Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Ba tuần của Mùa Vọng đã trôi qua. Chỉ còn đúng hai ngày, tính từ Chúa Nhật hôm nay (22/12/2013), đại lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh sẽ đến. Hôm nay, hầu hết tất cả các thánh đường đều đã xuất hiện hang đá Belem. Nhiều gia đình Công Giáo cũng đã làm máng cỏ trước sân nhà của mình.
Tái hiện lại khung cảnh hang đá Belem xưa, với những nhân vật: Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu không chỉ để nhắc lại biến cố Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong cảnh nghèo hèn, nhưng còn muốn nhắc cho mọi người biết, rằng: có một “gia thất thánh”, một gia thất mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân ái và tình yêu thương.
Khi nói tới sự vâng phục, không ai trong chúng ta lại không nghĩ ngay tới Đức Maria. Một Đức Maria với lời “xin vâng” đã đi sâu vào lòng người suốt hơn hai mươi thế kỷ.
Khi nói tới lòng nhân ái và tình yêu thương, ai có thể thay thế “Thánh Giuse”! Thật vậy, hơn hai ngàn năm xa trước đó, qua một biến cố lịch sử, biến cố Sứ thần Chúa hiện đến gặp thánh Giuse trong một giấc mộng, lòng nhân ái và tình yêu thương của ngài đã được tỏ lộ, rực sáng. Biến cố lịch sử này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Matthêu (1, 18-24).
**
Vâng, Tin Mừng thánh Matthêu thuật lại rằng: “Bà Maria… đã thành hôn với ông Giuse” (Mt 1, …18) Với người đời, đó là một chuyện bình thường. Thật bình thường, như lời Kinh Thánh có chép: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời… một thời để chào đời… một thời để yêu thương…” (Gv 3, 1…8)
Thế nhưng, buồn thay! Khi những ngày giờ “để yêu thương” đến với đôi uyên ương, một sự việc đã làm cho chàng trai Giuse mất đi những nụ cười hạnh phúc. Thật vậy, làm sao chàng Giuse có thể hạnh phúc, vì cô Maria “đã có thai…”, trước khi hai người về chung sống.!
Khi biết được sự việc đó, nếu là chúng ta, chúng ta sẽ làm gì? Phải chăng là, khắc khoải sầu đau với những đêm dài thao thức? Phải chăng là, trong đêm dài thao thức, chúng ta sẽ nghêu ngao những lời ca, rằng: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần sầu”!? (*) Vâng, như người ta thường nói: “Nỗi buồn càng dấu kín càng thêm buồn khổ”.
Với chàng Giuse, không thấy Tin Mừng nói đến, nhưng có thể tin rằng, chàng ta rất buồn khổ khi phải dấu kín nỗi buồn này. Thì đấy, Kinh Thánh đã chẳng thuật lại rằng: “Ông Giuse, chồng bà, không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 19), đó sao?
Chuyện gì sẽ xảy ra “nếu” chàng Giuse thật sự bỏ “Bà Maria”? Thưa, Thiên Chúa, linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh trong một bài giảng, đã nói, “khi Người chọn một ai đó cho chương trình cứu độ, chưa có một ai thoát khỏi sự chiếu cố của Người”.
Thật vậy, lịch sử cứu độ đã cho ta thấy điều đó đúng. Một Môsê, một Giêrêmia v.v… là những minh chứng điển hình. Hai ông đều không thể thoái thác sứ vụ Thiên Chúa trao ban, dù các ông đã đưa ra những lý lẽ rất thuyết phục rằng, “Con không phải là kẻ có tài ăn nói”… “Con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói”
Trở lại câu chuyện chàng trai Giuse, việc Giuse định tâm bỏ đi, xét về lý, rất thuyết phục. Nhưng… cũng lại là tiếng “nhưng” của Thiên Chúa.
Vâng, khi tư tưởng “toan tính bỏ bà Maria” của ông Giuse vẫn còn đang trong trạng thái: “Nhủ rồi nhủ lại cầm tay. Bước đi một bước dây dây lại dừng” (**), thì… “Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông…”
Vâng, trong giấc mộng ngàn đời khó quên, ông Giuse nghe rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. (Mt 1, 20).
Quyền năng Chúa Thánh Thần ư! Những chuyện này, là để ứng nghiệm lời ngôn sứ, được sứ thần Chúa nhắc đến, rằng: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen” ư!.
Là một người công chính, ông Giuse hiểu được tầm quan trọng về những gì sứ thần Chúa phán truyền. Và rồi, “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”.
Chính hành động này đã nêu bật con người của Giuse, con người của sự vâng phục, vâng phục đi tiếp con đường ông chọn, và sau đó Chúa chọn, trên con đường đó, ông đã biểu lộ trọn vẹn lòng nhân ái và tình yêu thương, qua việc “đón vợ về nhà” (Mt 1, 24).
***
Đây là câu chuyện được chép trong Tin Mừng thánh Matthêu với tiêu đề “Truyền tin cho ông Giuse”. Chớ gì chúng ta đọc câu chuyện này không như đọc một văn bản của lịch sử, nhưng là đọc trong một tâm tình chiêm ngắm, chiêm ngắm tấm gương thánh Giuse, xem đó như là một tấm gương mẫu mực cho niềm tin, lòng nhân ái và tình yêu thương để chúng ta noi theo. Thật vậy, cuộc đời của một Kitô hữu, như thánh Giuse xưa, mỗi chúng ta cũng đều phải đối diện với nhiều “nghịch cảnh”, những “trắc trở” trên con đường mà chúng ta đã chọn lựa.
Hạn hẹp trong một gia đình, những nghịch cảnh đó, có thể là: một người vợ lì lợm, nói nhiều, hoang phí… Hoặc có thể là: một người vợ không thể sinh cho ta một đứa con trai v.v… Hoặc là một ông chồng thô lỗ vũ phu… Vâng, gặp những nghịch cảnh đó, ta sẽ làm gì? Phải chăng là ta sẽ “định tâm bỏ nàng cách kín đáo”? Phải chăng là ta sẽ ca bài “Thôi là hết em đi đường em. Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”?
Trong một tầm nhìn rộng hơn, là một Kitô hữu, con đường chúng ta đã lựa chọn, con-đường-theo-Chúa-Kitô, phải chăng có đôi lần chúng ta cũng có những “định tâm tăm tối” bỏ Chúa, bỏ những việc làm phúc đức, bỏ chân lý và sự thật v.v.. chỉ vì một vài lý do ảnh hưởng đến nguồn lợi kinh tế, đến quyền lợi, đến danh vọng, đến những thú vui xác thịt v.v…?
Vâng, thánh Giuse, nhờ nghe lời ngôn sứ, qua lời truyền dạy của sứ thần, nhờ đó, mọi nghi nan , ngờ vực về Đức Maria đã tan biến. Cũng vậy với chúng ta hôm nay, hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và hãy tìm đến Lời Chúa. Bởi vì Lời Chúa chính là “ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.
Có đèn Chúa soi bước, chúng ta sẽ vượt qua được những đêm đen của nghịch cảnh. Có ánh sáng Chúa chỉ đường, chúng ta sẽ nhận ra đâu là những định tâm của tăm tối.
Vượt qua được những nghịch cảnh, chiến thắng được những định tâm tăm tối, hạn hẹp trong một gia đình, có phần chắc, gia đình của chúng ta sẽ là một gia đình tràn đầy lòng nhân ái và tình yêu thương. Nói cách khác, đó là một gia đình “vợ chồng ý hợp tâm đầu”. Rộng ra một chút, chúng ta sẽ có được một đức tin trưởng thành.
Một gia đình như thế với một đức tin trưởng thành… Vâng, ai… ai dám phủ nhận, đó chính là một Hang Belem-gia-đình có “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Petrus.tran
***
(*) nhạc Trúc Phương
(**) thơ Đoàn Thị Điểm