Ngày 03.09.2023: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.

Ngày 03.09.2023: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.

Ngày 03-09-2023

Chúa Nhật Tuần 22 Mùa Thường niên, Năm A

Lời Chúa: Mt 16, 21-27

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

21 Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” 24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? 27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.

Gợi ý suy niệm

Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta đã trở thành Kitô hữu. Từ ngữ “Kitô hữu” có nghĩa là người thuộc về Chúa Kitô hay người được mang danh Chúa Kitô. Đã là Kitô hữu thì phải theo Chúa Kitô. Theo ở đây không phải chỉ tuyên xưng Ngài là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” như thánh Phêrô đã tuyên xưng. Theo Chúa không phải là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, cũng không phải chỉ thực hành một số tục lệ và nghi lễ do tôn giáo ấn định, như đi xe dự lễ và lãnh nhận các bí tích.

Theo Chúa là phải chấp nhận một số điều kiện khắt khe như Ngài đã đề ra và mời gọi: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Như vậy, ai muốn làm môn đệ Chúa Kitô thì phải từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình trong cuộc sống hằng ngày. Đây là điều kiện khắt khe và quyết liệt đòi chúng ta phải nỗ lực không ngừng, nhưng nó sẽ dẫn ta tới sự sống đời đời.

THEO ở đây không có nghĩa là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, không phải chỉ là mang tên môn đệ của Ngài, mà có nghĩa là bước theo chân Ngài, gắn kết với Ngài, lấy Ngài là làm lẽ sống “sự sống của tôi là Đức Kitô”

Như chúng ta thường nghe và cũng đã nói cái quí giá nhất của con người là sự tự do, nhưng kèm theo nó như hình với bóng còn có một điều hết sức quan trọng và mang đầy tính chất mạo hiểm: đó là sự lựa chọn theo nhận thức của mỗi người. Chính vì sự lựa chọn này khiến con người phải chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động mình. Do đó, khi dùng tự do có ý thức để lựa chọn, con người phải cân nhắc lựa chọn, theo đúng nguyên tắc luật lệ chính đáng, luân thường đạo lý và lương tâm ngay thẳng mới có thể tránh khỏi những sai lầm tai hại về tinh thần lẫn thể xác. May mắn thay cho chúng ta là những Kitô hữu, vì chúng ta đã có Chúa hướng dẫn, ơn Chúa soi sáng giúp chúng ta dễ dàng trong việc chọn lựa.

Bài Tin mừng:

Đây là lần đầu tiên, Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết là Ngài phải chịu bắt bớ, chịu chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Lời tiên báo này làm cho các môn đệ bỡ ngỡ, không hiểu nổi vì các ông vẫn còn cái nhìn và sự hiểu biết của con người, đến nỗi thánh Phêrô phải phản đối. Nhưng Chúa gạt ý kiến này đi và cho các ông biết chính các ông cũng sẽ phải đi theo con đường của Ngài.

Những ai muốn làm môn đệ của Ngài thì phải chấp nhận đi theo con đường của Ngài, con đường đó đòi hai điều kiện căn bản:

– Điều kiện thứ nhất là từ bỏ chính mình.

Đây là phương diện tiêu cực của việc theo Chúa. Quả vậy, muốn theo Chúa thì phải khước từ tất cả những cản trở bên ngoài như tha nhân, xã hội, tạo vật… và do bên trong như chính bản thân mình là các khuyết điểm, thói hư tật xấu, tội lỗi…

Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mình mà chấp nhận thánh ý Chúa. Người ta nói: 3 với 4 là 7, có đúng không? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con số 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 với 4 kề nhau mãi thì làm gì thành 7 được, mà vẫn là 3,4.

Cũng thế, muốn từ bỏ chính mình là phải làm tan rã ý riêng của ta cho hoà vào ý Chúa, lúc đó chúng ta mới thực sự là từ bỏ chính mình.

– Điều kiện thứ hai là vác thập giá của mình.

Đây là khía cạnh tích cực của việc theo Chúa. Quả vậy, theo Chúa thì phải nỗ lực, cố gắng trong việc sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin mừng trong sự chịu đựng và kiên trì.

Nhìn chung, nhân loại phân chia thập giá làm hai thứ: một thứ thập giá nhục hình tử tội đen tối, một thứ thập giá vinh quang sáng ngời. Cả hai đều mang dấu vết thương đau khác nhau: một đàng thương đau xấu xa tiêu diệt, nên gọi là KHỔ GIÁ, một đàng thương đau để được sống trường sinh nên được gọi là THÁNH GIÁ.

Trong đời sống Kitô hữu. ai cũng phải vác thập giá, vì không ai có thể trốn tránh được đau khổ. Đau khổ chính là thập giá chúng ta phải vác hằng ngày. Công việc chúng ta là phải vác như thế nào: tự nguyện hay miễn cưỡng? Theo kinh nghiệm của chúng ta và cũng là của thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, nếu ai vác bổng thánh giá lên thì sẽ thấy nó nhẹ, còn ai vác uể oải hay kéo lê thì thánh giá sẽ trở nên nặng nề… Tuy nhiên, Thiên Chúa biết sức chịu đựng của từng người, có người Chúa trao cho thánh giá nặng, có người Chúa trao cho thánh giá nhẹ, nhưng thánh giá nào cũng vừa sức cho mỗi người.

Ai thi hành hai điều kiện đó sẽ được phần thưởng: “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.

Trong lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta nên để ý đến hai từ “NẾU” và “THÌ”. Khi dùng chữ “nếu” thì luôn luôn giả thiết lời mời gọi ấy hoàn toàn có tính cách tự do, tự nguyện, muốn theo cũng được, không theo cũng được. Nếu không theo thì thôi, còn nếu đã theo là phải bắt buộc dùng chữ “thì”, vì đây là điều kiện bắt buộc, không có không được.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta cần phải nhìn rõ vào gương tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, để can đảm và sẵn sàng từ bỏ mình và vác thập giá mình mà sống theo Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta thấy có mối tương quan biện chứng giữa “mất đi” và “được lại”. Người Kitô hữu chỉ thực sự hạnh phúc, khi dám mất đi cái tạm bợ, để được lại cái vĩnh hằng, dám mất đi cái mau qua, để được cái trường tồn. Người Kitô hữu chỉ thực sự khôn ngoan, khi sẵn lòng “mất đi” sự sống hay chết, để “được lại” sự sống đời đời. Và Chúa Giêsu đã kết luận bài giáo huấn của Ngài bằng những lời này: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì”.

Đứng trước thập giá, đứng trước đau khổ, chúng ta không thể hiểu, không thể cắt nghĩa được vì đó là mầu nhiệm. Cuối cùng, tất cả những gì chúng ta có thể làm khi gặp đau khổ là tín thác vào Chúa Giêsu, Đấng đã phán: “Bất cứ ai chấp nhận mất sự sống mình vì Ta thì sẽ tìm lại được sự sống ấy”. Trong cuộc sống, người ta luôn gặp thập giá, đau thương, gian nan thử thách… Tất cả những cái đó có thể làm nên những điều có lợi cho chúng ta.

Trong thập giá tình yêu trở nên hy lễ sống động: Hy lễ tình yêu mà Chúa Giêsu dâng tiến lên Chúa Cha để đền tội cho nhân loại. Hy tế đó luôn kéo dài trong lịch sử và mời gọi mọi người chúng ta bằng sự đóng góp của bản thân tham dự vào hy tế qua cuộc sống được thánh hóa dưới thập giá, như tâm tình thánh Phaolô khuyên tín hữu thành Rôma “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

Hãy cùng lên Giêrusalem để vác thập giá theo Chúa là lời mời gọi từ bỏ những thực tại hào nhoáng phù du lôi kéo con người đi vào thế gian với vỏ bọc an toàn tạm bợ “được cả thế giới”, nhưng lại đánh mất chính mình, mất tư cách bạn hữu, mất tư cách môn sinh. Từ bỏ tất cả để vác thập giá tiến lên Giêrusalem, để tôi và bạn được như thánh Phaolô: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô” (Pl 1,21) và “biết Đức Kitô là một mối lợi” (Pl 3,8). Khám phá ra thập giá trong đời mà mỗi chúng ta mang và tiến đến đồi Canvê với một tinh thần “vượt qua” mang tình yêu Thiên Chúa.

Nơi thập giá, Ngài mời gọi tôi và bạn cùng xốc vác cuộc đời, trong đó có cái tôi của tài năng, thánh thiện, nhưng cũng có sự khiếm khuyết, bất toàn, đau khổ, thử thách… Ngài không ngừng cứu thoát chúng ta, và chúng ta vác thập giá là cùng Ngài chiến đấu như lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy cùng tôi chiến đấu…” (Rm 15,30).

Từ bỏ mình vác thập giá và nhờ đó mà thập giá của tôi và bạn trở nên hy lễ tình yêu, để xứng đáng tham dự vào hiến tế sống động của Chúa Kitô trên thập giá.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, sự thẳng thắn của Chúa dạy chúng con phải quyết liệt dứt khoát với những cám dỗ xúi dục chúng con chống lại ý Cha. Cha phải là tuyệt đối. Ý Cha phải trên tất cả. Dù là ai, dù là tình nghĩa đến đâu cũng không vì thế mà vị nể. Xin Chúa giúp sức cho chúng con để chúng con được trung thành đi theo đường lối của Cha.

Amen.

Nguồn : fb Holy Gospel & Life