✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 11,27-33)
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Đang khi Người đi đi lại lại trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” Đức Giê-su đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘Do người ta’?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
Gợi ý suy niệm
Theo Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu đã bắt đầu tranh luận với những người Do Thái không tin khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem lần cuối cùng. Bầu không khí đối đầu giữa Chúa và các vị lãnh đạo Do Thái khởi sự với biến cố Chúa đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ. Ngày hôm sau, khi Chúa và các môn đệ trở lại Đền thờ, các Thượng tế, Luật sĩ và Kỳ mục đến chất vấn Chúa: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc tranh luận đầu tiên trong số năm cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do Thái, trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc tử nạn của Ngài
Tinh thần chân thành và đối thoại vốn là tinh thần của Phúc Âm. Là con người hiếu hòa, Chúa Giêsu cũng tỏ ra chân thành và thích đối thoại. Tuy nhiên, khi những người đối thoại với Ngài tỏ ra gian manh, thì Chúa Giêsu lại giữ thái độ yên lặng, như khi Ngài đứng trước Caipha, Hêrôđê, Philatô. Nhưng trường hợp những kẻ đối thoại bắt bẻ điều gì, thì Chúa lại chứng tỏ sự trổi vượt của Ngài. Ngài cũng đáp lại bằng một phương thế khác, khi những người đối thoại muốn gây áp lực để buộc Chúa phải trả lời, như khi họ hỏi Chúa có nên nộp thuế cho Hoàng đế César không hoặc có nên ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình không?
Các thượng tế và Kinh sư dùng một câu hỏi hóc búa để gài bẫy Chúa: Ông lấy quyền nào mà làm các chuyện ấy (tức là truyện Thanh tẩy Đền thờ).
* Nếu Chúa trả lời ngài lấy quyền của Thiên Chúa thì họ sẽ có đủ lý do để tố cáo và bắt giết Ngài, vì theo luật lệ của họ, ai xưng mình là Thiên Chúa thì đáng tội chết.
* Nếu Chúa nói ngài tự lấy quyền mình mà làm thì trước mắt họ Ngài là một người vô danh tiểu tốt mà dám chống lại hàng thượng tế và Kinh sư sao được, như thế ngài cũng mắc tội
Nhưng họ thật không ngờ là Chúa đã dùng ngay cái bẫy họ giăng để làm họ bị kẹt, không trả lời được. Chúa hỏi: “Tôi cũng xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết, tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy? (Mc 11, 30) Họ không trả lời được. Chân họ đã vướng vào bẫy do chính mình bày ra. “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông biết là tôi lấy quyền nào mà làm” (Mc 11, 33). Thế là huề cả làng.
Hôm nay, chúng ta chứng kiến một cảnh đối thoại, nhưng thật ra đó chỉ là một cách gài bẫy để bắt bẻ Chúa: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” Chúa Giêsu nhận thấy thái độ không thành thật của họ nên Ngài hỏi vặn lại: “Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?” Cách thức trả lời của những kẻ chống đối của Chúa cho thấy họ đã tìm ra giải đáp cho câu hỏi họ đặt ra. Họ không thể chối cãi sự kiện phép rửa của Gioan là từ Trời, do quyền của một vị Tiên tri. So sánh phép rửa của Gioan với những việc làm và những phép lạ của Chúa Giêsu mà họ đã chứng kiến, thì chắc chắn những phép lạ của Chúa hơn phép rửa của Gioan. Do đó, theo lý luận nghiêm chỉnh và và thành thật, những kẻ chống đối Chúa phải biết Chúa đã lấy quyền từ đâu để làm các điều ấy.
Như thế, câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?” là câu hỏi để đánh thức lương tâm và kêu gọi đến sự thành thật nơi những kẻ chống đối Ngài. Chỉ những ai chấp nhận đi theo con đường sự thật với lòng chân thành, người đó mới vào được Nước Chúa và được cứu rỗi. Để có thể vào Nước Chúa, những kẻ chất vấn Chúa trong Tin Mừng hôm nay, cần phải canh tân đời sống, cần phải có lòng chân thành, lương tâm ngay chính và tinh thần phục thiện. Chúng ta hãy nhìn về cuộc sống của mình và xét xem chúng ta đã sống thế nào?
Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhận biết sự thật, khiêm tốn đón nhận và sống sự thật của Chúa cho đến cùng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, khi gặp những người đối thoại muốn bắt bẻ điều chi, thì Chúa chứng tỏ sự trổi vượt của Chúa bằng sự im lặng, như khi Chúa đối diện với vua Hêrôđê, hoặc với quan Philatô. Bởi vì đạo Chúa không phải là cuộc đấu trí giữa những người thông minh khéo léo. Chúa cũng không đến để thỏa mãn tính tò mò của con người. Nhưng Chúa đến để thay đổi đời sống của nhân loại. Tuy nhiên, muốn đổi mới cuộc sống, con người cần mở rộng lòng mình để đón nhận chân lý.
Lạy Chúa, Chúa không chỉ hướng dẫn con bằng lời nói, nhưng trên hết, Chúa đã để lại mẫu gương sống động về tình yêu. Xin giúp con biến đổi bản thân mình bằng cách sống yêu thương, chứ không phải bằng sự hiểu biết lý thuyết về Thiên Chúa. Và xin loại khỏi con những thành kiến để con có thể chấp nhận tất cả mọi người với lòng yêu mến chân thật. Ước gì qua những lần gặp gỡ anh em, con biết biểu lộ tấm lòng chân thành, biết tôn trọng và yêu mến họ, vì tất cả mọi người đều được Chúa yêu thương. Con quyết tâm bắt tay anh em như một cử chỉ cảm thông yêu mến. Con dốc lòng sẽ nói lời dịu dàng để nối kết tình nghĩa anh em.
Lạy Chúa, những ai đi theo con đường sự thật với lòng chân thành, sẽ được vào Nước Chúa và mới được cứu rỗi. Chúa đã dạy con biết sự thật và muốn con khiêm tốn đón nhận sự thật ấy. Xin giúp con biết sống chân thành theo sự thật của Chúa cho đến cùng. Amen.