Mấy trăm năm trước Chúa Ki-tô ra đời, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã viết: “Người ta nghe có tiếng khóc ở Ra-ma, tiếng khóc than ai oán. Đó là tiếng bà Ra-khen khóc thương con cái mình. Bà không muốn được an ủi về những người con ấy vì nay chúng chẳng còn”. (Gr 31,15).
Lời tiên tri xưa, nay đã ứng nghiệm. Vì “vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh” (Mt 2,16).
Chúng ta biết rằng Hêrôđê là một bậc thầy trong nghệ thuật ám sát. Vừa lên ngôi ông đã cho thủ tiêu các thành viên trong Tòa Án Tối Cao của người Do thái. Sau đó ông tàn sát các nhân viên trong tòa án mà không cần suy tính trước. Về sau ông lại giết vợ là Mariamne và mẹ nàng là Alexandra, con trưởng là Antipater, hai con trai thứ là Alexander và Aristobolus. Ông cũng đã sắp đặt trước để khi ông lâm chung thì cuộc tàn sát các nhân sĩ tại thành Giêrusalem sẽ được thực hiện. Vì thế Hêrôđê không thể nào lặng lẽ chấp nhận một ấu vương nào đó mới ra đời. Hêrôđê cẩn thận tra hỏi các nhà thông thái về thời điểm ngôi sao xuất hiện và đã quỉ quyệt suy tính tuổi của Hài Nhi thánh để trù tính biện pháp sát nhân và bây giờ ông mau chóng thi hành kế hoạch man rợ của mình. Ông truyền lệnh giết tất cả bé trai từ hai tuổi trở xuống tại thành Bêlem và các vùng phụ cận.
Có điểm cần lưu ý, Bêlem không phải là một thành phố lớn và số bé trai dưới hai tuổi không quá 20-30 hài nhi. Chúng ta không nên nghĩ đến con số hàng trăm em. Thật ra việc này không khiến tội ác của Hêrôđê kém phần khủng khiếp đâu, nhưng chúng ta cần phải có một bức tranh đúng đắn.
Đây là một hình ảnh đáng ghê tởm về cách loài người sẽ làm để loại bỏ Chúa Giêsu. Nếu một người đang say mê theo đường riêng của mình mà Chúa Giêsu lại xen vào quở trách tham vọng của anh ta, thì điều duy nhất anh ta làm là khử trừ Ngài. Anh ta sẽ bị lôi cuốn vào những việc man rợ hơn hết, không giết người thì cũng làm người khác đau khổ.
Chính vì ghen tuông, vì sợ mất địa vị mà vua Hê-rô-đê đã làm đổ máu bao trẻ em vô tội, một tội ác đáng ghê tởm đã làm hoen ố trang sử đời ông và lịch sử của dân tộc ông. Vua đang tâm làm một việc tàn ác với hy vọng sẽ thủ tiêu được con trẻ Giê-su. Tham vọng và cố chấp đã khiến vua trở nên mù quáng, mặc dầu ba nhà chiêm tinh đã nói cho vua hay về vì sao của Ngài, các Thượng tế và kinh sư cũng đã trưng dẫn cho vua hay lời Kinh Thánh nói về vị vua ấy: “Phần ngươi, hỡi Belem, phần đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.
Thiên Chúa đã ra tay lèo lái công trình cứu độ của Ngài, đưa con của Ngài thoát khỏi cuộc tàn sát đẫm máu của Hê-rô-đê. Và Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng:
– Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!
Ông Giu-se liền trỗi dậy và đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà. Thánh Giám mục Quất-vun-đê-ô, trong một bài giảng vào ngày lễ kính các thánh Anh Hài, đã thẳng thắn vạch ra những sai lầm của Hê-rô-đê, những sai lầm trầm trọng đã dẫn đến những tai hại khôn lường. Đồng thời ngài cũng cao rao những chân lý đức tin ngàn đời của Hội Thánh vốn xác tín rằng Hài Nhi đó là Đấng Cứu Độ trần gian, Ngài đến không phải để tranh giành quyền lực với ai, nhưng để giải thoát con người khỏi mọi trói buộc và mở ra con đường hạnh phúc thật cho những ai sống niềm tin vào Người.
Sai lầm đầu tiên và lớn nhất của Hê-rô-đê là sai lầm về niềm tin. Ông đã không tin Hài Nhi đó. “Giả như ông tin Ngài thì ở dưới thế này ông đã được sống yên ổn và trong cuộc sống mai sau ông sẽ được hiển trị muôn đời” (Trích bài giảng của Đức Giám mục Quất-vun-đê-ô).
Hê-rô-đê còn phạm sai lầm trong suy nghĩ. Ông tưởng rằng Ngài đến để tranh giành quyền lực của ông. “Ngài đâu có đến để lật đổ ông, nhưng để chiến thắng ma quỷ” (Trích bài giảng trên).
Sai lầm trong suy nghĩ dẫn Hê-rô-đê đến hành động lầm lạc, tai hại. “Ông cứ tưởng rằng nếu thực hiện được điều ông muốn (sát hại Hài Nhi) là ông có thể sống lâu, đang khi ông lại tìm giết chính Đấng ban sự sống ?” (Trích bài giảng trên).
Cuối cùng, tham vọng điên cuồng và nỗi sợ hãi cùng những tính toán độc ác đã giết chết tâm hồn Hê-rô-đê và làm mờ mắt ông, khiến ông không nhận ra Hài Nhi đang nằm trong máng cỏ lại là “Chính Đấng giải thoát những tâm hồn đang bị ma quỷ giam cầm. Ngài đón nhận con cái của thù địch và kể chúng vào sổ con cái của Ngài” (Trích bài giảng trên).
Tuy thánh Giám mục Quất-vun-đê-ô không nói ra trong bài giảng của mình, nhưng ai cũng có thể nghĩ được rằng ngài muốn cảnh giác mọi người đừng đi vào lối mòn của Hê-rô-đê xưa, để tránh cho con người những tai ương, đau khổ. Bởi lẽ thời đại nào cũng vẫn có những Hê-rô-đê hôm nay. Đó là những con người nói chung là tàn ác, bất công đã cướp đi hạnh phúc và gây đau thương cho bao nhiêu người.
Cái chết thảm thương của những con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận đã bị vua Hê-rô-đê tàn sát, là tiếng nói tố cáo mạnh mẽ sự độc ác và tàn bạo của một người lãnh đạo. Hướng về những nạn nhân là đám trẻ thơ vô tội ấy, thánh Giám mục Quất-vun-đê-ô đã hết lời ca ngợi: “Chúa Ki-tô đã làm cho các em tuy chưa biết nói, mà cũng trở thành những chứng nhân anh dũng của Người… Ôi! Hồng ân cao cả! Các em chưa biết nói mà đã tuyên xưng Chúa Ki-tô. Chân tay yếu ớt, các em chưa đủ sức xông ra chiến trường, thế mà các em lại được lãnh nhận ngành thiên tuế dành cho người chiến thắng vinh quang” (Trích Bài đọc 2, Sách nguyện).
Con số những hài nhi tử đạo này là bao nhiêu. Không ai có thể đưa ra được con số chính xác. Có những tác giả như ông San-mơ-rông hoặc thánh Giê-rô-ni-mô đã phỏng đoán là con số đó có thể lên tới hàng ngàn. Nhưng thực ra đó chỉ là con số phóng đại do óc tưởng tượng của các ngài. Theo khảo cứu mới nhất của các nhà Kinh Thánh học ngày nay, người ta ước đoán con số các hài nhi vô tội bị Hê-rô-đê sát hại ngày ấy phỏng chừng ba trăm.
Còn về Lễ mừng ?
Lịch sử phụng vụ cũng không cho biết rõ lễ các thánh Anh Hài được mừng từ thời nào ? Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, ít là từ thế kỷ thứ VI Hội Thánh mừng kính các thánh Anh Hài trong mùa Giáng Sinh.
Trong kinh chiều lễ các thánh Anh Hài, Giáo Hội hân hoan ca mừng các thánh trẻ như sau: “Hân hoan chúc mừng những ngành hoa tử đạo, như những bông hồng vừa nở đã bị phong ba vùi dập, các ngài đã bị kẻ thù Chúa Ki-tô triệt hạ ngay khi chập chững trước ngưỡng cửa cuộc đời. Ôi vinh dự thay các ngài là lễ vật đầu mùa của Chúa Ki-tô, là đoàn chiên non hiến tế. Trước bàn thờ Chúa, các ngài vui chơi thích thú với ngành lá chiến thắng và vòng hoa vinh quang”.
Theo lịch phụng vụ hiện hành, lễ này được xếp vào hàng Lễ kính và được mừng vào ngày 28 tháng mười hai hằng năm.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Nguồn: tgpsaigon.net