Cám ơn Em!
Em, Chiều hôm nay em tới gặp tôi.
Nghe tiếng chuông reo, tôi ra mở cổng. Tôi gặp em. Một cô gái đang ở ‘tuổi trăng tròn’. Em đang mang thai. Cái thai trong bụng em đã khá lớn. Tôi mỉm cười chào em. Em ngước mắt nhìn tôi. Tôi mời em vào phòng khách cộng đoàn. Ngồi vào ghế, em không nói gì, chỉ khóc, và em khóc thật nhiều…
Tôi cố gắng an ủi em. Em nói: “Thầy đừng an ủi con. Cứ để cho con khóc. Con không muốn im lặng. Con chỉ muốn khóc, và khóc thật nhiều…” Mặt em tái. Môi em tím… Em vẫn khóc,… Tôi không biết làm gì. Tôi ngồi nghe em khóc… Cho tới khi em nói được một câu: “Thầy có tin con không?” Tôi trả lời: “Có, Thầy tin con”. Thế là em nói, em nói thật nhiều. Tôi cũng nghe, nghe thật nhiều. Em kể về sự đau đớn mà em đang phải chịu. Còn tôi, tôi cảm nghiệm thương đau em đang mang lấy…
——-
Em sinh ra trong một gia đình có 7 người con. Học hết lớp 9, em phải bỏ học vì gia đình nghèo. Bố mẹ không thể chu cấp tiền học cho em. Vì lo lắng và thương mấy đứa em nheo nhóc, nên em đành phải làm một chuyến ‘Nam tiến’.
Vậy là em đã rời quê hương và đi vào thành phố Sài Gòn hoa lệ. Em đã ở đây được 2 năm. Lúc em ra đi, em mới 17 tuổi. Công việc chính của em là làm ‘ô-sin’… Những ngày tháng đầu, tuy đồng lương em nhận được rất ít ỏi, nhưng thỉnh thoảng em vẫn gửi tiền về để phụ với bố mẹ giúp các em học hành. Bố mẹ của em vốn đã khóc rất nhiều vì em phải đi làm thuê, thì nay lại đau đớn hơn khi cầm những đồng tiền do công sức của em làm ra.
Nhưng với em, em cảm thấy vui hơn vì được an ủi bố mẹ phần nào…
Thế nhưng, thời gian trôi đi – con người cũng thay đổi. Dần dần, em không còn tiền để gửi về cho bố mẹ nữa. Một phần là do vật giá tăng: – “Cái gì cũng lên giá mà lương không tăng Thầy ạ!”, phần khác quan trọng hơn là em đã ‘biết yêu’.
——–
Em tình cờ gặp anh chàng người “Tỉnh Sở”. Từ ánh nhìn đầu tiên, em và anh đã “cảm thấy có duyên với nhau”. Và quả thật, duyên của hai người đã tới. Lúc đó, em chưa đầy 18 tuổi. Em vẫn thơ ngây. Dù sống cả năm trời trong thành phố này rồi nhưng em vẫn chưa biết nhiều về thành phố cũng như môi trường và con người ở đây vì em chỉ giúp việc trong nhà. Thế là, sau một thời gian ngắn gặp gỡ, những “lời ong bướm” của anh ta đã được rót vào tai em như những giọt mật ong nguyên chất. Em nghe mà cảm thấy thích thú. Em thầm nghĩ rằng: cuộc sống đích thực là đây, đời hạnh phúc chính là ở chốn này. Vậy là từ đó em bỏ bê công việc. Em đi chơi nhiều hơn, mua sắm nhiều hơn… Có những lần em đi chơi qua đêm mà không ai biết em đi đâu… Ngày lại ngày, em sống trong “lời nói và cử chỉ ong bướm” của anh chàng kia. Và không lâu sau, em đau đớn khi biết mình đã “dính” (theo ngôn ngữ của em) Khi em “dính” (có thai) rồi thì cũng là lúc em và anh ta có những khúc mắc. Những lời ngọt như mật của anh ta trước đây giờ không con nữa. Mà thay vào đó, em đang phải ‘chịu trận’ bởi những lời mỉa mai, chửi bới: “Con gái mà lì. Đáng chết! Con gái mà không biết phòng – giữ… Bây giờ “dính” rồi ráng chịu!”. Ngày mà em nghe xong những lời cay đắng đó cũng là ngày cuối cùng em nhìn thấy mặt anh ta. Anh ta ra đi, đi mãi; đến nỗi, cho tới bây giờ, không ai biết tin anh ta đang ở đâu.
—–
Em lại trở về với cuộc sống thật của em. Một mình trong phòng trọ, em khóc, em hận… ngày này qua ngày khác. Cái bụng của em càng to, em càng đau đớn – xót xa. Cho đến lúc em không còn một đồng xu dính túi, thì em phải đi ở nhờ những người bạn của em. Một ngày qua đi, hai ngày qua đi, nhưng đến ngày thứ ba, bạn em lại gắt gỏng với em và ‘có ý’ đuổi em đi. Em lại ra đi. Em tìm đến người bạn này, rồi người bạn khác, nhưng ai cũng lắc đầu và ‘biện minh đủ mọi lí do’ để từ chối ước nguyện của em.
* * *
Em quyết định về quê để thưa thật với bố mẹ, đồng thời, xin lỗi bố mẹ và mong được tha thứ. Thế nhưng, khi em về nhà, bố mẹ em đã ngất xỉu khi nhận ra em lại là “một đứa con không chồng mà chửa”. Em không biết rằng, chỉ trước đó một tháng, một tháng thôi, bố mẹ em cũng đã đau đớn đuổi đứa em gái của em ra khỏi nhà. Em gái của em cũng đi vào Sài Gòn làm công nhân. Tuy chỉ mới 17 tuổi nhưng nó cũng đã có thai được 7 tháng rồi. Tác giả của cái thai đó cũng đã “cao chay xa bay” giống như “người yêu” của em… Bây giờ lại thấy em về… Bố mẹ em không sao tưởng tượng nổi. Và bố mẹ đã đuổi em đi, không cho em ở trong nhà một giờ nào: “Hãy đi cho khuất mắt tao! Tao không có những đứa con như mày…” Em hiểu nỗi đau của bố mẹ. Em không muốn làm cho các ngài phải đau thêm. Vậy là em lại tiếp tục ra đi. Nhưng đi về đâu ?… Em ra đường lớn (đường Bắc – Nam), đón xe “trở về” Sài Gòn. Ở đây, em vẫn bơ vơ. Không ai tiếp nhận em. Lang thang từ chốn này qua nơi nọ. Mãi cho tới hôm nay, em mới tới gặp tôi.
Tôi không quen em, cũng chẳng biết em. Em biết tôi vì có một ai đó đã giới thiệu…
* * *
Em thân mến,
Tôi rất mừng khi được gặp em. Tôi mời em một ly nước. Tôi nở nụ cười với em. Em nói trong nước mắt và ngẹn ngào: “Sao Thầy không đuổi con đi như những người đã từng đuổi con? Sao Thầy không chê ghét con mà lại còn mời con uống nước, nói chuyện với con?”
Em, Làm sao tôi đuổi em đi được? Làm sao tôi ghét em được? Em cũng là con người mà! Quý giá lắm em ơi! Con người!
Tôi tạ ơn Chúa vì em đã can đảm, thật can đảm khi em nói rằng: “Sau một thời gian suy nghĩ, con quyết định sẽ không bao giờ làm hại đứa con của con. Con không phá thai. Con không giết nó. Cho dù có ai ghét bỏ, mắng nhiếc con đi nữa thì con cũng sẽ giữ cho được đứa con của con. Như vậy, con sẽ không phạm tội giết người đúng không thầy ?…” Những lời tâm sự của em thật đơn sơ những lại rất sắt – đá và ý nghĩa em ạ!
Em biết không ?
Trong những năm gần đây có rất nhiều người thiện chí đang “hiệp thông với nhau và cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ Sự Sống, cứu lấy các thai nhi ngay tại nơi mình đang sống, trên đất nước quê hương Việt Nam mình và cả trên toàn thế giới”.
Bởi vì, em ơi!,
“Hiện nay, Việt Nam được xem là một trong ba nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, chưa kể vô số các trường hợp phá thai chui và trá hình không thể thống kê được. Đây quả là một cuộc thảm sát dã man có hệ thống và có tầm mức tương đương với tội ác diệt chủng!
Riêng Sàigòn, theo thống kê từ năm 2003 đến nay, trung bình trong hệ thống các bệnh viện công có hơn 100.000 ca nạo phá thai trong một năm. Còn theo số liệu của Trung Tâm Bảo Vệ Sức Khoẻ Bà Mẹ và Trẻ Em ở Sàigòn, tỷ lệ giữa số trẻ bị giết đi và được sinh ra là hơn 1/1. Đây cũng là tỷ lệ chung cho cả nước.
Ngày nay, đối với nhiều người phá thai được xem là “chuyện nhỏ”, và có chiều hướng ngày càng gia tăng nơi người trẻ. “Qua phân tích tại bệnh viện Từ Dũ thì năm 2001 số người dưới 19 tuổi đến nạo phá thai chỉ 208 ca, năm 2003 nhảy vọt lên đến 1.849 ca – tăng gấp chín lần so với 2001”. Đặc biệt, theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, “thường sau những ngày lễ, Tết khoảng nửa tháng, số bệnh nhân nạo phá thai tăng rất rõ”.
Đáng lo ngại là hiện nay ở Việt Nam, nạo phá thai được xem là giải pháp số một khi có thai ngoài ý muốn. Hành động vô luân này không chỉ được xem là hợp pháp, mà còn được hỗ trợ khuyến khích, thậm chí còn được xem là một quyền được pháp luật bảo vệ…” (theo http://www.chuacuuthe.com/?p=8192) Đau thương quá phải không em?
Thú thật với em, những ngày trước khi em đến gặp tôi, tôi đã suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều. Cố tìm cho mình lối thoát nhưng không thể được. Suy nghĩ về những em bé bị giết, bị cắt từng miếng thịt vứt đi ngay từ trong bụng mẹ… Tất cả những điều đó đã là nỗi ám ảnh của tôi. Các em nhỏ đâu có tội tình gì ? Các em đâu có chống trả được những sự tàn bạo của người lớn ? Nhưng, các em cũng đau lắm chứ! Thân hình của các em cũng bằng xương, bằng thịt cả… Thế mà…!
* * *
Em thân mến,
Tôi cám ơn em là vì như vậy.
Giờ đây, em đã có được một cuộc sống khá ổn định và an bình trong Mái Ấm Mai Linh. Đây là nơi dành cho các cô gái lầm lỡ. Theo Soeur Phụ trách thì mái ấm sẵn sàng đón nhận những trường hợp lầm lỡ. Ở đây, họ sẽ được chăm sóc cẩn thận, được học hỏi nhưng kinh nghiệm sống, được dạy dỗ những vấn đề cơ bản về đời sống của người phụ nữ… Đặc biệt, ở đây tạo nên một môi trường tuyệt vời để những người đang mang thai có cuộc sống an bình nhằm tạo nên sự an toàn cho những đứa trẻ sắp được sinh ra.
Chúc mừng em !
Và tôi chỉ hy vọng một điều nơi em là hãy trả lại sự an toàn cho đứa con của em bằng cách sống đời sống an bình trong Mái Ấm đầy ắp tình yêu thương và tha thứ này.
Em thân mến,
Một lần nữa, tôi xin cám ơn em vì tất cả những chia sẻ của em.
Đặc biệt, tôi cám ơn em vì em đã cho tôi và rất nhiều bạn trẻ khác một bài học về sự can đảm – Bảo Vệ Sự Sống.
Tôi tin Chắc rằng, Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ và chúc lành cho em. Vì em đã biết quay trở về sau lỗi lầm của mình; và vì em đã giữ lại cho Thiên Chúa một con người, đó là đứa con yêu quý của em.
Hãy vui cười vì em đã vượt qua những khó khăn và gian khổ.
Hãy vui cười vì muôn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Em nhé !
Xin chào và mong gặp lại em, người em yêu quý!