Chúng ta đang bước vào trung tuần tháng tám. Vào tháng này, cứ sự thường, không ít người nghĩ rằng: mùa thu đến. Và chắc hẳn, với những người thích mơ mộng, họ sẽ không thể không thổn thức bên tách cà phê, nghe Lệ Thu nức nở: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. Mùa thu đã chết, em nhớ cho… mùa thu đã chết, em nhớ cho… mùa thu đã chết… đã chết rồi”.
Riêng đối với chúng ta, cũng như toàn thể Hội Thánh Công Giáo, thì không. Vì sao? Thưa, là bởi, tháng tám, chính xác là ngày 15.08, chúng ta trọng thể Mừng Kính Đức Maria lên trời. Trước niềm vui Đức Maria lên trời, có gì mà phải nức nở với những “chết chóc” của mùa thu. Với niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta cũng sẽ được lên trời, như Đức Maria.
Thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Con đường nào đã đưa Đức Maria lên trời? Vâng, dựa vào những gì đã được ghi lại trong Kinh Thánh, chúng ta có thể khẳng định rằng: đó chính là con đường phó thác “Xin Vâng”.
Thật vậy, hơn hai ngàn năm xa trước đó, tại một “thành miền Galilê, gọi là Nazareth ”. Thiên Chúa đã sai sứ thần Gáp-ri-en đến gặp một “trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria”.
Không có tiếng sấm rền vang, chỉ là một sự tĩnh lặng với những lời mời gọi chân tình. Thiên Chúa qua sứ thần đã cất lên lời chào hỏi dịu êm “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Và có lời chào hỏi nào ngọt ngào hơn khi sứ thần Gáp-ri-en nói tiếp “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.
Vâng, thật đẹp thay khi sứ thần nói với Maria rằng: “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…”
Chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã. Lại là cư dân của Galilê, gọi là Nazareth, một địa danh được biết đến như là một nơi “chẳng có cái gì hay cả…”, thế mà lại được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ “Con Đấng Tối Cao” ư!
Nghe những lời loan báo đó, cô Maria không khỏi bối rối nên đã cất tiếng thở than… “việc ấy sẽ xảy ra cách nào…”. Bỡi lẽ, Maria nói với sứ thần, rằng “tôi… tôi không biết đến việc vợ chồng”.
Thế nhưng, đó vẫn là cách Thiên Chúa tuyển chọn. Xưa kia, Người đã tuyển chọn một Môsê, dù ông ta “không phải là kẻ có tài ăn nói” (Xh 4, 10) hoặc như ngôn sứ Giêrêmia, khi ông ta “còn quá trẻ (và cũng) không biết ăn nói” (Gr 1, 6). Còn hôm nay, cũng không là ngoại lệ, bởi vì, như lời sứ thần Chúa đã nói “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Có thể nói, lời đáp của sứ thần đã khơi ngọn lửa đức tin nơi Maria. Và lời trấn an kèm theo lời hứa ban “Xin đừng sợ… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”, những lời đó như một một luồng gió ân sủng, nhờ thế cô Maria đã mạnh dạn thốt lên lời “xin vâng”.
Vâng, câu chuyện chép lại rằng, bà Maria đã nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Sự phó thác xin vâng đã thay đổi một Maria, từ chỗ chối từ lời mời gọi; nay Maria trở thành một con người của tận hiến. Tận hiến cả cuộc đời mình cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Kể từ khi Maria chính thức lãnh nhận sứ vụ. Một sứ vụ mà nếu không nhờ đến “Đấng Toàn Năng” thì có lẽ cô Maria đã không đủ niềm tin để mà ca trọn bài ca Manificat. Thật vậy, suốt những năm tháng thực thi sứ vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Maria đã không biết bao nhiêu lần “suy đi nghĩ lại trong lòng” về những biến cố đã xảy ra…
Có thuở nào một vị Cứu Chúa của muôn dân mới sinh ra đã phải “nằm trong máng cỏ”.
Chưa kể đến cuộc “vượt biên” trốn sang Ai-Cập “vì Hêrôđê sắp tìm giết hài nhi’’ (Mt 2, 14). Và có buồn không kia chứ, khi gia thất của một quân vương đã phải từng bước chân âm thầm lao nhọc vất vả ở Nazareth ba mươi năm có lẻ… để rồi kết cuộc là đồi Golgotha nghiệt ngã; với người Mẹ bàn tay ôm trái tim nghẹn ngào nhìn người con yêu của mình “chỉ vì tình yêu đã phải nhục thân chết cho trần gian… Để cứu muôn người lỗi tội’’…
MARIA không dừng bước… Maria vẫn tiến bước từ Cana đến Golgotha… Maria vẫn ‘’hớn hở vui mừng’’ vì Mẹ tin rằng “Phận nữ tỳ hèn mọn” của mình, Thiên Chúa ‘’Người (vẫn) đoái thương nhìn tới’’.
Vâng, bước trên con đường như thế, chẳng có gì để nghi ngờ nữa. Con đường đưa Đức Maria lên trời, chính là con đường phó thác “Xin Vâng”. Đúng! Sự phó thác xin vâng của Đức Maria không có gì phải nghi ngờ, phủ nhận hay bàn cãi.
Điều đáng phải “bàn” đó là, để được cùng “lên trời” với Đức Maria, chúng ta cũng sẽ đi con đường mà Đức Maria đã đi? Chúng ta sẽ “dõi bước theo Mẹ” và lòng chúng ta sẽ “quyết noi gương Mẹ”?
Vâng, nói đến chuyện “bước theo Mẹ”, có lẽ nhiều người trong chúng ta tự hào là “tháng hoa” năm nào mà tôi không có mặt bước-theo-Mẹ vào những buổi rước “kiệu Đức Mẹ”!
Nói đến việc “noi gương Mẹ”, có lẽ không ít người tự hào nói rằng: Ồ! Mẹ chính là “thần tượng” của tôi. “Tượng” Đức Mẹ ư! Chưa chắc nhà nào có tượng Đức Mẹ được trang hoàng lộng lẫy như tượng Đức Mẹ nhà tôi!
Tham dự “kiệu Đức Mẹ” cũng như trang hoàng tượng Đức Mẹ là một truyền thống đẹp. Thế nhưng, sẽ chẳng đẹp gì nếu trong tâm hồn chúng ta không có “thần” như Mẹ đã có. “Thần” Mẹ đã có chính là “Thánh Thần Chúa (đã) ngự xuống trên (Mẹ)” năm xưa.
Bởi vì chỉ khi có ‘’thần’’ như Mẹ đã có, hay nói rõ hơn, chỉ khi chúng ta có Thánh Thần Chúa ngự vào trong tâm hồn. Vâng, chỉ khi đó chúng ta mới có thể “nghe được lời Chúa nói” như xưa kia Đức Maria có “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên bà”, lập tức Mẹ nghe được lời Thiên Chúa qua sứ thần Gáp-ri-en và đáp “xin vâng”.
Chỉ khi chúng ta có Thánh Thần Chúa ngự vào trong tâm hồn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể “đón nhận, tin tưởng và thực thi” Lời Chúa, như xưa kia Đức Maria đã đón nhận, tin tưởng và thực thi Lời Chúa phán truyền qua sứ thần Gáp-ri-en. Xưa, sứ thần Gáp-ri-en đã gõ cửa tâm hồn Đức Maria, Mẹ đã mở cửa tâm hồn mình bằng chiếc chìa khóa “xin vâng”.
Nay, Đức Giê-su, Ngài cũng đang đứng ngay cánh của tâm hồn chúng ta và cất tiếng gọi: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào cửa nhà ấy” (x.Kh 3, 20)
Chưa hết. Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta, như xưa kia Ngài mời gọi người các môn đệ, rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”… Còn nhiều.. nhiều lắm, nếu chúng ta chịu lắng nghe qua những lần tham dự Phụng Vụ Lời Chúa mỗi Chúa Nhật hàng tuần.
Chúng ta sẽ đón nhận, tin tưởng và thực thi Lời Chúa, bằng lời “xin vâng” như Đức Maria xưa kia? Hay chúng ta coi đây như là một nan đề?
Hôm nay, trong một xã hội đầy dẫy mưu ma chước quỷ, đầy dẫy sự cám dỗ xác thịt, tràn ngập tiếng “gõ” của Sa-tan, của thế gian v.v… để đón nhận, tin tưởng và thực thi Lời Chúa, quả đúng là một nan đề đối với chúng ta. Thật là khó để mà đón nhận chứ chưa nói đến việc thực thi Lời Chúa.
Khó ư! Hãy nghe lại lời sứ thần nói: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Vấn đề của chúng ta là tin tưởng và phó thác, như Đức Maria xưa, Mẹ đã tin tưởng và phó thác.
Thế nên, không gì tốt hơn là chúng ta hãy cùng nhau “trông lên Mẹ là gương mẫu của đời ta”. Trông lên Mẹ như là một mẫu mực để chúng ta “dõi bước theo Mẹ”, để chúng ta “quyết noi gương Mẹ” và cuối cùng, để chúng xin Mẹ dạy cho hai tiếng “Xin Vâng”.
Vâng, chúng ta hãy để một phút trong thinh lặng và hãy trông lên Mẹ Maria mà nguyện xin rằng: “Mẹ ơi! Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng”.
Petrus.tran