Sách Thánh Vịnh có chép rằng: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”. Bạn có tin không? Về điều này, Thiên Chúa luôn trước sau như một, Người là Đấng thành tín, như Kinh Thánh có chép: “Chúa nhớ lại giao ước của Người…” (x.Tv 106, 45)
Vâng, thời Cựu Ước, Người nói gì làm gì, thì, thời Tân Ước, Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Ki-tô, Người cũng làm như thế. Nghĩa là, Người cũng luôn “ra tay” cứu giúp đối với những ai “tin tưởng vào Người”.
Thế nào là “tin tưởng vào Người”? Thưa, câu chuyện ông Si-môn, nghe lời Đức Giê-su, dong thuyền ra khơi, sẽ là câu trả lời cho chúng ta. (x.Lc 5, 1-11)
Vâng, chuyện là thế này: Hôm đó, mọi ngày như mọi ngày, sau một đêm vất vả đánh cá, ông Simon cùng nhóm bạn ngư dân “đang giặt lưới”. Gần đó, bên bờ hồ Ghen-ne-xa-ret thấp thoáng bóng dáng Đức Giê-su. Sự xuất hiện của Ngài lập tức được loan ra, không ai có thể ngờ rằng, Ghen-ne-xa-ret trở nên náo nhiệt với cảnh “dân chúng chen lấn nhau đến gần Người”.
Với những lần trước, dân chúng đến gặp Đức Giêsu nhằm mục đích xin chữa bệnh. Còn hôm nay, họ đến là để “nghe lời Thiên Chúa”. Vâng, làm sao không nghe cho được, với một “ông Thầy” lời giảng thì mới mẻ, người giảng thì có uy quyền.
Hôm đó, họ đến rất đông, đông đến nỗi Đức Giêsu đã phải “xuống một chiếc thuyền” và Ngài đã nói ông Simon, chủ nhân chiếc thuyền đó, hãy “chèo thuyền ra xa bờ một chút”, như một cách để tái lập lại cảnh chen lấn mất trật tự. Con thuyền đánh cá của ông Simon trở thành một “tòa giảng” dã chiến. Rồi, chuyện kể tiếp rằng: “Đức Giê-su ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông”.
Không thấy thánh sử Luca nói Đức Giê-su đã giảng những gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể đoán rằng, hôm đó, trong bài giảng Đức Giê-su đã có lời mời gọi mọi người “hãy ký thác đường đời cho Chúa”.
Tại sao lại khẳng định như thế? Thưa, đó là dựa vào lời truyền dạy, sau đó, của Đức Giê-su với ông Simon. Vâng, hôm đó, sau khi giảng xong, Đức Giêsu nói với ông Simon “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4) Chèo ra chỗ nước sâu! Ôi! Trời ạ! Cả một biển hồ, chỗ-nước-sâu là chỗ nào? Giêsu, một tay thợ mộc lại rành “ngư trường” hơn tay ngư phủ lão luyện Simon sao!
Suốt cả đêm, một thời điểm rất thuận lợi cho việc đánh bắt cá, thế mà các ông vẫn “không bắt được gì cả”, giờ đây, sáng bảnh mắt rồi lại bảo ra khơi thì có nghịch lý không kia chứ! Thế nhưng, ngư phủ lão luyện Simon lại “nghe lời” anh thợ mộc Giêsu. Tại sao ư! Thưa, bởi Simon nhìn ra Đức Giêsu là một bậc Thầy, không phải là một loại “thầy dạy nghề” nhưng là bậc Thầy của quyền năng.
Chính mắt Simon chứng kiến anh thợ mộc Giêsu, chỉ một lời “ra lệnh” thế mà “bà mẹ vợ” của ông ta “đang bị sốt nặng” bỗng nhiên “cơn sốt biến mất”. Chưa hết, chính mắt Simon thấy ông thầy Giê-su đã “chữa lành nhiều người đau yếu”(Lc 4, 40) Cho nên, hôm nay, “oải” thì có oải đấy, nhưng thi hành “lệnh” của Thầy Giêsu, một lần thôi, thì đã có sao! Thế là họ ra khơi. Và phép lạ đã xảy ra.. Câu chuyện được kể lại rằng, “họ bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5, 6).
“Hãy ký thác đường đời cho Chúa”. Vâng, ông Simon và các bạn của ông đã ký thác. Sự ký thác đó, không chỉ đem lại cho các ông “hai thuyền đầy cá”, nhưng còn cho các ông nhìn thấy Thầy Giê-su chính là “Chúa”, một Đức Chúa mà các ông đã dám “bỏ hết mọi sự mà theo Người”.
“Hãy ký thác đường đời cho Chúa”. Phải chăng đây cũng là lời mời gọi mỗi chúng ta? Hôm nay, chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của một năm. Và, chắc hẳn mỗi chúng ta, cũng giống như các môn đệ xưa, thay vì đang “uể oải” giặt lưới, nhưng là uể oải xem lại mình đã được gì sau một năm “cày cục” làm ăn… Phải chăng, có điều gì đó cũng tương tự như các môn đệ xưa, nay xảy ra cho chúng ta chăng? Nếu đúng vậy, chúng ta sẽ phải làm gì?
Về điều này, Lm. Charles E.Miller chia sẻ: “Có lẽ anh chị em không rơi vào tình huống này. Thế nhưng, mỗi chúng ta đều phải dành thời gian để chiêm niệm làm sao Thiên Chúa đã hành động trong cuộc sống mỗi người theo cách vượt quá những gì chúng ta dự tính hay mong đợi”.
Vâng, là một Ki-tô hữu, không gì tốt hơn là chúng ta hãy nghe lại lời Đức Giê-su khuyên dạy, rằng: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không tích thu vào kho: thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em chẳng quý giá hơn sao?… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy…”
Với thánh Phao-lô, ngài đã có được một cảm nghiệm, nên đã có lời khuyên: “…Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa và ơn Người ban đã không vô hiệu” (1Cr 15, 10) Với lời khuyên của thánh nhân, điều chúng ta cần làm, không phải là mỗi tháng chúng ta thu nhập được bao nhiêu, nhưng là, tôi đã xử dụng phần thu nhập của mình, do Chúa ban, như thế nào, mà thôi. Hơn nữa, hãy nhớ lại, sau khi cho các môn đệ “hai thuyền đầy cá”, điều Đức Giê-su muốn nơi các ông, không phải lưới cá, nhưng là “lưới người”.
Thế nên, vấn đề của chúng ta hôm nay, không phải là ngồi tính toán lưới được bao nhiêu cá, thu nhập được bao nhiêu tiền, nhưng là lưới được bao nhiêu “tình người”.
Lưới được bao nhiêu “tình người” ư! Vâng, sẽ có một chút “thua thiệt” đó. Thế nhưng, sự thua thiệt đó chính là miếng “mồi câu”, câu những con cá “thẳng thắn, thật thà”. Còn nữa, sự thua thiệt đó sẽ dệt lên tấm lưới, một tấm lưới “bác ái hy sinh quên mình”.
Hiểu được như thế, chúng ta sẽ không ngần ngại tự đặt cho mình một câu hỏi, hỏi rằng: “Tôi đã sẵn sàng ra khơi”? Vâng, câu trả lời, tất nhiên, là dành cho mỗi người. Thế nhưng, hãy nhớ, dù chúng ta “ra khơi” cho công việc mưu sinh, hoặc cho công việc “lưới người”, cũng đừng quên “Hãy ký thác cho Chúa”. Chưa hết, còn phải có một niềm tin, tin rằng “Ơn Chúa cùng với tôi” (x.1Cor 15, …10)
Petrus.tran