Niềm Tin Nguồn Năng Lượng Cuộc sống

 

Sinh Viên Nhịp Bước Đaminh
Chuyên đề 10.07.2011

Niềm Tin Nguồn Năng Lượng Cuộc sống

Giáo sư Lê Tôn Hiến (Buổi bốn)

 

Niềm Tin Nguồn Năng Lượng Cuộc sốngSức mạnh của niềm tin

Y khoa đã chứng minh được sức mạnh diệu kỳ của niềm tin con người. Niềm tin này có thể giết chết hoặc cứu sống một người.

Tác hại của Niềm Tin Tiêu Cực

Trong chúng ta đã nhiều người biết về câu chuyện đưa nhầm hồ sơ bệnh án. Một bệnh nhân sau khi được khám bịnh, bác sĩ phát hiện người này mắc bệnh ung thư, nhưng khi đưa giấy kết quả khám bệnh, vị bác sĩ này đưa nhầm “kết quả là hoàn toàn bình thường”, vì tin vào vị bác sĩ cùng với giấy kết quả trên tay, nên người mắc bệnh ung thư đã vui vẻ sống tiếp mấy chục năm còn lại của đời mình. Trong khi đó, người bệnh nhân bình thường, khi nhận được hung tin là mình bị ung thư, mặc dù không bị ung thư, nhưng người này cứ tin là mình bị bệnh, nên nhanh chóng suy sụp và chết vài tuần sau đó.

Hay, một câu chuyện có thật tại Mỹ, anh này được chuẩn đoán là ung thư. Vào thời điểm đó bị ung thư là một tin khủng khiếp với cả bệnh nhân, thân nhân và toàn đội ngũ bác sĩ, vì vào thời điểm đó, bịnh ung thư là một bệnh lạ và chưa có thuốc chữa trị. Bầu không khí ảm đạm chụp xuống, bóp nghẹt tư tưởng muốn sống của bệnh nhân và chẳng bao lâu sau người này đầu hàng tử thần. Và để tìm hiểu căn bệnh ung thư này như thế nào, đội ngũ bác sĩ đem thi thể anh này ra mổ xẻ để nghiên cứu, nhưng lạ lùng thay, khi mổ thi thể người bệnh nhân, người ta thấy rằng dường như không có dấu hiệu ung thư, tức anh ta không mắc bệnh ung thư, vì dấu hiệu cho thấy chỉ là một vài vết nám ở gan và một chấm nhỏ nơi phổi. Hội đồng y khoa nhận xét: “Bệnh nhân này không chết vì ung thư mà chết vì tuyệt vọng”.

Với hai ví dụ ở trên, chúng ta thấy niềm tin của con người có sức mạnh thật khủng khiếp – nếu ta có niềm tin tích cực, cuộc sống của chúng ta sẽ có sức mạnh để vượt qua những khó khăn trên đường đời và nhờ đó mà những “ước mơ” của chúng ta trở thành hiện thực.

 

Niềm Tin Nguồn Năng Lượng Cuộc sống

Trao đổi theo tổ 01

Y Khoa Chứng Minh Sức Mạnh của Niềm Tin Tích Cực

Niềm tin có sức mạnh vô cùng to lớn, có thể chữa lành những cơn bệnh mà khoa học tiên tiến gặp khó khăn hay thường để lại tác dụng phụ.

Bắt đầu bằng những căn bệnh của trí não như bệnh Parkinson’s, người mắc bệnh thường không kiểm soát được cử động của bắp thịt, nặng hơn là bắp thịt tê cứng, không hoạt động được. Tuy nhiên, khi bệnh nhân bị tê cứng được yêu cầu bước qua một vạch kẻ trên nền nhà, người này đã bước qua được, chứng minh rằng ý muốn của bệnh nhân đã đánh thức não bộ, giúp thần kinh phản ứng.

Đối với các căn bệnh gây đau đớn cho bệnh nhân, y khoa bắt đầu tránh tác dụng phụ của một số loại thuốc bằng cách cho bệnh nhân uống thuốc giả dược (placebo) (làm bằng bột và đường). Người bệnh nhân đã tin đó là thuốc thật và rất công hiệu, uống vào sẽ giảm đau, nên khi uống viên thuốc giả làm bằng bột và đường này, người bệnh thấy bớt đau đớn như thuốc thật.

Niềm tin không chỉ có tác dụng đối với những căn bệnh thiên về trí não như trên mà còn rất công hiệu với những căn bệnh thuộc loại cần đến dao kéo, mổ xẻ, bằng chứng là sự thành công của những ca “giải phẫu giả”. Trong trường hợp này, bệnh nhân vẫn được chích thuốc mê, nhưng liều lượng ít lại để bệnh nhân có thể cảm nhận được mình đang được các bác sĩ phẫu thuật thực sự và sau đó là băng bó lại như bình thường. Với niềm tin là ca mổ thành công tốt đẹp nên bệnh nhân vui vẻ chờ đến ngày cắt băng và thấy mình đã có thể cử động bình thường mặc dù thực tế chẳng có ai mổ xẻ cái chân của anh cả.

 

Niềm Tin Nguồn Năng Lượng Cuộc sống

Trao đổi theo tổ 02

Xây dựng Niềm Tin Tích Cực

Niềm tin thực sự là một sức mạnh to lớn của con người mà chúng ta không biết đến và không sử dụng được nguồn lực vô giá này. Bởi thế, ngay từ bây giờ mỗi người chúng ta hãy tập cho mình có được một niềm tin vững mạnh. Đối với người công giáo, chúng ta rất có thuận lợi cho việc phát triển niềm tin vì chúng ta đã có sẵn đức tin, niềm tin vào Thượng Đế – Thiên Chúa.

Có một số thí nghiệm nhỏ để chúng ta kiểm chứng sức mạnh nội tại nơi ta. Cầm nhiệt kế để đo thân nhiệt cơ thể, bình thường thì nó sẽ chỉ 370C. Nhưng hãy nhắm mắt và tưởng tượng mình đang cầm một vật gì đó rất nóng, than hồng chẳng hạn và cảm nhận sức nóng của nó truyền đi. Lúc này mở mắt ra chúng ta thấy nhiệt kế có thể lên đến 500C. Nếu chúng ta thích một thí nghiệm mang tính xã hội hơn thì hãy nghĩ lại xem mình có ghét ai không và bây giờ tập tưởng tượng là người đó tốt với mình và mình cũng tốt với người đó. Nếu tưởng tượng được như vậy thì tự nhiên mình và người đó sẽ cư xử với nhau như những người bạn tốt chứ không phải như kẻ thù nữa.

Ngoài ra, có một cách rất tốt để chúng ta tập cho mình niềm tin tích cực, là suy nghĩ lạc quan. Một cách gieo mầm lạc quan là nghe Âm Nhạc. Khi chúng ta nghe nhạc (nên là nhạc không lời), âm thanh tạo nên cảm xúc, năng lượng từ sự cộng hưởng giữa sự nhịp nhàng của âm nhạc và nhịp của cơ thể ta được chuyển từ vật lý sang tâm lý, tạo nên cảm giác hòa hợp, có lợi cho sức khỏe của ta. Khi cảm xúc ảnh hưởng đến tư tưởng, năng lượng chuyển từ tâm lý sang tinh thần, và khi tư tưởng tác dụng đến cơ thể, năng lượng chuyển từ tinh thần đến thể xác trong một sự cộng hưởng nhịp nhàng, tạo nên sự hòa hợp, có lợi cho sức khỏe. Nói một cách khác, niềm tin của bạn như thế nào, các tế bào sẽ đáp ứng theo như thế.


Niềm Tin Nguồn Năng Lượng Cuộc sống

Cha Đặc trách cảm ơn thuyết trình viên

Dứt khoát tử bỏ ý nghĩ tiêu cực: Tránh Bi Quan ! Đừng Run Sợ!

Cảm giác sợ hãi là do một tế bào của hormone thượng thận. Không có cảm xúc ấy thì không có hormone; không có hormone thì không có cảm xúc. Tương tự như vậy, không có đau đớn nếu thần kinh không truyền đi tín hiệu đau đớn. Và sẽ không hết đau đớn nếu tế bào thần kinh không chặn lại tín hiệu đau đớn. Khám phá giản dị này đã đặt nền tảng cho nền y học mới xử lý những tương quan tinh thần và thể xác.

Niềm tin của ta, dù lạc quan hay bi quan không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác dụng đến nhiều mặt trong đời sống.

Mahatma Gandhi đã minh chứng, biến tư tưởng của ông thành thực tế, là vận mệnh của nước Ấn Độ độc lập. Đây là lời của ông:

Niềm tin gợi tư tưởng
Tư tưởng thoát thành lời
Lời tuyên ngôn hành động
Hành động thành tập quán
Tập quán xác minh giá trị
Giá trị quyết định vận mệnh.

Thanh Phong lược ghi.


Để lại một bình luận