Bài 37: Tự Tin Nên Phản Bội

Thứ Ba Tuần Thánh

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.

Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.

Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.”

Phần tôi, tôi đã nói: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.” Nhưng sự thật, đã có ĐỨC CHÚA minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

(Is 49, 1-6)

Tự Tin Nên Phản Bội

Bài 37: Tự Tin Nên Phản BộiKhi 20 tuổi, bạn của anh tôi đưa cho tôi quyển sách nhỏ bìa cứng có tựa đề “Đường hy vọng” của đức cố hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận. Trong 1001 điều ngài đã viết, có điều này: “Mỗi ngày khi con thức dậy, con hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa hôm nay xin cho con bớt tin con đi một chút, để con tin Chúa thêm một chút”. Một người trí thức bậc nhất trong giới trí thức Công giáo Việt Nam mà chỉ viết được như thế thì không đáng quan tâm. Điều bực bội đó theo tôi một thời gian dài cho đến khi tôi được biến đổi. Lúc ấy tôi cảm thấy để viết ra được câu đó, Đức Hồng y Thuận đã phải hết sức trung thực với chính mình, ý thức rõ thân phận của mình qua bao thăng trầm của cuộc đời, với những dự phóng vĩ đại của mình bổng chốc trở thành chiếc lá khô cho gió thổi bay; với bao điều ước muốn chẳng bao giờ mình làm được. Và đức hồng y cũng phải cấm rể sâu cây hy vọng của đời mình vào Chúa thì mới có thể viết được như thế.

Như vậy tự tin tốt hay xấu, có cần hay không cho cuộc sống của chúng ta?

Tự tin là tốt hay là xấu không quan trọng, có cần cho con người hay không còn tùy mỗi gian đoạn sống của từng người. Nhưng có điều chắc chắn là không ai trong chúng ta có thể tự tin một cách tuyệt đối và luôn luôn. Tự tin ở mức độ cao nhất có thể là tự tin cách anh dũng, tức là người đó hành động mà không sợ hãi gì ngay cả khi lao mình vào vùng tối, chưa rõ kết cục sẽ ra sao để đạt được thành công. Nhưng có chắc khi khởi đầu công cuộc đó, những người đó đã thực sự tự tin như thế, hay chỉ đơn gian là liều, vì rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một liều, mà hai cũng liều. Nếu không liều thì mất tất cả, hoặc thân bại danh liệt. Cấp độ tự tin thứ hai là tin vào người khác, nhưng hành động theo cung cách và sáng kiến riêng của mình. Đây là tình trạng 50/50, vừa tự tin vào mình vừa tin người khác. Một con người quân bình và không tôn giáo sẽ hành động như thế, nhưng trong thực tế, tình trạng 50/50 này chỉ có ở mức khởi đầu, còn dần già về sau hoặc phải chuyển sang cấp độ “liều” như đã nói hoặc phải theo cấp độ “lụy” như sẽ nói. Cấp độ thứ ba là tự tin lệ thuộc. Lạ kỳ ! Đã tự tin mà lại lệ thuộc, nghĩa là sao? Tức là một việc sắp làm tôi chẳng hề biết, một điều sắp nói tôi chẳng hề hay, nhưng có người, có tổ chức đã chuẩn bị sẳn mọi điều từ trước cho tôi rồi. Khi cần phải làm, những người được giao trách nhiệm sẽ khơi lên tính sỹ nơi tôi, thuyết phục tôi bằng mọi cách từ lý tưởng cho đến một bảo đảm về vật chất và thậm chí buộc tôi phải hành động, nếu không tôi phải chết. Những việc tôi làm và lời tôi nói được mọi người đón nhận như chính tôi là tác giả chứ không phải tôi bị sai khiến, rồi với sự tương tác tích cực của người đón nhận làm cho tôi ảo tưởng là tôi đang tự tin làm việc mình cần làm.

Câu chuyện ông bà Adam-Eva ăn trái cấm là tự tin ở cấp độ lệ thuộc. Satan không chỉ chuẩn bị cho con người việc khước từ Lời Thiên Chúa để ăn trái cấm mà thôi, mà còn chuẩn bị đẩy con người vào cảnh sống nô lệ cho satan và lệ thuộc tội lỗi. Nhưng khi cám dỗ con người, con rắn không hề hé lộ sự lệ thuộc này, mà chỉ mở ra cho con người thấy một con đường thênh thang và hoành tráng. Từ nay con người là Chúa của mình cùng muôn vật và thậm chí đến một lúc nào đó còn có thể là Chúa của Thiên Chúa nữa. Khi hái, trao cho nhau và ăn trái cấm con người bắt đầu thấy mình đang làm một hành động “tự tin” !

Rồi cứ đà tự tin đó, con người bị đẩy đến tình trạng tội lỗi ngập đầu ngập cổ. Cộng thêm một chút tự ái vặt, con người cắn răng chịu chết chìm trong tội lỗi mà không muốn đưa tay cho Chúa cứu.

Thật ra cũng có nhiều người đưa tay cho Chúa cứu, nhưng trong số đó, rất nhiều người đã không được cứu. Chẳng phải vì Chúa không muốn, nhưng vì họ muốn Chúa cứu họ theo kế hoạch của họ, mà họ có kế hoạch gì đâu, mọi kế hoạch đó là âm mưu của ma quỷ mà thôi. Giuđa được tác giả Tin Mừng Gioan mô tả ở chương 13, từ câu 21 đến 30 là thế.

Cũng như Phêrô, Gioan, Giacôbê, cũng như Anđrê, Philipphê, Batôlômêô… Giuđa Iscariôt là một môn đệ của Chúa Giêsu. Anh đã đi theo thầy Giêsu, vì tin Giêsu là Đấng Mêssia, tức là Kitô là đấng giải phóng Israel. Đúng vậy, Chúa Giêsu là thế ! Nhưng suốt hành trình ba năm ròng rã bôn ba trên mọi nẻo đường Palestin, Giuđa đã không thấy thầy Giêsu hành động như anh dự kiến, thậm chí đôi lúc còn có cảm giác thầy Giêsu không nhưng không phải là thủ lãnh giải phóng dân tộc mà còn giao du, làm cầu nối cho ngoại bang.

Trong đầu của Giuđa – không chỉ mình anh đâu, mà đa số dân Do Thái lúc đó – nghĩ Đấng Mêssia phải là một người quy tụ dân chúng, khởi nghĩa chống lại quân Roma, để giành lại độc lập và quyền cai quản xứ sở cho người Do Thái. Thế mà Chúa Giêsu đã không hành động theo cách Giuđa nghĩ. Khi dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua, sau khi đã được Ngài cho ăn no nê nhờ chỉ năm chiếc bánh và hai con cá, thì Chúa Giêsu lại xua các đồ đệ qua sông, còn Ngài trốn lên núi cầu nguyện. Khi người lính của một viên quan lớn Roma bệnh nặng, đúng ra đó phải là cơ hội ngã giá để đòi quyền lợi cho dân Do Thái thì Chúa Giêsu chỉ đơn giản chữa lành cho người bệnh một cách vô điều kiện. Chúa Giêsu lại còn làm gương mù gương xấu cho dân khi bảo Phêrô lấy tiền trong miệng con cá nộp thuế cho cho ngoại bang. Chúa Giêsu hành động không như một người Do Thái ái quốc bình thường, Chúa Giêsu không phải là Mêsia như Giuđa tưởng.

Giuđa thất vọng vì đã tin vào một thầy Giêsu như thế, nên anh đã tự cứu mình, và gỡ gạt cho nổi thất vọng của mình bằng cách đi bán Chúa.

Tự tin của Giuđa là tự tin lệ thuộc vào một cách thức giải phóng dân tộc đã được lập trình trước đó vài trăm năm, từ khi người Do Thái bị mất nước vào tay Babylon. Chỉ có đánh và tiêu diệt người khác mới là giải phóng. Khi sự lệ thuộc đó lại được khoát lên trên mình một chiếc áo tự tin nữa thì nó sẽ trở thành một sự điên loạn, ma đôi khi chúng ta gọi là cuồng tín.

Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đặt vấn đề với tôi rằng: Chúa có thật sự yêu thương chúng ta không? Chúa có hành động vì hạnh phúc của con không?

Tôi trả lời: – Có, có nhiều !

– Nói như cha như vậy, còn gì để nói ? Một bạn đã bẻ lại như thế.

Tức bạn ấy hỏi tôi, nhưng bạn ấy đã có câu trả lời, và bạn ấy chỉ muốn tôi trả lời như đáp án của bạn ấy. Nhưng bạn ấy quên rằng, nếu trả lời như đáp án ấy thì bế tắc, vì đáp án đó sai. Y như Giuđa vậy! Giuđa đã có một kế hoạch riêng về lộ trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, và anh muốn Thiên Chúa và Đức Giêsu của Thiên Chúa phải thực hiện theo kế hoạch đó. Nếu không thì anh sẽ từ chối, không công nhận đó là Đấng Mêssia, đó không phải là kế hoạch của Thiên Chúa.

Chúng ta bảo đi theo Chúa, nhưng chúng ta muốn làm thầy, muốn dạy Chúa, muốn làm thủ lãnh ép Chúa phải làm theo ý mình. Rõ ràng chúng ta đã tin mình hơn tin Chúa. Chúng ta tin vào kế hoạch đen tối của sự dữ đã xâm nhập vào chúng ta nhiều hơn tin vào Ánh sáng trần gian là Chúa Giêsu.

Trên các báo Việt Nam vào đầu năm 2008, được biết khoảng bảy tám năm trở lại đây, mỗi năm ở Nhật Bản có 30 ngàn người tự tử. Thấy con số mà sợ ! Mà hình như ở Việt Nam mình tình trạng cũng không khá hơn. Theo số tiếp nhận cấp cứu ở một bệnh viện cấp huyện, thì tuần nào cũng có người nhập viện vì lý do tự tử. Tuần ít là hai ca, tuần nhiều lên đến tám hay mười ca. Nếu chỉ tính trung bình mỗi tuần bốn ca, thì tại một bệnh viện huyện đó, một năm đã tiếp nhận ít nhất 200 trường hợp tự tử. Nếu tất cả mọi nơi ở Việt Nam đều như thế thì con số người tự tử hàng năm có thể lên tới 60.000 trường hợp. Ước mong điều đó đừng xảy ra ở quê hương chúng con, Chúa ơi, mặc dù điều đó đã là một thực tế.

Vì sao người ta tự tử?

Vì quá tin vào mình, và khi không thể tự cứu vãn tình thế nữa, nên đã tự tử. Một thiếu nữ đã tin mình đủ sức hấp dẫn để giữ người yêu ở mãi bên mình, nhưng khi sự thật được hé mở, người đan ông mình tưởng đã thu tóm được con tim rồi lại vẫn đang dành tình yêu dạt dào cho người khác. Một người vợ chồng chết, thủ tiết nuôi con ăn học và thành tài. Bà tin người con mãi mãi là chổ dựa cho mình, nhưng khi người con lập gia đình, bà mẹ mới vỡ lẽ ra, con trai không phải là chổ dựa như mình hằng tin tưởng, mà ngược lại trong mắt vợ chồng chúng, mình chỉ là một bà già ăn bám khó tính, nên đã tự tử. Một trường hợp khác thật sự gây ngạc nhiên cho tôi, đó là một cháu bé 9 tuổi. Đi học bị cô mắng trước mặt bạn, chiều về lấy thuốc rầy của ba uống để tự tử.

Sự tự tin đến hủy hại mình và tiêu diệt người khác đã được nhồi nhét trong nền giáo dục kỳ cục của chúng ta. Họ dạy từ trẻ em đến người lớn phải cảnh giác với mọi người, kể cả cha mẹ, anh chị em, hay đồng chí của mình. Ai cũng có thể trở thành kẻ thù. Rồi khi quân địch tấn công ta một, ta tiêu diệt lại được gấp 10 thì đó là chiến công phải ăn mừng. Một nền giáo dục không dạy học sinh biết tín nhiệm và tin tưởng người khác.

Đúng như cha Rey Mermet đã viết trong tác phẩm Tin, hành trình khám phá lòng tin : «Người ta không thể sống, nếu như không có niềm tin !» Và niềm tin đó sẽ không còn tự đặt ở nơi mình hay một ai khác ngoài Chúa Giêsu. Đức giáo hoàng Benedicto XVI đã nói trong thông điệp mới nhất của ngài Về niềm hy vọng Kitô giáo : người ta đã ra hư đốn vì đã sống không hy vọng, không có Chúa trên đời này.

Giuđa cứ mãi tự tin, cứ mãi bám vào dự phóng và phương thế của thế gian, nên đã không thấy Chúa, đã không muốn đón nhận con đường cứu độ của Chúa trong Đức Giêsu. Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta tự hào vì mình không bao giờ vong thân, vì luôn tự tin ở mình hay hạnh phúc vì nhờ tin tuyệt đối vào Chúa mà đang cất lời tôn vinh Người ?

Xin Chúa Giêsu đừng dừng lại ở bên ngoài chúng con, mặc dù lòng chúng con chưa thật dành trọn cho Chúa.

Xin Chúa Giêsu đừng thờ ơ với chúng con, dù chúng con chưa bận tâm đến Ngài.

Xin Chúa Giêsu đừng bỏ con, nhưng dạy con yêu mến Ngài và đưa con vào niềm tin duy nhất mang danh Ngài, ơ Giêsu ! Chúa con !

 

Trả lời