11. Bức họa cuộc tử đạo
của ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh và thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự,
ngày 10-07-1840 tại Quảng Bình
Kim Ân
Bức họa cao 1,710 m, rộng 0,947 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo và có nhiều điểm tương đồng về cách sử dụng mầu sắc, bố cục, hình họa so với những bức họa tả cuộc tử đạo của cha Phêrô Lê Tùy, cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, cuộc vây bắt Đức cha Borie Cao và một số bức họa khác. Chúng tôi tạm chia bố cục bức họa làm hai phần: giải ra pháp trường – cuộc hành quyết.
Giải ra pháp trường : Nửa trên của bức họa là hình ảnh một góc của tòa thành có kì đài cao. Ở góc trái, gần chân kì đài có chữ “Quảng Bình tỉnh”. Trên cổng ở góc trái có chữ “chính tây”. Phía trên cùng là một khúc sông với khá nhiều thuyền lớn nhỏ [55]. Góc phải của bức họa có hai chữ “đại giang”. Tại ngôi nhà gần cổng “chính tây” có chữ “ngục thất”. Một đoàn quân mang gươm giáo trên vai, có hai vị quan cưỡi ngựa chỉ huy, đang áp giải hai chứng nhân của Chúa đi từ ngục thất, qua cổng thành. Hai chứng nhân vai đeo gông, có một tên lính vác phiến gỗ ghi bản án đi phía trước.
Ông trùm Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (tức ông lang Năm) đi trước, phía sau ông, người con trai cầm nón che đỡ cho cha cái nắng dữ dội của mùa hè [56]. Phía bên trên đầu ông trùm Năm có hai chữ “lang Năm”. Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự đi phía sau và cũng đeo gông. Phía bên trên đầu thầy có hai chữ “Văn Tự”. Ở đầu đoàn người có dòng chữ “tống chí luận hình”. Con đường đoàn người đang đi dẫn tới một cổng lớn với chữ “Quảng Bình quan”. Trên các chòi canh ở dọc theo tường thành hai bên cổng có những khẩu thần công.
Cuộc hành quyết : Khung cảnh hành quyết được vẽ khá sinh động. Một đội quân cầm giáo đứng vây quanh pháp trường. Hai viên quan mặc áo xanh ngồi trên lưng ngựa chủ trì cuộc hành quyết. Ở phía trên đầu viên quan đang cầm loa, có lọng che, là chữ “giám sát quan”. Phía trên đầu viên quan kia là chữ “thị sát”. Dân chúng với y phục và tư thế đa dạng đến xem khá đông.
Ở giữa pháp trường, hai chứng nhân nằm trên những manh chiếu. Hai bộ gông bị ném chỏng chơ gần nơi hành quyết. Phiến gỗ luận tội cũng cắm liền đó. Tay các tử tội bị buộc chặt vào cọc cắm xuống đất. Hai chân của các tử tội bị trói và cũng bị buộc vào một cây cọc đóng xuống đất. Một sợi dây tròng qua cổ ông trùm Năm, mỗi đầu sợi dây là ba tên lính đang ra sức kéo. Ngồi sát nơi ông trùm Năm chịu hành hình có bẩy người phụ nữ, là những người con gái và con dâu của ông. Phía sau họ là hai người con trai của ông trùm Năm đang đứng. Về phần thầy Tự, ba tên lính phía tay phải đã buông dây, chiếc cọc ghim tay phải thầy xuống đất cũng đã bị bung lên. Ba tên lính kéo dây phía tay trái đang chỉ trỏ về phía thầy. Máu trào ra từ mồm và mũi thầy [57].
——
[55] Cuốn sđd, trang 261-262 cho biết rằng khi cuộc bách hại nổ ra dữ dội vào năm 1838, dưới thời Minh Mạng, ông Antôn Năm đã mua một chiếc thuyền và sống trên đó.
[56] Cuốn sđd, trang 267 kể rằng các chứng nhân bị điệu ra pháp trường lúc giữa trưa.
[57] Cuốn sđd, trang 16 cho biết thêm rằng thầy Tự đã chịu cơn hấp hối dai dẳng và đau đớn. Những tên đao phủ cứ kéo rồi lại buông dây nhiều lần cho đến khi thầy trút hơi thở. Cũng vì thế mà máu trào ra từ mũi và miệng thầy.