Chúa đã sai tôi đi

 

 

Chúa đã sai tôi điĐức Giê-su, trước khi về trời, theo thánh sử Mát-thêu ghi lại, thì Ngài đã có lời truyền dạy với các tông đồ, rằng: “Anh  em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy”.

Thật ra, không đợi tới lúc về trời, mà ngay khi còn tại thế, Đức Giêsu đã coi sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng là một việc hệ trọng. Chính vì thế, ngay khi bắt đầu sứ vụ, Ngài đã cất tiếng mời gọi một số người để họ trở thành những người tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Đầu tiên là An-rê và Simon Phêrô, kế tiếp là Giacôbê và Gioan, sau đó là Philipphê, Nathanael, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông An-phê, Tađêô, Simon thuộc nhóm quá khích và Giuda Itcariot.

Ngày nay, không biết tự bao giờ, hễ nói tới sứ mạng truyền giáo, không ít người (Công Giáo) cho rằng, đó là việc làm của các tông đồ xưa, và của các linh mục, tu sĩ nam nữ, hôm nay. Những người suy nghĩ như thế, cho rằng, phải là họ, vì họ là những người được huấn luyện bài bản, cũng như các tông đồ xưa, các ngài cũng đã được Đức Giê-su quy tụ lại “để các ông ở với Người”,  và ban cho các ngài “quyền trên các thần ô uế”.

Nghĩ như thế cũng không sai, tuy nhiên, với Đức Giê-su, quan điểm của Ngài không là như thế. Tất cả, tất cả những ai là môn đệ của  Ngài, họ phải nhận “sự vụ lệnh”, hay nói theo ngôn ngữ Giáo Hội hôm nay, đó là bài sai, bài sai để thi hành một lệnh truyền mà Ngài đã truyền dạy, trước khi về trời.

Câu chuyện Đức Giê-su sai “Bảy Mươi Hai người khác”, không phải là nhóm Mười Hai, như là một cách nói lên quan điểm  đó và cũng là khởi đầu cho một truyền thống đẹp, một truyền thống mà sau  này chúng ta cần noi theo.

Vâng, chuyện được thánh sử Luca tóm tắt rất ngắn gọn. Chuyện rằng: Sau đó, Đức Giêsu “chỉ định bảy mươi hai người khác và sai các ông cứ từng hai người một… vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”. (Lc 10,1).

Khác với nhóm-mười-hai, nhóm này đi với sứ vụ “rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Còn nhóm bảy mươi hai,  nhiệm vụ của các ông là loan báo cho mọi người biết “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Ngôn sứ Isaia có nói : “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52, 7)

Và, quả đúng như vậy. Với nhóm Mười Hai, trước đó.  Vâng, đẹp thay hình ảnh những vị sứ giả của Đức Giêsu, họ đã “trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa trị họ khỏi bệnh” (Mc 6, 13). Và nhóm Bảy Mươi Hai, hôm nay, thì sao? Thưa,  Họ trở về hớn hở nói với Đức Giê-su. “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”.

Vâng, câu chuyện đúng là rất ngắn gọn, ngắn gọn nhưng cũng đủ để chúng ta nhận thấy, nhóm Bảy Mươi Hai, tuy không được tuyển chọn cách đặc biệt như nhóm Mười Hai, nhưng họ vẫn “hớn hở”  đón nhận “bài sai”, bài sai do chính Đức Giê-su sai đi một cách hăng say, nhiệt thành. Hôm đó, họ đã để lại khắp thôn làng những hình ảnh đẹp của vị sứ giả.

Qua câu chuyện này, nên chăng, đã đến lúc  chúng ta phải ý thức rằng, là một Ki-tô hữu, dù được gọi ở vai trò nào trong Giáo Hội, công việc truyền giáo là công việc không của riêng ai! Thưa, đúng vậy.

Vậy, bạn được ơn gọi là linh mục ư! Tốt. Hãy tiếp tục thực hiện tâm niệm  của ngài Gioan Maria Vianney. Vị linh mục này tâm niệm rằng: “Nếu một ngày nào đó tôi được làm linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”.

Ngài có làm được điều tâm niệm của mình không? Thưa, thay cho câu trả lời trực tiếp là một lời nhận xét gián tiếp, nhận xét rằng, ngài chính là: “Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân” (Đức Piô XII). Do bởi đâu mà ngài nhận được danh hiệu này? Thưa, được là do ngài đã thể hiện “lòng thương xót của Chúa đối với các tội nhân”, với những ai có lòng sám hối đến với ngài.

Bạn được ơn gọi là tu sĩ nam nữ ư! Vâng, khi nói về các tu sĩ nam nữ thi hành sứ vụ truyền giáo, có thể nói rằng, chúng ta không thể nói hết những gương mặt nổi bật, mà chỉ cần nói về một Mẹ Tê-rê-sa Calcutta, như là một mẫu mực cho chúng ta, trong sứ vụ  thi hành sứ mạng truyền giáo, là đủ.

Mẹ đã làm gì để chúng ta có thể coi đó như là mẫu mực? Thưa, theo con tim, Mẹ “hoàn toàn thuộc về những người bất hạnh và khổ đau”. Làm thế nào Mẹ “lèo lái” con tim mình, hướng về những con người bất hạnh và khổ đau? Thưa, cũng nhờ tâm hồn Mẹ tràn ngập “lòng thương xót của Chúa”, một lòng thương xót của Chúa đối với các bệnh nhân, người nghèo.

Thế còn, nếu chúng ta được ơn gọi là những tín hữu bình thường (con nhà nghèo, học lực kém, ngoại hình không đẹp), thì sao? Thưa, chẳng sao trăng gì cả. Có sao là, khi được gọi, chúng ta có ra đi với một “con tim”, một con tim nhân hậu, hiền lành, khiêm nhường! Nói cách khác, đó là một con tim tràn ngập  “lòng thương xót của Chúa”, hay không!

Hãy nhớ rằng, tất cả những sứ giả loan báo Tin Mừng, động lực thúc đẩy họ ra đi đều phát xuất bởi “con tim”. Thế nên, đừng ngạc nhiên việc Đức Giê-su, khi sai Bảy Mươi Hai người khác, Ngài đã nói: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép”. Trái lại,  Ngài đã khuyên những vị sứ giả của mình “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”, một cử động của con tim, một con tim tràn đầy lòng nhân ái.

Về chuyện “tiền bạc”, chúng ta hãy nhìn tấm gương hai vị sứ giả tiên khởi là tông đồ Phê-rô và Gioan. Ra đi không tiền bạc, nhưng hai vị vẫn được xem là những vị sứ giả  đem đến sự bình an và hạnh phúc cho tha nhân.

Vâng, chuyện kể rằng: Một hôm, ông Phê-rô và ông Gioan lên Đền Thờ. Cùng lúc đó, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày người ta đặt anh ta bên cửa Đền Thờ, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. Vừa thấy hai vị tông đồ đi đến, anh ta liền xin bố thí. Hai ông nhìn thẳng vào anh ta, và niên trưởng Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây”.

Ôi! trời ạ! Tưởng rằng ngư phủ Phê-rô cho anh ta vài ký lô cá, (hồi đó chưa có vụ cá chết như ở Vũng Áng hôm nay, nên việc có cá cũng là một niềm vui, phải không, thưa quý vị!), thế nhưng, ai ngờ ông Phê-rô nói: Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây”.

Tông đồ Phê-rô có cái gì? Thưa,  “lòng thương xót của Đức Giê-su người Nazareth”. Hôm đó, ngài lớn tiếng nói với anh ta rằng: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi”.  Đẹp thay dấu chân người sứ giả loan báo Tin Mừng. Hôm đó, anh què “đứng phắt dậy, đi lại được” (x.Cv 3, 1-10)

Thế nên, dù chúng ta không phải là giám mục, cũng chẳng phải là linh mục hay là tu sĩ, mà  là một bác sĩ, một nữ điều dưỡng, một giáo sư, một người công nhân, một anh chạy xe ôm, một chị quét rác bên đường, một người chồng, một người vợ v.v… chúng ta vẫn có thể ra đi loan báo Tin Mừng.

Chỉ cần một gói hành trang giản dị, đó là một tâm hồn đừng để “lương tháng đè nát lương tâm”, đó là một tâm hồn  “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”. Nói tắt một lời, đó là cần có “lòng thương xót của Chúa đối với tha nhân” trong gói hành trang của ta.

Thưa quý  bạn,  quý bạn có nhớ hôm ông tổng thống xứ sở cờ hoa Barack Obama đến Việt Nam không? Quý bạn có thấy hàng ngàn, hàng ngàn người, từ Hà Nội đến Saigon, không ngại trời mưa, nô nức chờ  đón  ông ta?

Tại sao họ lại nô nức như vậy? Phải chăng, vì họ nghĩ rằng, trên đường đi, ông ta sẽ quăng kẹo sô-cô-la, rải  đô-la đầy đường phố, để chúng ta bu lại giành giật, một cách hành xử như những chú lính Mỹ, thời trước năm 1975, ở miềm nam Việt Nam?

Thưa, không phải vậy.  Người ta nô nức  chờ đón ông ta, chỉ vì, người ta tin rằng, ông ta sẽ đem đến cho Việt Nam một luồng gió mới, nhiều niềm vui hơn, hạnh phúc hơn với nhiều niềm hy vọng hơn. Vâng, hành trang của ngài Barack Obama, chỉ là một vài bài diễn văn, thế mà cũng gây được cảnh người ta “nô nức”….

Làm một so sánh, thì,  gói hành trang của chúng ta “nặng ký” hơn. Nặng ký do bởi có được lòng thương xót của Chúa, một lòng thương xót thật sự đối với những ai “nô nức” chạy đến với Ngài. Thế nên, dẫu cho chúng ta “không mang theo tiền bạc, bao bị”… hãy tin, thiên hạ, có ai lại không muốn đón tiếp chúng ta. Có ai lại không tràn trề niềm vui, hạnh phúc và hy vọng!

Hơn thế nữa, chính gói hành trang như thế, nó đem lại cho ta mãnh lực khuất phục những con quỷ mang tên tham lam, những con quỷ mang tên “lương y như từ mẫu….ghẻ, những con quỷ mang tên “kiêu ngạo, vị kỷ, ích kỷ”. Mà, ở đâu sự kiêu ngạo không còn, sự ích kỷ bị khuất phục, có lẽ nào ở đó, không có niềm vui và hạnh phúc!

Vâng, giờ đây, chúng ta hãy để một phút thinh lặng, và  nghe lại lời Chúa Giêsu đã nói, “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Nghe xong, hãy tự hỏi, tôi có là “thợ gặt”  của Chúa? Nếu chưa, coi chừng thánh Phao-lô quở trách ta: “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng”.

Nếu đã là thợ gặt của Ngài, đừng chần chờ nữa, chúng ta hãy đưa tay nhận lấy “lệnh lên đường”, và đừng quên nhìn lên thánh giá Đức Ki-tô, cây thánh giá cứu độ, mà xác tín, rằng: “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi. Sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi. Sai tôi đi, Ngài sai tôi đi”. Vâng, chúng ta hãy xác tín một lần nữa, rằng: “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi”.

Petrus.tran

 

 

 

 

Để lại một bình luận