chúa Ki-tô: một công trình trong sự phục vụ Tin Mừng, được rao giảng bằng lời nói, nhưng cũng bằng cả cuộc sống nữa. Một công trình, mà nhờ vào hồng ân Chúa Thánh Thần, đã dẫn tới chỗ nhiều người nam và nhiều người nữ đã nhận được ơn trợ giúp để không bị phân tán khi tận mắt chứng kiến “lễ hội hóa trang” của sự hiếu kỳ mang tính thế tục, nhưng cảm nhận được hương vị của những giáo huấn lành mạnh, hương vị của Tin Mừng, và đồng thời, trở thành muối và ánh sáng, trở thành những người thợ thủ công của những công việc tốt lành… cũng như trở nên những người anh chị em đích thực biết tôn vinh Thiên Chúa và dậy người khác tôn vinh Thiên Chúa, với những công việc tốt lành trong cuộc sống hằng ngày.

Vương Cung Thánh Đường Lateran

chiều thứ Bảy ngày 21 tháng 01 năm 2017

nhân dịp bế mạc Năm Thánh

mừng 800 năm Dòng Đa-minh hiện diện

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

Để lại một bình luận