Cách nay khoảng hơn ba tháng, chính xác là từ ngày 02 đến ngày 06 tháng 03 năm 2015, Hội nghị Giám Mục về tông đồ giáo dân lần X do Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Camilô, Bangkok, Thái Lan, với chủ đề “Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI”. Tham dự Hội nghị có 43 người thuộc 9 quốc gia Châu Á, trong đó có 3 người Việt Nam.
Sau bốn ngày hội nghị, một tuyên bố chung được công bố với nhiều đề mục nói đến tầm quan trọng của người giáo dân trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
Trong đề mục “2.Trải Nghiệm”, ở phần 2.4, tuyên bố chung ghi rằng: “Ngay từ đầu chúng tôi đã điểm lại tầm nhìn mạnh mẽ của Công đồng Vaticanô II được quy định trong những giáo huấn mang tính đột phá căn bản, cách đặc biệt về bản chất của Giáo hội và hoạt động tông đồ giáo dân; chúng tôi tìm hiểu thật cặn kẽ và sâu rộng về ơn gọi giáo dân trong Giáo hội và trên thế giới.
Một lần nữa chúng tôi đã nhận thức ra ‘căn cước’ (identity) của giáo dân bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy trong Chúa Kitô: Thần Khí trao cho giáo dân những đặc ân. Giáo dân được thiết lập là thành phần dân Chúa và là Thân Thể của Đức Kitô. Giáo dân là một bộ phận không thể chuyển nhượng trong một thân thể duy nhất, nhưng đa dạng trong sứ mệnh loan báo Tin mừng Đức Kitô.”(nguồn: www.tgpsaigon.net).
Đúng vậy, lời tuyên bố trên gợi cho ta nhớ đến lời Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ ngay trước khi Ngài về trời, rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bây giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).
Nói tới giáo dân và sứ mệnh loan báo Tin mừng, có lẽ không ít người trong chúng ta lúng túng và tự hỏi: Tôi phải làm gì đây? Tôi phải nói thế nào?
Phải làm gì ư! Phải nói gì ư! Thưa, qua câu chuyện “Đức Giê-su sai nhóm mười hai đi giảng” được ghi lại trong Tin Mừng Mác-cô, chúng ta sẽ được nghe Đức Giê-su, Ngài dạy ta phải nói gì, và sẽ phải làm gì.
Vâng, câu chuyện được kể lại rằng: Sau cuộc trở về làng quê Na-da-rét đầy thất vọng, Đức Giêsu tiếp tục đi các làng chung quang rao giảng Tin Mừng.
Rao giảng Tin Mừng, với Đức Giê-su, đó không phải là chuyện của riêng ai, nó là chuyện của tất cả những ai là môn đệ của Ngài. Người môn đệ không chỉ tin-và-theo-Ngài nhưng còn phải “được sai đi” cũng giống như “chủ gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Hôm đó, Đức Giê-su “gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6, 7).
Nhóm mười hai này, họ chỉ là những tập hợp của nhiều giai cấp khác nhau trong xã hội. Có người làm nghề thu thuế, có người là ngư phủ và chắc chắn, không có ai là người có “trình độ” triết học hay thần học hoặc tốt nghiệp ở một trường truyền giáo nào đó.
Theo lời chỉ dạy của Đức Giê-su, các môn đệ đi đến khắp thôn làng rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối .
Hành trang mà các môn đệ mang theo là gì? Thưa, chẳng có gì hết, không tiền bạc, không lương thực. Duy nhất, có một thứ, đó là: niềm tin và “quyền-trừ-quỷ”, một thứ quyền vượt trên cả quyền của thế gian và được chính Thầy Giê-su ban cho.
Chỉ có thế thôi, thế mà, lần “xuất quân” của các ông, hôm đó, đã để lại nhiều hình ảnh đẹp. Vâng, thật đẹp thay, tại những thôn làng các ông đi qua, người ta đã thấy “Các ông trừ được nhiều quỷ…” Các ông còn “ xức dầu cho nhiều người đau ốm, và chữa họ khỏi bệnh” (x.Mc 6, 13)
Quả đúng như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52, 7)
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho khắp loài thụ tạo”. Vâng, không ai có thể phủ nhận, đây cũng là lời chỉ thị cho mỗi chúng ta hôm nay.
Chúng ta không chịu trách nhiệm gì về việc này, khi mình chưa sinh ra. Nhưng, đã là một Ki-tô hữu, thì, đây là một trọng trách, vì, như lời thánh Phao-lô nói, một Ki-tô hữu chính là “sứ giả thay mặt Đức Ki-tô”, thánh nhân nói tiếp rằng: “như thế chính Thiên Chúa dùng chúng (ta) mà khuyên dạy” (2Cor 5, …20).
Và hôm nay, tuyên bố chung của Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân lần thứ X, có lời mời gọi tín hữu giáo dân, rằng: “Hãy quyết tâm làm biến đổi các lãnh vực trần thế và chăm lo cho công trình tạo dựng. Hãy hỗ trợ các gia đình để các gia đình có thể trở nên nơi ươm mầm cho công cuộc truyền bá Phúc âm và ơn gọi phục vụ Giáo hội. Hãy nhận thức nhiều hơn và hãy sắm lấy vai trò của mình trong sứ mệnh của Giáo hội và trong trần thế”.
Chúng ta sẽ nhận “bài sai” này? Chúng ta sẽ nhận lời làm “sứ giả thay mặt Đức Ki-tô”? Ước gì, mỗi chúng ta sẽ lấy lời tuyên bố của thánh Phao-lô làm câu trả lời cho mình. Vâng, ngài đã tuyên bố: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng”.
Trở lại câu chuyện “Đức Giê-su sai nhóm mười hai đi giảng”. Nếu hôm nay, Đức Giê-su cũng chỉ thị cho chúng ta, như Ngài đã chỉ thị cho các môn đệ xưa, liệu chúng ta có đạt được kết quan khả quan? Liệu chúng ta có trừ được quỷ như các môn đệ xưa?
Thưa, được. Chỉ cần… chỉ cần hành trang của chúng ta có đức tin, đức cậy và nhất là đức mến.
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu… Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”. (x.1Cor 12, 4-7)
Có một hành trang như thế, ai dám phủ nhận ta không trừ được những con quỷ-vênh-vang, quỷ-tự-đắc, quỷ-bất-chính, quỷ-tư-lợi, quỷ-nóng-giận, quỷ-hận-thù, quỷ-gian-ác v.v… Thậm chí có thể trừ được cả quỷ-vô-thần.
Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã làm được như thế. Ngài đã tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả, ngài đã lớn tiếng nói với những kẻ đầy đọa mình, rằng: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.
Cuối cùng là gì? Thưa, một người vô thần đã tin Chúa.
Thưa bạn, một hành trang như thế, có phải là khó kiếm không? Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta. Thế nhưng, là một Ki-tô hữu, chúng ta phải nhớ rằng: “chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi… và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi : Hãy đi…” (Am 7, 15)
Vâng, chính Chúa đã bắt lấy tôi.
Petrus.tran