Thánh Đường Đaminh Ba Chuông

 

THÁNH ĐƯỜNG ĐAMINH BA CHUÔNG 

(Trích tập Lưu niệm ba năm ngày cung hiến thánh đường)

 

Thánh Đường Đaminh Ba Chuông 

Lời giới thiệu

LM. GIUSE PHẠM HƯNG THỊNH, OP.

Giữa cuộc trần muôn vạn nẻo thăng trầm, Đức Kitô đã giới thiệu Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Ngài luôn mời gọi con người cùng cất bước trên con đường sự sống, là nhận biết và yêu mến Chúa Cha, để được đoàn tụ hiệp nhất trong Nhà Cha miên viễn.

Người Tín Hữu trong thân phận lữ hành, rất thường khi khát khao một bóng mát cây xanh, ước mơ một mái nhà êm ả. Nhiều lúc muốn ngồi lặng thinh, ngơi nghỉ, thầm thĩ nguyện cầu, phụng thờ trong Nhà Cha nơi dương thế.

Tìm về một mái nhà thân thương, một tình quê bao dung ấp ủ luôn canh cánh bên lòng người lữ thứ. Lạ thay, trong khi Âu Mỹ đang hành trình về phương Đông, để tìm niềm an hoà sâu lắng, thì người Đông Phương lại muốn chạy đua với cuộc bùng nổ công nghệ hiện đại, năng động đến mỏi mệt.

Thánh Đường Việt Nam hôm nay cũng thao thức tìm một con đường. Phô trương hiện đại, to lớn, nguy nga, hoành tráng với đời, có thể là một nhu cầu. Cũng không phải là quá đáng. Thực lòng, một khi tâm hồn đã tĩnh lại, mới nhận ra “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện”. Nhà Cha chính là chặng dừng chân thiêng thánh, nhẹ vơi cho bước đường hành hương đang nặng lòng mang vác cuộc nhân sinh.

Thánh Đường Đaminh Ba Chuông

 

Trong muôn vàn nghĩ suy, trong ngổn ngang chọn lựa, Thánh Đường Đa Minh-Ba Chuông muốn ấp ủ một hoà điệu giữa lòng người với đất trời, giữa kiến trúc dân tộc với cách tân hiện đại, giữa Đức Tin với Văn Hoá. Công trình kiến trúc này rất ước mong mang vác được nét văn hoá Công Giáo cho Quê Hương, đồng thời chuyên chở được Đức Tin tinh ròng vào khung cảnh và nếp sống thờ tự của Dân Tộc Việt Nam, mà không tách khỏi dòng chảy truyền thống ngàn đời của Giáo Hội Mẹ. Bởi vì, một khi Đức Tin có trở thành Văn Hoá và Tin Mừng được diễn tả theo cung cách riêng của mỗi dân tộc, thì Đức Tin và Tin Mừng ấy mới sống động, dồi dào, mới trở thành máu thịt.

Ba năm trôi qua (28.8.2005 – 28.8.2008), Thánh Đường Đa Minh – Ba Chuông đã là một thời sự kiến trúc trong tổng thể cảnh quan của TP. HCM. Dư luận ngọt nhạt gần xa không thiếu. Đến hôm nay, một chút dừng chân để nhìn lại, để xin được tỏ bày một ý hướng và cũng xin được một đồng cảm sớt chia.

 

Thánh Đường Đaminh Ba Chuông

Chân thành cảm ơn Lm Phanxicô Xavie Đào Trung Hiệu OP., đã đóng góp nhiều trong phần lịch sử và nội dung của tập sách này. Trân trọng giới thiệu và mời Quý độc giả cùng chia sẻ với Lm. Giuse Đỗ Trung Thành OP., qua những trang giấy nặng tâm tình về “Thánh Đường Đa Minh – Ba Chuông Hôm Nay” dưới khía cạnh những nhân tố văn hoá. Và cùng với nhà thơ Phanxicô Átxidi Lê Đình Bảng, từ buổi ban sơ đã hiện diện, đã đồng hành. Từ tầm nhìn tinh tế đến tấm lòng gần gụi thân thiện dành cho Thánh Đường nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày Cung Hiến.

 

Giao Ước Yêu Thương : Ngôi Thánh Đường Mới

a. Khởi từ nhu cầu Dân Chúa

Là giáo xứ do một Dòng Tu phụ trách, sinh hoạt giáo xứ ngay từ đầu đã khá phong phú, đa đạng, và đã quy tụ được đông đảo các thành phần dân Chúa từ nhiều nơi trong thành phố. Số người đến tham dự phụng vụ tại đây đông gấp nhiều lần so với số giáo dân trong xứ. Số thành viên trong các đoàn thể, ca đoàn, hay lớp giáo lý vượt xa khỏi ranh giới và quy mô của các giáo xứ thông thường. Nhất là từ khi ân huệ Thiên Chúa được ban phát cách quảng đại qua lời chuyển cầu của vị thánh da màu Martinô.

Chính vì thế trong các thánh lễ Chúa Nhật và các ngày lễ lớn, nhiều giáo dân phải tham dự thánh lễ từ sân nhà thờ, thậm chí có khi còn phải đứng cả ra ngoài lề đường, vừa khó tập trung tham dự phụng vụ vừa cản trở việc giao thông. Khó khăn trên còn lớn hơn nữa vào những ngày mưa bão.

Ngoài ra, khi đó giáo xứ Đa Minh cũng là trụ sở của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, nơi diễn ra nhiều nghi lễ chính thức của toàn Dòng.

 

Thánh Đường Đaminh Ba Chuông
Lễ truyền chức linh mục năm 2007
 

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, ý tưởng xây dựng nhà thờ mới ra đời, với ba yêu cầu cơ bản : tăng thêm diện tích, thực hiện tầng hầm để chứa xe và nếu được có thêm gác lửng… Mong muốn của giáo xứ và tu viện đã được Tỉnh Dòng Đa Minh Việt nam chấp thuận, việc xây dựng từng bước được tiến hành.

b. Đến một ngôi thánh đường xứng hợp

Con đường từ dự tính đến hiện thực không phải là đơn giản. Linh mục Giuse Phạm Hưng Thịnh, ngay khi nhận làm chánh xứ Đa Minh năm 1999, đã coi ngôi thánh đường mới là một ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh thuận lợi và đầy cảm hứng của Giáo Hội theo tinh thần Công Đồng Vatican II, Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cha Giuse đã mạnh dạn khởi xướng việc xây dựng Thánh Đường mới theo định hướng khá rõ rệt là Hội Nhập Văn Hóa.

Trong hướng đi đó, những yêu cầu đề ra cho Thánh Đường tương lai cũng khá cụ thể : một ngôi thánh đường đậm đà bản sắc dân tộc, chắc chắn và rộng rãi, nhưng vẫn phải là nơi giúp ai đến đây cũng đều cảm nghiệm được Giao ước Yêu thương của Đấng đã đến ở giữa con người ; là nơi người tín hữu kín múc được ân sủng cứu độ phong phú của trời cao qua phụng vụ và bí tích. Làm thế nào để có một không gian vừa gần gũi vừa thiêng thánh, có thể giúp con người gặp gỡ được Đấng Vô Hình !

Thánh Đường Đaminh Ba Chuông
Phải mất ba năm cho khâu chuẩn bị. Có đến mười mấy mô hình cho ngôi thánh đường tương lai được giới thiệu. Nhiều mô hình được trưng bày công khai để xin ý kiến của mọi người. So sánh, bổ sung, thêm bớt … cuối cùng mô hình của kiến trúc sư Anthony Phạm Ngọc Anh đã được chấp thuận. Năm 2003 công trình được khởi sự và ngày 28.08.2005, ngôi thánh đường mới đã được cung hiến.
 
 

Để lại một bình luận