Nỗi Lòng Mùa Cưới
Tại hầu hết các xứ đạo, cứ qua mùa Giáng Sinh là đến …mùa cưới ! Ừ thì cũng như cơ hội để nối dài niềm vui của mùa cứu độ. Ừ thì cũng là thời gian đẹp nhất trong năm để những mối tình lãng mạn được lên ngôi. Đã qua rồi cái thời kỳ ngặt nghèo sau chiến tranh, dù nhọc nhằn lao khổ vẫn còn đó, nhưng người ta bất chấp cả nghèo đói, thiếu trước hụt sau để tổ chức một tiệc cưới … hoành tráng cho nở mặt nở mày.
Dần dà nó đã trở thành thông lệ. Cách đây chừng 30 năm, tiệc cưới chỉ tỏm tẹm vài mâm với vài chai đế đóng nút lá chuối… cũng đủ để đôi tân hôn ra mắt họ hàng. Còn giờ thì mọi chuyện đã khác lắm. À thời đại a còng mà ! Tiệc cưới xoàng xoàng cũng vài chục mâm dưới hàng rạp che trước nhà, nếu không có chỗ đó thì hoa viên nào đó, hay cao hơn thì nhà hàng với đầy đủ lễ tân rước đón thật… trọng thể.
Tháng rồi tôi được mời đi dự tiệc cưới con của một người thân quen, thiệp mời 18h nhưng mãi đến gần 20h mới vào tiệc. Mà nào có được ăn ngay đâu, tiếp viên đưa ra một đĩa đậu phộng rang và khui bia bốp bốp. Tràn ly, mấy người cùng bàn ngồi mãi nói hết chuyện nên khát nước và chúc sức khoẻ nhau cái đã. Bụng đói, ngồi lâu uống vài ly là ‘no hơi’rồi. Tới khi chàng MC lên khán đài nói vài lời chúc tụng tình yêu, cũng bài bản mà tôi đã hàng chục lần được nghe, và giới thiệu nghi thức khai mạc của gia đình. Giới thiệu từng thành phần nội ngoại, các linh mục chúc mừng, bà con chúc mừng, rồi cả những người quen cũng chúc mừng. Như sợ mình không được vào film nên tôi cũng xin lên chúc mừng. Khi mời linh mục lên ‘ban phép của ăn’ cũng mất ít phút, đến khi cầm đũa thì thức ăn đã nguội ngắt, và bụng thì … đầy nước đá !!
Có mấy người Việt kiều tỏ ra không hiểu chuyện lắm nên nói quý vị lãng phí quá. Chúng ta thử làm một con toán, với buổi tiệc khoảng 300 người, trễ mất hai tiếng thì chúng ta đã mất đi 600 giờ, mà thời gian là tiền bạc, nếu tính chi ly thì chúng ta đã lãng phí bao nhiêu? Rồi tới phần ca nhạc sau phần giới thiệu ban nhạc sống chơi hết công suất. Ca sĩ thì cứ hát, thực khách thì phải “hét” lên để tâm sự với nhau, chưa kể thực khách thì cứ dô dô. Có mấy vị lớn tuổi cứ phải bịt tai để khỏi bị nhức óc, thật tội nghiệp !
Đám tiệc nào cũng gần như nhau từ nghi thức, trang trí, ca hát, đồ ăn, thức uống thì dư thừa, thực đơn hàng chục món, nhưng mới ăn đến món thứ tư là đã ứ hự. Rồi đến cuối tiệc, những người thân quen dọn dẹp thấy dư, uổng phí lại chia nhau mang về nhưng khi mang về cũng phải đổ bỏ thôi ! Còn thức uống cũng vậy, không uống được thì để đó, đừng khui ra, tiền cả đấy, chứ bia rượu rót ra đầy bàn rồi bỏ đi ! Khi có dịp đi thăm họ hàng ở ngoài nuớc, so sánh với ta thì quả thật, dân mình còn chơi sang hơn cả những nước giàu có, đặc biệt là trong lãnh vực … ăn nhậu ! Tôi chợt nhớ có người đã nói : cái tự do mà người ngày nay hiểu được không phải là công lý hay các tự do khác của tinh thần, mà đơn thuần chỉ là ăn no mặc ấm, giống kiểu nói của Phaolo “chúa của họ là cái bụng”.
Tiệc tùng cứ thi nhau tổ chức : hết mừng thọ đến kỷ niệm thụ phong, quan thầy, ngày cưới, tân gia, giỗ chạp, sau buổi họp cũng “mừng họp mặt”. Nhiều người thì mướn hội trường, ít thì tại gia, tổ chức ở đâu cũng ăn uống linh đình. Tiệc tùng cứ thi nhau tổ chức, tiệc sau đông vui và xôm tụ hơn tiệc trước. Cứ mỗi lần đi dự tiệc là giảm thọ thêm một chút do thiếu điều độ và tim mạch rối loạn. Có nhiều người làm khổ mình chưa đủ, lại còn làm khổ người khác như hát karaoke không đúng nhạc điệu, say xỉn nói năng mất lịch sự, ói mửa !
Lâu nay, hầu hết chúng ta đều nghĩ dân Việt mình giỏi mà chưa giàu là vì quản lý kém, điều này không sai nhưng chỉ đúng một nửa, nhưng phần còn lại do mình tự làm nghèo mình bằng ý thức và vô thức. Từ thói quen xài giờ dây thung, đến chuyện ganh tỵ, lấn đường giành chỗ nhất, tranh chức, giành tiếng, quán nhậu ở khắp nơi, giờ nào cũng có khách. Ngay sáng sớm đã “một xị với lòng heo tiết canh”, trên lãnh vực giao thông thì xe lớn ép xe nhỏ, vượt đèn đỏ, chạy lấn đường, gây tai nạn làm hư hại phương tiện, gây tàn phế cho dân mình, rồi cố tật ở đâu cũng xả rác, rác nhỏ làm mất vệ sinh, vẻ đẹp, rác lớn làm tắc cống rãnh, giòng sông. Câu ‘thời giờ là vàng bạc’ xem ra lỗi thời và phi nghĩa khi tiêu hao bao nhiêu thời gian, tiền bạc của chung lãng phí, rồi cũng từ cố tật ích kỷ mà xảy ra bao chuyện, như ăn cắp vặt từ của cải, thời gian đến chất xám, gây ra bao vụ đánh, cãi nhau, kiện tụng ra tòa.
Chúng ta đang ở trong những ngày cuối năm, mùa cưới tưng bừng và tết nhất đến nơi. Tết, dĩ nhiên là có nhiều tiệc tùng, họp mặt. Khi ăn uống, chúng ta hãy nghĩ đến những người khác. Dân Việt nam hiện nay cũng còn hàng triệu người vẫn không đủ ăn mặc, hàng chục ngàn các em đang ở tuổi đến trường phải bỏ học hay vừa học vừa phải vất vả kiếm tiền xu mà ‘lót dạ’. Trên thế giới hiện vẫn có gần một tỷ trên trên sáu tỷ người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước uống, bệnh tật, mà chỉ cần tiết kiệm một đô la thôi thì ba em bé có nước sạch để uống (nguồn của Unicef).
Riêng về Giáo hội Công giáo, chẳng phải vô tình mà mẹ giáo hội dành bốn tuần lễ mùa Vọng để cho con cái mình “dọn đường cho ngay thẳng, chỗ gồ ghề hãy san cho phẳng” để đón mừng Nguồn sáng, ơn cứu độ của muôn dân. Chúng ta phải dọn sạch, vứt bỏ những tỵ hiềm, bất công, bằng những cử chỉ yêu thương, việc làm bác ái, chia sẻ những khổ đau, biếu tặng cả vật chất, cho anh em túng thiếu hơn để chuẩn bị đón mừng và cộng tác vào nguồn ơn cứu độ. “Chúa sinh ra con, không cần có con. Nhưng muốn cứu độ con, Ngài lại cần có con” (thánh Augustino).
Việc chay tịnh trong Kitô giáo không chỉ nhằm mục đích ‘kiêng ăn’ mà còn có nghĩa tích cực hơn là ‘sự chia sẻ vật chất’. Có nhiều người hàng ngày nói những lời đạo đức nhưng cuộc sống lại khác hẳn để sinh ra những hiểu lầm, nghi kỵ ! Ai cũng biết lời nói phải đi đôi với việc làm và “những lời nói vô ích sẽ bị phán xét.” Hãy cẩn thận, vì những vật chất chúng ta đang có là do Chúa ban, nếu chúng ta phung phí và không làm lãi ra, chắc chắn sẽ bị phán xét (dụ ngôn những nén bạc) và nếu chúng ta không giúp những người cần đến chúng ta, thì không được chúc phúc mà còn bị luận phạt, vì “những gì các con làm cho những kẻ bé mọn nhất là làm cho chính ta,” và “hỡi những người được chúc phúc hãy vào nước của cha Ta, vì khi Ta đói các người đã cho ta ăn, Ta khát các ngươi cho ta uống.” Những câu như : “luôn có những người cần đến chúng ta và không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho ngươì khác, chẳng lẽ chúng ta nghèo không có nụ cười để cho đi”, khiến chúng ta phải suy nghĩ .
Câu hỏi là : chúng ta thông minh, đất nước đầy tài nguyên, người dân chịu khó, cần cù làm việc nhưng vẫn chưa thật giàu, dân trí vẫn chưa cao, tham nhũng tràn lan, xã hội nhiều bất công, tệ nạn đầy dẫy…
Đặt ra câu hỏi có nghĩa là chúng ta đã tự trả lời !
Bs. Trần Minh Trinh