Yêu những điều không hoàn hảo

“Namaste” – “điều thiêng liêng bên trong tôi xin được cúi đầu chào điều thiêng liêng bên trong bạn.” – Bản thân của mỗi người chúng ta đã là sự tồn tại vĩ đại và thiêng liêng hơn chúng ta nghĩ, rất nhiều. (Trích “Yêu những điều không hoàn hảo” – Đại Đức Hae Min) 

Yêu những điều không hoàn hảo

Trong những cuộc thi hoa hậu hay người mẫu hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những tiêu chuẩn cụ thể cho những thí sinh tham dự như chiều cao, số đo 3 vòng, cân nặng, khuôn mặt, v.v. Nói chung là vóc dáng phải “chuẩn” mẫu, “chuẩn” hoa hậu thì mới có thể tham gia và đạt được kết quả cao. Những tiêu chuẩn như vậy thực sự tốt vì nó nói lên mong muốn của con người để đạt tới cái đẹp hoàn hảo. Sẽ không là vấn đề gì nếu chúng chỉ đơn thuần phục vụ cho việc tìm ra cái đẹp đích thực.

Thế nhưng, nhiều người lại lạm dụng chúng như một phương thức để loại trừ hoặc nâng mình lên trên người khác. Bên cạnh đó, có một số người vì muốn nổi tiếng nên đã dùng đủ mọi chiêu trò để gây sự chú ý cho người khác. Đã từng có một số người ăn mặc lồng lộn với những trang phục kỳ dị nhằm gây sự chú ý của truyền thông trên thảm đỏ của một số sự kiện lớn. Điều họ quan tâm chỉ là sự nổi tiếng dù là bằng cách nào. Qua đó, chúng ta thấy nếu chỉ đơn thuần là những tiêu chuẩn hay sự nổi tiếng thì nó chẳng mang lại giá trị thật cho con người.

Vậy mà nhiều người lại cố chạy theo những tiêu chuẩn hay thị hiếu của xã hội. Họ không quan trọng bản thân mình thế nào, cái họ cần là vẻ hào nhoáng bên ngoài của sự nổi tiếng hay sự công nhận từ người khác. Đó là một thực trạng mà xã hội của chúng ta đang mắc phải. Điều này thực sự đáng để suy ngẫm bởi vì dần dà con người chuộng hình thức bên ngoài hơn là đào sâu giá trị và ý nghĩa bên trong.

Lý do thực sự cũng dễ hiểu thôi bởi vì bên trong mỗi người đều tồn tại một khát vọng được công nhận. Chúng ta đều muốn mình giỏi giang, xinh đẹp và được nhiều người yêu mến. Do đó chúng ta mong muốn thể hiện bản thân mình với những gì tốt nhất và hoàn hảo nhất. Trong tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu thể hiện bản thân nằm ở mức độ cao nhất. Điều này có nghĩa là ai cũng ước muốn bản thân mình ở một trạng thái hay phiên bản hoàn thiện nhất. Với nhu cầu này, con người tự nhận thức về mình, về những thế mạnh và hạn chế của bản thân để tập trung phát triển và phát huy hết mọi tiềm năng của mình. Tuy vậy, nhiều người lại không nhận định đúng đắn để rồi chỉ tìm những hào nhoáng bề ngoài.

Những sự thể hiện bề ngoài đó không thể nào mang lại giá trị thực sự cho chúng ta. Giống như việc chúng ta xây nhà mà không làm móng thật kĩ, sớm hay muộn thì nhà cũng sẽ nứt và sụp đổ. Trong giới nghệ sĩ, chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều người nổi tiếng sau một thời gian thành công lại mắc phải sai lầm để rồi đánh đổ cả sự nghiệp. Nếu chỉ chạy theo tiền bạc và sự nổi tiếng không mà thôi thì rất khó để làm nghề bền vững được. Còn những ai làm nghề bằng cái tâm thực sự thì dù có phong ba bão táp thế nào họ vẫn kiên trì đến cùng. Dù đôi lúc họ cũng có những vấp ngã và sai lầm nhưng hơn hết họ biết nhìn nhận, biết học hỏi và khắt phục chúng. Để rồi với sự chân thành, người khác sẽ nhận ra và công nhận cho những nỗ lực của họ.

Qua đó, chúng ta có thể thấy dù là nghề nghiệp nào chúng ta cũng cần bồi dưỡng con người mình từ bên trong, tức là từ tâm. Sự công nhận hay sự nổi tiếng ắt sẽ đến nếu chúng ta phấn đấu hết mình cho việc mình làm. Không bao giờ là muộn để bắt đầu lại, chỉ muộn khi chúng ta không dám bắt đầu. Hơn nữa, thay vì làm thẩm phán để lên án người khác, chúng ta hãy cảm thông để biết rằng ai cũng có giới hạn. Trên hết là biết nhận ra giới hạn để khắc phục và thăng tiến hơn từng ngày.

Thế nhưng, để biết và dám thừa nhận rằng mình giới hạn, yếu đuối hạn và cũng có lỗi lầm là không dễ. Dẫu chúng ta có biết điều đó nhưng dám để người khác biết mới là điều khó khăn bởi vì chúng ta vốn đeo cho mình nhiều chiếc mặt nạ xinh đẹp để “show” ra cho thế giới thấy con người của mình hoàn hảo thế nào. “Tốt khoe xấu che” là vậy. Có một rào cản của lòng tự tôn ngăn cản chúng ta thổ lộ những yếu đuối của mình. Làm sao chúng ta dám tin tưởng để cho người khác hiểu về mình vì sợ rằng một khi họ biết họ sẽ đồn đại cho người khác. Chúng ta còn mặt mũi nào nhìn người khác nữa. Hình ảnh chúng ta gầy dựng bấy lâu nay còn đâu nữa. Chính nỗi sợ đó kìm hãm chúng ta mở lòng cho người khác. Trong thực tế, có nhiều người đánh mất cả sự nghiệp khi bị phơi bày những tội lỗi hay thiếu sót nào đó. Chính sự mất lòng tin trong xã hội này đã cản trở chúng ta làm điều này. Nghĩ cũng đúng thôi, trong một xã hội mà ranh giới của đúng và sai thật mong manh thì làm sao chúng ta có đủ tin tưởng người đối diện với mình được.

Mặc dù vậy, chẳng lẽ chúng ta cứ mãi đeo mặt nạ hay sao? Có lẽ điều quan trọng nằm ở nội tâm mỗi người. Ngay cả chính chúng ta còn không đón nhận được con người thật của mình thì làm sao người khác có thể làm được. Nhiều khi chúng ta không dám nhìn vào bên trong để thấy mình cũng có những thiếu sót như bao người. Chúng ta lảng tránh thực tế đó để rồi ôm ảo mộng về một phiên bản hoàn hảo của chính mình. Khi nhìn thấy lỗi lầm của người khác, chúng ta phê phán và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ như vậy đâu. Chính chúng ta trở thành “kẻ ngoại cuộc” trong chính nội tâm của mình. Chúng ta không dám nghĩ rằng mình nhỏ bé, mình không là gì trong thế giới này cả. Thay vào đó, chúng ta vẽ nên một con người vĩ đại với vẻ ngoài khác xa những gì chúng-ta-là và chúng-ta-có.

Do đó, mỗi người cần và rất cần nuôi dưỡng con người bên trong của mình. Thomas Merton từng nói một ý rất hay trong tác phẩm The Sign of Jonas rằng: “Để trở nên nhỏ bé, không là gì cả, để vui mừng trong những điều không hoàn hảo, để hân hoan vì bạn không đáng được chú ý, và rằng bạn không là gì cả trong vũ trụ này thực sự là một sự giải phóng. Đó là cách duy nhất dẫn bạn đến sự thinh lặng thật.” Nói như vậy không phải để hạ thấp chính mình hay chối bỏ thực tế. Đúng hơn đó là một thái độ của một người khiêm nhường thật sự. Họ khiêm nhường vì họ biết mình thế nào. Họ biết họ là ai với tất cả sự không hoàn hảo và họ không tìm kiếm sự công nhận hão huyền nào cả. Điều họ sống chính là sống với đúng những gì họ có và vui mừng vì điều đó. Những người sống với thái độ khiêm nhường như thế không còn lệ thuộc vào thế giới bên ngoài nữa. Chính thế giới nội tâm quyết định lối sống và hành vi của họ.

Quả thật, để có thể đạt được sự thinh lặng nội tâm trong thế giới hiện nay quả thực rất khó. Chúng ta bị kìm kẹp giữa những tiếng ồn bên ngoài lẫn những ồn ào nội tâm. Trong thế bị kìm kẹp đó, nếu chúng ta không vững mạnh đủ chúng ta sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của danh-lợi-thú. Vì thế, hãy chọn cho mình một thái độ đúng đắn. Hãy yêu những điều không hoàn hảo vì chính mình, người khác và thế giới này cũng không hoàn hảo. Hãy dành nhiều thời gian để nói chuyện với chính mình, để hiểu mình hơn và đặc biệt là hòa giải được những bất ổn trong chính nội tâm của mình. Con người chỉ có thể thăng tiến được nếu cởi bỏ được những ràng buộc của sự sợ hãi không được công nhận. Hãy cố gắng lột bỏ những mặt nạ mà mang lấy sự chân thành.

Từ chính thái độ đó, chúng ta có được sự can đảm và niềm vui để trở nên nhỏ bé. Thay vì tìm sự nổi tiếng thì chúng ta sẽ tìm những giây phút an yên bên người thân. Chúng ta sẽ yêu biết mấy những điều nhỏ bé trong gia đình mình. Chỉ cần một chút chân thành với nhau, một chút chia sẻ, một chút cảm thông là đủ để lan tỏa hơi ấm của tình thân. Người xưa nói đúng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là vậy. Người phụ nữ với đức tính nhẫn nại và âm thầm chính là người giữ lửa cho gia đình. Họ chấp nhận nhỏ bé, làm những công việc nhỏ bé, chăm lo từng bữa cơm, quần áo, giấc ngủ cho từng thành viên trong gia đình. Chính những việc không tên đó lại mang lại niềm vui vô cùng cho gia đình của họ.

Trong cộng đoàn dòng tu cũng vậy, tôi thực sự rất khâm phục những anh em âm thầm làm những cộng việc nhỏ bé của cộng đoàn. Tôi nhận thấy nơi họ một niềm vui của việc phục vụ. Họ không cần ai biết cũng chẳng cần ai khen, niềm vui của họ là thấy anh em khác tận hưởng thành quả của việc mình làm. Cộng đoàn sẽ thiếu hơi ấm của tình huynh đệ nếu ai cũng chỉ biết lo cho bản thân mình mà quên đi trách nhiệm chung. Luôn có những công việc không tên nhưng quan trọng là mỗi người cần nhạy cảm để nhận ra và sẵn sàng dấn thân làm việc. Nhà không chỉ là nơi để ở, nhà còn là nơi để từng người góp chút hơi ấm của tình thân và tinh thần phục vụ.

Chính vì lẽ đó, mỗi người được mời gọi để qua một bên mọi tiêu chuẩn để nhìn thế giới với con mắt của tình yêu. Mọi thứ mà con người đặt ra chỉ là phương tiện để giúp thế giới này tốt hơn. Nếu chúng không giúp chúng ta trở nên gần nhau hơn thì tốt hơn hết hãy để qua một bên. Không ai là hoàn hảo cả, bạn, tôi hay mọi người. Yêu những điều không hoàn hảo chính là thái độ hoàn hảo nhất rồi. Đừng buông đời mình theo những tiêu chuẩn của người khác. Đừng sợ thất bại! Hãy can đảm làm mọi sự, dù cho có thất bại thì cũng là một bài học lớn cho chúng ta. Chúng ta sẽ là chính mình chỉ khi chúng ta sống với trọn những gì không hoàn hảo nơi con người mình. Đại Đức Hae Min từng nói: “Không phải chỉ khi làm tốt điều mà thế gian đòi hỏi bạn mới là người có giá trị, mà chỉ cần bạn tồn tại thôi, điều đó cũng đủ khiến bạn quan trọng và đáng được yêu thương rồi.” Bởi thế, hãy yêu những điều không hoàn hảo vì nhờ đó mà chúng ta sẽ trở nên bao dung, khiêm nhường và nhẫn nại hơn với cuộc đời.

Nguồn: giaophanvinhlong.net