Ngày 24-09-2023
Chúa Nhật Tuần 25 Mùa Thường niên, Năm A
Lời Chúa: Mt 20,1-16a
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ 7 Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”
GợI ý suy niệm
Hôm nay Chúa sẽ nói với chúng ta: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55,8). Đúng vậy, có bao giờ chúng ta ngạc nhiên và sửng sốt bởi cách hàng động của Chúa không ? Những hành động đó không đúng với tính toán và dự liệu của chúng ta, và có khi đi ngược lại các dự tính của chúng ta.
Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác hẳn con người, khác nhau như trời cao đất thấp. Con người thì thấp hèn nhỏ nhen, hay so đo ghen tị, chỉ thích giữ công bằng mà quên đi tình yêu. Còn Thiên Chúa thì khác hẳn, Ngài không thích chúng ta chỉ sống như người làm thuê, tính toán sòng phẳng như kẻ mua người bán, mà chỉ muốn là người Cha yêu thương hằng săn sóc đến con cái, cung cấp cho nó những cái gì cần thiết và tốt đẹp nhất.
Vì thế dụ ngôn những người thợ được thuê vào giờ thứ 11 mà phụng vụ hôm nay đọc lại cho chúng ta sẽ va chạm đến ý niệm của chúng ta về công bằng trong phân phát. Đấy là vì Chúa Kitô đặt công lý của Nước trời trên một bình diện khác hẳn bình diện của chúng ta dưới thế gian, đến độ mà “đường lối và tư tưởng của chúng ta” bị xáo động và sửng sốt.
Chúng ta hãy cố gắng sống với Chúa như người con thảo, muốn làm đẹp lòng Cha yêu thương. Đừng bao giờ sống như người làm thuê trong nhà Cha mà so đo tính toán với Chúa. Hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, đừng kiêu ngạo, đừng phân bì với tha nhân. Hãy sống trong tình anh em con một Cha trên trời.
Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn này có ý nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa. Ngài là người Cha yêu thương và nhân hậu. Cách cư xử của Ngài không giống với lối cư xử của con người.
Dụ ngôn này gợi cho ta hai cách suy nghĩ:
a) Suy nghĩ của loài người: theo cách cư xử thông thường thì người thợ làm nhiều sẽ được lãnh nhiều, người làm ít sẽ lãnh lương ít. Như thế mới công bằng và hợp lý.
b) Suy nghĩ của Thiên Chúa: ông chủ vẫn trả lương cho người làm nhiều giờ như đã hợp đồng. Nhưng ở đây, ông chủ có lòng quảng đại, muốn trả cho người thợ làm có một giờ cũng được lãnh một quan tiền mà không có hợp đồng, hoàn toàn do lòng tốt của ông chủ. Như vậy, người làm thợ giờ cuối cùng được ông chủ thương cách riêng, không có lỗi đức công bằng.
Ý nghĩa dụ ngôn:
Để hiểu dụ ngôn này, chúng ta phải chú ý tới tâm trạng của người Do thái lúc bấy giờ. Họ quan niệm rằng: Nước trời chỉ dành cho họ những con cái Abraham, còn người ngoại bang, dân ngoại bị loại trừ hoàn toàn. Người Do thái chiếm được Nước trời là vì sự trung thành của họ đối với Lề luật Maisen, được thể diện ở giao ước Sinai giữa Israel và Giavê. Để đả phá quan niệm sai lầm này, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn “Thợ vườn nho” đây, vì Nước trời không phải là món tiền lương, hay một đặc ân, nhưng là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại.
Dụ ngôn này là lời cảnh cáo đối với người Do thái. Người Do thái biết họ là dân được chọn, và không bao giờ quên được sự tuyển trạch đó. Kết quả là họ khinh người ngoại bang, chỉ muốn cho người ngoại bang bị huỷ diệt.
Thái độ này có nguy cơ được đem vào Hội thánh Chúa. Nếu người ngoại bang được cho vào thân hữu của Hội thánh thì phải vào như những kẻ thấp kém hơn.
Trong đạo Chúa không có quan niệm ưu đãi một dân tộc nào. Chính những người tin Chúa lâu năm có thể học hỏi được nhiều nơi những người tân tòng, những người mới bước vào cộng đồng đức tin.
Ông chủ trong Tin mừng hôm nay thật là siêu việt, ông đã thực thi và đề ra chính sách công bằng, bác ái vượt thời gian và không gian. Ông chủ đó chính là Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Đấng cứu thế đã đặt ra giải pháp cứu con người và truyền dạy con người phải biết sống công bằng và bác ái, như thế mới mong xây dựng được một xã hội tuyệt hảo.
Thế nhưng, con người từ bao nhiêu ngàn năm vẫn đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau. “Họ lẩm bẩm kêu trách chủ rằng: bọn sau chỉ làm một giờ mà ông trả bằng chúng tôi sao ?” Ông buộc lòng phải sửa trị thói ghen tị đó bằng cách vạch ra cho họ thấy lòng bác ái cao cả của ông: “Chẳng lẽ tôi không có quyền cho của cải của tôi sao ? Hay vì bạn thấy lòng tốt của tôi, mà bạn ghen tức ư ?”
Tư tưởng của Chúa và của ta:
Loài người chúng ta suy nghĩ giống như một người buôn bán: món hàng trị giá thế nào, vậy phải mua thế nào, bán thế nào ? bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì sai?
Chúng ta áp dụng suy nghĩ ấy chẳng những trong đối xử với người khác, mà còn cho cả Thiên Chúa nữa: tôi đã làm gì và làm bao nhiêu, cho nên Thiên Chúa phải ban cho tôi ơn gì và ban bao nhiêu. Chúng ta cho rằng như thế là công bằng.
Nhưng Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha, yêu thương chúng ta là con. Ngài chỉ có yêu thương và chỉ dùng lòng tốt để đối xử. Đối với từng đứa con, Ngài không xem xét nó đã làm được gì, nó đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ nó cần được chăm sóc như thế nào, ban cho nó cái gì là tốt nhất.
Khi lẩm bẩm trách, những người thợ làm nhiều giờ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên lối suy nghĩ của ông chủ, họ muốn ông chủ đừng làm người cha yêu thương, mà hãy làm người buôn bán vô tình.
Hai bài học cho ta:
a) Bài học thứ nhất: Như đã nói: mọi công việc đối với Chúa đều bằng nhau, vấn đề không phải ở số lượng công việc nhưng ở tình yêu thúc đẩy làm công việc đó. Một người có thể tặng chúng ta một món quà cả trăm ngàn, chúng ta rất biết ơn người đó. Một em bé có thể tặng chúng ta một món quà chỉ đáng giá vài ngàn, nhưng đó là món quà dành dụm đầy nỗ lực và yêu thương của nó, dù món quà nhỏ không giá trị bao nhiêu, nhưng nó khiến chúng ta cảm động nhiều hơn. Thiên Chúa không nhìn vào số lượng công việc của chúng ta. Bao lâu ta còn làm, công việc đều được xếp như nhau trước mặt Chúa.
b) Bài học thứ hai: Đó là tất cả mọi sự Chúa ban cho ta đều là ân sủng của Ngài. Chúng ta không thể làm ra những điều Chúa ban cho, chúng ta không xứng đáng với điều đó. Thiên Chúa cho chúng ta là do bởi lòng tốt của Ngài, bởi ân sủng Ngài. Tất cả những gì Chúa ban cho không phải là để trả công nhưng là quà tặng, đó không phải là phần thưởng nhưng là ân sủng.
Thái độ chúng ta phải có:
Chúng ta phải chấp nhận như một người con khiêm nhường những hành động của Chúa, vì chúng ta biết rằng: động cơ duy nhất thúc đẩy người ta trong sự lựa chọn là tình yêu. Chúng ta hãy khôn ngoan chấp nhận những quyết định của Người với sự mau mắn và biết ơn.
Chúng ta phải hành động như Chúa đối với tha nhân: không ganh tị, không nghiêm khắc, không phán xét xấu, không lên án chung thẩm, nhưng phải thông cảm, ưu ái với “một nụ cười của tâm hồn”.
Muốn nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống theo tinh thần Tân ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến Bác ái. Đối với Chúa, đức công bằng chưa đủ vì như thế chúng ta còn đang sống theo tinh thần Cựu ước, vì Cựu ước chưa được hoàn hảo… Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc cho chúng ta là phải chú trọng đến tình yêu đối với Chúa và với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng bao giờ phân bì với nhau, mà hãy để cho Chúa hành động theo ý Ngài.
Bài Tin mừng trong Thánh lễ hôm nay nhắc cho chúng ta hai điều:
1. Chúng ta phải luôn luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không có gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban. Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Ta hãy nói như thánh Phaolô: “Tất cả là hồng ân”.
2. Mỗi người hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với những gì mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị. Ghen tị làm mất tình yêu thương và gây nên những gương mù gương xấu.
“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn, vì muôn ơn phúc Chúa đã tặng ban cho chúng con suốt cả cuộc đời.
“Xin giúp chúng con lánh xa lối suy nghĩ do lòng ghen tị, và biết cố gắng làm cho trổ hoa kết trái ân phúc Chúa đã ban cho mỗi người, để Chúa được vinh danh, anh em được an bình và hạnh phúc”.
Ta hãy có tâm tình như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng:
Khi hoàn tất việc phải làm
Nâng lòng lên Chúa mà than thở rằng:
Này con vô dụng muôn phần,
Phần con, con đã thi hành mà thôi (Mt 5,16)
Qua dụ ngôn “làm vườn nho”, Đức Giêsu mời chúng ta thay đổi cái nhìn về Thiên Chúa. Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ. Ngài còn là Thiên Chúa của tình yêu (x. 1Ga 4,16), Thiên Chúa của người trộm lành (x. Lc 23,41-43). Qua đó chứng thực sấm ngôn của Isaia: Tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người (x. Is 55,8-9). Cách cư xử của nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Ngài không trọng sang khinh hèn, nhưng yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Ngài không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người.
Phần chúng ta, theo Chúa không cần một sự thỏa thuận được thua hơn kém, theo Chúa là vào làm việc cho vườn nho của Ngài là tin tưởng vào sự công bình và quảng đại của chủ vườn nho. Tình thương của Thiên Chúa khiến chúng ta nhớ đến người trộm lành trên đồi Canvê là người được gọi làm vườn nho vào giờ thứ mười một của nước Thiên Chúa,anh chỉ tín thác “khi về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, trong khi đó bạn anh lên tiếng trước “…” đòi hỏi thỏa thuận “nếu … thì” (x. Lc 23,39-43).
Ước gì con sẽ “không lẩm bẩm” với Chúa, con cũng chẳng “hãnh diện so sánh hơn thiệt” với anh em. Đi vào vườn nho Giáo hội, con không đặt điều kiện đòi hỏi nơi Ngài mình sẽ được gì, nhưng luôn tin và tín thác vào Ngài và cố gắng làm vườn nho.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa nhân từ và công bằng với hết mọi người. Xin cho chúng con sống trọn niềm tin yêu vào Chúa. Chúa luôn yêu thương và ban tràn đầy ơn lành cho chúng con. Chúa cũng không tính toán và không so đo. Vậy tại sao chúng con lại hay so đo và cứ thích thương lượng kèo nèo với Chúa ? Tại sao chúng con cứ so sánh hoàn cảnh của mình với người anh em để rồi ghen tị, mặc cảm, tức giận… ? Xin cho chúng con ý thức và sống cuộc đời đầy tràn niềm hân hoan, vì tin rằng Chúa luôn yêu thương và nhân hậu với chúng con.
Amen.